Werner Bräunig (12 tháng 5 năm 1934 – 14 tháng 8 năm 1976) là một tác giả người Đông Đức. Ông được biết đến nhiều nhất với cuốn tiểu thuyết duy nhất của mình Rummelplatz (tiếng Đức nghĩa là Khu hội chợ, hoặc Chợ phiên).

Cuốn tiểu thuyết là một phần của chiến dịch của Đảng Cộng sản nhằm thiết lập một loại văn học giai cấp công nhân mới bằng cách khuyến khích những người lao động tài năng viết tiểu thuyết về cuộc sống hàng ngày của họ. Bräunig bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết Rummelplatz duy nhất của mình vào năm 1960. Cuốn tiểu thuyết liên quan đến công việc tại các mỏ uranium thuộc sở hữu của công ty Wismut AG của Đông Đức với khoảng thời gian từ năm 1949 đến cuộc nổi dậy ở Đông Đức vào ngày 17 tháng 6 năm 1953.
Mặc dù cuốn tiểu thuyết cho thấy rõ ràng niềm tin của tác giả rằng Chủ nghĩa tư bản luôn kết thúc trong Chủ nghĩa phát xít và do đó Chủ nghĩa Cộng sản là cơ hội duy nhất cho nhân loại, các chương được in lại của cuốn sách đã bị chỉ trích nặng nề bởi Hội nghị lần thứ 11 của Ủy ban Trung ương Đảng Thống nhất Xã hội Đức khi nói xấu giai cấp công nhân và Liên Xô. Trái ngược với tuyên truyền chính thức, Bräunig miêu tả những người khai thác Wismut không phải là một loại tinh hoa của tầng lớp lao động, mà như những người bình thường đấu tranh để kiếm sống sau Thế chiến II, dành thời gian rảnh rỗi trong quán rượu hoặc tại hội chợ địa phương (“Rummelplatz” ) và ít quan tâm đến chính trị.
Vào năm 2007, cuốn tiểu thuyết đã được xuất bản và được đề cử cho Giải thưởng Hội chợ Sách. Một bản dịch tiếng Anh của Samuel P. Willcocks đã được xuất bản vào năm 2015 bởi Seagull Books, một chi nhánh của Nhà xuất bản Đại học Chicago .
*
* *
Dưới đây là bài viết của dịch giả Ngụy Hữu Tâm về cuốn tiểu thuyết “Rummelplatz” của Werner Bräuning
Mới đây trên văn đàn Đức vừa rộ lên sự kiện về cuốn tiểu thuyết “Rummelplatz-Chợ Phiên” của nhà văn Werner Bräuning. Hãy xem đằng sau đó chứa đựng những vấn đề lịch sử gì?
Ở nước ta vừa qua Bảo tàng Dân tộc học có tổ chức triển lãm “Thời bao cấp” và đã được mọi người, nhất là giới trẻ rất quan tâm. Sau 20 năm đủ để chúng ta suy ngẫm về lịch sử một cách nhẹ nhàng hơn. Có thể là ở Đức cũng vậy, bạn đọc nói riêng và nhân dân nước Đức nói chung bắt đầu xem xét văn học CHDC Đức một cách khoan dung hơn, theo tôi hai nước Đức-Việt có khá nhiều điểm tương đồng mà ta có thể luận suy được.
“Công việc cuốn hút anh ta như một niềm đam mê vô hạn. Anh ta lắp mũi choòng, dùng hết sức bình sinh đâm nó vào núi. Áp suất của chiếc búa máy lắc mạnh toàn thân anh ta”, đó là sự giải thoát thông qua lao động chân tay. “Cú giật truyền vào anh ta hệt như cơn rùng mình đi vào cơ thể”, chính là tư tưởng thánh thiện đã thấm vào người tên phạm nhân khốn nạn. “Và anh ta chẳng còn cảm thấy ngọn núi, và cả bóng đêm, và cả sự cô đơn. Anh ta đã là một người khác. Đối với đêm nay, niềm xa lạ đã rút lui về chính nó.”
Người đàn ông mô tả hầm lò khai thác quặng urani ở vùng núi Erzgebirge (thuộc Đông Đức, dịch theo nghĩa đen là rặng núi quặng, NHT) này chính là nhà văn trẻ đầy triển vọng Werner Bräuning, khi đó ông mới 31 tuổi, và đó là cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông. Cuốn sách được ngợi ca là mô tả “lao động với ý nghĩa mới hơn”, là “sự hoàn thiện, cuộc vui chơi và sự sáng tạo”. Tuy nhiên sau khi xuất bản một số chương để giới thiệu, nó bị cấm. Chắc chắn nhà văn trẻ phải ngạc nhiên lắm, để đến nỗi cả trái tim lẫn khối óc anh ta đều bị tổn thương. Bởi lẽ chính cuốn sách đó lại bị lên án là làm tổn hại cho nhân dân. Đích thân Tổng bí thư Đảng Xã hội thống nhất Đức thời đó Walter Ulbricht đã xem và cho rằng nó là những “chuyện tục tĩu”, còn người được chỉ định kế tục ông là Erich Honnecker(*) thì nhận xét rằng nó “chẳng có gì chung với lối sống xã hội chủ nghĩa ở nước ta”. Đó là vào năm 1965, để lập lại trật tự và kỷ cương, cấp lãnh đạo CHDC Đức xem xét lại chính sách văn nghệ cho đến lúc đó là tương đối tự do, cấm chiếu một số phim của Hãng DEFA, một số nghệ sỹ cũng bị cấm hành nghề, và riêng nhà văn trẻ Bräuning thì được “chấn chỉnh” nghiêm khắc. Nhưng những việc đó chỉ làm các cuốn phim và cá nhà văn nghệ sỹ thêm nổi tiếng. Riêng con người vốn trầm lặng Werner Bräuning không chịu đựng được cú sốc đó, ông dần bị đi vào quên lãng, hầu như chẳng viết được nữa, nghiện rượu nặng và vĩnh viễn ra đi năm 1976, mới ở tuổi đầy sức sáng tạo là 42.
Nhưng nay thì tên ông lại nổi lên như cồn, NXB Aufbau-Verlag ở Berlin coi đó là “cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất thời hậu chiến không được xuất bản”. Điều đó chỉ đúng một phần, vì Werner Bräuning đã suýt vươn đến vinh quang tột đỉnh khi vào năm 1981 người ta cũng đã có cho in một cuốn sách tưởng niệm dầy 170 trang trích trong số trên 700 trang cuốn tiểu thuyết của ông. Nhà văn nữ nổi tiếng Christa Wolf viết trong lời giới thiệu: Ai muốn biết về nhân dân CHDC Đức, “xem cuộc sống của họ ra sao, muốn làm rõ nguyên nhân vì sao họ tràn trề hy vọng như vậy, cũng như mục tiêu của những nỗ lực quá sức người của họ”, sẽ tìm thấy trong cuốn sách này cơ hội để “thấu hiểu và đồng cảm”. Bởi vì “Rummelplatz-Chợ Phiên” không chỉ xảy ra ở Đông Đức, mà nó còn xảy ra tại nhiều nơi trên châu Âu sau thế chiến II: vùng Rhurgebiet bên sông Ranh thời Adenauer, vùng Allgäuer Alpen ở nước Áo, thậm chí cả vùng Mạc Tư Khoa bên Liên Xô. Tuy nhiên những chương xúc động nhất lại viết về cuộc sống lao động và yêu đương, những gì xảy ra ở những hầm lò và các lán trại tại Wismut vùng núi Erzgebirge (Đông Đức), và với cái tính cách viết mà không phải người viết viết chúng bằng một chiếc máy viết nặng, mà chính là đục bằng chiếc búa máy. “Ở đó có hòn núi, ở đó là lao động, và đó cũng là tất cả. Prometheus-Thần Sức mạnh được khắc vào núi. Sisiphus-Vua nước Corinth theo Thần thoại Hy Lạp phải xuống địa ngục lăn đá chuộc tội lăn ngược hòn đá lên núi. Nhưng mọi thứ chẳng hề thay đổi.” Bräuning ca ngợi công việc khoan núi đá một cách bi hùng như vậy. Wismut là vùng mỏ không xa Chemnitz (thời đó gọi là Các-Mác-Xtát) của CHDC Đức, một nhà nước nhỏ bên trong nhà nước vì tầm quan trọng. Ở đó có 210.000 công nhân khai thác urani cho nước bạn Liên Xô làm bom nguyên tử chống Mỹ. “Thế giới đã trải nghiệm Hiroshima, thì nay số phận của nó phụ thuộc từng giây từng phút vào việc sản xuất ở các hầm mỏ urani của Đức”, Bräuning viết. Công nhân làm việc trong bùn lầy, ở trong lán trại bụi bậm, bẩn thỉu, đạo đức trở nên suy đồi, thân thể tàn tạ vì những ca liên tục và vì liều bức xạ cao. Nhưng bù lại có lương cao, ăn uống đầy đủ và với chàng trai trẻ thuộc thành phần bóc lột Bräuning tuy là thủ khoa ở kỳ thi tú tài vẫn không vào được đại học, đó là bây giờ nhìn xuống các bạn học cũ, “muốn cho họ thấy mình có thể làm được những gì bằng chính nội lực của mình. Ta sẽ chứng minh điều đó cho chúng rõ.” Nhưng trong cuốn tiểu thuyết của Werner Bräuning, không phải nhân vật nào cũng được như vậy. Những vị anh hùng trong cuốn sách này căm thù lớp trước đã để lại một thế giới tàn lụi phía sau họ, căm thù những tên phát-xít cũ, cơ hội chủ nghĩa để leo lên những vị trí mới. Thêm vào đó trong “Rummelplatz-Chợ Phiên” ta còn gặp những tên bất nhân giết người, những ông bạn Liên Xô tuy tốt bụng nhưng luôn nghiện ngập, một nữ công nhân hãnh tiến và cả những cả cô gái điếm vô lương vì “một cô phải tiếp đến 6-7 khách” và cũng chính họ lo vui chơi cho cái thế giới đàn ông ở Wismut, cho cái tên “Rummelplatz-Chợ Phiên” của cuốn sách. Và cũng chính nhà phê bình văn học Walter Ulbricht nhận xét: “Họ nhậu nhẹt như vậy, họ hành xử như vậy với đàn bà để chuốc lấy bệnh tật vào thân”, và cuối cùng “khi tôi đọc những giòng đó, tôi tự hỏi: Những điều đó sẽ giúp ai?”
Thế nhưng Bräuning chỉ viết ra những điều mà ông biết. Sinh năm 1934, sau thế chiến đi học nghề, vì tham gia chợ đen phải đi cải tạo. Ở tuổi 16 ông lang thang tìm việc ở Hamburg, Hannover (Tây Đức vì lúc đó chưa chia cắt) rồi về lại Chemnitz (Đông Đức) để 1953 có làm ở các hầm lò Wismut vài tuần, sau đó viết báo rồi đi học viết văn ở Viện Văn học Johannes R. Becher tại Leipzig, trở thành nhà văn trẻ đầy triển vọng, nhất là tại Hội nghị Văn nghệ Bitterfeld 1959 với chủ đề “Hãy thử cầm bút nào, thợ mỏ!”. Nhà văn trẻ quyết tâm viết vì vốn là học sinh giỏi, đỗ đầu trung học nhưng không được lên đại học vì vướng “thành phần bóc lột” như bạn bè cùng trang lứa nhưng học kém mình nhiều.
Werner Bräuning đẹp trai, luôn có điều thuốc bên mép, ông không chỉ hấp dẫn bạn văn mà trước nhất là phụ nữ. Ông có năm người con với hai người vợ trong giá thú, nhưng cuối đời nghiện rượu. Một trong số họ ngày nay kể lại: “Mẹ tôi không muốn các con mình lớn lên bên một người cha nghiện ngập, hơn nữa còn mắc bệnh trầm cảm. Ông ấy dọn đi ở cách mấy phố, nhưng chúng tôi vẫn hay tới thăm ông, cha tôi hiền lành, thân tình và rất ít nói.”
Dẫu sau khi “Rummelplatz-Chợ Phiên” bị lên án, các nhà văn nổi tiếng thời đó là Anna Seghers và Christa Wolf đã có đứng lên bảo vệ cuốn sách và Werner Bräuning, thế nhưng vô vọng. Ngày nay chẳng rõ vì sao cuốn sách bị cấm, vì những đoạn văn tả cảnh đánh đấm, tình dục, hay phê phán từ góc độ người dân thường nên nó đã rơi vào tầm ngắm của những người kiểm duyệt? Dẫu sao nó vẫn cho người đọc cái nhìn trung thực về cuộc sống ở CHDC Đức thời đó. Có một nhân vật thần tượng Hermann Fischer cho hầm lò Wismut, rồi trở nên vật tế thần. Còn có cả những tên gián điệp, những kẻ phát xít điên cuồng phá hoại nền kinh tế CHDC Đức và đã gửi tay chân sang thực hiện vụ bạo động ngày 17.6.1953 (điều này về mặt lịch sử không được chứng minh). Dù có nhiều phê phán, vẫn đúng ý tưởng tiên phong của Werner Bräuning trong cuốn sách: “Phải xây dựng xã hội chủ nghĩa, với những con người đang hiện hữu – hay là không.” Kết quả giám định này là rõ ràng: Vùng Wismut là bức tranh tiêu biểu hoàn hảo của toàn bộ nhà nước công nông Đức đầu tiên, một hầm kín với những nhánh rẽ ngoằn ngoèo, ở đó phải lao động nặng nhọc và tiêu khiển vô bổ, lười nhác. “Ở đây người ta rõ ràng đói vô vọng hơn bất cứ nơi nào khác” như trong sách nhận xét, bởi vì đó là nền kinh tế túng thiếu, những tranh luận nhăng cuội và sự tán dương ngất trời. Đó là địa ngục ngay trên Trái Đất: Nhưng kỳ lạ thay khi người ta đã quen ở đó thì người ta cảm thấy sung sướng. Cuốn sách nói về chính điều đó. Các nhân vật trong “Rummelplatz-Chợ Phiên” tìm thấy niềm hạnh phúc nhỏ nhoi “trong ly rượu Votka cháy họng, trên làn da nóng bỏng của người con gái”. Còn khi người ta đã trở nên kiêu ngạo, người ta trèo lên cái đu. “Anh hãy trèo lên cây đu và đánh tung lên thật cao, vượt qua cả điểm chết, nhưng rồi anh lại rơi xuống, và mọi thứ lại vẫn như cũ. Đó là tất cả.” Tất cả không có nghĩa là nhiều, nhưng nó vẫn là một cuộc sống đẹp đẽ nhưng đầy lừa gạt ở Đức.
(*) Xin xem thêm cuốn: “Những ngày cuối đời, hồi ký Honecker”do Giang Nam dịch và NXB Công An xuất bản, 2011
Xem thêm: