CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN – Cánh đồng của những trái tim biết nói

9
1242

“Cánh đồng bất tận” là tác phẩm gây xôn xao trong đời sống văn học, bởi ở đó người ta tìm thấy sự dữ dội, khốc liệt của đời sống sông nước Nam Bộ qua cái nhìn của một cô gái. Bi kịch về nỗi mất mát, sự cô đơn được đẩy lên đến tận cùng, khiến người đọc có lúc cảm thấy nhói tim… Mời độc giả đọc bài chia sẻ “CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN – Cánh đồng của những trái tim biết nói” của bạn Hoài Lê với một cảm nhận rất sâu sắc về tác phẩm.

Cánh đồng bất tận

Cảm giác say nắng một cuốn sách là như thế nào nhỉ? Là ngay từ đầu mình đã thích nó và không ngừng cũng như không thể kìm lòng mà đọc lại nó rất nhiều lần sau đó! Là mỗi lần đọc nó mình lại có cảm giác yêu nó nhiều hơn, khám phá ra nhiều điểm hay, điểm độc đáo của nó nhiều hơn! Và “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư là một quyển sách như thế! Nó là quyển sách mà tôi đã xem là “tình yêu đầu” của mình đối với thế giới văn chương diệu kì này!

Bạn biết không khi viết những dòng này, mình vô cùng hạnh phúc như thể đang nói về một niềm tự hào, một niềm ngưỡng mộ mà mình đã ấp ủ bấy lâu. “Cánh đồng bất tận” là một quyển sách vừa vặn với 218 trang chất chứa bao vui buồn, bao tình cảm đong đầy của Tư, của người dân Nam bộ giống Tư và của những tấm lòng đang dang dở, đau khổ trong cuộc sống này!

14 câu chuyện nhỏ trong một áng văn chan chứa tình người! Ta đau đớn trước mối tình dang dở của anh Hết và chị Hoài! Chỉ vì món nợ sữa ngày xưa quá lớn, anh để chị đi lấy chồng. Ngày chị thuộc về người ta, anh vẫn còn đánh cờ, anh đánh trong tiếng khóc và sự bao biện: “Ừ! Tại tao thương con chốt. Qua sông là không mong ngày về…”.

Rồi ta lại ngùi ngùi cho cái tình của ông già Năm nhỏ dành cho đứa con riêng của vợ ông! Ông làm tất cả và ông trộm cả đôi trâu mà còn cố ý để cho người ta biết nữa chứ! Ông không biết hậu quả của việc trộm cắp hay ở tù hoặc bị phạt hành chính là gì, nguyện vọng duy nhất và cuối cùng của ông là được lên ti vi và nói rằng: “Cải ơi, ba là Năm Nhỏ nè, nhà mình ở Cỏ Cháy đó, nhớ không? Về nhà đi con, tội má con vò võ có một mình. Con là trọng, chứ đôi trâu cộ nhằm nhò gì… Về nghe con, ơi Cải…”

Nghe mà đứt ruột đứt gan!

phim cánh đồng bất tận
Cảnh trong phim Cánh đồng bất tận

Mỗi khi đọc những câu chuyện của chị Tư, ta bỗng cảm thấy day dứt, khắc khoải nhưng không vì thế mà nó quá bi lụy hay nhuốm màu bi quan! Nắng rồi sẽ lên sau những cơn mưa nặng hạt, và những con người đó lại sẽ sống, sẽ tiếp tục đáng yêu và đáng kính như thế! Tất cả những tạp nham, những niềm đau ấy chỉ tô sáng thêm cái tình người, cái “chất người” trong cuộc sống này mà thôi! Và trong “Cánh đồng bất tận”, những con người ấy tỏa sáng như những viên ngọc! Nhờ những bài viết của chị mà tôi cảm thấy hóa ra cuộc sống này cảm động đến thế, đáng trân trọng đến thế! Nó đang cứ tiếp diễn tưởng như không màu nhưng lại là một chiếc kính vạn hoa muôn hình vạn trạng.

Chất văn của Tư trong “Cánh đồng bất tận” cũng là một điều đáng để bàn luận tới! Nó rất đời và buồn. Nhìn có vẻ rất dửng dưng, tỉnh như không nhưng ẩn chứa trong đó là một tấm lòng luôn trăn trở, luôn khắc khoải về người và đời. Có những đoạn mình đọc muốn rớm nước mắt, lòng thì quặn thắt từng cơn mà Tư cứ hề hề, kể như đó là một điều hiển nhiên và rất bình thường của cuộc sống. Giọng Tư quen thuộc, thân thương như những bà má, bà dì mình gặp ở chợ, như một người láng giềng nào mà tình cờ tạt ngang vậy đó! Từ ngữ chị dùng không cầu kì, mộc mạc, đặc Nam bộ nhưng không biết vì sao mà lại có sức hút đến thế. Đọc mãi mà vẫn yêu. Truyện của Tư luôn là những cái kết mở để người đọc tự điền vào! Bạn có thể là người viết nên số phận mới cho họ, không cần Tư phải kể hết! Tư chỉ gợi mở và bạn sẽ là người khám phá, định đoạt! Bạn sẽ là người đồng sáng tao với Tư!

