Tác phẩm “Trên cây cầu đổ nát” kể chuyện những đứa trẻ vô gia cư, mưu sinh giữa thành phố sầm uất ở Ấn Độ. Phía sau những hoang hoải, bất nhẫn, va đập khốc liệt từ đời sống, nhóm trẻ vươn lên học cách quên mất mát để trưởng thành.
Nội dung tác phẩm
Nhóm trẻ Rukku, Arul và Muthu và Viji vì hoàn cảnh gia đình phải rời gia đình lên thành phố. Chị em Rukku ám ảnh sự thô bạo của người cha bợm nhậu luôn sẵn sàng tát, đấm các con. Arul gánh nỗi đau đớn tột cùng khi biển khơi cuốn trôi cả gia đình. Cậu bé Muthu khao khát tự do khi bị cô bảo mẫu hành hạ. Chúng gặp nhau trên một cây cầu đổ nát.
Cây cầu là khởi nguồn cho nhiều cuộc phiêu lưu, biến cố lẫn hy vọng của đám trẻ, là gạch nối một tình bạn đẹp. Rukku, Arul và Muthu cùng em gái Viji len lỏi từng ngày theo chân gã thu mua ve chai bặm trợn, kết từng chuỗi hạt cườm để đổi miếng bánh. Đám nhỏ ví bãi rác cao như dãy Himalaya, khoe nụ cười giòn tan khi nhặt nhạnh thức ăn thừa cho riêng mình.
Sách được thể hiện dưới dạng bức thư có nhiều đoạn thoại, như: “Em chỉ muốn gào thét và bỏ trốn. Nhưng điều duy nhất giúp em tiếp tục công việc chính là vẻ mặt bình yên của chị khi em ngoái đầu nhìn lại. Nó tựa như một mảnh ước mơ mà em có thể níu giữ”. Hay màn tranh luận nảy lửa giữa Arul và Viji khi cả hai về chung mái ấm: “Hãy bắt đầu nhìn những thứ cậu chưa đánh mất. Cậu có tớ, và nhất là cậu có chính bản thân mình…”. Những đứa trẻ đường phố tràn đầy tình thương, gắn kết dành cho nhau. Sau tất cả, tình yêu đong đầy qua mỗi bước chân khi chúng biết gìn giữ, nương tựa vào nhau, tự tin trở lại thăm cây cầu đổ nát năm ấy.
Ý nghĩa “Trên cây cầu đổ nát”
Nhà văn gốc Ấn Padma Venkatraman chắt chiu các góc nhìn hiện thực cuộc sống, thổi vào sách niềm hy vọng về sự tử tế. Phía sau những hoang hoải, bất nhẫn, va đập khốc liệt từ đời sống, nhóm trẻ vươn lên học cách quên mất mát để trưởng thành.

“Trên cây cầu đổ nát” là cuốn sách tuyệt vời đầy cảm hứng nhân đạo, viết về những đứa trẻ vô gia cư trên đất nước Ấn Độ, cũng như trên khắp thế giới. Ở đó có đói khát, cuộc sống khốc liệt, đau khổ, tuyệt vọng nhưng vẫn luôn sáng lên niềm tin và hy vọng nơi cuối con đường. Cuốn sách gợi mở lòng trắc ẩn cho bất cứ ai đọc nó, nhất là các bạn đọc nhỏ tuổi!
“Độc giả sẽ say mê cuốn tiểu thuyết tuyệt vời này, được viết dưới dạng bức thư, kể về những đứa trẻ phải dùng đến bản năng và lòng can đảm gan góc để sinh tồn. Padma không chỉ chia sẻ với chúng ra góc nhìn chưa từng được biết đến về cuộc sống thực tế mỗi ngày của hàng triệu trẻ em vô gia cư, mà còn đưa niềm hy vọng lẫn lòng dũng cảm vào câu chuyện của cô ấy, từ đó truyền cảm hứng cho độc giả và đồng hành cùng họ tới khi lật đến trang sách cuối cùng.” – Aisha Saeed, tác giả của cuốn sách bán chạy nhất New York Times “Amal Unbound”
Xem thêm: