CUỘC SỐNG RẤT GIỐNG CUỘC ĐỜI – Hãy nhìn đời một cách vui vẻ

0
4582

Hoàng Hải Nguyễn là một tác giả gây sốt cộng đồng mạng với những câu chuyện hài hước hóm hỉnh. Nếu bạn ưa “những câu chuyện nhỏ xoay quanh cuộc sống” thường ngày, “xoay quanh các mối quan hệ gia đình và xã hội như vợ chồng, cha con, bạn bè, đồng nghiệp” – những câu chuyện được “diễn đạt theo cách hài hước” để “có được tiếng cười và sự vui vẻ khi đọc nó sau một ngày làm việc vất vả” để “luôn lạc quan, yêu đời và vui vẻ trong cuộc sống”, hãy tìm đọc cuốn tản văn “Cuộc sống rất giống cuộc đời” của Hoàng Hải Nguyễn.

Cuộc sống rất giống cuộc đời

Cái nhìn thực tế và hài hước về những vấn đề thường ngày

“Cuộc sống rất giống cuộc đời” đề cập đến những vấn đề thực tế xung quanh chúng ta, từ chuyện gia đình đến chuyện xã hội.

Chuyện gia đình như: các bà vợ hay than vãn tính cách chồng thay đổi giữa trước và sau khi cưới, hay so sánh chồng mình với chồng người ta, hay hỏi những câu mà chồng không biết trả lời ra sao cho vừa ý vợ…; sự phức tạp khi vợ có bầu, những tình huống dở khóc dở cười khi vợ vào viện sinh con; sự phức tạp khi thuê ô – sin…

Chuyện xã hội như: vai trò của ngoại ngữ, so sánh văn minh Ta và văn minh Tây, vấn đề viết tắt, vấn đề nói ngọng, cơm văn phòng đắt đỏ…

Những vấn đề đó được đưa ra xem xét dưới góc nhìn rất hài hước.

Chẳng hạn việc các bà vợ hay than vãn chồng thay đổi sau khi cưới, tác giả chỉ ra thực tế các ông chồng không hề thay đổi, chỉ có các bà vợ thay đổi. Sự khéo léo, đảm đang, tâm lí, nhẹ nhàng của các bà vợ đã biến mất sau khi cưới. Tác giả cũng đưa ra các ví dụ chứng minh rằng các ông chồng không bao giờ thay đổi vì bất cứ lí do gì. Ví dụ thứ nhất: một anh nghiện thuốc lá trước khi cưới vợ hứa cưới xong sẽ thay đổi, sau khi cưới, anh ta thay đổi thật, nhưng thay đổi từ hút 1 bao sang 2 bao thuốc 1 ngày. Khi có con, anh ta tiếp tục hứa con 1 tuổi sẽ bỏ, con được 1 tuổi, anh ta bỏ thật, nhưng là bỏ ra chỗ khác hút không cho vợ biết. Mấy năm sau, cuối cùng anh ta cũng bỏ. Nhưng là bỏ vợ. Ví dụ thứ hai: một anh khi yêu, thay đổi mọi thứ theo ý của người yêu, cuối cùng bị đá vì lí do “thay đổi nhiều quá”. Ví dụ thứ ba: một anh khi yêu, cũng thay đổi mọi thứ, bỏ hết các thói quen xấu, quên hết bạn bè, chỉ tập trung chăm sóc cận kề người yêu. Nhưng sau khi cưới, anh ta trở lại là chính mình với đủ mọi thói xấu. Thì ra khi yêu, anh ta đã dùng KHỔ NHỤC KẾ chứ anh ta không hề thay đổi.

Còn việc các bà vợ hay so sánh chồng mình với chồng người ta, tác giả chỉ ra “chồng mình” cũng là một kiểu “chồng người ta” đáng thèm muốn. Vậy các bà vợ còn muốn gì? Hay là các bà muốn đổi chồng?

Về vấn đề viết tắt, tác giả đã kể ra những tình huống hài hước do dịch sai từ, cụm từ, câu viết tắt: WC dịch nhầm là nhà vệ sinh (đúng ra là web camera), PTPTPCCCCC dịch nhầm là Phát triển phong trào phòng chống chó chạy cắn càn (dịch đúng là Phát triển phong trào phòng chống chữa cháy công cộng), CHAN GA DEM GIAM GIA 50% dịch nhầm là chân gà đêm giảm giá 50 (dịch đúng là chăn ga đệm giảm giá 50%).

Hay vấn đề nói ngọng, tác giả kể lại một vài mẩu chuyện mà việc phát âm chưa chuẩn khiến người nghe phải bật cười: “đang họp giao ban thì sếp có điện thoại, sếp tôi cầm lên nói luôn:

– “A nô”! Vâng, em chào anh “Nong”, “nâu” không gặp anh! Dạ, cái gì ạ? Gạch “nát” à? Ôi, anh đừng dùng “noại” đấy, em “nấy” cho anh gạch I – ta – ni “nát” đảm bảo “nong nanh nuôn”!

 Ôi giời ôi, tôi đố ông nào mua được gạch “nát” mà lại của I – ta – ni đấy!”;

“có lần sếp gọi tôi vào bảo:

  • Mày qua kiểm tra cho sếp T cái máy giặt anh tặng, anh thấy sếp bảo nó “nắc” quá!
  • Thế máy sếp mua hãng nào ạ?
  • Ê-nếc-trôn-nắc!

Ôi cha mẹ ơi, sếp mua cái “noại” ấy nó “nắc” là đúng.”;

“Tôi có ông anh, dân Hà Tây làm đồ gỗ, lúc gặp nhau tôi hỏi:

  • Anh cho em cái số di động của anh?
  • 090xxxxxx! Anh tên là NỢI!
  • ??!!! Vâng, anh Lợi ạ!
  • Không, e nờ nhẹ! NỢI!
  • Ôi, em tưởng anh nói NGỌNG. Phải là Lợi chứ nhỉ? Nợi làm quái có nghĩa gì?
  • Ngọng mẹ gì đâu.
  • Hay ngày xưa ông già anh đi khai sinh cho anh nói NGỌNG?
  • Ông già anh cũng không ngọng đâu!
  • Hay nhỉ?
  • Hay cái gì? Tại là tại cái thằng hộ tịch ngày xưa nó viết ngọng!”…

Chính cách nhìn hài hước của tác giả khiến các vấn đề gia đình, xã hội được đưa ra xem xét, bàn luận – dù đó có là vấn đề phức tạp, vấn đề tiêu cực – đều trở nên nhẹ nhàng đi rất nhiều. Những đối tượng bị đem ra làm ví dụ gây cười nhưng không gây ác cảm, còn người đọc được những trận cười giòn giã, thoải mái. Bao mệt mỏi, căng thẳng trong cuộc sống dường như cũng tiêu tan theo những tiếng cười ấy.

Những vấn đề thường ngày được nhắc đến trong “Cuộc sống rất giống cuộc đời”, không phải chỉ để kể ra cho vui. Cách nhìn hài hước của Hoàng Hải Nguyễn cũng giúp ta nhìn nhận lại những vấn đề tương tự xoay quanh cuộc sống của chính mình với hướng tư duy thông thoáng hơn, nhẹ nhõm hơn.

Tác giả Hoàng Hải Nguyễn

Hài hước nhưng lắng đọng

“Cuộc sống rất giống cuộc đời” là một cuốn sách hài hước nhưng vẫn đan xen những câu chuyện tình cảm rất lắng đọng.

Trong “Những ngày sinh nhật”, tác giả kể khi còn nhỏ, vào ngày em trai sinh ra, tác giả theo chân bố đi mua giò cho mẹ, được bà chủ quán cắt cho một miếng chả nhỏ. Ăn chả xong, tác giả luôn mồm hỏi bố về món chả vì nó quá ngon trong khi người bố cảm thấy đau xót, tủi thân, bất lực vì không có tiền mua chả cho con. Vào ngày sinh nhật lần thứ sáu, nhưng là lần đầu tiên tác giả được tổ chức sinh nhật, được bố đưa đi nổ bỏng ngô, tác giả vô cùng hạnh phúc khi ôm bao ngô to về nhà. Và buổi tối hôm ấy, cả nhà quây quần bên nhau ăn bỏng ngô, ăn bánh rán mật, nói chuyện linh tinh, là một buổi tối thật hạnh phúc mà tác giả luôn ao ước được quay trở về.

Trong “Nhật kí của bố”, tác giả viết về tình cảm cha con: “Chào CON GÁI của bố! Con là TÌNH YÊU, là HẠNH PHÚC, là LẼ SỐNG của bố mẹ! Bố yêu con vô cùng và sẽ luôn yêu con cho đến hết cuộc đời này.” Những dòng văn ấy đã khiến cho tiếng cười trong “Cuộc sống rất giống cuộc đời” không tuồn tuột trôi đi mà vẫn có điểm neo giữ lại trong lòng bạn đọc.

Tình cha con

Thế nào là lòng can đảm” đề cập đến tình anh em, tình yêu, lòng bao dung.

Đại ca” dù vẫn có những chi tiết hài hước nhưng có lẽ là câu chuyện buồn nhất trong cuốn sách đầu tay của Hoàng Hải Nguyễn. “Đại ca” kể về một người bạn – biệt danh đại ca – rất thân thiết của tác giả hồi nhỏ. Đại ca, trong mắt người lớn là đứa trẻ ngỗ nghịch, hư đốn, nhưng trong mắt tác giả lại rất đáng ngưỡng mộ bởi sự ngang tàng, khí phách. Hồi nhỏ, đại ca thường nhường nhịn, bênh vực tác giả.Vậy nhưng khi lớn lên, đại ca lại ra tù vào tội, nghiện ngập. Cuộc hội ngộ tình cờ sau bao năm xa cách giữa tác giả và đại ca đan xen sự mừng rỡ, ái ngại của một người, còn người kia vừa xấu hổ, vừa ngao ngán: “Đừng gọi tao là ĐẠI CA nữa”. Sau này đại ca đã cố gắng đi cai nhưng không được, cuối cùng thắt cổ tự tử. Câu chuyện buồn ấy gợi cho người đọc bao suy ngẫm về một kiếp người và cũng cho thấy tiếng cười trong “Cuộc sống rất giống cuộc đời” không phải là những tiếng cười hời hợt, nhạt nhẽo.

Sử dụng ngôn từ đời thường rất linh hoạt, dí dỏm, thông minh

Làm nên thành công của “Cuộc sống rất giống cuộc đời” phải kể đến cách dùng từ, diễn đạt.

Trước hết, tác phẩm sử dụng loại ngôn từ đời thường: từ ngữ giản dị, quen thuộc như lời ăn tiếng nói trò chuyện hàng ngày của mỗi chúng ta trong cuộc sống, khẩu ngữ, các từ ngữ thông tục…

Đây là một đoạn trong bài “Ngoại ngữ quan trọng lắm”: “Gần 6 năm Phổ thông với 5 năm Đại học đều phải học Ngoại ngữ mà tôi chỉ khá mỗi môn “thi lại”, tài tài là! Cấp 2, tôi bắt đầu được tiếp xúc lần đầu với ngoại ngữ, đương nhiên hồi ấy lứa 7X tất cả đều học tiếng Nga. Cô giáo tôi trẻ lắm, tên là Nga luôn, cô Nga dạy Nga nghe vui vui là!… Nhưng nghe vui thế thôi chứ học tiếng Nga thì “nhục” lắm, nhất là chia động từ.Cái thứ tiếng Nga chết tiệt ấy nhiều động từ với ngôi thứ lắm các bạn ạ, học khổ kinh.”

Những từ ngữ “tài tài là”, “ vui vui là”, “nhục”, “chết tiệt”, “khổ kinh” thường chỉ dùng trong văn nói.

Còn đây là một đoạn trong bài “Thế nào là lòng can đảm”: “Làm đếch có ai quen được với NỖI ĐAU! Nói chuyện với thằng em Bộ đội này vui phết.. .Nghĩ đến cái thân mình thấy HÈN thật, chả phải lo lắng cho ai, sinh ra đã sướng, có đau đớn khóc như mưa, có khi mình cóc quen với đau đớn cũng nên? Can đảm cái con củ khoai gì mình với mấy ông Hà Nội phố!”

Những từ ngữ: “đếch”, “phết”, “chả”, “tí”, “cóc”, “cái con củ khoai gì” rõ ràng là ngôn ngữ thông tục đời thường.

Ngôn ngữ đời thường xuất hiện phủ kín hầu hết các bài viết trong “Cuộc sống rất giống cuộc đời”. Nó góp phần quan trọng làm nên tính thực tế và tính hài hước cho tác phẩm của Hoàng Hải Nguyễn.

Tận hưởng cuộc sống bằng niềm vui

Sử dụng ngôn ngữ đời thường nhiều, đặc biệt là các từ thông tục, thậm chí hơi thô tục, nhưng các bài viết trong “Cuộc sống rất giống cuộc đời” không trở nên phản cảm, thu hẹp đối tượng độc giả mà lại rất hấp dẫn bởi lối diễn đạt linh hoạt, dí dỏm, thông minh.

Chẳng hạn như khi Hoàng Hải Nguyễn đưa ra một số đoạn hội thoại để các ông chồng học tập, đối phó với những “Câu hỏi tu từ” của các bà vợ:

“- Anh lại say rượu đấy à?

  • Ai bảo em là anh say?
  • Người anh SẶC mùi rượu kia kìa!
  • Thế tức là tôi bị sặc rượu nhé!”;

“ – Có đúng đàn ông các anh cứ xa vợ là y như rằng nghĩ ngay đến chuyện trai – gái không?

– Ôi trời đất ơi! Không lẽ em bắt bọn anh phải nghĩ đến cả chuyện TRAI với TRAI nữa hay sao?Kinh chết đi được!”;

như khi tác giả soạn thư nhắn nhủ vợ: “Nếu có gì đó không rõ thì phải hỏi, đừng có đoán mò rồi phán như đinh đóng cột. Ví dụ nếu không biết cái bu-gi là cái gì thì chỉ cần hỏi: Anh ơi cái bộ phận đánh lửa gọi là cái gì? Nghiêm cấm việc gào thét lên trên điện thoại: Em bị hỏng cái Bu – lông rồi, anh mang ra hiệu sửa ngay cho em! Khiến chồng Loading treo luôn cả NÃO mà đếch biết vợ hỏng cái gì!”;

hay như khi tác giả đối phó trước câu hỏi “BÂY GIỜ ANH ĐỊNH THẾ NÀO?” của vợ: “ – GIỜ ANH ĐỊNH THẾ NÀO? – Vợ tôi gào lên

– …(tiếp tục im lặng)

– GIỜ ANH ĐỊNH LÀM GÌ?

– … (im lặng nhé!)

– GIỜ ANH ĐỊNH RA SAO?

– Này nhé, cô hơi quá rồi đấy! Chồng cô đi mấy hôm cô không thèm hỏi thăm, cô lại đi hỏi thăm thằng Định à? Á à! Hay là cô nhớ thằng Định?…

Vậy thưa các bạn đàn ông, tóm lại để gia đình các bạn luôn luôn được êm ấm và hạnh phúc, các bạn phải có những điều kiện sau:

– Có một thằng bạn tên là Định!

– Thằng Định phải là thằng không có vợ hoặc ế vợ!

– Nếu thằng Định lấy vợ thì phải phá cho bằng được thì thôi!

Và để tình cảm gia đình càng ngày càng vững chắc tôi khuyên các bạn nên bổ sung thêm vài thằng bạn có tên sau đây: Tính, Nghĩ, Sẽ, Xem, Muốn, Thích… tùy các bạn!!!”

Sử dụng nhiều ngôn từ đời thường và lối diễn đạt linh hoạt, dí dỏm, thông minh đã làm nên văn phong đặc biệt thú vị của Hoàng Hải Nguyễn, khiến những câu chuyện được kể tuy có đôi lúc hơi “xàm” nhưng không hề “nhàm”.

Cuộc sống rất giống cuộc đời

Có thể nói “Cuộc sống rất giống cuộc đời” là một cuốn sách hấp dẫn mà người đọc có thể cười một cách vui vẻ, thoải mái từ khi đọc trang đầu tiên cho đến khi đọc trang cuối cùng. Sự hấp dẫn đó một phần quan trọng bắt nguồn từ tâm niệm của tác giả khi viết cuốn sách: “mỗi người chỉ sống có một lần vì vậy hãy tận hưởng nó bằng NIỀM VUI”.

Sao Băng

Tháng 2/2020

Xem thêm:

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây