Những ngày này, cuộc xung độc sắc tộc ở Mỹ đang diễn ra gay gắt và phức tạp. Nhưng đó chỉ là những biểu hiện bề mặt. Cuốn tiểu thuyết đầu tay “Không nhà” của Tommy Orange sẽ giúp bạn đọc hiểu phần nào nguồn gốc, thực trạng của những phân biệt và bạo loạn ở Mỹ.
Không Nhà – Góc nhìn của người trong cuộc
Tommy Orange là một nhà văn trẻ người Mỹ, sinh năm 1982 tại Oakland, California. Anh là một người Mỹ bản địa, thuộc bộ lạc Cheyenne và là người trong cuộc tiêu biểu cho người Mỹ bản địa thế hệ mới.
“Không nhà” cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Tommy Orange gây rúng động giới văn chương khi bàn tới một trong những chủ đề nhức nhối hiện nay trong xã hội Mỹ, đó là “vấn đề cuộc sống của người châu Mỹ bản địa trong đời sống đô thị hiện đại”. Ngoài nhiều giải thưởng dành cho sách hay, cuốn sách này đã được đề cử giải Pulitzer 2019. Tuy nhiên, giải Pulitzer 2019 đã thuộc về cuốn khác, tất nhiên.
Người Mỹ bản địa, chính là người thổ dân da đỏ mà trong các bộ phim tài liệu, phim điện ảnh nổi tiếng như “Kỵ sĩ cô độc”, “Người Mohican cuối cùng”, “Công chúa da đỏ”… đã tạo nên hình tượng mà hễ nhắc tới “người thổ dân da đỏ” là mọi người dễ hình dung ngay đến hình ảnh những người thổ dân đóng khố mặc váy áo đan từ vỏ cây và quệt màu xanh đỏ lên mặt lên cánh tay và xăm mình bằng những tượng hình khó hiểu…
Có thể bạn đã biết, cách gọi khác nhau giữa “người Mỹ da trắng”, “người Mỹ bản địa” đó là một cách phân biệt để nhận biết nguồn gốc của người Mỹ. Người Mỹ da trắng là những người có nguồn gốc từ châu Âu, bắt nguồn từ đoàn người bị trục xuất khỏi vương quốc Anh từ thế kỷ 16-17 và trong số họ đã di cư đến Bắc Mỹ vào năm 1620. Chính họ được những người Mỹ bản địa cứu sống khi vừa dạt vào bờ biển bằng cách chia sẻ đất đai, lương thực và kinh nghiệm trồng trọt ở đây.
Vào năm 1621, một năm sau khi ổn định cuộc sống trên đất Mỹ, người châu Âu di cư (tổ tiên của người Mỹ da trắng) đã tổ chức một bữa tiệc lớn, mời các thủ lĩnh/bộ tộc da đỏ tham dự với ý nghĩa bữa tiệc là tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho cuộc sống no đủ, mùa màng bội thu và như một lời tri ân đến “người thổ dân da đỏ” đã chia sẻ những khó khăn ban đầu với họ. Đây cũng là nguồn gốc của lễ Tạ ơn.
Lịch sử ghi lại là những gì đã được làm sạch sẽ. Theo một người Mỹ bản địa như Tommy Orange thì trong ký ức tổ tiên của họ vẫn không quên rằng, ngay trong bữa tiệc đêm đáng nhớ năm 1621 đã có một cuộc đổ máu vì những tranh giành đất đai giữa đôi bên.
Tommy Orange đã nhìn nhận như thế nào trong tâm thế một người trong cuộc với tư cách là một nhà văn?
Trong cuốn tiểu thuyết “Không nhà” của mình, Tommy Orange đã bày ra một góc nhìn rất thật, rất chi tiết và cho thấy, những xung đột này là cả một quá trình lịch sử đằng đẵng, từ thế hệ tổ tiên họ hàng trăm năm trước cho đến nay, nguyên nhân sâu xa đều từ cả hai phía.
Thực trạng cuộc sống cộng đồng người Mỹ bản địa
“Không nhà” là câu chuyện về cộng đồng người Mỹ bản địa phải vật lộn với tất cả các vấn đề cuộc sống trong đời sống đô thị, từ thất nghiệp, trầm cảm, nghiện ngập, buôn lậu, trộm cắp đến giết người. Đó là thực trạng cuộc sống của họ.
Trong tâm hồn người Mỹ bản địa, họ mang nặng ký ức tổ tiên về một tộc người bị xâm lấn lãnh thổ: Các chính sách ban đầu của chính phủ Mỹ về đất đai hoàn toàn thiên vị người Mỹ da trắng, cho đến khi trải qua bao cuộc đấu tranh, bao cuộc thanh trừng đẫm máu, bao cuộc giết chóc, cuối cùng thì người Mỹ bản địa cũng được trao cho những quyền lợi cơ bản mà lúc này số lượng cộng đồng người của họ được đặc biệt dồn vào các đặc khu bảo tồn! Vâng, là các khu bảo tồn người Mỹ bản địa, với các quyền lợi và nghĩa vụ đặc biệt. Bạn nghe có giống một khu bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm hay không?

Nhiều người Mỹ bản địa không biết phải làm gì để sinh nhai trên mảnh đất vốn của tổ tiên họ mà nay họ như kẻ không nhà. Bạn có thể hình dung được không, tâm thế của một con người phải tha hương ngay trên chính mảnh đất quê hương máu thịt của mình suốt bao đời tổ tiên: “Chúng tôi đi xe buýt, xe lửa và xe hơi trên những con đường nhựa. Người Indian không trở về vùng đất của mình. Vùng đất đó là khắp mọi nơi và cũng là không nơi nào.” (trích Không nhà) Bế tắc, trầm cảm, thất nghiệp rồi sa vào nghiện ngập, buôn lậu, vi phạm pháp luật là điều tất yếu.
Ngay trong cuốn tiểu thuyết “Không nhà”, Tommy Orange đã cho bắt đầu câu chuyện bằng một cuộc giết chóc đẫm máu người thổ dân da đỏ từ thế kỷ 17 mà kẻ gây ra tội ác này đáng lẽ ra phải mang ơn người bản địa đã cứu giúp họ, không ai khác chính là “những kẻ hành hương” (một cách gọi khác khi nói về người châu Âu di cư sang Mỹ lúc bấy giờ).
Tiếp theo đó là những chật vật với nạn thất nghiệp trong đời sống đô thị xi măng nhà cao tầng, người Mỹ bản địa dễ dàng rơi vào cạm bẫy của các tệ nạn: nghiện ngập, sa đoạ, không làm chủ được cuộc sống. Từ đó ranh giới giàu nghèo càng rõ rệt. Trong số người lang thang vô gia cư, chắc chắn có người Mỹ bản địa. Trong những vụ án buôn bán ma tuý trái phép hay cướp giật trên phố, kiểu gì cũng có người Mỹ bản địa là liên quan. Những bà mẹ vì bế tắc mà sa vào nghiện ngập nặng càng khiến cho sự bế tắc kéo dài đến thế hệ sau. Những thanh niên ôm mộng lớn muốn làm một điều gì đó cho cộng đồng bộ tộc mình nhưng không đủ chi phí và phải dựa vào hỗ trợ từ chính phủ mà muốn nhận được hỗ trợ thì phải chứng minh tính khả thi của dự án. Những tư vấn viên tâm lý là người Mỹ bản địa, họ đi khắp nơi tư vấn cho khắp cộng đồng mình về cách làm sao để thoát khỏi nghiện ngập và tệ nạn hay trầm cảm nhưng chính bản thân họ lại không thể thoát được bế tắc của chính mình. Và đau lòng thay, không chỉ có cuộc giết chóc thanh trừng giữa người da trắng với người bản địa mà có không ít cuộc nổ súng đẫm máu giữa những người Mỹ bản địa với nhau, ngay trong lễ hội Pow Wow – nơi lẽ ra dành để tụ họp, quây quần, tìm về sum vầy của cộng đồng các bộ tộc người Mỹ bản địa.
Ngay trong cộng đồng họ, một cộng đồng thiểu số đang được bảo tồn đã có nhiều vấn đề. Việc họ vì thiếu hiểu biết, vì thất nghiệp, vì sa đoạ mà phạm pháp rồi dẫn đến xung đột sắc tộc lên đỉnh điểm nó giống như giọt nước tràn ly. Không phải người da màu nào cũng sa đoạ và phạm pháp, cũng như không phải cứ hễ là người da màu thì có thể vin vào việc bị phân biệt đối xử mà tuỳ ý phạm pháp rồi kêu oan. Tất nhiên, tương tự như vậy đối với người da trắng. Tốt hay xấu, đều chỉ là tương đối. Quan trọng là ở nguồn gốc sâu xa và thực trạng cần giải quyết.
Xung đột ở đâu cũng có nhưng hậu quả của nó đến mức nào lại phụ thuộc vào lịch sử văn hoá bản sắc vùng miền, cá tính con người ở vùng đó. Người Mỹ da trắng vốn mang tâm thế của kẻ đi khai hoá văn minh nên sâu bên trong họ vẫn còn chất thượng đẳng của kẻ nghĩ rằng mình là bề trên, rằng mình là người mang đến văn minh cho mảnh đất này. Chính vì thế mới có những điều đáng tiếc xảy ra.
Nguồn: I love Books
Xem thêm:
…một câu chuyện về những lát cắt của cuộc đời, những nốt trầm của cuộc sống…nỗi buồn vô hạn…hay quá đi mất!/
Một cuốn sách hay đáng để đọc. Cuốn sách như một bức tranh mô tả thật sống động về cuộc sống đầy u buồn của người thổ dân ra đỏ. Bìa mình hoạ thật đẹp, chứa đầy ẩn ý./
Cách viết tưởng chừng như rời rạc nhưng thật sự là liên kết với nhau ở cuối sách, đọc xong cứ suy nghĩ về cuộc sống và số phận của các nhân vật. Mình quen đọc trinh thám nên không quen lắm với cách viết của tác giả, nếu đọc chậm và chú ý cảm nhận thì chắc sẽ hay hơn.