Nhà văn được Giải Nobel: Càng bắt rễ sâu vào tâm hồn dân tộc thì càng tỏa ngát hương nhân loại

0
766

Một đặc điểm nổi bật nữa của các nhà văn được Giải Nobel là sự gắn bó cực kì mật thiết của họ với một vùng đất dù to dù nhỏ, từ một miền quê đến một châu lục.

Sự gắn bó ấy có thể toàn diện hay chỉ là một vài mặt nào đó. Bởi lẽ, một biện chứng đơn giản: càng đi vào chiều sâu bao nhiêu thì càng bắt gặp sự rộng lớn bấy nhiêu. Càng bắt rễ sâu vào tâm hồn dân tộc thì càng tỏa ngát hương nhân loại. Các nhà văn được Giải Nobel là những minh chứng tuyệt vời cho điều đó.

Isaac Singer

Isaac Singer, Nhà văn được giải Nobel 1978

Nhà văn Mĩ người Do Thái gốc Ba Lan Isaac Singer, Giải Nobel 1978, chuyên viết bằng tiếng Yiddish, ngôn ngữ nói của người Do Thái ở Đức và Đông Âu, nhưng tác phẩm của ông được dịch trên toàn thế giới.

Khi nhận Giải Nobel, ông xúc động nói rằng việc Viện Hàn lâm Thụy Điển đem lại cho ông vinh quang mà có lẽ mọi nhà văn trên hành tinh đều ao ước là “sự thừa nhận đối với ngôn ngữ Yiddish, thứ ngôn ngữ của lưu đày, không đất đai, không biên thùy, không chính quyền nào ủng hộ, một ngôn ngữ không có từ nào để nói về vũ khí, vũ trang, tập quân sự, thuật chiến tranh, cái ngôn ngữ bị khinh rẻ bởi cả những người không phải Do Thái lẫn những người Do Thái đã thoát khỏi gông xiềng(1).

Octavio Paz

Octavio Paz, Nhà văn được giải Nobel 1990

Nhà văn Mexico Octavio Paz, Giải Nobel 1990, nhất định phải tìm hiểu rất kĩ lịch sử của người da đỏ mới viết chính xác đến vậy trong tập tiểu luận Mê cung của nỗi cô đơn (1950), dù ông là trí thức, nhà ngoại giao, giáo sư, ở vị trí quá cao xa so với các thổ dân Châu Mĩ: “Sau một trăm năm đấu tranh, nhân dân (da đỏ) bị đẩy vào tình trạng càng cô độc hơn bao giờ hết, với một đời sống tôn giáo bị làm nghèo nàn đi và một nền văn hóa tộc người bị lăng nhục. Chúng ta đã mất mối quan hệ nguồn gốc của mình“.

Giorgos Séféris

Thành đạt về nghề nghiệp và văn chương, nhà thơ Hi Lạp Giorgos Séféris được các thành viên Ban giám khảo Nobel năm 1963 cho là nhà văn kiệt xuất nhất của thế hệ những năm 1930 và quyết định trao giải cho ông vì những tác phẩm trữ tình xuất sắc ca ngợi sức sống của dân tộc Ioniens.

Giorgos Séféris

Từ sự nghiệp văn học phong phú được đánh giá rất cao của ông toát ra ba tình yêu vĩ đại: đối với thơ, đối với Tổ quốc Hi Lạp và đối với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đồng bào của ông truyền tụng qua nhiều thế hệ câu nói ông thốt ra như một chân lí: “Dù tôi đi đâu về đâu, Hi Lạp vẫn là một vết thương lòng“. Người ta cũng không quên nhiều câu thơ khác như: “Đối với tôi, Hi Lạp có nghĩa là nhân văn. Nếu Hi Lạp biến mất, con người cũng biến mất theo“.

Ông trải qua vô vàn cảm xúc cao sang ở hầu mọi thành phố lớn trên toàn cầu với tư cách một nhà ngoại giao, ông hiểu rằng mình được biết đến nhiều với tư cách một nhân vật và một vinh quang Hi Lạp, nhưng trong Diễn từ Nobel, ông nhấn mạnh: “Đối với tôi, điều quan trọng là người Thụy Điển đã quyết định trao giải thưởng cho một nhà thơ dù người đó là đại biểu cho một dân tộc ít người“. Dân tộc này là tổ tiên ông và rất có thể cũng là của Homer, tương truyền cũng sinh ra ở Ionie.

Derek Walcott

nhà văn được Giải Nobel
Derek Walcott,

Giải Nobel 1992, nhà thơ và nhà viết kịch Derek Walcott, là một trường hợp đáng suy ngẫm. Ông sinh ở Castries, quốc đảo Saint – Lucia (616 km2, 143.000 dân) thuộc quần đảo Antilles. Mồ côi cha sớm, nhà rất nghèo, ông đi học được là nhờ bà mẹ cật lực làm lụng. Yêu văn học, ông kết hợp truyền thống cổ điển với nhiều yếu tố của văn học dân gian trong những tác phẩm kịch và thơ thử sức đầu tiên.

Sự kết hợp tài tình ấy tạo nên bản sắc của văn chương ông. Bản sắc này còn xuất phát từ một khám phá chính xác của ông. Đó là ông quan niệm quần đảo Antilles như một thế giới thu nhỏ các dân tộc và chủng tộc. Những đóng góp của các dân tộc và chủng tộc vào cộng đồng chung hun đúc nên tâm thức của tất cả những người ra đời trong lịch sử thuộc địa của cộng đồng đó. Tâm thức ấy là chiến thắng của nhân dân Antilles vậy. Sáng tác nhiều kịch, ông lừng danh thế giới nhờ chủ yếu vào thơ. Đương nhiên, những vần điệu theo kiểu cổ điển của ông không hề cũ, mà thật sự hút hồn vì toát ra chất Antilles duy nhất.

Nguồn: TTVHNN Đông Tây

(1) Theo bản dịch của Phạm Toàn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây