GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA – cho những người thiếu thốn tình yêu thương

0
2177

Thạch Lam là cái tên không thể không nhắc đến khi tìm hiểu về văn học lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Tuy thuộc trường phái lãng mạn nhưng văn phong Thạch Lam là sự kết hợp hài hòa giữa chất lãng mạn và chất hiện thực. Tiêu biểu cho phong cách văn chương ấy là tập truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” (xuất bản lần đầu tiên năm 1937 với tên “Gió đầu mùa”). Tập truyện chứa đựng những trăn trở, day dứt đầy tình yêu thương của nhà văn Thạch Lam đối với con người, đặc biệt là những con người nghèo khó, khốn khổ.

“Gió lạnh đầu mùa” gồm 17 truyện ngắn: Đứa con đầu lòng, Nhà mẹ Lê, Trở về, Một cơn giận, Tiếng chim kêu, Người bạn trẻ, Cái chân què, Đói, Một đời người, Hai lần chết, Gió lạnh đầu mùa, Hai đứa trẻ, Tối ba mươi, Cô hàng xén, Tình xưa, Dưới bóng hoàng lan, Sợi tóc.

Gió lạnh đầu mùa

Yếu tố lãng mạn trong “Gió lạnh đầu mùa”

Trước hết, tập “Gió lạnh đầu mùa” có yếu tố của văn học lãng mạn. Nhiều truyện đề cập đến tình yêu nam nữ. Trong truyện ngắn “Đói”, nhân vật Sinh làm ở sở, phong lưu, có nhiều tiền đã gặp gỡ, yêu mến Mai vốn sống ở xóm cô đầu. Sinh đã cưới Mai về làm vợ, hai người đã cùng nhau sống những tháng ngày sung sướng ái ân. Ngay cả khi rơi vào nghèo khó, tình cảm của hai bên vẫn nồng nàn, đằm thắm.

Truyện “Cô hàng xén”, Tâm – cô hàng xén xinh nhất chợ hay bị bọn con trai buông lời chòng ghẹo – lại thầm yêu mến cậu giáo Bài. Cậu giáo tuy nghèo nhưng đứng đắn, có tư cách, miệng tươi như hoa, ăn nói mềm mỏng dễ nghe. Cứ ngày phiên chợ, cậu giáo ra hàng Tâm mua kim chỉ, nhìn Tâm âu yếm khiến Tâm phải đỏ má. Cậu giáo nhờ người mối lái đến hỏi Tâm và hai người đã nên vợ nên chồng.

Nếu trong “Đói” và “Cô hàng xén”, chuyện tình yêu mới là thứ yếu thì trong “Tình xưa” hay “Dưới bóng hoàng lan”, chuyện tình yêu lại là nội dung chính của truyện.

Tình xưa” kể về mối tình giữa cậu Bình và cô Lan – con gái chủ nhà nơi Bình trọ học trên tỉnh. Lan là một thiếu nữ lặng lẽ, kín tiếng đã thầm yêu mến Bình vì cậu học giỏi. Bình lúc đầu không hề chú ý đến Lan nhưng sau khi biết rõ Lan có tình ý với mình, Bình cũng rung động, đã đáp lại tình cảm của Lan. Vui vì được Bình yêu, Lan không còn lặng lẽ, kín đáo mà luôn miệng nói cười, săn sóc Bình tận tình hơn, tỏ ra trẻ con và ngây thơ. Những điều này lại khiến Bình khó chịu, nhất là khi cậu bị các bạn giễu cợt, trêu chọc về chuyện tình cảm giữa cậu và Lan. Dần dần, Bình tỏ ra thờ ơ với Lan, Lan đau khổ, buồn rầu rồi trở lại yên lặng, kín đáo như trước kia, dù lòng vẫn thầm yêu Bình.

Chuyện tình yêu trong “Dưới bóng hoàng lan” có lẽ thơ mộng, đẹp đẽ hơn trong “Tình xưa”. Thanh – chàng trai làm việc trên tỉnh về quê thăm bà – và Nga – cô thiếu nữ hàng xóm hồi nhỏ hay chơi với Thanh – dù xa cách, ít gặp nhau nhưng vẫn thầm giữ lòng yêu mến nhau. Dưới bóng hoàng lan trong vườn, Nga thổ lộ “những ngày đến đây hái hoa, em nhớ anh quá”, còn Thanh đã hứa hẹn “mai kia tôi sẽ về ở đây lâu hơn”. Một chuyện tình thật nhẹ nhàng, trong sáng.

Dưới bóng hoàng lan

Chất hiện thực

Tập truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” còn rất giàu chất hiện thực.

Nhà mẹ Lê” kể về gia đình mẹ Lê. Bác Lê là dân ngụ cư, kiếm sống bằng việc làm thuê, làm mướn để nuôi mười một đứa con, đứa lớn mới mười bảy tuổi, đứa bé hãy còn bế trên tay. Cả nhà chen chúc trên một chiếc giường nan gẫy nát. Mùa rét không ai thuê mướn bác Lê, cả nhà bác phải nhịn đói, bọn trẻ con khóc lả đi, dưới những manh áo rách nát, da chúng thâm tím vì rét. Một lần đi vay gạo nhà giàu, bác Lê bị chó cắn, ốm rồi chết để lại bầy con nheo nhóc. Câu chuyện buồn thê lương đó đã phản ánh thời kì hiện thực đen tối ở Việt Nam những năm 1930 -1945, nhiều người nông dân bị làm cho trở nên bần cùng, khốn khổ và phải chết.

Truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” với hình ảnh những đứa trẻ con nhà nghèo xóm chợ mặc những bộ quần áo nâu bạc, rách vá nhiều chỗ, da thịt thâm tím lại, hàm răng run lập cập dưới cơn gió rét, hay “Hai đứa trẻ” với cuộc sống phố huyện ngột ngạt, tù túng, tăm tối đều rất giàu giá trị hiện thực.

Hiện thực mà Thạch Lam đề cập đến tuy chỉ thoáng qua nhưng lại bao quát ở nhiều phạm vi, nhiều đối tượng trong cuộc sống: Từ nông thôn đến thành thị, từ người nông dân, tiểu thương, học sinh, giáo viên đến cả những cô gái bán thân. Chất liệu hiện thực khiến những trang văn của Thạch Lam lắng đọng hơn trong tâm trí người đọc, khiến tác phẩm của Thạch Lam sâu sắc, giàu ý nghĩa hơn.

Những trăn trở, day dứt đầy tình yêu thương đối với con người

Tập “Gió lạnh đầu mùa” chan chứa lòng nhân ái của Thạch Lam, thể hiện bao trăn trở, day dứt của nhà văn về con người.

Trong tập truyện ngắn này, chỉ một vài truyện kết thúc có vẻ tươi sáng hay ít nhất khiến tâm hồn ta nhẹ nhõm. Còn phần lớn có kết thúc buồn, đọng lại trong ta bao lặng lẽ, trăn trở, suy tư.

Cái chân què” kể về Minh – một thiếu niên nghèo rất linh lợi, có nghị lực, khao khát làm giầu vì cho rằng có tiền làm gì cũng được. Minh chẳng may bị tai nạn, phải cưa đi một chân, anh rất đau khổ, chỉ muốn tự tử. Sau đó anh được hãng ô tô gây tai nạn bồi thường cho một số tiền lớn. Lúc đầu anh vui sướng vì có nhiều tiền nhưng sau đó lại buồn rầu vì một chân đã bị què. Anh dùng số tiền có được lao vào ăn chơi để quên đi nỗi đau mất một chân. Nhưng đến khi tiêu hết số tiền, lại lâm vào cảnh nghèo nàn, anh vẫn không quên được nỗi đau mất chân ấy.

Truyện “Tối ba mươi” kể về hai cô gái bán thân – Liên và Huệ – trong buổi tối ba mươi. Liên đã cố đi mua cho đủ các thứ để sắp một mâm cỗ cúng giao thừa. Ngày cuối năm là ngày sum họp gia đình, Liên và Huệ càng ý thức rõ sự tăm tối, lạnh lẽo trong căn phòng trọ của mình, ý thức rõ cuộc đời nổi trôi, trụy lạc của mình, thấy vô cùng tủi cực, buồn chán, thất vọng. Hai cô ôm nhau khóc. Khi tiếng pháo giao thừa vang lên, họ chỉ biết nép vào nhau, yên lặng.

Trong truyện “Đói” đã nhắc ở trên, về sau Sinh mất việc, rơi vào nghèo đói. Mai vẫn yêu thương Sinh nhưng vì túng quẫn đã phải quay lại con đường bán thân để có tiền mua thức ăn cho chồng. Sinh phát hiện ra liền hất đổ mọi thức ăn, đuổi Mai đi. Sau đó, vì quá đói, Sinh lại vơ thức ăn vương dưới bàn, vội vàng ăn. Đến khi no bụng, chàng chua xót cho số phận, hoàn cảnh của mình, thấy “chán nản mênh mông”, “ôm mặt cúi đầu khóc nức nở”.

Truyện “Cô hàng xén” cũng có kết thúc buồn. Tâm lấy cậu giáo Bài, một thời gian sau cậu giáo mất việc, mọi chi tiêu trong nhà đều trông vào gánh hàng xén còm cõi của Tâm. Tâm còn phải cố dành dụm, tích góp riêng để gửi về nhà phụ mẹ nuôi em ăn học. Tâm già đi nhiều. Cuối truyện, sau khi đưa cho em tiền đóng học, trời đã tối, Tâm vội vã về nhà, một mình băng qua cánh đồng đầy sương gió trong nỗi lo không biết lấy tiền đâu để trả nợ và đóng sưu thuế cho chồng.

Cô hàng xén
Cô hàng xén

Những kết thúc buồn ấy làm tăng thêm tính hiện thực cho tác phẩm của Thạch Lam. Ông không thi vị hóa cuộc sống, không tô vẽ cuộc sống, không giải quyết những vấn đề trong cuộc sống một cách ảo tưởng.

Những kết thúc buồn ấy không phải vì Thạch Lam bi quan về cuộc sống mà do tác phẩm của ông ra đời trước Cách mạng, các nhà văn Việt Nam thời điểm đó chưa tìm được hướng giải thoát trước hiện thực khách quan tăm tối.

Nhưng trên hết, những kết thúc buồn ấy thể hiện rõ trái tim giàu tình yêu thương, luôn trăn trở về con người của nhà văn Thạch Lam.

Ông kể truyện “Cái chân què” để nhắn nhủ: đồng tiền có sức mạnh thật nhưng đồng tiền không phải là mục đích cốt yếu ở đời, đồng tiền không đem lại cho ta sự sung sướng. Từ đó mỗi người chúng ta hiểu cần phải có thái độ như thế nào trước đồng tiền để cuộc sống thực sự hạnh phúc, có ý nghĩa.

“Tối ba mươi” thể hiện rõ lòng thương cảm của nhà văn dành cho những con người thấp hèn nhất, bị coi thường nhất trong xã hội.

Truyện “Đói”, nhân vật Sinh vừa đáng trách nhưng cũng thật đáng thương. Cái đói đã làm Sinh trở nên hèn đi nhưng con người ấy vẫn còn lòng tự trọng, biết chua chát, đau đớn, bật khóc trước tình cảnh của mình. Những giọt nước mắt cuối truyện là sự xót xa, cay đắng, bất lực của nhân vật, là lòng thương xót của Thạch Lam dành cho nhân vật, là niềm tin tưởng của nhà văn về phần tốt đẹp vẫn tồn tại trong tâm hồn con người.

Cảnh Tâm trong “Cô hàng xén”cúi đầu đi mau vào trong ngõ tối” thể hiện sự cảm thông, thương xót và nỗi trăn trở của nhà văn: làm thế nào cho con người được hạnh phúc trước hiện thực đen tối?

Truyện ngắn của Thạch Lam, dù man mác buồn, đã để lại biết bao dư vị sâu lắng trong tâm trí người đọc. Đọc tập “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam, trước những cảnh đời khốn khó, bi thảm, ta bỗng thấy biết trân trọng hơn những gì mình đang có, biết cảm thông, yêu thương hơn những người xung quanh ta. Ta cũng có thể nhận ra ta cần sống như thế nào để đúng là CON NGƯỜI, để cuộc sống thật hạnh phúc, ý nghĩa.

Sao Băng

Tháng 2/2020

gió lạnh đầu mùa

Xem thêm:

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây