[Review] NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ: số phận của những người phụ nữ trong xã hội Palestine

0
847

Tiểu thuyết NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ của tác giả Etaf Rum là câu chuyện đầy đau đớn, dữ dội về số phận của những người phụ nữ yếm thế trong xã hội Palestine. Họ không có tiếng nói ngay trong gia đình mình, lấy chồng theo sự sắp đặt của cha mẹ và chỉ quẩn quanh bên căn bếp, chăm lo con cái. Với những trang sách đầy mê hoặc, lôi cuốn và hấp dẫn đến phút cuối cùng, NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ đã được Amazon bình chọn là cuốn sách viết về phụ nữ hay nhất năm.

những người đàn bà

“Tôi sinh ra đã thiếu đi giọng nói. …. Tôi không biết mình bị câm cho đến nhiều năm về sau, khi tôi mở miệng xin điều mình muốn, để rồi nhận ra không ai có thể nghe thấy mình.

“Nơi tôi sinh ra, vô thanh là một trạng thái mặc định của nữ giới… Ở nơi tôi sinh ra, phụ nữ chúng tôi đã học cách che giấu đi những trạng thái của mình ….”

Dù bạn có tin hay không thì “Những người đàn bà” khiến cho mình thực sự khó thở khi đọc. Vì sự bí bách trong căn phòng “hẹp và trống rỗng – bốn bức tường xám, trần trụi” của Isra, vì cuộc sống ngày qua ngày quanh quẩn việc nhà, con cái, như những chiếc bóng âm thầm, rồi nhẫn nhục chịu những trận đòn roi từ các ông chồng, rồi những cô bé mới sang tuổi 18 đã bị gả đi như tống khứ một món nợ. Vì tư tưởng trọng nam khinh nữ ảnh hưởng nặng nề đến số phận của con người. Thực sự quá sức tưởng tượng của mình.

Thực sự rất đau lòng!

Mỗi nhân vật trong truyện đều mang trong mình một nỗi khổ riêng. Những người đàn bà, và cả những người đàn ông. Đối với những người đàn ông, như Adam, như ông Khaled; gánh nặng, trách nhiệm chu cấp cho gia đình khiến họ bị dày vò, họ trút lên những người phụ nữ, vì còn ai nữa để mà họ trút lên. Với những người phụ nữ như Fareeda, Isra và Deya, họ luẩn quẩn trong cái “số mệnh” mà người đàn bà đã được định sẵn. Tất cả những nhân vật trong truyện đã sống như vậy, lờ vờ, không có niềm vui, nhạt nhoà, tù túng đến khó chịu.

Tính cách và hình tượng các nhân vật trong truyện được khắc hoạ rất rõ nét qua những phân đoạn thời gian khác nhau.

Mình ấn tượng nhiều với người bà Fareeda. Bà là một người mạnh mẽ, dám làm tất cả để bảo vệ cho gia đình của mình. Sau tất cả những cơ cực, đói khổ phải chịu đựng ở trại tị nạn, Fareeda ý thức được bản thân phải thoát khỏi hoàn cảnh sống hiện tại. Bà là người vun vén, thậm chí còn có thể làm việc để kiếm thêm tiền cho gia đình ở Mỹ. Trong bối cảnh mà những người phụ nữ trong thế giới Ả Rập lúc bấy giờ còn hàng ngày phụ thuộc vào người chồng, bà giống như người làm cách mạng vậy. Tuy nhiên, sự mạnh mẽ không đi liền với sự cải tiến trong tư tưởng. Đáng ra, sau những gì mình phải hứng chịu, bà có thể chiến đấu để con và cháu mình không chịu cảnh tương tự. Nhưng không. Tất cả những gì bà làm, là lo lắng rằng con cháu mình mất đi gốc gác, bà làm tất cả để bảo vệ những thứ gọi là “giá trị truyền thống” – điều mà khiến cho bao thế hệ phụ nữ phải chịu khổ. Nhiều khi đang đọc mà bản thân mình thấy giận người bà này ghê gớm.

Isra thì khác. Cô sinh ra và lớn lên ở Palestine, nơi mà đàn ông đánh vợ là chuyện bình thường (?!) Cô còn quá nhỏ để lấy chồng, để làm mẹ ở cái tuổi 18 đôi mươi. Người mẹ 24 tuổi với 4 đứa con! Lại là 4 cô con gái – điều đó càng khiến cho cuộc sống của cô tồi tệ hơn. Cô gái đáng thương loay hoay với việc phải chăm sóc con cái ở cái tuổi còn quá trẻ, quay cuồng hết chăm bẵm những đứa trẻ lại đến công việc nhà. Niềm vui nhỏ nhoi của Isra là sách. Sách khiến cô thoát khỏi thực tại một chút, sách cũng khiến cô nhận ra rằng tình cảnh của mình tệ đến thế nào. Đã có lúc cô nghĩ càng đọc nhiều cô càng thấy đau khổ, bởi cô càng khao khát hơn cuộc sống tự do. Có lẽ vì thế mà mẹ cô cấm cô đọc sách, để khỏi “mơ mộng viển vông”. Cô đã từng có ước mơ. Cô bé 18 tuổi khi đó đã nghĩ đến Mỹ mình sẽ được tự do làm những điều mình yêu thích, để rồi lại chôn vùi cuộc đời trong căn phòng ở tầng hầm, với chiếc cửa sổ nhìn ra ngoài chỉ thấy “những căn nhà hình chữ nhật. Gạch chồng lên gạch, chen chúc nhau, lấp kín cả hai bên …”

Deya thuộc thế hệ thứ ba, cô bé sinh ra ở Mỹ, nhưng điều bất ngờ là tư tưởng của cô cũng bị kìm kẹp bởi những quy định không tên của xã hội hồi giáo. Deya và những người bạn của cô, vẫn đi xem mặt, lấy một người chồng ở cái tuổi quá trẻ. Cô có phản kháng, cô bé dám nổi loạn theo một cách nào đó: bỏ học, “dám” nghe nhạc của Eminem trong khi gia đình chỉ cho phép cô nghe nhạc Ả Rập, dám đối diện với người bà của mình khi cuối cùng sự thật được phơi bày. Deya, giống như tên của mình, là ánh sáng, là tia hy vọng cho toàn bộ câu truyện ngột ngạt, nhiều khổ đau.

Những người đàn bà

Một điểm nữa mình rất thích đó là cả một nền ẩm thực phong phú trong truyện. Từng món ăn được miêu tả khi những người phụ nữ dọn cơm tối, cách pha trà với các loại thảo mộc nghe lại càng mê, rồi những phong tục tiếp khách của người Ả Rập đều được miêu tả một cách chi tiết và sinh động. Mình cũng thích phần chú thích rất chi tiết của người dịch ở bên dưới nữa, cảm giác được tiếp cận và biết thêm nhiều thứ thú vị. Mình cũng khá bất ngờ khi biết được rằng Books and Beans thực sự là một “hiệu sách” nhỏ của chị tác giả, được lấy tên dựa theo dự án chia sẻ sách của chị.

Nguồn bài viết và ảnh: @from.q.with.books

Xem thêm:

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây