TONY BUỔI SÁNG – TRÊN ĐƯỜNG BĂNG: Vị “shark” không chính thức trong lòng các Startup

3
1542

Nếu các bạn đã từng xem “Shark Tank Việt Nam” nghe rất nhiều lời khuyên bổ ích từ các vị “cá mập” là những CEO, chủ tịch của các tập đoàn khổng lồ thì cũng đừng quên đọc “Tony Buổi Sáng – Trên đường băng” của “dượng” Tony. Với mình, đây là cuốn sách truyền cảm hứng bậc nhất cho những ai đang mông lung về tương lai hoặc những người đang khởi nghiệp (Startup).

Tony Buổi Sáng Trên đường băng

Nhan đề cuốn “Tony Buổi Sáng – Trên đường băng”

Ngay từ đầu, nhìn nhan đề cũng đã hé lộ cho chúng ta nội dung và ý nghĩa của cuốn sách: Trên đường băng. Những ai muốn vươn mình lên bầu trời để thỏa chí tang bồng, thì các bạn cần một bệ phóng, ở đây là cần một “đường băng”. Cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn những kinh nghiệm, chỉ dẫn để bạn có thể cất cánh thành công, đem lại giá trị cho bản thân, gia đình và xã hội.

“Cứ mãi ở ao làng, rồi ao sẽ cạn
Sao không ra sông ra biển để vẫy vùng
Sao cứ tự trói mình trong nếp nghĩ bùng nhùng?
Sao cứ mãi online và thở dài ngao ngán?
Sao cứ để tuổi trẻ trôi qua thật chán?
(…)
Trên đường băng sân bay mỗi đời người,
Có những kẻ đang chạy đà và cất cánh.”

(Trích “Tony Buổi Sáng – Trên Đường Băng”)

Nội dung “Tony Buổi Sáng – Trên đường băng”

“Tony Buổi Sáng – Trên đường băng” đã bóc mẽ rất nhiều cái xấu của người Việt, những thứ đang cản trở sự thành công của các startup. Để đạt được điều này cũng không hề dễ dàng, bởi một người sống trong xã hội nào đó, nhấn chìm trong nền văn hóa đó, thì rất khó nhìn thấy những thứ xấu của nó. Muốn nhìn rõ bản chất của nó thì phải nhảy ra. Tony đã nhảy ra bằng cách tiếp cận với thế giới thượng lưu, là những người có tiền, có tri thức, lịch thiệp, chứ không phải mấy gã trọc phú nhan nhản hiện nay. Ở đó người ta dạy Tony từ cách tư duy cho đến đi đứng ăn mặc, những điều của người thành đạt thực sự. Từ đó mà Tony soi chiếu lại chính mình và cái xã hội mà mình sống.

Dưới đây đơn cử một vài cái xấu mà Tony chỉ ra:

Thói tiểu nông: là văn hóa đố kỵ, nhỏ nhặt của những người nông dân xưa. Mình nghĩ đây là một trong những cản trở lớn nhất để một con người thành công trong sự nghiệp. Tony có kể một câu chuyện về hai người bạn thân, trước khi xây dựng công ty thì sống chết có nhau. Đến khi xây dựng và phát triển một công ty thì một vị nảy tâm đố kỵ, nói vị kia chẳng làm gì cũng được hưởng 50% lợi nhuận, trong khi vị này lao động quần quật. Rốt cuộc, vị ấy tìm cách làm cho công ty phá sản, tình bạn cũng chẳng còn. Những người có suy nghĩ “tiểu nông” như này thì không thể làm được cái gì đó to tát.

Bao bọc quá mức. Trong một vài bài viết Tony có phê phán cái tính bao bọc quá mức con cái của các bậc cha mẹ khiến những đứa trẻ chỉ có “lớn” mà không có “khôn”. Tôi có nhớ Tony kể hai câu chuyện, câu chuyện thứ nhất về một ông doanh nhân Việt rất giỏi, điều hành hàng trăm người mà cứ như không, các nhân viên của ông học hỏi được rất nhiều và sau này ra tự mở cửa hàng riêng, nhiều người thành công. Tuy nhiên ông doanh nhân này lại bao bọc những đứa con quá mức, không cho chúng lăn xả vào trường đời. Nên khi ông mất, miệng ăn núi lở, tài sản trong nhà không có người có đầu óc kinh doanh nên cứ dần dần đội nón ra đi. Cuối cùng đám con cháu ấy phải đi làm công cho những nhân viên của ông xưa kia.  Câu chuyện thứ hai về một ông doanh nhân người Hồng Kông gì đó, tài sản hàng tỉ đô, tức là con số rất lớn nếu quy ra tiền Việt. Nhưng khi chết đi, ông từ thiện hết, không để cho con cái một xu. Ông nói để tiền cho con khác nào giết nó, phải để nó tự bươn chải, đời nó mới có ý nghĩa, lúc đó nó mới hiểu được giá trị đồng tiền.

Bệnh toán lớp 1: Tony kể về một bạn cho người ăn mày 20.000 Đ sau đó cứ day dứt mãi không nguôi vì nghĩ rằng mình cho phải một gã ăn xin chuyên nghiệp. Sau này người này gặp ăn xin thật cũng không cho. Tony cho rằng đây là “bệnh toán lớp 1”. Bộ nhớ con người là có giới hạn, hãy để những điều tốt đẹp, tích cực trong đầu thì mới tạo ra những điều ý nghĩa. Chứ còn toàn lưu những nhứ nhỏ nhặt thì nó khiến con người tiểu nhân đi. Kẻ tiểu nhân thì không thể làm việc lớn được.

Tony buổi sáng
Nguồn ảnh: Trên Kệ Sách

Đồng thời, Tony cũng chỉ ra những tính cách của người thành công như:

Trung thực: Bây giờ nhìn lại, thấy người trung thực trong kinh doanh thực sự là quá ít. “Mười người buôn chín kẻ gian” đó là câu cửa miệng của nhiều người. Chính vì thế mà đất nước mới không phát triển được, ta mãi là kẻ đi làm công cho nước khác. Người trung thực sẽ tạo ra sự tin tưởng của đối tác và có thể làm ăn lâu dài. Dân kinh doanh bây giờ họ rất tinh, nhìn tướng mặt là biết đáng tin hay không. Những kẻ không trung thực là những kẻ ăn xổi, sẽ rất nhanh thất bại. Tony nhấn mạnh vào tính trung thực, coi đó là tiêu chí hàng đầu để thành công.

Chăm chỉ, thường xuyên học hỏi…: Tony chỉ ra rất nhiều bạn trẻ đến công ty chỉ làm những gì mình được giao như một cái máy, hết giờ là cắp đít về. Tối đi uống trà đá, chém gió, hát Karaoke,… Những người này chỉ có thể làm nhân viên. Người thành công đi sớm về muộn, luôn học hỏi, tìm cách để tạo ra giá trị cho công ty cũng như cho chính mình.

Tư duy tích cực: Một tư duy tích cực sẽ cung cấp cho bạn một ngày làm việc sáng tạo và hiệu quả. Để có tư duy tích cực, bạn nên hạn chế đọc các tin tiêu tực cướp – giết – hiếp,… trên báo mạng. Hãy tập thể dục buổi sáng, hạn chế chơi bời, tập tính vị tha cao thượng, làm từ thiện,… rồi bạn sẽ thấy đời tươi mới.

Và còn rất nhiều điều bổ ích khác…

Tony buổi sáng trên đường băng
Nguồn ảnh: reviewsach.net

Đọc “Tony Buổi Sáng – Trên đường băng” ta mới thấy tại sao 100 người khởi nghiệp thì có đến 99 vị là thất bại. Chính là bởi cái thói khôn lanh, tiểu nông chỉ chăm chắm móc túi của người khác mà chẳng tạo ra giá trị gì cho đời. Những người kiểu này có thành công thì cũng chỉ thành công nhỏ và tạm thời. Điều đáng tiếc là người như thế có rất nhiều, ngay cả tôi, tác giả của bài viết này, cũng có suy nghĩ của 99 vị kia. Khi nghĩ đến chuyện kiếm tiền, tôi chỉ nghĩ làm sao để kiếm được tiền chứ chả bao giờ nghĩ làm thế nào để tạo ra giá trị, đem đến cho đời một cái gì đó và để rồi mình sẽ được trả công xứng đáng.

Một người có “tầm” và có “tâm”

Tony là một người từng trải, kiến thức phong phú, kinh nghiệm khổng lồ nên những đều viết ra hết sức chân thực, sống động. Tác giả viết với bút pháp hài hước, dí dỏm nên đọc rất “phê”, “phê” từ con chữ cho tới nội dung.

Những người có khiếu hài hước đều là những con người cực kỳ thông minh. “Dượng” Tony thì mình nghĩ chỉ số thông minh hẳn là phải cao ngất ngưởng.

Cái hay ở chỗ Tony là một người có “tầm” và lại rất có “tâm”, không giấu bí quyết thành công, mong muốn ai ai cũng thành công để xây dựng đất nước, cho đất nước thoát cảnh ngồi trên “rừng vàng, biển bạc” mà mãi kiếp anh làm thuê.

Một con người như vậy thì nên được cả xã hội kính trọng!

Đông Tuyền

Xem thêm: 

3 BÌNH LUẬN

  1. Với lối hành văn hài hước, chân thật và sâu sắc, Tony Buổi Sáng đã mang đến những câu chuyện gần gũi, thiết thực thông qua kinh nghiệm sống dày dặn và sự quan sát sâu sắc của mình giúp người đọc chiêm nghiệm được nhiều điều có ích cho hành trang đường đời của bản thân. Đúng như tựa đề Trên đường băng, đây là cuốn sách cũng như hành trang để một chiếc máy bay chuẩn bị chạy đà và cất cánh./

  2. Sách hay, các bạn nên đọc vì những câu chuyện rất thực tế, chia sẻ nhiều kiến thức và kinh nghiệm bổ ích cho các bạn sinh viên, học sinh. Những mẩu truyện nhỏ thú vị đọng lại mãi sau khi mình đọc, thấy mình đâu đó trong mỗi câu chuyện.

  3. Cuốn sách phản ánh thực trạng của các bạn trẻ Việt Nam thông qua những câu chuyện. Lối kể chuyện hài hước, dí dỏm, truyền tải thông điệp khá hiệu quả. Thích hợp để đọc sau 1 ngày làm việc, học tập căng thẳng, chiêm nghiệm lại những việc đã trải qua, bạn sẽ thấy có mình hay những người xung quanh ở đâu đó trong cuốn sách này./

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây