XÓM BỜ GIẬU – một cuốn sách đẹp cả về hình thức lẫn nội dung

3
4249

Tập truyện ngắn “Xóm bờ giậu” của nhà văn Trần Đức Tiến được ấn hành bởi NXB Kim Đồng là một cuốn sách đẹp cả về hình thức lẫn nội dung.

Một cuốn sách đẹp về hình thức

Lần đầu tiên cầm cuốn sách trên tay, tôi đã ước ao ngay có một chiếc tủ sách cửa kính thật đẹp để có thể trưng bày cuốn sách. Không chỉ trang bìa mà tất cả các trang sách đều được chú ý trang trí một cách nghệ thuật khiến người ta phải nâng niu, nhẹ nhàng khi lật giở.

Nhỏ nhặt nhất là con số đánh dấu thứ tự trang sách cũng được in màu, một màu cam vừa đủ nổi bật trên nền giấy trắng ngà. Những trang số lẻ được điểm thêm bên cạnh một cành hoa nhí với những cái nụ chúm chím màu cam trên những cuống xanh nho nhỏ. Những con số bỗng như có hồn hơn và tâm trí ta cũng cảm thấy gần gũi với thiên nhiên hơn.

Nhan đề của mỗi câu chuyện được sắp đặt bởi những kiểu chữ đậm nhạt khác nhau, màu sắc khác nhau, viết liền một dòng hay ngắt làm nhiều dòng một cách cân đối, hài hòa.

Sáng tạo nhất chính là cách trang trí, trình bày chữ cái đầu tiên của mỗi câu chuyện: Đó là chữ cái được viết hoa rất lớn, thường có màu sắc tương đồng hòa hợp với màu chữ ở nhan đề phía trên của câu chuyện. Không chỉ có vậy, lồng trong chữ cái đầu tiên của truyện là các họa tiết hoa lá hay hình ảnh các con vật sẽ xuất hiện trong truyện: con cún con, con ếch cốm, con chim bồ câu, con bọ ngựa, con sâu đo…

xóm bờ giậu
Trang sách “Xóm bờ giậu”

Xóm bờ giậu” còn đẹp bởi mỗi truyện được trang trí bởi một, một vài bức tranh minh họa. Đó là những bức tranh mà họa sĩ Kim Duẩn đã vẽ rất tỉ mỉ, chú ý đến từng bông hoa nhỏ xíu, từng giọt sương đêm, hay cả cái màng nhện dưới đám lá khoai cạnh bờ ao…

Có lẽ, họa sĩ Kim Duẩn đã rất để tâm khi vẽ minh họa cho tập truyện “Xóm bờ giậu”. Những bức tranh minh họa không chỉ đẹp mà cái hồn của những bức tranh ấy còn đều rất phù hợp với ý nghĩa của những câu chuyện được minh họa.

Những trang sách đẹp và có tâm như vậy thật dễ hấp dẫn bạn đọc, đặc biệt là những bạn đọc nhỏ tuổi.

xóm bờ giậu
Trang sách “Xóm bờ giậu”

Xem thêm:  [Review sách]: CHO TÔI XIN MỘT VÉ ĐI TUỔI THƠ – nhìn từ góc độ người không thích truyện Nguyễn Nhật Ánh

“Xóm bờ giậu” – như mở ra một thế giới sinh động nơi bờ giậu chốn làng quê

Tên tập sách “Xóm bờ giậu” và bìa sách – dưới bầu trời đầy sao, dưới chân bụi cây cỏ dại, cụ Cóc hân hoan, Sâu Đo vui tươi, những ánh mắt tò mò giấu mình trong đêm tối say sưa lắng nghe chàng nhạc sĩ Dế Lửa lim dim mắt kéo vi ô lông – như mở ra một thế giới sinh động nơi bờ giậu chốn làng quê. Tập sách vừa khơi gợi lại trong lòng những người sinh ra và lớn lên nơi làng quê những hình ảnh quen thuộc, thân thương thời thơ ấu, vừa giúp những bạn đọc thành thị, những bạn đọc nhỏ tuổi lớn lên trong thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bê tông hóa, hình dung thêm về nơi bờ giậu dân dã xưa kia nay hầu như không còn nữa.

Với cảm quan thời hiện đại, nhà văn Trần Đức Tiến đã kể về một xóm bờ giậu có cụ giáo Cóc điều gì cũng biết, có chị Ốc Sên đỏm dáng làm người mẫu cho công ti mĩ phẩm, có chú Thằn Lằn thợ săn cô đơn vì người yêu bỏ đi mất, có chú Dế Còm yêu thơ mơ làm thi sĩ, có nhạc sĩ Dế Lửa trứ danh nơi thành phố vẫn một lòng hướng về nguồn cội nơi quê nhà…

xóm bờ giậu
xóm bờ giậu

Những câu chuyện trong “Xóm bờ giậu” đều chứa đựng những bài học nhẹ nhàng, trong sáng, đặc biệt phù hợp với bạn đọc nhỏ tuổi. Chẳng hạn câu chuyện “Hoa cúc áo” nhắn nhủ ta cần biết trân trọng, yêu mến những sự vật nhỏ bé xung quanh; câu chuyện “Đã về… đã về…” nhắc ta cần biết sống thông cảm với người khác; câu Chuyện “Hai chú dê nhỏ bên bờ sông xuân” lại hướng ta nhìn cuộc sống một cách tích cực, lạc quan hơn… Mỗi câu chuyện là một bài học nhẹ nhàng mà sâu sắc.

Có thể nhân vật trong những trang sách của nhà văn Trần Đức Tiến không mới: con cóc, con ốc sên, con dế, con tắc kè, con dê, con rùa, con chó, con mèo… – những con vật ta từng bắt gặp trong một câu chuyện nào đó – nhưng những nhân vật ấy vẫn được cảm nhận và phác họa lại theo một cách riêng, vừa cho thấy sự am hiểu về thới giới loài vật, vừa cho thấy sự sáng tạo độc đáo của nhà văn Trần Đức Tiến.

Chẳng hạn, dưới góc nhìn của tác giả “Xóm bờ giậu”, trong truyện “Đã về… đã về…”, tắc kè là một nhân viên làm việc ở đài khí tượng thủy văn, “là chuyên gia dự báo thời tiết trứ danh…, tiếng kêu của bác ấy có lúc chẵn, lúc lẻ. Chẵn mưa, thừa nắng”. Tắc kè làm việc trên tỉnh, mỗi khi được về thăm nhà thì rất mừng, từ đầu ngõ đã đánh tiếng cho vợ con biết: “Đã về… đã về…”. Tiếng kêu của tắc kè lúc nửa đêm tuy ồn ào nhưng nên được thông cảm.

xóm bờ giậu
Trang sách “Xóm bờ giậu”

Hay trong truyện “Vì sao bác Rùa đi chậm”, nhà văn Trần Đức Tiến lí giải: bác Rùa lơ là chủ quan không chịu chuẩn bị trước mùa mưa bão, khi bão đến, không biết trốn chỗ nào, bác nhờ một toán thợ xây Chuột làm giúp thật nhanh một cái mái nhà bằng bê tông trên lưng Rùa. Dưới mái nhà kiên cố, bác Rùa thoát nạn khỏi trận bão khủng khiếp nhưng khi bão tan, đi đâu bác cũng phải cõng theo mái nhà nặng trĩu trên lưng nên đi rất chậm: cục kịch… cục kịch…

Truyện “Hai chú dê nhỏ bên bờ sông xuân” được gợi cảm hứng từ câu chuyện ngụ ngôn quen thuộc “Dê đen và dê trắng” nhưng lại thể hiện một góc nhìn mới, nhằm nhắn nhủ những thông điệp mới: Có hai chú dê non tán gẫu với nhau. Chú dê trắng nhắc lại chuyện ngày xưa hai cụ cố của dê đen và dê trắng do không nhường nhau mà rơi xuống suối. Chú dê đen đã phản bác lại rằng thực ra hai cụ đều muốn nhường nhau vì cụ nào tính cũng hiền lành, nhưng vì cầu hẹp, không biết đi giật lùi, loay hoay mãi nên cả hai cụ rơi xuống suối. Sau đó hai cụ bơi vào bờ ngay, chỉ ướt có tí lông, hai cụ bình an và khỏe mạnh thì mới có hai chú dê non bây giờ tán chuyện với nhau.

xóm bờ giậu

Có thể nói chính những cách nhìn mới mẻ, độc đáo theo hướng tích cực, lạc quan ấy của nhà văn Trần Đức Tiến đã làm nên sự hấp dẫn cho cuốn sách “Xóm bờ giậu”.

Đọc “Xóm bờ giậu”, những độc giả nhỏ tuổi ngày nay sẽ hiểu thêm về thế giới loài vật sinh động nơi làng quê, được bồi dưỡng những bài học làm người đẹp đẽ, còn những độc giả lớn tuổi hơn có thể vừa suy ngẫm về cuộc đời, vừa nhớ về một “Xóm bờ giậu” của riêng mình thời thơ ấu…

Sao Băng

Tháng 11/2019

Xem thêm:

3 BÌNH LUẬN

  1. Hình minh họa dễ thương, đọc câu chuyện của những cư dân xóm bờ giậu làm mình nhớ lại mình đã yêu thích cuộc phiêu lưu của dế mèn đến nhường nào Chữ in to phù hợp với các bạn nhỏ, hồi bé bị bố mẹ mắng vì đọc truyện chữ nhỏ hoài luôn/

  2. Đọc xong tác phẩm các độc giả nhí sẽ thấy phép tu từ nhân hóa, so sánh sao đơn giản thế nhỉ Chúng ta chờ đợi xem câu chuyện đáng yêu nào trong tập truyện được đưa vào SGK Tiểu học mới nhé cả nhà/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây