“Đèn gió bay lên” của nhà văn Diệp Hồng Phương là tập truyện ngắn tương đối mỏng, gồm 8 câu chuyện về tuổi thơ đầy xúc động. 8 câu chuyện ấy không chỉ đơn giản là “đưa bạn về với đồng quê dạo quanh cuộc sống ở vùng sông nước với những người bạn mới tính tình thiệt thà dễ mến” hay “kể cho bạn nghe về những trò chơi mà bạn không thể tìm thấy ở thành phố nhộn nhịp nơi bạn sống” như những dòng tự giới thiệu ở bìa sau cuốn sách. 8 câu chuyện ấy còn để lại trong ta bao dư vị sâu lắng về những cuộc đời trẻ thơ của dòng chảy hiện tại.
“Đèn gió bay lên” đưa chúng ta đến với vùng đất Nam Bộ
Sự hấp dẫn đầu tiên của “Đèn gió bay lên” đối với người đọc là cuốn sách gọn gàng này đưa chúng ta đến thăm vùng đất Nam Bộ với những cảnh sắc rất riêng, những nét văn hóa rất riêng và những niềm vui tuổi thơ rất riêng.
Mảnh đất Nam Bộ có thể đã được dựng lên rất sinh động, rõ nét qua những trang sách “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, nhưng dưới ngòi bút của nhà văn Diệp Hồng Phương, mảnh đất ấy vẫn còn những khía cạnh kì thú chưa được biết đến. Những khía cạnh đó có thể rất quen thuộc với bạn đọc người Nam Bộ nhưng sẽ vẫn có sức hút đặc biệt đối với bạn đọc sinh sống ở những vùng miền khác trên đất nước ta.
Dưới ngòi bút của nhà văn Diệp Hồng Phương, cảnh sắc Nam Bộ hiện ra giản dị, thân thương với những con rạch hai bên bờ xanh mướt nào dừa nước, cây bần, cây mắm, nào bình bát, ô rô, mái dầm…; với những rừng đước mọc kín bưng, ban đêm tối om không nhìn được gì hết nhưng dưới những gốc đước, trên những nhánh cây, đen đặc những con ba khía – loại cua nhỏ sống ở vùng nước lợ; với những vườn dừa có mương nước hai bên vừa cho bóng mát rượi vừa cho trái ngọt lành; với cả dãy phố đầy những cây hoa Bò Cạp đang thả từng chùm, từng chùm hoa vàng rực khoe sắc giữa nắng hè…
Nhà văn Diệp Hồng Phương cũng đã phác thảo đôi nét về sự đặc sắc của văn hóa Nam Bộ: người dân đi lại bằng xuồng trên những con rạch chằng chịt; lễ Cúng trăng của đồng bào Khmer vào cuối tháng 10 âm lịch mừng trúng mùa lúa với món cốm dẹp, nước thốt nốt ngọt thơm, với hội thả đèn gió…; tập tục thanh niên người Khmer đến tuổi trưởng thành phải vào chùa, mặc áo Phật, cạo trọc đầu, học kinh Phật, ăn ngày chỉ một bữa cơm, sau 3 năm, rời chùa trở lại gia đình mới được coi là người trưởng thành…
Những trang văn trong “Đèn gió bay lên” còn kể về những trò chơi tuổi thơ rất đơn sơ, bình dị mà vẫn đầy niềm vui, niềm hạnh phúc của con trẻ Nam Bộ: chơi ba khía, móc đất sét nặn hình, tắm rạch, tắm sông, đua xe bù rầy, thả diều giấy…
Đọc “Đèn gió bay lên”, ta thấy thấp thoáng bóng dánh mảnh đất Trà Vinh – quê hương của nhà văn Diệp Hồng Phương. Những trang viết gợi cảm hứng từ mảnh đất quê hương bao giờ cũng ấm áp, gần gũi, thân thương, dễ đi vào lòng người.

Đến những trang viết về trẻ thơ đầy suy tư
Tập truyện ngắn “Đèn gió bay lên” bên cạnh những trang viết về trẻ thơ rất hồn nhiên, vui vẻ, nhẹ nhõm, còn có những trang thấm đẫm trăn trở, suy tư của nhà văn khiến ta cũng phải ngậm ngùi suy ngẫm.
Câu chuyện về bé Thảo trong “Bên ngọn Bần Gie” là một ví dụ. Bé Thảo là con ngoài giá thú của ba bé Hai. Khi ba bé Hai mất được một năm, má bé Thảo mang bé Thảo lúc đó cũng khoảng một tuổi về gặp má bé Hai thưa chuyện, than hoàn cảnh cơ cực, tấm thân như lục bình trôi, năn nỉ má bé Hai nuôi giúp bé Thảo. Bé Thảo lớn lên trong tình yêu thương của má con bé Hai dù xung quanh mọi người xoi mói. Nhưng bé Thảo bị trầm cảm, “khờ ịch”, “chịu thiệt thòi mà không biết”. Hình ảnh bé Thảo và mái nhà thiếu bờ vai người cha để nương tựa của mấy mẹ con bé Hai đã để lại những xót xa, thương cảm trong lòng người đọc.
Một ví dụ khác là câu chuyện về thằng cháu ngoại trong “Chuyện cổ tích của ông ngoại”: Ông ngoại kể cho thằng cháu nghe về quá khứ đau thương, bị đè nén áp bức của các cụ thân sinh ra ông ngoại, về chuyện ông ngoại đi kháng chiến bị thương, được một cô y tá tận tình chăm sóc, ông đã cưới cô y tá, sinh được một người con gái – chính là má của thằng cháu ngoại. “Chuyện cổ tích của ông ngoại” tưởng chừng kết thúc một cách có hậu, vui vẻ, hóm hỉnh khi thằng cháu bảo: “Chưa hết chuyện được. Còn chuyện cổ tích tía với má con thì sao? Bữa nay ông ngoại không kể, mai mốt phải kể cho con nghe”. Nhưng đoạn văn cuối cùng của tác phẩm mới chứa đựng sức nặng của câu chuyện: “Ông ngoại thở dài giấu đi nỗi buồn từ quá khứ đang kéo về. Vợ và con gái ông chết trong chiến tranh. Ông lính già tên Đất bước vào thời bình ở tuổi bốn mươi sáu và ở vậy cho tới nay. Thằng cháu ngoại được ông “lượm” về nuôi năm chín mươi bảy, không lẽ ông gọi nó là con? Thì thôi gọi là cháu ngoại. Tía má nó là ai ông cũng không biết”. Những cảnh đời bất hạnh do chiến tranh gây ra đang nương tựa vào nhau để sống tiếp. Tâm hồn người già chất nặng nỗi đau quá khứ để tâm hồn trẻ thơ vẫn được hồn nhiên, vô tư trong sáng, đầy ắp yêu thương…

Viết về tuổi thơ của dòng chảy thực tại
Những câu chuyện trong “Đèn gió bay lên” của nhà văn Diệp Hồng Phương dành viết về tuổi thơ, nhưng đó không chỉ là tuổi thơ đã trôi qua trong kí ức mà còn là tuổi thơ của dòng thời gian thực tại, gần gũi với chúng ta ngay ở thời điểm ta cầm cuốn sách trên tay.
Trong cuộc sống của chúng ta hiện nay, có lẽ trường hợp như bé Thảo trong câu chuyện đã nêu không phải hiếm gặp. Hay chuyện cậu bé Tài nhà nghèo phụ mẹ bán vé số, chuyện Nhơn và Nghĩa vừa ngậm ngùi, buồn bã khi vườn dừa của ông bà ngoại gắn với bao kỉ niệm đẹp đẽ bị phá bỏ dần để trồng bưởi theo thời thế “kinh tế vườn”, vừa biết ơn, xúc động khi hiểu ra ông bà ngoại muốn sau này để lại cho hai cháu một vườn cây thật giá trị…, tất cả đều là những câu chuyện của hiện tại. Chính điều này khiến “Đèn gió bay lên” thu hút sự quan tâm của người đọc hơn.
Nghệ thuật kể chuyện “Đèn gió bay lên”
Về cơ bản, “Đèn gió bay lên” được nhà văn Diệp Hồng Phương kể với giọng văn tự nhiên, trình tự giản dị, rất dễ tiếp nhận. Chỉ một số câu chuyện như: “Bên ngọn Bần Gie”, “Chuyện cổ tích của ông ngoại” có diễn biến bất ngờ tạo suy tư nơi người đọc.
Ngôn ngữ Nam Bộ là một nét hấp dẫn khác trong cuốn “Đèn gió bay lên”. Những cách nói: chịu hổng nổi (không chịu được), hổng ai biết (không ai biết), vô trỏng (đi vào trong), đầy nhóc (đầy ắp), bữa nay (hôm nay), mai mốt (hôm nào đó), mần lẹ đi (làm nhanh lên)… rất quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người dân Nam Bộ đã đi vào những trang viết của nhà văn Diệp Hồng Phương thật tự nhiên, chân thật, sống động, gợi về những con người Nam Bộ thật thà, chất phác, phóng khoáng và cũng rất giàu tình nghĩa.
“Đèn gió bay lên” của nhà văn Diệp Hồng Phương là tập truyện ngắn dành cho tất cả những ai quan tâm đến thế giới tuổi thơ và sẵn lòng yêu mến mảnh đất cũng như con người Nam Bộ.
Sao Băng
Tháng 11/2019
Xem thêm:
Tác phẩm hay, nhẹ nhàng tinh tế
😀
tuổi thơ ngyaf ấy bây giờ còn đâu
https://sachvanhoc.com/review-sach-2-van-dam-duoi-day-bien-mot-trong-nhung-cuon-tieu-thuyet-hay-nhat-toi-tung-doc/