Cảnh trong phim Cánh đồng bất tận
Cảnh trong phim Cánh đồng bất tận

Một điểm nữa mà mình rất thích ở quyển sách là những đoạn dẫn vào siêu đáng yêu và chân chất của Tư! Mình đọc mà cứ cười suốt vì nó ngộ, nó độc và nó giống như mình vậy! Có đoạn Tư đã viết như thế này: “Mỗi lần nghe câu hát “Gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại…” tôi hơi quạu, ông bà mình quá hiền lành đi, thí dụ có bị phụ phàng, thì cũng cố chanh chua, hằn học một tí, “Gió đưa thằng quỷ sứ về thành. Để tui ở lại chành ành…đắng cay”. Đau tức vậy mà trách cứ nhẹ hều…” Và tôi có cảm tưởng nó như đã trở thành một tác phẩm riêng, ngắn gọn, đầy đủ trọn vẹn và đong đầy! Hỉ nộ ái ố đều có! Không thiếu một thứ gì! Chua cay mặn nồng hòa quyện đến đáng yêu!

Về hình thức của quyển sách nếu chỉ nhìn vào bìa, nói thật mình sẽ không mua nó đâu vì mình cảm thấy một điều gì đó rất trơ trọi, huyền bí. Một cô gái nằm co ro, dáng người và đầu tóc làm mình liên tưởng đến một khúc cây, một bụi cỏ hay thậm chí là những bụi rạ ở cánh đồng. Mình cảm nhận chút gì đó bé nhỏ, thanh thao, yếu ớt và khắc khoải của một kiếp người lan bạt. Nhưng khi mở quyển sách ra, mình thấy đó là một chân trời mới, là một kho báu chứa đầy những hạt ngọc ngôn từ! Và dù có chọn lại, mình cũng sẽ chọn “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư!

Cánh đồng bất tận

Cảm ơn các bạn đã dành thời gian để đọc hết bài viết này! Hi vọng bạn sẽ dành một góc nhỏ trong tim mình để đọc những tác phẩm của chị Nguyễn Ngọc Tư! Nó thật sự rất hay, rất sâu sắc và giàu giá trị nhân văn! Và mình cũng hi vọng rằng, trong tủ sách của bạn cũng sẽ có một quyển “Cánh đồng bất tận” giống như mình có được và yêu nó!

Nguồn: Hoài Lê/ Trạm Review Sách

Xem thêm:

9 BÌNH LUẬN

  1. Những câu chuyện đơn giản về cuộc sống nhưng lại khiến người đọc cảm thấy vô cùng lôi cuốn. Mình người Bắc đọc câu chuyện đầu tiên thấy nhiều từ lạ lạ nhưng bằng cách nào đó tác giả vẫn làm ta hiểu được tất cả nội dung của câu chuyện. Vui có, buồn có nhưng có lẽ đọng lại trong mỗi tâm trí người đọc là buồn thì nhiều hơn. Một cuốn sách cực kỳ đáng mua !!/

  2. – Hình thức khỏi chê, từ bìa đến giấy đều rất ô kê ? – Nội dung cũng khó mà chê được, nhân vật tôi sẽ dẫn bạn đi từ bất ngờ this đến bất ngờ that, ôi nhiều đoạn mk đọc còn bị vỡ tuyến lệ luôn á. Những nhân vật vừa đáng thương vừa đáng trách, nhưng cái đáng trách của họ đôi khi xuất phát từ sự ngây ngô đến tội nghiệp, đôi lúc lại đến từ sự oán hận, oán hận cuộc đời hay oán trách chính mk?

  3. Vẫn là giọng điệu của chế Tư, sách của chế luôn mang hơi thở của những con người miền tây sông nước. Mỗi câu chuyện là một lời thở than, một lời trách móc, một hoài niềm của tác giả về những vùng đất mà chế đã đặt chân tới.

  4. truyện hay, mới đầu cũng lưỡng lự vì sợ bản thân đọc xong bị buồn nhưng với lối hành văn của NNT cảm thấy truyện không còn quá khó chịu như bối cảnh mà nó vốn dĩ có, rất hay nên xem ít nhất một lần

  5. Từng câu chuyện là một lát cắt của cuộc sống với nhiều mảnh đời éo le ở vùng đất nam bộ. Mình thích cách tác giả kết thúc bỏ ngỏ làm người đọc thấy buồn, thấy day dứt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây