CHIẾN BINH CẦU VỒNG – câu chuyện nghiệt ngã về người tốt và ước mơ…

4
2025

Những tưởng chưa buông được cảm xúc từ “Người Đua Diều” thì “Chiến Binh Cầu Vồng” lại đến, mang theo nhiều nốt thăng lẫn nốt trầm của dòng cảm xúc mới, có cả những tiếng cười, những nỗi buồn và một chút căm phẫn lẫn sự bất mãn trong đó. Quá đặc biệt, quá nhiều cảm xúc và nhiều thứ đáng học hỏi cho một cuốn sách hay và đáng đọc này.

Chiến binh cầu vồng

CHIẾN BINH CẦU VỒNG, so với “Tottochan bên cửa sổ”- cuốn sách khiến bản thân mình suýt xoa thích thú lâu giờ – thì hiện tại, CHIẾN BINH CẦU VỒNG đã soán ngôi vương. Nếu ở Tottochan, đó là câu chuyện đầy tính nhân văn rằng không để một ai bị bỏ lại phía sau chỉ vì sự khác biệt thì ở CHIẾN BINH CẦU VỒNG, đó không chỉ là không để ai bị bỏ lại, mà còn là câu chuyện nghiệt ngã về con người, khi giáo dục chẳng thể thay đổi số phận của những đứa trẻ ở một hòn đảo xinh đẹp bị lãng quên – Belitong – nơi tận cùng của sự phân biệt giàu nghèo, chủ nghĩa thực dụng gặm dần những đứa trẻ hiếu học, những nhà giáo tận tâm và chính cả hệ thống giáo dục ở đó.

Cuốn sách nhỏ bé chứa đựng bên trong những nghị lực phi thường của 10 đứa trẻ nghèo đói (nhưng ham học mãnh liệt), một người cha đánh cá nghèo khổ (phải gồng mình nuôi 14 miệng ăn trong nhà nhưng dám-can-đảm cho con trai của mình đi học), một người thầy hiệu trưởng (yêu nghề, yêu học trò đến khi nhắm mắt vẫn không yên) và một cô giáo (dám đương đầu với những thế lực, cửa quyền để bảo vệ đến cùng ngôi trường xiêu vẹo).

Bản thân mình chưa từng được biết về giáo dục một cách hay đến thế này, cho tới khi đọc được định nghĩa hết sức thú vị về nó của thầy Harfan, thầy nói rằng:

“Học không phải là phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu, thầy xem học tập là ca tụng nhân bản, là thanh cao, là niềm vui khi cắp sách đến trường và là ánh sáng văn minh.”

Và bản thân cho rằng, cách thầy Harfan định nghĩa đó, thật sự là hơi thở của Giáo Dục và linh hồn của một chốn được gọi là Trường Học. So với nền giáo dục hiện hành không còn giữ quan điểm về học tập như thầy, trường học ngày nay không còn là nơi để xây dựng nhân cách, mà là một phần của kế hoạch tư bản, nơi khoe khoang địa vị của chủ nghĩa thực dụng – kẻ thù số một đối lập. Một điều khá buồn.

Những nét của một bức tranh tả thực về giáo dục, khiến người ta trong mạch xúc động thương cảm, rồi lại phì cười bởi những tình huống đậm chất trẻ thơ, của những trò đùa tinh quái, là mối tình đầu cùng chứng bệnh tương tư của cậu bé Ikal lần đầu biết yêu, là những lần Mahar và Flo bị mê hoặc, tin vào Shaman giáo (thuyết đa thần), tin vào những chuyến phiêu lưu chết người theo tiếng gọi của ngài pháp sư bí ẩn trên đảo Hải Tặc, với lời thỉnh cầu xin điểm để giúp tụi nó khỏi bị đuổi học, và một cái kết không thể nào buồn cười và bất ngờ hơn từ ông thầy pháp sư ấy – người mà chúng nó tin sái cổ. Là không phải ai cũng như Samson, biết mình muốn gì ngay từ nhỏ và nỗ lực từng ngày. Là sự xúc động với hình ảnh người cha có dáng người cây thông chạy nhanh đến ủy ban xã để nhờ người giúp câu hỏi của đứa con trai:”Cha ơi, bốn nhân bốn bằng mấy cha?”, người cha ấy của cậu bé Lintang muốn bẻ gãy cái vòng lẩn quẩn – rằng đứa con trai cả, Lintang, sẽ không trở thành một ngư dân như cha nó – một cái vòng lẩn quẩn của đói nghèo.

Cứ tỉ tê, tỉ tê tự nhiên theo giọng kể chứa đầy cảm xúc của tác giả, khiến người đọc càng đọc càng thấy thương, rằng cuộc sống nghèo khổ cứ lại vây bám những con người đáng thương ấy, rằng bao giờ họ mới thoát ra khỏi cái nghịch lý đau lòng của cái giàu, cái nghèo, của quyền lực và cửa quyền đáng sợ.

Hình ảnh nối tiếp hình ảnh. Người thầy Harfan với tấm lòng bao la như trời biển trút hơi thở cuối cùng nơi mà thầy gắn bó và dành trọn tâm huyết cả đời ở đó – là trường học của mình, là khi cô giáo Mus với đàn học sinh đứng lên đấu tranh chống lại vua Thiếc. Để rồi hình ảnh cuối cùng đọng lại trong tâm trí người đọc là câu hỏi: “Ai là người tài giỏi đích thực? Lintang-người luôn đứng đầu lớp hay Kucai-luôn đứng bét?” – Ngỡ rằng hiện thực như một cú tát mạnh vào mặt!

Đó là 3 lời hứa của Lintang – cậu bé dù lốp xe đạp có mòn, dù hai lượt đi về 80km đối mặt với đầm lầy và cá sấu tấn công, vẫn chiến đấu tới cùng, luôn là người tới sớm nhất và về muộn nhất lớp, cứ ngỡ sau cơn mưa là cầu vồng xuất hiện, nhưng không, rồi cuối cùng, cũng chẳng thể nào thắng nổi nỗi lo miếng ăn của mười mấy con người mà nghỉ học. Quá thương và buồn, bất mãn khi nỗ lực được đi học, được thoát nghèo, được trở thành một nhà toán học của Lintang đã không thể thoát khỏi định mệnh của cái nghèo dai dẳng ấy. Thực tế cuộc sống ác nghiệt đến mức bóp tan tành và vùi dập giấc mơ của một đứa trẻ, để rồi lời hứa cuối cùng của Lintang khi nói với Ikal bạn mình rằng: “Buồn làm gì Ikal, ít nhất thì mình cũng đã giữ lời hứa với cha, là mình sẽ không làm nghề đánh cá.”

Chấp nhận là chấp nhận thế nào được?

Cho tới khi đọc xong cuốn sách này, bản thân mình vẫn thường tưởng tượng cảnh Lintang trở thành một nhà toán học, vì vẫn chưa chấp nhận được cái hiện thực tăm tối đó. Thấy thất vọng vì có quá nhiều đứa trẻ thông minh buộc phải bỏ học giữa chừng vì lí do tài chính, cười cho tất cả những kẻ ngu dốt mà cứ làm ra vẻ thông minh, ghét những đứa trẻ con nhà giàu không chịu học hành đàng hoàng.

Và còn rất nhiều những điều khác nữa. Và câu kết không thể ám ảnh hơn “Mọi công dân đều có quyền học hành” (Hiến pháp nước cộng hòa Indonesia, Điều 33) đã khép lại cuốn sách như một lời nhắc nhở nhân văn nhất.

Tựu chung, sau khi đọc xong cuốn sách, bản thân tự cảm thấy mình còn quá may mắn khi được đi học. Và hình ảnh 11 chiến binh với những tính cách khác nhau, vẫn sẽ đọng nguyên trong tâm trí, là cô bé Sahara cá tính, là A Kiong, là lớp trưởng Kucai – người duy nhất đạt được ước mơ của mình sau 12 năm, là Syahdan, là Mahar, Flo – cặp đôi luôn tin vào Shaman giáo, là Samson, là cậu bé Trapani với ước mơ trở thành thầy giáo, là Harun – một người lớn bị nhốt trong tâm trí của một đứa trẻ, luôn dành sự yêu thích với con số 3, là “nhà toán học” Lintang, được tác giả miêu tả 12 năm sau “là người mà giờ đây là một cư dân sống trong một cái lán dành cho culi, ngồi đợi đến ca làm nặng nhọc”; là Ikal – người đã vượt qua sức cám dỗ khôn cưỡng từ những đồng tiền còm kiếm được nhờ công việc culi toàn thời gian, để rồi 12 năm sau cậu cố gắng đạt được Học bổng Thạc sĩ tại một nước thuộc Liên minh châu Âu và rồi sau đó cậu chính là tác giả của cuốn sách “Chiến Binh Cầu Vồng”.

Thực sự đong đầy cảm xúc với những con người đã nỗ lực chiến đấu như những chiến binh thực sự và đẹp hệt như dải cầu vồng trên bầu trời sau cơn mưa!

Giá mà, tất cả những nhà giáo, những người làm giáo dục có thể đọc được cuốn sách phi thường này…

-10.01.2021-
Linh
Xem thêm:

4 BÌNH LUẬN

  1. mình dành ra chưa tới 1 ngày để đọc hết cuốn sách này. Những dòng văn của tác giả rất đơn giản, dễ đọc nhưng càng đọc lại càng thu hút mình luôn í. Thực sự đây là 1 cuốn sách rất hay, cho mình khá nhiều suy nghĩ về việc học tập, cách nhìn nhận về cuộc sống. Các bạn nên mua để đọc nha ^^

  2. Cuốn sách đầu tiên khiến mình ngậm ngùi đến mức không muốn nó kết thúc. Một cuốn sách đề cao về tinh thần và giá trị của việc học Cái nghèo khổ đã gắn liền với biết bao thế hệ con người sống trên hòn đảo Belintong này. Những em bé nghèo sinh ra trong những gia đình nghèo. Rồi sau đấy, những đứa trẻ nghèo phải đi làm cu li để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Và khi lớn lên lại trở thành một thiếu niên nghèo, và sau cùng là làm một người nghèo. Và trong từ điển của họ, vĩnh viễn chưa từng tồn tại khái niệm hai từ “đi học”. Mà kể cả có, họ cũng không nghĩ việc học có thể giúp đỡ cho tương lai của họ Thế nhưng nhờ sự xuất hiện vào phút cuối của Harun trong buổi đầu tiên nhập học đã giúp cho 10 đứa trẻ được biết đến con chữ, được cắp sách đến trường, và tạo nên những kì tích giữa đời thực. Đối diện với vô vàn khó khăn để có thể tiếp tục đến lớp: Từ ông thanh tra khó tính luôn muốn đóng cửa ngôi trường. Đến những máy xúc cứ lăm le xới tung mảnh sân nhỏ lên để khai thác khoáng sản. Và hơn cả thảy, chính là sức nặng của đồng tiền. Sống trong một xã hội chủ nghĩa thực dụng, thì đồng tiền mang một ma lực vô cùng lớn. Những chiến binh cầu vồng – những đứa trẻ, những hoàn cảnh, những cá tính và những ước mơ hoàn toàn khác nhau, nhưng lại có chung một khát khao mãnh liệt với việc học và được học Cuốn sách như khắc hoạ lên một bức tranh mà nền là khung cảnh mái trường xiêu vẹo nhưng nổi bật lên cả là những gương mặt ngời ngời sáng như trăng của tất cả học sinh và giáo viên nơi đây. Nhân vật mà mình thương nhất trong truyện là cậu bé Lintang. Là đứa trẻ sáng dạ nhất trong đám, nhưng lại một lần nữa vì sức nặng của đồng tiền mà phải từ bỏ việc học để về trang trải gia đình sau khi ba cậu mất (đoạn mình đọc mà thấy nhói lòng kinh khủng) Mình đã cố đọc đến cuối để xem tương lai của Lintang và mọi người sẽ đi về đâu, nhưng đón nhận lại là một thật sự quá đỗi bẽ bàng. Mái trường gục ngã trước thời gian, không phải ai cũng hoàn thành được ước mơ thuở bé Một khát khao cháy bỏng theo từng nhịp bước của những chiến binh cầu vồng. Đọc cuốn sách như đưa chính bạn vào ngồi trong lớp học làng xập xệ, cùng học cùng vui, rạo rực biết bao xúc cảm

