Tôi được một người mợ tặng “Totto – Chan Bên Cửa Sổ” vào năm thứ hai học đại học và đọc cuốn sách như một sự tình cờ. Nhưng rồi cuốn sách đã làm tôi chấn động sâu sắc. Là một sinh viên của trường đại học Sư phạm danh tiếng, tôi bỗng nghi ngờ về những triết lý giáo dục mà tôi vẫn học bấy lâu…
Cảm nhận chung về “Totto – Chan Bên Cửa Sổ”
“Totto – Chan Bên Cửa Sổ” là một cuốn tự truyện của tác giả Kuroyanagi Tetsuko, một trong những diễn viên, MC truyền hình nổi tiếng nhất Nhật Bản. Tác phẩm kể về cô bé Totto – Chan bị đuổi học từ khi lên sáu vì quá năng động và lạ lùng so với bạn bè đồng trang lứa.
Với các bà mẹ khác thì đây quả là điều rất kinh khủng, nhưng mẹ Totto – Chan thì không. Bà biết con mình khá khác thường và ngôi trường bình thường sẽ không hiểu được con gái bà, nên bà đã gửi bé Totto – Chan vào một ngôi trường đặc biệt: Tô – mô – e.
Trường chỉ là các toa tàu hỏa cũ ghép lại, tổng cộng có 15 học sinh và ai cũng đặc biệt như Totto-chan, thậm chí có cả những em bị khuyết tật. Ngôi trường như vậy ngày nay chúng ta có thể coi là nơi dành cho trẻ tự kỷ. Những đứa trẻ ở một ngôi trường như vậy, theo cách nghĩ thông thường của chúng ta, là tương lai mờ mịt, chuyện sinh hoạt cá nhân thôi đã khó khăn rồi đâu có hy vọng gì về tương lai.
Nhưng thông qua câu chuyện “Totto – Chan Bên Cửa Sổ”, Kuroyanagi Tetsuko đã khiến chúng ta phải thay đổi suy nghĩ. Những đứa trẻ tự kỷ, tăng động là bệnh hay là những đứa trẻ có kỹ năng đặc biệt? Phải chăng vì ta nghĩ rằng đó là bệnh nên khiến những đứa trẻ bị ép vào cái khung suy nghĩ của người lớn mà thành bệnh chứ không phải bản thân nó là bệnh?
Thật may trên đời còn có những người mẹ như mẹ của Totto – Chan, còn có thầy hiệu trưởng vô cùng đáng kính Kobayashi Sosaku. Những người đã định nghĩa lại về những đứa trẻ đặc biệt bằng con mắt tinh tường, tình yêu trẻ vô hạn và đường lối giáo dục đặc biệt nhưng vô cùng đúng đắn của mình. Để rồi từ những đứa trẻ bị đuổi học ấy, bị tăng động ấy đã lớn lên thành những con người thành đạt trong xã hội. Tác giả Tetsuko dành những trang cuối của tác phẩm để viết các bạn bè cùng lớp của mình và cả cuộc sống sau này của họ. Có người đã trở thành nhà khoa học, người chuyên trồng hoa lan, người trở thành nhà giáo dục và nghệ sĩ nhưng cũng có người đã qua đời vì bệnh tật… Cái bệnh tật ấy là tạo hóa rồi chẳng thể thay đổi được, nhưng nhà khoa học, nhà giáo dục, nghệ sĩ,… thì chắc hẳn là sản phẩm của nền giáo dục.
“Totto – Chan Bên Cửa Sổ” thực sự là bức thông điệp từ thế giới trẻ thơ đến với các bậc phụ huynh và nền giáo dục vốn quá nặng tính hàn lâm, phán xét.
“Giáo án” của trường Tô – mô – e
Đến đây hẳn là nhiều bạn tò mò, một ngôi trường có thể giáo dục những đứa trẻ đặc biệt, bị đuổi học thành những nhà khoa học, nhà giáo dục, nghệ sĩ,… thì giáo án phải kinh khủng lắm, hẳn là phải gắn mác quốc tế này, quốc tế kia, với những giáo viên nước ngoài, giáo trình nước ngoài,… Cái gì cũng nước ngoài, cũng quốc tế!
Nhưng không, giáo án của trường Tô – mô – e rất đơn giản:
– Các học sinh ở Tomoe đều hoà hợp với nhau như anh em.
– Thầy hiệu trưởng Kobayashi tôn trọng học sinh của mình, luôn để chúng tự do phát huy cá tính, khả năng bẩm sinh.
– Ở Tomoe không có thời khoá biểu nhất định, học sinh thích học môn gì nhất thì cứ tự học môn đó trước và những môn không thích thì học sau cùng.
– Các thầy cô chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn các em khi cần và cho bài tập.
– Nhà trường còn tổ chức cắm trại, đi du lịch cho các em được mở mang tầm mắt, gần gũi với thiên nhiên.
Nói chung “giáo án” của trường Tô – mô – e có thể tóm lại trong mấy chữ “thuận theo tự nhiên”. Với giáo án này, ngay cả ngôi trường miền núi heo hút trên đỉnh A – pa – chải hay một làng nghèo tận mũi Cà Mau cũng có thể dạy được. Miễn là có những nhà sư phạm có tâm. Giáo dục ra con người có nhân cách thì cần những người có nhân cách, chứ đâu cần mác “quốc tế” nọ “quốc tế” kia!
“Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em nhỏ . Ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô nữa đấy .” — Thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku
“Totto – Chan Bên Cửa Sổ” tác phẩm viết về thiếu nhi nhưng dành cho người lớn
Đầu tiên tôi khẳng định rằng tác phẩm này phù hợp với tất cả mọi người, từ trẻ em đến người già, từ tri thức đến nông dân, đọc đều sẽ thấy hay, thấy thú vị, chỉ là tầm nhận thức khác nhau mà thôi.
Nhưng tôi cũng nghĩ, trong tình hình giáo dục hiện nay, tác phẩm này dành cho người lớn nhiều hơn. Bởi có vị phụ huynh nào đọc nó, biết đâu sẽ cứu được một đứa trẻ, có vị giáo viên nào đọc nó sẽ cứu được một lớp và có vị bộ trưởng nào đọc nó sẽ cứu được một thế hệ.
Bên cạnh nhà tôi có đứa trẻ học lớp 4, ở nhà rất thông minh, nhanh nhẹn và ngoan ngoãn. Đùng một cái cô giáo chủ nhiệm gọi điện về cho mẹ bảo: “Cháu nó ít giơ tay phát biểu, có biểu hiện của chứng tự kỷ”. Người mẹ nghe vậy thì rất tức giận, đánh con, mắng con, ép con,… rồi sau một thời gian đứa trẻ có biểu hiện trầm cảm… Trong xã hội này vẫn có những người thiếu trách nhiệm như vậy.
Tôi khuyên những ai đang là và sẽ là bố mẹ, nên đọc cuốn “Totto – Chan Bên Cửa Sổ” để làm kim chỉ nam cho giáo dục con cái. Giáo viên nói gì thì chúng ta cũng có cái để mà đối chiếu, để mà suy ngẫm xem lối giáo dục ấy có phù hợp với con mình hay không. Bây giờ người vừa có tâm vừa có tầm như thầy hiệu trưởng trường Tô-mô-e là rất hiếm, nên đòi hỏi bậc phụ huynh phải sáng suốt.
“Totto – Chan Bên Cửa Sổ” là cuốn sách nhỏ nhắn, với những câu chuyện thật đáng yêu nhưng sức mạnh bên trong nó như một tượng đài của nền giáo dục.
Đông Tuyền
Xem thêm:
tuyệt