Những nhà văn thế giới sinh vào tháng 3

0
823

Các thông tin cơ bản về các nhà văn thế giới sinh trong tháng 3 do Việt Trí tổng hợp. Mời quý độc giả cùng tìm hiểu

АNТОN HANSEN ТАММСААРЕ (30.1.1878 – 01.3.1940): Nhà văn hiện thực lớn, tác giả được đọc nhiều nhất tại Estonia. Ông viết truyện ngắn, tiểu thuyết (Tạp chủng mới từ Peclo; Ông chủ trang ấp Kyrboi; Cuộc sống và tình yêu, Tôi yêu cô em Đức; Panapagan mới từ Pyrgupyhya), kịch (Vua bị lạnh)… Đỉnh cao sáng tác là bộ tiểu thuyết sử thi 5 tập Những thử thách và pháp luật.

VLADIMIR NAUMOVITR BILL-BELOTSERKOVSKI (В. Н. БИЛЛЬ-БЕЛОЦЕРКОВСКИЙ, 9.1.1885 – 01.3.1970)  nhà văn, nhà viết kịch Xô viết. Nghệ sĩ Công huân, tác giả của nhiều vở kịch tuyên truyền, trong đó có Bão tố trở thành vở diễn kinh điển của các nhà hát Xô viết. Các tác phẩm khác: Thịt băm viên với máu; Tiếng vọng; Tay lái sang trái; Bão tố; Vầng trăng phía bên trái; Cuộc sống kêu gọi…

EVGHENI ABRAMOVITR BARATƯNSKI (Е. А. БАРАТЫНСКИЙ, 02.3.1800 – 11.7.1844): Nhà thơ – triết gia Nga.  Tác phẩm: trường ca Eda; các tập thơ Dạ hội; Những bữa tiệc; Cô gái Digan; tập thơ cuối Hoàng hôn là tiêu biểu nhất cho sáng tạo của Baratưnski.

nhà văn MULTATULI (02.3. 1820 - 19.02.1887
MULTATULI (02.3. 1820 – 19.02.1887)

MULTATULI (02.3. 1820 – 19.02.1887): Tên thật là Eduard Dawes Dekker, nhà văn Hà Lan. Tác phẩm chính: tiểu thuyết Max Havelaar, văn xuôi chính luận Về vụ án Havelaar; Lao động tự do ở đất Ấn Độ thuộc Hà Lan, Những câu chuyện ở Nhật Bản; tự truyện Những bức thư tình, Chuyện đời của van Woutertje Pieterse; kịch Trường học của các ông hoàng; Cô dâu nhà trời…

DAVID HERBERT LAWRENCE (11.9.1885 –   02.3.1930): Nhà văn Anh, thuộc khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa. Tác phẩm chính: Chim công trắng, Những đứa con và những người tình, Cầu vồng, Những người đàn bà mê đắm, Người tình của phu nhân Chatterley (đã được lược dịch sang tiếng Việt).

FRANK NORRIS (05.3.1870 – 25.10.1902): Nhà văn Mĩ. Trong những tác phẩm đầu tay còn có dấu ấn chủ nghĩa tự nhiên (Mac Tiger, Vandover và con vật, nhưng về sau trong tiểu thuyết bộ ba Bản trường ca của cây lúa mì và trong các bài tiểu luận in thành sách Trách nhiệm của người viết tiểu thuyết, ông thể hiện là một nhà văn hiện thực xuất sắc.

ERNTS AHLGREN (06.3. 1850 – 21.7.1888): Tên thật là Victoria Maria Benedictsson, nữ nhà văn Thuỵ Điển. Các tập truyện ngắn Ở Xcani và Đời sống dân gian kể về cuộc sống vùng quê hương thân thuộc của bà; các tiểu thuyết Tiền bạc, Bà Marian… tập trung vào các chủ đề chính là hôn nhân, hạnh phúc gia đình và số phận của người phụ nữ.

IVAN FOTIEVITR STADNIUK (И. Ф. СТАДНЮК, 08.3.1920 – 29.4.1994): Nhà văn Nga, Giải thưởng Nhà nước Liên Xô. Ông trung thành với chỉ một chủ đề – cuộc sống của người lính và chiến công của nhân dân: tiểu thuyết Con người không phải là thiên thần, Moskva  năm 41; Maxim Perepelitsa; Những người có vũ khí, Chiến tranh. Ông còn là tác giả của nhiều vở kịch và kịch bản phim.

IURI SERGEEVITR RƯTKHEU (Ю. С. РЫТХЭУ, 08.3.1930): Nhà văn thủ xướng và khẳng định nền văn học Trucot thuộc Nga. Ông viết về cuộc sống người Trucot, cư dân vùng đài nguyên, về vùng quê Kolima với các tiểu thuyết (bộ ba) Thời gian tuyết tan, Trong thung lũng Thỏ Bé, Những con tàu đẹp nhất; truyện vừa Veket và Agnec; các tập truyện ngắn Vĩnh biệt thánh thần; Những con người của ánh sáng phương Bắc.

BORIS VIAN (10.3.1920 – 23.6.1959): Nhà văn, nhà thơ và ca sĩ nhạc jazz Pháp,  ông còn có 24 bút danh khác mà nổi tiếng nhất là “Vernon Sullivan”. Tác phẩm chính có: tiểu thuyết Bọt ngày, Mùa thu ở Bắc Kinh, Không hiểu nổi đàn bà, tập truyện ngắn Sởn gai ốc; Con chó, ham muốn, cái chết; kịch Những người xây dựng Đế chế; Bữa ăn trưa của các vị tướng; thơ Tôi hẳn không muốn chết; Một trăm bản sonnet…

ERLE STANLEY GARDNER (17.7.1889 –   11.3.1970): Nhà văn chuyên viết truyện trinh thám Mĩ, còn có các bút danh khác A.A. Fair, Kendrake, Kenny, với hơn 150 tiểu thuyết: 72 tiểu thuyết với nhân vật trung tâm là luật sư Perry Mason và cô thứ kí Della Street xinh đẹp; 29 tiểu thuyết với nhân vật chính là thám tử tư Donald Lem và nữ trợ lí phì nộn Bertha Cool; 9 tiểu thuyết dành cho công tố viên tỉnh Duc Selby. Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt: Tiếng chó tru trong đêm; Kẻ giết người đội lốt; Vụ án vết môi son…

KAZIMIERZ BRANDYS (27.10.1916 –   11.3.2000): Nhà văn Ba Lan. Vấn đề chính trong sáng tác của ông: con người và các quy luật khách quan của lịch sử. Các tác phẩm chính: Chú ngựa gỗ, Thành phố không khuất phục, Giữa những cuộc chiến tranh (bốn tập); Công dân, Mẹ Kruley, Thư gửi tiểu thư Zet, Con J, Tính lãng mạn, Cách thức sinh tồn…

ALOIS JIRASEK (23.8.1851 – 12.3.1930): Nhà văn Czech chuyên viết tiểu thuyết lịch sử, bằng bút pháp hiện thực mô tả sức mạnh quật khởi của một dân tộc yêu tự do và quyết tâm chống mọi sự áp bức. Các tác phẩm chính: Truyện miền núi; Truyền thuyết cổ xứ Sêkhy; Câu chuyện triết lí; Jan Hus; Chiếc đèn lồng… và nổi bật là các bộ tiểu thuyết lớn Giữa những dòng nước (3 tập); Quê ta (4 tập), Tình anh em; Thời tăm tối…

Nhà văn HEINRICH MANN
HEINRICH MANN (27.3.1871 – 12.3.1950)

HEINRICH MANN (27.3.1871 – 12.3.1950): Nhà văn Đức, Chủ tịch Viện Hàn lâm Nghệ thuật CHDC Đức, Giải thưởng Nhà nước Đức. Toàn bộ tác phẩm của ông gồm 19 tiểu thuyết, 55 truyện ngắn, nhiều vở kịch và tản văn. Các tiểu thuyết tiêu biểu: Ở xứ sở của những kẻ ăn không ngồi rồi; Các nữ thần hay là ba cuốn tiểu thuyết của nữ công tước Assy, Giáo sư Unrrat hay là ngày tận số của một gã độc tài; Giữa các chủng tộc; Tên nô lệ…

Cỏ hát (14.3.1950: 60 năm xuất bản): Tiểu thuyết đầu tay của nữ nhà văn Anh Loris Lessing, lập tức đã nâng bà lên hàng một trong những tiểu thuyết gia hàng đầu ở Anh.

PAUL VON HEYSE (15.3.1830 – 2.4.1914): Nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch và dịch giả Đức, giải Nobel văn học năm 1910. Tác phẩm: các tập thơ Sách phác thảo; Những bài hát và tranh, Các nhà thơ Italia từ giữa thế kỉ XVIII: thơ dịch và khảo luận; kịch Meleager, Hans Lange; Maria von Magdala; tiểu thuyết Những đứa con thế giới; Nơi thiên đường…

ARTHUR ADAMOV (28.8.1908 – 16.3.1970): Nhà soạn kịch Pháp gốc Nga. Sáng tác của ông trải qua hai giai đoạn, lúc đầu ông là một trong những trụ cột của trường phái kịch phi lí với những vở Nhại; Thao tác lớn và thao tác nhỏ, Xâm nhập; Giáo sư Taranne, Tất cả chống lại tất cả. Giai đoạn hai phản ánh sự tuyệt giao của ông với loại kịch phi lí, nhìn đời bằng con mắt hiện thực qua các vở Paolo-Paoli; Mùa xuân 71; Ngài Ôn hoà; Khu vực cấm …

SAL AIZICOVITR MELAMED (16.3.1910 – ?): Nhà văn trào phúng Látvia. Tác phẩm gồm: các tập truyện cười, cách ngôn, thơ trào phúng: Bumerang hoàn hảo; Nhân tiện; Các trường ca ăn kiêng; Những dòng chữ nén; Tài năng thiếu người hâm mộ… Ông có một câu danh ngôn nổi tiếng: “Trái tim là một vật rất dễ vỡ – nó đang đập”.

SELMA OTTILIA LOVISA LAGERLOF (20.11.1858 – 16.3.1940): Nhà văn Thuỵ Điển, nữ văn sĩ đầu tiên được trao giải Nobel văn học (1909). Một số tác phẩm: Truyền thuyết về Gosta Berlings; Jerusalem; Cô bé từ trang trại trên đầm lầy; Người xà ích; Hoàng đế Bồ Đào Nha; Chiếc nhẫn của dòng họ Lovenskolds… Một số sách của bà đã được dịch sang tiếng Việt, trong đó có kiệt tác dành cho trẻ em Cuộc phiêu lưu kì thú của Nils Holgerssons qua suốt đất nước Thuỵ Điển.

HECTOR BIANCIOTTI (18.3.1930): Nhà văn Pháp gốc Argentina. Năm 1993 ông được trao giải Price Pierre de Monaco cho toàn bộ sáng tác.  Các tác phẩm có Luận các mùa; Tình yêu không được yêu mến; Không có tình thương của Chúa; Chỉ có nước mắt là sẽ được tính đến; Những điều đêm kể với ngày;  Bước đi rề rà của tình yêu…

EDGAR RICE BURROUGHS (1.9.1875 – 19.3.1950): Một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của Mỹ với 11 tiểu thuyết về Người sao Hoả, 26 tiểu thuyết về Tarzan, 7 tiểu thuyết về Pellyusidar nằm trong lòng Trái đất, 4 tiểu thuyết về Carson Nepire và những phiêu lưu của nhân vật trên sao Kim, và rất nhiều sách khác.

JOHANN CHRISTIAN FRIETRICH HOLDERLIN (20.3.1770 – 7.6.1843): Nhà thơ Đức, người đã góp phần định hướng quan trọng về mặt tư tưởng vào kho tàng văn học cổ điển Đức. Các tác phẩm thơ: Tụng ca gửi Tự do; Tụng ca gửi Nhân loại; Con người; Gửi người Đức; Chết cho tổ quốc; tiểu thuyết Hyperion hay là nhà ẩn sĩ Hi Lạp (2 tập).

IURI PAVLOVITR GERMAN (Ю. П. ГЕРМАН, 22.3.1910 – 16.1.1967): Nhà văn, nhà viết kịch Nga. Tác phẩm gồm: các truyện vừa Feliks Thép; Lapshin; các vở kịch Đứa con của nhân dân; Người bạn của dân; các tiểu thuyết Sự nghiệp mà anh phụng sự; Người yêu dấu của tôi; Tôi chịu trách nhiệm tất cả; Những người quen của chúng ta; Thượng tá quân y; Nước Nga trẻ…

Nhà văn GREGORY CORSO (26.3.1930 - 17.1.2001
GREGORY CORSO (26.3.1930 – 17.1.2001)

GREGORY CORSO (26.3.1930 – 17.1.2001): Nhà thơ Mĩ thuộc “thế hệ bị ruồng bỏ”, có mối quan hệ thân thiện với Allen Ginsberg, Jack Keruak. Tác phẩm chính: Gái già giữa tiếng ầm ào; Dầu xăng thiên nhiên; Ngày sinh hạnh phúc của cái chết; Hôn nhân; Những tình cảm Mĩ thanh lịch…

ROLAND BARTHES (12.3.1915 – 26.3.1980): Nhà phê bình văn học lừng danh của trào lưu “Phê bình mới” của Pháp, một trong những người mở ra hướng phê bình văn bản học. Cuốn Độ không của lối viết được coi là công trình quan trọng nhất của Barthes (đã dịch sang tiếng Việt). Các tác phẩm khác: Các thần thoại, Các tiểu luận và phê bình, Các yếu tố của kí hiệu học, Quyền lực của các kí hiệu…

ANTHONI DYMOKE POWELL (21.12.1905 – 28.3.2000): Nhà văn Anh, đại diện tiêu biểu của văn học Anh trong quá trình tìm kiếm một nhân vật mới. Tác phẩm có: các tiểu thuyết Vấn đề giáo dục; Thế giới tiếp nhận; Nhà hàng Tàu Casanova; Thung lũng Xương; Các triết gia quân sự; Những cuốn sách làm đẹp căn phòng; Lắng nghe những hài hòa bí mật; Những người muộn mằn; Sự truy nã rồi sau là cái chết; Vua của ngư dân…

SEAN O’CASEY (30.3.1880 – 18.9.1964): Nhà soạn kịch Ireland, đại diện cho tinh thần quyết tâm làm hồi sinh triệt để nền văn học Ireland đầu thế kỷ XX. Tác phẩm chính: truyện ngắn Nạn nhân của Thomas Ashe, các vở kịch Bóng của một tay súng, Juno và con công, Chiếc cày và những ngôi sao, Ngôi sao chuyển sang màu đỏ, Hoa hồng đỏ cho tôi; bộ tiểu thuyết Tự truyện 6 tập là đỉnh cao trong sáng tạo của ông.

Xuân Kiên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây