Với “Còn chút gì để nhớ”, Nguyễn Nhật Ánh đã thay lời biết bao nhiêu con tim cháy bỏng khát khao của tuổi trẻ để nói lên cảm xúc của tình yêu đầu đời, ông đặt bút viết nên một câu chuyện tình dở dang của Quỳnh và Chương, ở những trang sách ấy, ông ưu tiên dành ra những lời văn ngô nghê nhưng cũng không kém phần sâu sắc rồi phác họa nên bức tranh cảm xúc mãnh liệt của mối tình đầu ngây ngô trong sáng của Chương đối cô gái anh yêu: Quỳnh – người đã lạnh lùng rời bỏ anh, người chưa từng cố gắng gìn giữ mối quan hệ của hai người trước những sóng gió đầu đời của họ để nắm tay nhau đi hết đoạn đường còn lại.
Năm một 18 tuổi, Chương chân ướt chân ráo lên Sài Gòn thi đại học,ở trọ nhà dì Ba, cũng từ đó, cậu nảy sinh mối tình suốt bốn năm Đại Học với cô bé Quỳnh hàng xóm.
Chương là chàng trai thật thà, tính tình ngay thẳng và chất phát,nhưng đôi khi khù khờ đến phát cười, chắc cũng vì thế mà anh được lòng rất nhiều người là cô em họ Lan Anh, gia đình của Quỳnh là Trâm, chị Kim, đứa em trai út và cả bố mẹ Quỳnh.
Ở nhà dì Ba, Chương được dì thu xếp sống trên gác mái-nơi mà mỗi lần ngân nga câu hát hay câu thơ nào đó, anh có thể nhìn xuống sân nhà Quỳnh, thấy cô bé cũng say sưa lắng nghe và liếc nhìn lên gác mái nhà dì anh. Từ lúc nào, hai người bỗng trở nên quý mến nhau,gần gũi và thân mật hơn.
Suốt bốn năm đại học của Chương, khoảng thời gian ấy đã để lại rất nhiều kỉ niệm đẹp đẽ đối với anh, những kỉ niệm ấy là những lần Chương ngại ngùng rủ Quỳnh đi coi phim ở rạp, là bắt đầu từ lúc, đi học chung với Quỳnh trên chiếc xe đạp cũ mòn, và những lần ấy, tình cảm họ dành cho nhau rất rõ ràng nhưng chẳng ai dám ngỏ lời trước để sau này… điều đó lại trở thành một trong những lí do khiến họ lìa xa nhau.
Vì tồn tại giữa họ là một mối quan hệ mập mờ, không rõ ràng và càng chẳng thể nào chịu công khai rằng đã yêu nhau. Chính vì thế trong những năm tháng ấy, cũng xuất hiện những nhân vật “thứ ba” đến bên Quỳnh và Chương.
Bảo – là bạn Chương, cậu cũng khoái sự đáng yêu của Quỳnh trong một lần vô tình gặp gỡ, anh chàng cũng làm thơ, cũng công khai với Chương về những chiêu trò cưa cẩm Quỳnh với anh. Nhưng, Chương chỉ biết cất nỗi hờn ghen lại trong lòng, mà âm thầm theo dõi thái độ của Quỳnh, rồi đã có những lần, anh lỡ ngỡ định tỏ tình nhưng lại thôi. Mãi sau này khi nhận ra sự cố gắng của mình là vô nghĩa, Bảo chịu bỏ cuộc, ấy vậy mà cái ngại ngùng trong lòng Chương lại kìm hãm không cho anh nói tiếng yêu với Quỳnh, anh cứ để kệ như vậy vì anh biết Quỳnh sẽ không yêu ai khác ngoài anh nữa.
Cũng có một dịp, cô bạn Kim Dung của Chương thể hiện sự gần gũi và thân thiết với anh, Quỳnh lấy lần ấy là giận anh, nước mắt ngắn nước mắt dài với chị Trâm, nên anh biết tình cảm ấy của Quỳnh là thật lòng.
Sau lần ấy, Chương càng chắc chắn hơn với tình cảm Quỳnh dành cho mình, nên anh chọn cách giữ yên lặng.
Vào những năm cuối đại học, anh lại càng có nhiều kỉ niệm khó quên với Quỳnh hơn, anh dạy chị em cô học tiếng Pháp, sang nhà Quỳnh chơi cũng trở nên thường xuyên, thế nên đã có lúc mẹ Quỳnh nghĩ khi anh tốt nghiệp xong sẽ gả Quỳnh cho anh.
Không may mắn như Sài Gòn, quê anh lần đó đang đầy rẫy những vết thương của chiến tranh, anh nghĩ cho bố mẹ nên trở về nhà một tuần.
Nhưng một tuần sau khi anh trở lại, mọi thứ về Quỳnh và gia đình của cô ấy đã thay đổi, Quỳnh dần né tránh anh và thể hiện rõ việc cô ấy không muốn ở gần anh nữa. Chính trong lòng anh cũng đã có thật nhiều suy nghĩ về những hành động kì quặc ấy, nhưng lại không đủ can đảm để cất lời hỏi “Tại sao?”.
Vài ngày sau, khi dì Ba khuyên anh nên quên Quỳnh đi, anh đã day dứt khôn nguôi, chẳng hiểu vì lí do gì, suy nghĩ và sự hụt hẫng ấy dần dần vẫn đeo bám anh trong từng giấc mơ.
Rồi cứ thế, cuộc tình của anh và Quỳnh cứ trầm hẳn đi như đã có hồi kết. Anh vẫn rất yêu Quỳnh và nhớ về cô, nhưng mối quan hệ của họ vốn dĩ chưa bắt đầu nên sẽ không có câu kết thúc để đặt dấu chấm hết cho tình cảm này cả.
Và rồi, Quỳnh im lặng anh cũng âm thầm rời khỏi Sài Gòn, đi đến nơi thật xa, để quên đi Quỳnh và những kỉ niệm gắn bó với cô, với một thời yêu đương mơ mộng.
Dạy học ở xa Sài Gòn, vào năm đầu tiên, có vài lần anh vẫn nhận thư của Lan Anh, và biết tin Quỳnh đã có người yêu mới, người ấy là người Hoa, một bí thư phường Đoàn.
Từ lâu, Chương đã biết trước sẽ có cái tin giống như “báo tử” như thế này, nhưng trong lòng vẫn cảm thấy chua xót và cay đắng.
Trong suốt 2 năm sau đó, khi anh quyết định cắt đứt liên lạc với Lan Anh và từ chối mọi thư từ của cô, rồi sau khi nỗi nhớ về dì dượng, Trâm, Lan Anh và những người bạn, anh quyết định trở về Sài Gòn một chuyến để thăm họ.
Cũng bởi lẽ vì anh biết, mặc dù,mình vẫn còn yêu Quỳnh, nhưng nỗi đau trong tâm khảm anh, thời gian đã làm nó nguôi ngoai được phần nào, đã không còn mãnh liệt và làm trái tim anh day dứt như trước nữa.
Nhưng khi trở về, anh biết tin Trâm đã chết, cô bé lên đường ra biên giới và hi sinh bảo vệ tổ quốc, khi đọc bức thư cuối cùng của Trâm viết cho anh, toàn bộ sự việc năm ấy mới được sáng tỏ.
Năm đó, gia đình của Trâm và Quỳnh là gia đình cách mạng, ba Quỳnh là đảng viên, là cán bộ cách mạng, còn đối với họ, ba anh chỉ là sĩ quan chế độ cũ và chuẩn bị đi học tập, cải tạo. Ba của Quỳnh lo rằng nếu lấy Chương, tương lai của Quỳnh sẽ không phát triển được. Ba Quỳnh chỉ nạt một tiếng, rồi Quỳnh bỏ lên gác khóc thút thít không nói một tiếng nào. Chỉ có Trâm là lên tiếng bênh vực anh nhưng lại bị ba gầm lên và chặn họng.
Nhưng cũng từ đó, Trâm nhận ra tình cảm của Quỳnh dành cho Chương. Tình cảm ấy quá ít, không đủ để đối mặt với một khó khăn nhỏ nhoi trước mắt, Quỳnh chọn nghe lời ba, chứ không chịu cãi lại ông và nghĩ đến việc bỏ trốn cùng Chương, và thứ tình cảm mà Quỳnh có chỉ đơn giản dừng lại ở chỗ, cả 2 đều chưa nói rằng yêu nhau nên chắc sẽ không được gọi là kết thúc.
10 năm sau khi Trâm mất, Chương lại trở về Sài Gòn, bâng khuâng nhớ lại những hồi hức khi xưa, nơi đây cất giữ những kỉ niệm vui, buồn và ẩn hiện cả những hình ảnh cô bé Quỳnh của anh. Cô bé Quỳnh đáng yêu và ngây ngô năm ấy, giờ đã cưới chồng và có một đứa con, có một lần trong rất ít lần Chương đến và hỏi thăm cô, nhưng chỉ là những câu chuyện về những chủ đề nhạt nhẽo. Nhưng anh lại vẫn cảm thấy bồi hồi và xao xuyến đến kì lạ.
Bao năm trôi qua, anh biết, tình yêu mình dành cho Quỳnh đã chết, cảm xúc thì đã nguội lạnh, nhưng khi lòng bâng khuâng nhớ về Quỳnh, tim anh vẫn bị lỗi một nhịp….
Anh tự hỏi mình “Liệu rằng với những vô vàn kỉ niệm tươi đẹp ngày xưa, đối với Quỳnh bây giờ có còn chút gì để nhớ đến hay không?”
Khi đọc đến hết đoạn cuối, nước mắt tôi đã rơi khi nhớ về một tình yêu đã chết sau hơn 10 năm xa cách Quỳnh, tôi cũng buồn vì thứ tình cảm chẳng đủ nhiều của Quỳnh, tôi khóc vì tôi biết rằng “Trong tình yêu, người yêu đối phương không nhiều như Quỳnh cũng sẽ buồn đấy, nhưng thực sự mà nói cũng chẳng thể có đủ cảm xúc để day dứt và buồn bằng Chương được”
Để nói đến lỗi lầm, tôi nghĩ Chương cũng đã mắc phải, vì trong một mối quan hệ, việc im lặng là điều tồi tệ nhất, nếu anh can đảm một lần nói lời yêu với Quỳnh, hẳn cuối cùng Quỳnh sẽ không chọn cách im lặng như anh đã từng làm.
Nguyễn Nhật Ánh thực sự đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi, với 2 nhân vật chính của câu truyện, cuộc tình ấy tan vỡ không hẳn vì sự kì thị danh phận của ba Quỳnh, mà phần lớn là do thứ tình cảm của Quỳnh không đủ sâu sắc để cùng Chương gánh vác khó khăn, cùng nắm tay anh đi đến cuối đời, ấy cũng là do Chương quá đa cảm và giữ trong mình cái “tôi” riêng lớn nên không chịu ngỏ lời nói yêu Quỳnh mà để mối quan hệ cứ thế mập mờ không rõ.
Liệu rằng trong tình yêu bạn đã có mối tình đầu nào dang dở và cay đắng như Chương và Quỳnh chưa? Bạn đã từng trải qua nỗi đau với việc đối phương yêu bạn ít hơn, hay việc đối mặt với một mối quan hệ mập mờ?
Khi ai đó nhắc các bạn về “mối tình đầu” và suy nghĩ của các bạn về định nghĩa của nó, các bạn sẽ trả lời như thế nào?
Còn nếu là tôi, tôi sẽ trả lời rằng “Mối tình đầu chính là những kỉ niệm tình yêu đầu tiên mình cất giấu thật kín đáo trong tim, rồi có lẽ, sau bao nhiêu bộn bề của cuộc sống, ở một thời điểm nào đó, khi chúng ta nhớ lại, trái tim ta vẫn khẽ khàng rung động, có khi mình buồn một chút, đau một chút nhưng trong cái buồn, cái đau ấy đôi khi mình sẽ nở một nụ cười. Nụ cười ấy mình dành cho những năm tháng thanh xuân thật đơn thuần, đẹp đẽ, những kỉ niệm xa xôi mà trong những giấc mơ sau này bạn vẫn thường lưu luyến nhớ về”
Lê Như Quỳnh
Xem thêm: