NHỮNG KẺ MỘNG MƠ – Dù cô đơn nhưng vẫn cứ khao khát hạnh phúc…

0
3767

NHỮNG KẺ MỘNG MƠ giống như những dòng nhật ký, dòng cảm xúc, những câu chuyện hay chỉ là những thứ con người đang tìm kiếm – những con người theo đuổi đam mê, kẻ theo đuổi danh vọng, ai đó theo đuổi tình yêu, hay bất cứ thứ gì khác. Cứ chạy, chạy mãi theo quán tính mà chẳng thể tìm lối ra.

Những kẻ mộng mơ

“Chúng ta đều muốn kể câu chuyện của mình nhưng không có can đảm để nói ra.

Chúng ta giấu tất cả nỗi đau vào bên trong, chẳng sẻ chia cho một ai để rồi chết chìm trong đó.”

-Elvis Nguyễn-

Một chiều cuối thu, những cơn gió ngoài sân trường nhẹ nhàng lướt qua ô cửa sổ và hòa quyện vào nhau, tôi mơ hồ, lạc lõng, cô đơn giữa khoảng vắng, phải chăng mọi thứ trên thế gian này đã bỏ quên em?

Chẳng phải tình cờ mà chỉ đơn thuần như một cái “duyên” – cái đã đưa trái tim lạc lối đâu đây gần kề hơn với những tháng ngày hạnh phúc. Bởi lẽ, đâu đó chợt chớp nhoáng lên tựa đề NHỮNG KẺ MỘNG MƠ của tác giả Elvis Nguyễn trên kệ sách ở thư viện trường, những dòng nhật ký gói gọn trên tựa đề chẳng phải đang chứa hình ảnh của chính tôi lúc này sao? Hay đó lối thoát ra khỏi những góc tối, là một lối đi tìm cuộc đời an yên …

Cuốn sách NHỮNG KẺ MỘNG MƠ đã hấp dẫn tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tôi yêu cái đẹp, yêu sự hoàn mỹ mà cũng bởi lẽ đó tôi không thể nào nháy mắt trước sự hài hòa của quyển sách, từ màu sắc, bố cục, hình ảnh hoàn hảo tuyệt đối.

Bạn có biết vì sao bìa NHỮNG KẺ MỘNG MƠ lại có màu xám xanh không?

Màu xám là một màu không có cảm xúc- tượng trưng cho sự u ám, cô đơn, tuyệt vọng và màu xanh là một biểu tượng của sự tươi mát và tinh khiết, tượng trưng cho sự bình yên, hy vọng, đâm chồi.

Elvis Nguyễn được biết đến là chàng trai luôn huyền bí, với tính cách lạ thường, anh chỉ xuất hiện là dáng vẻ cao ráo, tóc dài và luôn che mặt trong mỗi bức ảnh. Chính vì sự u uất, bí ẩn đó anh đã vẽ nên 6 tính cách của một chàng trai đa nhân cách qua 6 tấm postcard nhỏ đẹp mắt.

NHỮNG KẺ MỘNG MƠ – quyển sách khá nhỏ gọn, dài khoảng 17cm, rộng 12cm và dày 194 trang. 6 chương văn là 6 câu chuyện, 6 tính cách độc lập từ nhân vật Mặc, Lâm, Phong, Lam cho đến Hà Nam và cả chính tác giả. Mà có lẽ đó cũng chính là tôi, là bạn, là tuổi trẻ và hoài bão của chúng ta. Tôi thấy bóng dáng mình trong đó “Sự yếu đuối, cùng cực, cô đơn, hay đơn thuần đôi lúc là tuổi trẻ, là tham, sân si” .

“Đúng và sai? Có quan trọng không. Đây là một cuốn sách có thể đọc xuôi, và cũng có thể đọc ngược. Vì cuộc đời ta sai rồi. Vẫn có thể đúng nếu làm lại từ đầu.” – Những kẻ mộng mơ – Elvis Nguyễn.

Đó cuốn tản văn nhưng cũng không hẳn là tản văn, một cuốn tiểu thuyết nhưng cũng chẳng phải tiểu thuyết. NHỮNG KẺ MỘNG MƠ giống như những dòng nhật ký, dòng cảm xúc, những câu chuyện hay chỉ là những thứ con người đang tìm kiếm – những con người theo đuổi đam mê, kẻ theo đuổi danh vọng, ai đó theo đuổi tình yêu, hay bất cứ thứ gì khác. Cứ chạy, chạy mãi theo quán tính mà chẳng thể tìm lối ra.

Xây dựng nội dung cuốn sách với cách ngắt nghỉ câu liên tục, Elvis Nguyễn đã tạo ra một giọng văn thật đặc biệt, kết hợp với cách in đậm và những khoảng trống để lại cho chính tôi và cả những độc giả khác ấn tượng khá sâu sắc. Tôi đã tỏ ra bực mình và dự là sẽ từ bỏ, kết thúc quyển sách ngay từ những trang đầu tiên bởi có quá nhiều trang giấy trắng hay có những trang chỉ đơn độc một chữ. Tôi bối rối :“Rốt cuộc cuốn sách này đang muốn nói gì? Và nhân vật đang tượng trưng cho đối tượng nào?” Thế nhưng, đến bây giờ tôi thật sự thấy mình may mắn khi đã kiên nhẫn đọc tiếp nó. Mỗi trang giấy trắng đều có ý nghĩa riêng, tôi dành chúng để viết những tâm sự, là tuổi trẻ, là giá trị cốt lõi của cuốn sách – tham, sân, si, tôi muốn cùng chia sẻ câu chuyện với tác giả, muốn gắn chặt tâm hồn chúng tôi – 2 con người đồng điệu lại với nhau, tôi cũng muốn viết lên cuốn sách của riêng tôi.

Mãi đến khi khép lại những câu văn cuối cùng tôi mới thật sự hiểu những thứ thật đẹp đẽ mà Elvis Nguyễn đã gửi vào cuốn sách, tôi giật mình tỉnh giấc trong cơn say cuộc đời, trong những ngày tháng tăm tối, lạc lõng không lối đi. quyển sách không chỉ là tác phẩm của riêng tác giả, mà đó còn là tác phẩm của tôi, và cả chính bạn. Nơi những cảm xúc hòa nhịp vào nhau trên những trang giấy mỏng. Ở đâu đó trong quyển sách này, bạn có thể bắt gặp chính mình, có thể là Mặc, Lâm, Phong hay Lam, hay cũng có thể là Hà Nam, một con người trống rỗng.

Tôi sẽ không đi sâu vào nội dung cuốn sách, tôi chỉ bày tỏ nhìn nhận của mình và những điều mà NHỮNG KẺ MỘNG MƠ đã khiến cho tôi thật sự thay đổi. Bởi mỗi người sẽ có cuộc sống riêng, suy nghĩ riêng và cả những hoàn cảnh khác nhau. Cuốn sách này với tôi cứ ngỡ như cuộc đời của chính tôi, và đó cũng sẽ là cuộc đời của bạn, hi vọng bạn sẽ đọc, đọc để chiêm nghiệm và viết nên những ước mơ, hoài bão, tự tạo nên những hạnh phúc cho chính bản thân mình.

ĐẮM Chìm vào NHỮNG KẺ MỘNG MƠ, ta nhìn thấy được những con người lạc lối, những kẻ cô đơn, lạnh lẽo, thèm khát tình yêu và hạnh phúc, rồi va vào nhau một cách bản năng. Để rồi, khi những mối quan hệ không được gọi tên đó không đi tới đâu,họ lại ra đi với một trái tim có nhiều sứt mẻ để tìm kiếm một mối quan hệ khác với hy vọng có thể lấp đầy.

Tôi vẫn nhớ đến quyển sách đầu tiên của Elvis Nguyễn mang tên “MẶC NHIÊN”. Lần đầu tiên nghe thấy tựa đề cuốn sách, bỗng có cảm giác gì đó hơi khó tả, một nỗi buồn không thể định hình, một nỗi cô đơn không thể lý giải trong tôi. Khi đọc qua những trang đầu của ” Mặc Nhiên”, tôi cứ ngỡ rằng tác giả sẽ viết về tình yêu mộng mơ màu hồng, nhưng sự thật quyển sách này không phải là ngôn tình và cũng chẳng phải tiểu thuyết tình yêu lãng mạn tuổi đôi mươi. Giống NHỮNG KẺ MỘNG MƠ, mỗi nhân vật xuất hiện trong tập tản văn này đều cô đơn, dù đang trong vòng tay nhau, hay hạnh phúc, đớn đau thì mỗi người họ đề bị chiếm hữu bởi cảm giác cô đơn, chênh vênh không điểm tựa.

Hai cuốn sách mà tôi nhắc đến từ ngoài bìa cho đến cốt truyện bên trong đều mang một màu sắc ảm đạm, gợi lên sự cô đơn khôn tả, cô đơn đến cô độc, một chút buồn, chút vấn vương giữa dòng người tấp nập. Đó là những thứ mà mỗi chúng ta trong đời đều phải gặp đôi lần. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải bỏ cuộc mà càng phải tiếp tục cố gắng, tiếp tục hy vọng vào tương lai….

Elvis Nguyễn viết văn phong khá đẹp, tuy không dùng ngôn từ, hình ảnh hoa lá mỹ miều, không quá trau chuốt nhưng nó rất thật, thật trong từng câu chữ để từ chính những sự giản đơn đó đã khiến con người ta có cảm xúc, sâu sắc hơn trong những trải nghiệm cùng tác giả, chiêm nghiệm chính cuộc đời mình, bỏ quên những điều cũ kĩ, vị tha hơn với những điều đã qua – với bản thân mình.

Có lẽ NHỮNG KẺ MỘNG MƠ khiến bất cứ ai đều nghĩ nhiều về tuổi trẻ của mình, nghĩ về những hoài bão và thứ hạnh phúc giản đơn. Như ô cửa sổ màu xanh cũ kỹ với những mảng chắp vá, từ đó nhìn ra, lúc ảm đạm, lúc có sắc màu. Nhưng, chung quy lại là cũ kỹ. Tuổi trẻ mà, ai mà chẳng mộng mơ, chẳng khát khao hoài bão, chẳng tham vọng , mưu cầu hạnh phúc. Rồi những tham, sân, si – những vấp ngã cuộc đời khiến người ta biết nếm vị tổn thương, vị cuộc đời.

Từ NHỮNG KẺ MỘNG MƠ, ta có thể hiểu được căn bệnh đang càng lúc càng tăng lên ở xã hội, đặc biệt là ở giới trẻ – “Đa nhân cách”- cuộc chiến đơn độc của những bản ngã. Không phải chỉ riêng NHỮNG KẺ MỘNG MƠ viết về họ, mà trong phim ảnh, sách báo và cả thực tế cuộc sống đang tồn rất nhiều người mang trong mình căn bệnh “quái vật” này. Ta từng biết đến Herschel Walker -cựu vận động viên NFL (National Football League) nước Mỹ .Trong Breaking Free: My Life with Dissociative Identity Disorder. Anh đã kể về những ngày tháng phải đối chọi với căn bệnh đa nhân cách, đó là cả một thơ từng chịu nhiều tổn thương và bị chế ngự bởi căn bệnh đa nhân cách. Nhưng anh đã bắt đầu hành trình biến những thiệt thòi tâm lý của bản thân thành sức mạnh. Chính những nhân cách mới đã cho phép họ được sống một cuộc đời mới, một cuộc đời mới bình yên và hạnh phúc, tách biệt với quá khứ đầy đau thương. Vì thế những điều anh gửi vào trong cuốn sách Breaking free cũng như những điều Elvis Nguyễn đã gửi vào trong NHỮNG KẺ MỘNG MƠ rằng trong hành trình của mỗi cá nhân, cuộc chiến với chính bản thân mình là cuộc chiến can trường nhất và người chiến thắng chính là người vượt lên chính bản thân mình để trở thành con người hoàn thiện và tốt đẹp hơn.

Và điều cuối mà NHỮNG KẺ MỘNG MƠ để lại cho độc giả đó là: Dù cô đơn nhưng vẫn cứ khao khát hạnh phúc, cuộc sống có u ám đến mức nào thì cũng đừng bao giờ ngừng hi vọng.

Sống trong cuộc sống đầy những cám dỗ và tàn nhẫn này, liệu cũng ta có thể sống một cuộc đời mộng mơ không? Chúng ta hoàn toàn có thể – khi là CHÍNH MÌNH

Hoàng Thị Kim Khánh

Xem thêm:

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây