Dưới đây Việt Trí xin trân trọng gửi đến quý độc giả danh sách nhà văn Việt Nam và thế giới sinh vào tháng 9.
- Những nhà văn nổi tiếng của Việt Nam và thế giới
- Những nhà văn Việt Nam và thế giới sinh tháng 8
- Những nhà văn Việt Nam và thế giới sinh tháng 7
Nhà văn Việt Nam
HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG (1226? – 03.9 (20.8 âm).1300): Tên thật là Trần Quốc Tuấn, danh tướng trong lịch sử Việt Nam, nhà văn chính luận với áng Hịch tướng sĩ bất hủ, quê ở phủ Thiên Trường (nay là tỉnh Nam Định. Ông cũng là tác giả bộ Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư (đã thất lạc).
TRẦN MẠNH (04.9.1300 – 10.3.1357): Nhà thơ, vua thứ 5 nhà Trần, miếu hiệu là Minh Tông, sinh tại Thăng Long, quê phủ Thiên Trường, Nam Định. Ông ở ngôi 15 năm, làm Thái thượng hoàng 28 năm. Tác phẩm: Minh Tông thi tập, bị thất lạc nhiều, nay chỉ còn lại khoảng 25 bài, được chép trong Việt âm thi tập.
TRẦN TẾ XƯƠNG (10.8.1870 – 29.01.1907): Tên khai sinh là Trần Duy Uyên, sau đổi thành Trần Cao Xương, rồi Trần Tế Xương, nhà thơ trào phúng xuất sắc, nổi tiếng với tên gọi Tú Xương, quê ở làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Thơ ông in rải rác trên các báo, sau này được tập hợp trong Thơ Trần Tế Xương.
BẰNG GIANG (03.9.1922 – 07.9.2000): Tên thật là Nguyễn Văn Hoà, nhà nghiên cứu văn học, quê huyện Châu Thành, Mỹ Tho, nay thuộc tỉnh Tiền Giang. Các tác phẩm: Từ thơ mới tới thơ tự do; Mảnh vụn Văn học sử; Văn học quốc ngữ Nam Kì 1865 – 1930; Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký; Tiếng Việt phong phú…
VŨ QUẦN PHƯƠNG (08.9.1940): Tên thật là Vũ Ngọc Chúc, nhà thơ, quê Hải Hậu, Nam Định. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Tác phẩm: các tập thơ: Hoa trong cây, Những điều cùng đến; Vết thời gian; Quên chữ quên câu; Giấy mênh mông trắng; phê bình: Thơ với lời bình; Đọc thơ Hương Tích v.v…
VĂN THẢO NGUYÊN (09.9.1930): Nhà thơ, sinh tại Hải Phòng, quê gốc Chương Mĩ, Hà Tây. Tác phẩm: Đường lên bản Muốn, Dáng người hôm nay, Hai mươi năm điệu múa xoè hoa, Con đê làng, Đêm tháng năm, nhiều kịch bản phim truyện.
NGUYỄN AN NINH (15.9.1900 – 14.8.1943): Nhà văn, nhà báo, quê huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc TP. Hồ Chí Minh), ông đỗ Cử nhân Luật tại Pháp lúc mới 21 tuổi, biết báo cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Ông bị Pháp bắt tất cả 5 lần, bị hành hạ chết trong tù năm 1943. Tác phẩm: Tôn giáo; Trưng nữ vương; Triết học Niezsche; Dân ước.
LÝ VĂN SÂM (17.02.1921 – 14.9.2000): Nhà văn, quê Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Tác phẩm: truyện ngắn: Sương gió biên thuỳ; Sau dãy Trường Sơn; Ngoài mưa lạnh; Bến xuân; Những bức chân dung; Mây trôi về Bắc; truyện vừa: Mười năm hận sử; Tiểu thuyết Lý Văn Sâm.
NGUYỄN DU (03.01.1766-(1765?) (16?)18.9.1820): Nhà thơ. Năm 1965, ông được UNESCO tôn vinh là Danh nhân Văn hóa thế giới. Tác phẩm chữ Nôm và chữ Hán Truyện Kiều; Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu; Văn tế thập loại chúng sinh; Thanh Hiên thi tập; Bắc hành tạp lục….
TRẦN THÁNH TÔNG (25.9.1240 – ?.6.1290): Tên thật là Trần Hoảng, làm vua 21 năm, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông. Tác phẩm: Cơ cừu lục; Di hậu lục; Hoàng tông ngọc điệp; Trần Thánh – tông thi tập.
NGUYỄN DẬU (25.9.1930 – 24.7.2002): Tên thật là Trương Mẫn Song, nhà văn, quê Hải Phòng. Tác phẩm: tiểu thuyết: Nữ du kích Cam Lộ; Đôi bờ; Mở hầm; Vòm trời Tĩnh Túc; Nàng Kiều Như; Nhọc nhằn sông Luộc; Xanh vàng trắng đỏ đen; truyện ngắn: Ánh đèn trong lò; Con thú bị ruồng bỏ; tập truyện: Huệ Ngọc; Hương khói lòng ai; Chó sói gửi chân…
HOÀNG QUẢNG UYÊN (27.9.1950): Tên thật là Hoàng Dương Quý, nhà văn, dân tộc Nùng, quê Quảng Uyên, Cao Bằng. Tác phẩm: Kim Đồng (truyện vừa); Buồn vui (tập kí); Một mình trong cõi thơ (tiểu luận); Tiếng vọng non ngàn.
HOÀNG TRINH (28.9.1920): Tên thật Hồ Tôn Trinh, nhà lí luận phê bình văn học, quê Thạch Hà, Hà Tĩnh. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Tác phẩm: có 14 công trình nghiên cứu, lí luận phê bình, tiêu biểu là Thân phận con người; Tiểu thuyết và thời gian; Đối thoại văn học; Từ kí hiệu học đến thi pháp học.
Nhà văn thế giới
ANNA BRODELE (03(16).9.1910 – 29.9.1981): Nữ nhà văn Latvia. Tác phẩm: tập thơ Tổ quốc tự do; tập truyện ngắn Những người mạnh mẽ; kịch: Mùa xuân trong làng Retrnoe; Thầy giáo Straume; tiểu thuyết Tháng ba; Thị trấn lặng lẽ; Bằng máu của trái tim; Chung thuỷ, Chú sẻ xanh; Đó là thời đại tôi.
FRANÇOIS MAURIAC (11.10.1885 – 01.9.1970): Nhà văn Pháp, Giải Nobel văn học (1952). Tác phẩm: các tập thơ: Chắp tay; Giông tố; Máu Atys; tiểu thuyết: Đứa trẻ bị xiềng xích; Nụ hôn người hủi; Hoang mạc của tình yêu; Thérèse Desqueyroux; Các thiên thần đen… Ông còn viết kịch, các công trình nghiên cứu văn học và nhật kí.
VASILI LVOVITR PUSKIN (В. Л. ПУШКИН, 8.5.1766 – 01.9.1830): Nhà thơ Nga, chú của thi hào A.S. Puskin. Ông viết nhiều thơ đề tặng, tiêu biểu như Gửi Jukovski; Gửi Daskov. Tác phẩm khác: trường ca Gã hàng xóm nguy hiểm; Đại uý Khrabrov; văn xuôi: Những nhận xét về con người và xã hội.
ALECSANDR IVANOVITR KUPRIN (А. И. КУПРИН, 26.8.1870 – 25.8.1938): Nhà văn Nga, thế giới nghệ thuật của ông đầy hình ảnh, màu sắc, kịch tính và các mặt đối lập, gắn bó hữu cơ với cốt cách tinh thần Nga. Các tác phẩm: Những tiểu phẩm; Những truyện ngắn đầm rừng; Moloch; Olesia; Tại chỗ rẽ; Trận thách đấu; Cái hố; Sulamif; Chiếc vòng thạch lựu; Janeta… Tác phẩm của ông được dịch nhiều ra tiếng Việt.
FREDERIC MISTRAL (08.9.1830 – 25.3.1914): Nhà thơ Provence (Pháp), Giải Nobel văn học năm 1904 (cùng với nhà viết kịch Tây Ban Nha J. Echegaray). Tác phẩm: trường ca: Miréio; Calendau; Trường ca sông Rhone, tập thơ: Những hòn đảo vàng; Nerto; Mùa thu hoạch oliu; kịch: Nữ hoàng Jano…
FIODOR IVANOVITR PANFEROV (Ф. И. ПАНФEРОВ, 2.10.1896 – 10.9.1960): Nhà văn, nhà soạn kịch Nga. Tác giả các vở kịch Trẻ em của Trái đất; Những người mugíc; Sự nổi loạn của đất; Sự sụp đổ; Ngựa thép… tiểu thuyết Tàu kéo (4 quyển), Cuộc chiến đấu vì hoà bình; Volga-sông Mẹ…
JAMES THOMSON (11.9.1700 – 27.8.1748): Nhà thơ Scotland, tác giả lời Quốc ca nổi tiếng “Hãy chèo lái, hỡi Britannia!”. Tác phẩm: các trường ca Mùa đông; Mùa hè; Mùa xuân; Mùa thu và Tụng ca bốn mùa; Tự do (gồm 5 phần); Lâu đài Nhàn rỗi…
MARIO BENEDETTI (14.9.1920 – 18.5.2009): Nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Uruguay, một trong văn tài Mĩ Latinh lớn nhất của nửa sau thế kỷ XX. Tác phẩm: các tập truyện ngắn: Chuyến du lịch cuối cùng, Cư dân Montevideo; tiểu thuyết: Tạm ngừng; Cảm ơn vì ánh lửa; Mùa xuân với góc vỡ…
AGATHA CHRISTIE (15.9.1890 – 12.1.1976): Tên đầy đủ là Agatha Mary Clarissa Lady Mallowan, nữ nhà văn Anh, Nữ hoàng truyện trinh thám. Bà sáng tác hơn 60 tiểu thuyết trinh thám, 6 tiểu thuyết lãng mạn và 19 tập truyện ngắn; 16 vở kịch của bà được công diễn London.
PROSPER MERIMEE (28.9.1803 – 23.9.1870): Nhà văn hiện thực Pháp, nổi tiếng về các truyện vừa và truyện ngắn. Các tác phẩm chính: Mateo Falcone; Ván bài; Hiểu nhầm hai lần; Colomba; Arsène Guilliot; Carmen; Hai cái gia tài… Ngoài ra, ông còn viết thơ ( La Guyzola), kịch (La Jacquerie), tiểu thuyết (Biên niên sử của triều đại Charles IX)…
TÀO NGU (24.9.1910 – 13.12.1996): Tên thật là Vạn Gia Bảo, nhà viết kịch Trung Quốc, lập tức nổi tiếng ngay từ vở kịch đầu tay rất tài hoa Lôi vũ. Bị đấu tố dữ dội trong cách mạng văn hoá, từ năm 1988 được bầu làm chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Trung Quốc. Tác phẩm khác: Nhật xuất; Đồng ruộng; Thay cũ đổi mới; Người Bắc Kinh; Gia đình; Bầu trời trong sáng…
IVAN IVANOVITR LAJETRNIKOV (И. И. ЛАЖЕЧНИКОВ, 25.9.1790 – 8.7.1869): Nhà văn, được tôn là tiểu thuyết gia đầu tiên của Nga vào những 30 năm của thế kỉ XIX. Tác phẩm: Những ghi chép hành quân của một sĩ quan Nga; Novik cuối cùng, hay Cuộc xâm chiếm Lifliandia dưới triều đại Piotr Đại đế; Ngôi nhà băng giá; Kẻ ngoại đạo; kịch: Hristiern II và Gustav Vasa; Gã gù; Những người đen đen, trăng trắng và xam xám…
ERICH MARIA REMARQUE (22.6.1898 – 25.9.1970): Nhà văn Đức quốc tịch Mĩ, chủ yếu viết tiểu thuyết. Các tác phẩm của ông đi sâu miêu tả sự khủng khiếp của chiến tranh, sự cùng khổ của con người trong xã hội tư bản. Tác phẩm: Phía Tây không có gì lạ; Đường về; Khải hoàn môn; Tia lửa sống; Thời để yêu và thời để chết; Đêm Lixbon… Tác phẩm của ông được dịch nhiều ra tiếng Việt.
THANG HIỀN TỔ (24.9.1550 – 29.7.1616): Nhà hí khúc, nhà văn và nhà thơ Trung Quốc đời Minh với kiệt tác Mẫu đơn đình. Tác phẩm: các tập thơ: Giang tuyền dật thảo; Ung tảo; Vấn Cức Bưu thảo; hí khúc: Tử tiêu kí; Hàm Đan kí; Nam kha kí…
ALBERTO MORAVIA (28.11.1907 – 26.9.1990): Tên thật là PINCHERLE, nhà văn hiện thực phê phán hàng đầu trong văn học Italia hiện đại. Tác phẩm: tiểu thuyết: Những kẻ lãnh đạm; Những tham vọng đổ vỡ; Hội hoá trang; Sự khinh bỉ; Nỗi buồn chán; tập truyện: Bệnh truyền nhiễm; Những câu chuyện Roma; Những câu chuyện mới ở Roma; Người máy…
JOHN DOS PASSOS (14.1.1896 – 28.9.1970): Nhà văn Mĩ với tiểu thuyết bộ ba U.S.A. là đỉnh cao sáng tạo của ông (Vĩ độ 42, 1919 và Tiền lớn). Tác phẩm khác: Những phiêu lưu của chàng trai trẻ, Số một và Ý tưởng vĩ đại; tiểu thuyết: Làm sao để dễ thành công nhất; Ở giữa thế kỉ; Chiến tranh của ngài Wilson; Những thời tốt đẹp nhất). Ông còn làm thơ và viết kịch.
PATRICK WHITE (28.5.1912 – 30.9.1990): Nhà văn Australia, Giải Nobel văn học năm 1973. Tác phẩm: Thợ cày và những trường ca khác; Thung lũng hạnh phúc; Những người sống và những người chết; Bùa hộ mạng; Mắt bão; Những con vẹt; Những vết nứt trên kính; Bánh mì và người đàn bà nịnh hót; Trường học cho bạn bè; Trở về Abyssinia; Các mùa tại Sarsaparilla; Netherwood v.v.
DANIEL DEFOЁ (?.9.1660 – 26.4.1731): Nhà văn Anh, được xem là một trong những nhà văn đi đầu trong thể loại tự sự hiện đại, tác giả kiệt tác Robinson Cruzo. Tác phẩm khác: Người Anh chính cống; Thủ lĩnh Singleton; Moll Flanders; Đại tá Jack; Roxana…
Nguồn: Sách Lịch Đông Tây