  3. CHIẾN BINH CẦU VỒNG ☘️ Cuốn sách được đọc rất nhanh trong 3 ngày. Gợi mình nhớ đến cuốn Toto-Chan: Bên cửa sổ mà đã đọc cách đây ~ 20 năm. ☘️ Lời văn giản dị và chân thành trong từng miêu tả về cuộc sống/con người trên Đảo Belitong của Indonexia. Tác giả đem đến một cảm nhận rất rõ ràng/ sống động về sự nghèo khổ; niềm khát khao học tập của 10 em học sinh tại ngôi trường nghèo nhất Đảo. Và hơn thế, mình cảm nhận sâu sắc về tình yêu nghề giáo, niềm tin, sự kiên trì của 2 thầy cô (thầy Harfan và cô Mus) với các em học sinh nghèo! ☘️ Cuốn sách đem lại nhiều nước mắt nhưng với mình- đó là nước mắt cảm động/ ngưỡng mộ trước ý chí, sự hy sinh của thầy cô- đó là nước mắt hy vọng vào tương lai tốt đẹp. ☘️ Đoạn kết của cuốn sách không có hậu, làm cho mình chợt nhớ ra đây không phải câu chuyện cổ tính mà là câu chuyện có thật của chính tác giả. Nhà văn AnDrea Hirata là một trong 10 em học sinh, là số rất ít trong các em vẫn khát khao/ vẫn kiên trì học tập để “vượt” qua sự nghèo; mặc dù đã có khoảng thời gian dài, Hirata cam chịu làm cái nghề ghét nhất của mình – Nghề phân loại thư. ** Nhưng, vì đa số các em học sinh vẫn nghèo/ vẫn “loanh quanh” trên Đảo Belitong nên đọc xong, mình cứ chạnh lòng mãi…. ☘️ Tuy đoạn kết buồn nhưng toàn văn cuốn sách vẫn thể hiện niềm tin, sự hy vọng và đặc biệt là đem lại cho mình sự cảm phục các thầy cô yêu nghề giáo/ trân trọng từng em học sinh ❤️ ** Đặc biệt, cuốn sách được giới thiệu của cô giáo An Ho- người luôn có trái tim ấm áp. Cám ơn em ☘️ Sau khi đọc xong cuốn sách, mình đã cảm thấy bớt stress và thấy điều quan trọng nhất vẫn là niềm tin nên mình sẽ tiếp tục một cách bình tâm ?

  4. phải nói là dòng văn xuất sắc, lôi cuốn theo từng câu chuyện mà nhà văn viết nên, cuốn sách này có thể khiến bạn cười, hạnh phúc và vui mừng cùng chiến thắng của trường Muhamadyal, có thể khiến bạn nghẹn ngào với sự ra đi của người thầy giáo. Cuốn sách đưa bạn đến từng cung bậc cảm xúc và là 1 nguồn cảnh hứng cho bạn về việc học tập. Những chiến binh cầu vòng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây