“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đây được coi là tác phẩm thành công nhất của ông. Với tác phẩm này, tác giả đã nhận được quá nhiều lời khen nên hôm nay tôi xin gửi tới bạn đọc một góc nhìn khác về cuốn sách, từ góc độ người không thích truyện Nguyễn Nhật Ánh.
Đôi nét về cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”
“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đây được coi là tác phẩm thành công nhất của ông, được Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2010 và đã tái bản lần thứ 65 với hơn 400000 cuốn được xuất bản, con số mơ ước của nhiều nhà văn. Với tác phẩm này, tác giả đã nhận được quá nhiều lời khen nên hôm nay tôi xin gửi tới bạn đọc một góc nhìn khác về cuốn sách, từ góc độ người không thích truyện Nguyễn Nhật Ánh.
Cuốn sách gồm những câu chuyện nhỏ xoay xung quanh 4 đứa trẻ trong cùng một khu xóm là Tủn, Tí sún, Hải cò và cu Mùi. Trong đó, người kể chuyện đứng ở góc độ cu Mùi dưới hình thức kể của “thằng cu Mùi” lúc bé và nhận xét, đánh giá của “ông Mùi” khi đã gần 50 tuổi. Tác phẩm là những câu chuyện dở khóc dở cười bởi sự khác biệt về quan niệm giữa một bên là trẻ con, một bên là người lớn khiến chúng như đang sống lại tuổi thơ tươi đẹp.
Cảm nhận về tác phẩm
Thú thực với các bạn là tôi không khoái văn của Nguyễn Nhật Ánh vì ông không phải mẫu tác giả mà tôi thích. Mặc dù thế hệ cuối 8X đầu 9X chúng tôi chính là thế hệ đã đem đến thành công cho ông. Tôi nhớ ngày xưa, đọc mấy cuốn Nữ Hoàng Ai Cập gì đó, ở cuối cuốn sách lúc nào cũng có cái tên Nguyễn Nhật Ánh, tôi còn tưởng là một cô gái nào xinh xinh cơ, suy chữ ra người mà. Mãi sau này mới biết đó là một ông nhà văn chuyên viết truyện thiếu nhi. Lúc đó thất vọng phải biết!
Cùng với những nhà văn viết về thiếu nhi, tuổi học trò, thì tôi thích tác giả Quang Vinh hơn. Mặc dù Quang Vinh độ nổi tiếng và thành công thì so với ông không so được.
Đã mấy lần tôi đọc truyện của Nguyễn Nhật Ánh nhưng phải bỏ dở, chuyển sang đọc tóm tắt cho nhanh hết truyện. “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” cũng phải cố gắng lắm tôi mới đọc hết. Tôi nói những lời này có thể sẽ nhận không ít gạch đá, tác phẩm hay thế kia mà! Nhưng đó là cảm nhận cá nhân của tôi, chả có lẽ tôi lại hùa theo hiệu ứng “đám đông” mà tự dối lòng mình.
Vì sao tôi không thích Nguyễn Nhật Ánh?

Trước tiên tôi cần khẳng định rằng tôi rất quý tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Ông là người rất lương thiện và đạo đức, một người viết truyện thiếu nhi thì làm sao mà ác được! Các tác phẩm của ông là rất cần thiết trong thời đại quá nhiều thứ xấu làm ảnh hưởng đến con trẻ của chúng ta. Ở đây tôi chỉ nói đến vấn đề có tính “chuyên môn” của người sáng tác.
Tôi không thích mẫu nhà văn chỉ viết về chính mình. Ở mẫu nhà văn này, các nhân vật thường na ná nhau và đâu đó có hình bóng tác giả phía sau. Vì thế tính cách nhân vật không có gì là đặc sắc. Các bạn thấy con Tủn, con Tí sún, thằng Hải cò và thằng cu Mùi trong “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” có đứa nào cá tính độc đáo không? Trong cuốn “2 Vạn dặm dưới đáy biển” Jules Verne xây dựng lên một nhân vật thuyền trưởng Nemo có tính cách vô cùng đặc biệt nhưng cũng vô cùng thật, không lẫn đi đâu được, nhân vật đó chưa từng lặp lại trong các sáng tác sau này của ông. Trong tất cả các nhân vật được hàng vạn nhà văn viết ra trong suốt chiều dài lịch sử văn học, ta cũng chưa từng thấy một thuyền trưởng Nemo thứ hai. Trong khi bạn có thể thấy con Tủn, con Tí sún, thằng Hải cò và thằng cu Mùi, những đứa như vậy xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Tôi thích những nhân vật tính cách phức tạp và tồn tại khách quan, đọc truyện mà cảm thấy nhân vật đúng là 1 con người thì tôi mới khoái, còn đọc truyện cảm giác như nhân vật chỉ là con rối để ông tác giả điều khiển, lồng cái quan điểm cá nhân của mình thì tôi không thích.
Xem thêm: [Review sách] 2 VẠN DẶM DƯỚI ĐÁY BIỂN – Một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất tôi từng đọc
Điều thứ hai tôi không thích ở cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là cốt truyện đơn điệu. Tôi thích những câu chuyện có tình huống truyện, có kịch tính, có cao trào, có thắt nút, mở nút. Đây chính là chỗ tác giả phải đầu tư chất xám nhiều nhất. Viết thế nào để người đọc cảm thấy tò mò, bị hút vào một mê lộ của câu chữ, của những sự kiện rời rạc rồi đùng một cái, tất cả sáng tỏ và hợp lý. “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” cốt truyện không kịch tính, cũng không gây tò mò, không có cái kỹ thuật đánh lừa cảm xúc người đọc, các câu chuyện tường minh với các nhân vật có tính cách tường minh. Nó gần như chỉ là những trang nhật ký về tuổi thơ. Tôi không phải chê Nguyễn Nhật Ánh viết kém. Có thể “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” tác giả không đánh trọng tâm vào cốt truyện mà muốn thông qua nhân vật để nói lên cảm xúc của mình. Tôi chỉ là không thích các tác phẩm không có cốt truyện rõ ràng. Đã một thời gian dài tôi không thích đọc truyện Việt Nam vì các tác giả đi theo cảm xúc nhiều quá, không tập trung đầu tư vào cốt truyện khiến nội dung tác phẩm cũ mèm hoặc lan man. Tôi hay đọc truyện phương Tây với các tác giả Jack London, Dan Brown, Arthur Conan Doyle,… Đây là những tác giả có lối viết hết sức thông minh, cốt truyện hấp dẫn.
Trong thời đại ngày nay, thời gian để đọc sách rất ít, nên tôi thường có thói quen đọc nhanh. Để đọc nhanh thì tôi thường vừa đọc vừa lược, những đoạn tả cảnh đẹp, hay lý luận này kia tôi bỏ hết, chỉ tập trung theo dõi cốt truyện, tập trung vào diễn biến của các nhân vật. Cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” ban đầu tôi cũng đọc lược qua, nhưng đọc đến cuối thì thấy chưa có gì trong đầu!
Điều thứ ba tôi không thích ở “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là tác giả bộc lộ triền miên quan điểm của mình trong suốt tác phẩm. Dù những quan điểm đó rất triết lý, rất đúng đắn và rất đáng suy ngẫm. Nhưng nó làm cho cốt truyện bị loãng đi. Một điểm nữa là khi tác giả bộc lộ quan điểm của mình, khiến câu chuyện không được khách quan nữa. Tôi thích những tác phẩm như những thước phim tài liệu về cuộc đời, để người đọc tự suy ngẫm, tự chiêm nghiệm chứ không thích nhìn qua lăng kính của người khác, nó khiến mình có cảm giác bị chi phối về mặt tư tưởng.
Điều gì đem đến thành công cho cuốn sách?
Tôi nghĩ cuốn sách thành công ở những điểm sau đây:
Thứ nhất, đây là cuốn đánh trúng tâm lý và tình cảm của tuyệt đại đa số người đọc. Ai mà chẳng có một thời tuổi thơ để hoài niệm, để nhớ về?
Thứ hai là những quan điểm của tác giả bộc lộ trong cuốn sách như tôi đã nói ở trên đó là những quan điểm đó rất triết lý, rất đúng đắn và rất đáng suy ngẫm. Tuy triết lý nhưng lại gần gũi, động được đến cảm xúc của độc giả. Như cái vụ ngủ trưa, đối với người lớn thì cần thiết chứ với trẻ con là một cực hình, ngày xưa tôi cũng hay trốn ngủ trưa mà chả thấy mệt mỏi tẹo nào. Những điều như này tác giả đã rất tinh tế phát hiện ra và nói thay suy nghĩ của rất nhiều người.
Thứ ba là văn phong dí dỏm hài hước… Ví như đoạn “Sau này, tôi cũng nhiều lần thấy cuộc sống đáng chán khi thi trượt ở tuổi mười lăm, thất tình ở tuổi hăm bốn, thất nghiệp ở tuổi ba mươi ba và gặt hái mọi thành công ở tuổi bốn mươi.” Lối viết hài hước sẽ khiến câu chữ trở nên thú vị và đọc đỡ mệt. Lối viết này tôi thấy rất hợp với “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” nó khiến tác phẩm trở nên nhẹ nhàng chứ không bị lụy như nhiều tác phẩm khác viết về tuổi thơ.
Với lối viết hài hước và cốt truyện nhẹ nhàng, những vấn đề tác giả nhắc đến cũng hết sức gần gũi, nên nó dễ đọc, phù hợp với nhiều người. Tôi đã từng nói là tôi không thích các tác phẩm cốt truyện đơn điệu, nhưng có rất nhiều người, đặc biệt trẻ con, không thích cốt truyện phức tạp vì ngại xâu chuỗi, liên kết các dữ kiện với nhau. Có lẽ chính điều này Nguyễn Nhật Ánh mới phù hợp là nhà văn viết cho thiếu nhi. Đây là ý thứ 4 nhé!
Thứ năm là thương hiệu “Nguyễn Nhật Ánh”. Sau bao năm viết lách và nổi tiếng, Nguyễn Nhật Ánh hẳn là có rất nhiều độc giả trung thành. Họ sẵn sàng mua các cuốn sách của ông hay chia sẻ thông tin lên các mạng xã hội. Góp phần tạo độ hot cho tác phẩm.

Trên đây là những ý cá nhân tôi về cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” và về tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Tôi không đánh giá thấp Nguyễn Nhật Ánh, có khi ông làm theo những điều tôi chỉ ra ở trên thì không còn là Nguyễn Nhật Ánh và cũng không thành công như ngày hôm nay. Chỉ là cá nhân tôi không thích văn chương của ông. Tôi viết bài này là cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn khác về tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, góc nhìn của người không thích, đơn giản thế thôi.
Đông Tuyền
Xem thêm:
mit rất gay:)))
Tôi thích cách suy nghĩ và đánh giá của bạn. Đơn điệu và lặp lại chính mình là điều Nguyễn Nhật Ánh đang mắc phải.