B. Bjørnson, tên đầy đủ là Bjørnstjerne Bjørnson được trao giải Nobel Văn học 1903 vì những vần thơ cao nhã, cảm hứng tươi mới và tinh thần thuần khiết, cùng những tác phẩm kịch và sử thi tài năng đặt ra những vấn đề xã hội sâu sắc. Những nhân vật từ huyền thoại Na Uy trong kịch lịch sử, trường ca và thơ của B. Bjørnson đã làm hồi sinh tình cảm tự hào dân tộc của người dân Na Uy.
Xem thêm: Sully Prudhomme, người đầu tiên được trao Giải Nobel Văn học

Đôi nét cuộc đời Bjørnstjerne Bjørnson
Bjørnstjerne Martinus Bjørnson là con trai lớn của một mục sư người Na Uy. Năm B. Bjørnson năm tuổi, gia đình rời quê Kvikne đến vùng Romsdal phong cảnh đẹp ở Tây Na Uy, nơi cậu bé vào học tại trường Modle. B. Bjørnson làm thơ, ra báo viết tay và quan tâm đến chính trị từ rất sớm. Năm 1849 ông đến Christiana (ngày nay là Oslo). Tại đây ông đã gặp gỡ với nhà viết kịch vĩ đại Henrik Ibsen và các nhà văn tên tuổi khác của Na Uy. Năm 1852 vào trường Đại học Tổng hợp Christiana, nhưng năm sau ông đã ngừng đến lớp mà dấn thân vào đời sống chính trị, sân khấu và văn học của thành phố, viết phê bình sân khấu, ra tạp chí Illustreret Folkebladet – tại đây các truyện cổ tích dân gian do ông ghi chép lại lần đầu tiên được đăng tải. Năm 1856 sang dự hội nghị sinh viên tại Thụy Điển, ông kinh ngạc trước những kỉ niệm về quá khứ, các trang phục dân tộc, vũ khí, bia mộ của các vị vua Thụy Điển và nảy ra ý tưởng trở về khôi phục lịch sử đất nước mình.
Tham gia vào chiến dịch vận động thành lập và trở thành giám đốc Nhà hát Quốc gia Na Uy ở Berrgen năm 1857, B. Bjørnson giữ vai trò nhà hoạt động văn hóa hàng đầu của đất nước. Trở về Oslo năm 1859, ông ra tờ nhật báo buổi chiều Aftenbladet – cơ quan ngôn luận của Đảng Tân Tự do. Từ năm 1865 đến năm 1867 ông làm giám đốc Nhà hát Christiana.
Trước năm 1873 ông chủ yếu làm thơ, viết kịch, bài hát, truyện vừa, truyện cổ tích về đề tài lịch sử. Cuối những năm 1860 sáng tác thơ của ông đạt đến thời kì rực rỡ nhất với các tập tiêu biểu Thơ và những khúc ca (1870), Arnljot Gelline (1870). Thơ của ông được phổ nhạc nhiều, trong đó có bài Vâng, chúng ta yêu mảnh đất này (1859) về sau trở thành Quốc ca Na Uy. Kịch của ông đề cập đến những vấn đề thời sự xã hội, dàn dựng ở nhiều nước Châu Âu và Mĩ. Tác phẩm bộ ba Sigurd hung bạo (1863) kể về kẻ tiếm ngôi bí mật thời Trung Cổ, được đánh giá là vở kịch xuất sắc nhất của ông. Ngoài ra ông còn viết một số tiểu thuyết theo phong cách hiện thực chủ nghĩa (Những lá cờ bay trên thành phố và bến cảng (1884), Trên con đường của Chúa (1889)). Những năm 1873-1876 nhà văn sống tại Roma. Thời gian này ông chuyên viết phê bình xã hội, tích cực bảo vệ tính độc lập chính trị và văn hóa của Na Uy. Năm 1881 ông qua Mĩ, từ năm 1893 về sống tại một trang trại ở Na Uy và thường xuyên ra nước ngoài.
Năm 1903 B. Bjørnson là nhà văn đầu tiên trong khối Bắc Âu được nhận Giải Nobel Văn học vì những đóng góp trong các lĩnh vực thơ, văn xuôi và kịch. Năm 1910, sau khi vở kịch cuối cùng Bao giờ nho mới trổ hoa được ấn hành, B. Bjørnson qua đời ở tuổi 77.
Tác phẩm của B. Bjørnson

– Giữa các trận chiến (Mellem Slagene, 1857), kịch [Between the Battles].
– Đồi nắng (Synnøve Solbakken,1857), truyện vừa.
– Hulda Thọt (Halte Hulda, 1858), kịch.
– Arne (1858), kịch.
– Cậu bé hạnh phúc (En glad Gut, 1860), kịch [A Happy Boy].
– Vua Sverre (Kong Sverre, 1861), kịch.
– Sigurd hung bạo (Sigurd Slembe, 1862), kịch.
– Maria Stuart của Scotland (Maria Stuart i Skotland, 1864), kịch.
– Vợ chồng mới cưới (De Nygifte, 1865), kịch.
– Thơ và những khúc ca (Digte og Sange, 1870), thơ.
– Arnljot Gelline (1870), trường ca sử thi.
– Sigurd người lính thập tự chinh (Sigurd Jorsalafar, 1872), kịch.
– Phá sản (En Fallit, 1874), kịch [The Bankrupt].
– Người biên tập (Redaktøren, 1874), kịch [The Editor].
– Hoàng đế (Kongen, 1877), kịch [The King].
– Leonarda (1879), kịch.
– Hệ thống mới (Det ny System, 1879), kịch.
– Chiếc găng tay (En Hanske, 1883), kịch [A gauntlet].
– Những lá cờ bay trên thành phố và bến cảng (Det flager i byen og på havnen, 1884), tiểu thuyết.
– Địa lí và Tình yêu (Geografi og Kjaerlighed, 1885), kịch.
– Trên con đường của Chúa (På Guds Veje, 1889), tiểu thuyết [In God’s Way].
– Quá sức ta (Over ævne, 1893-1895), kịch [Beyond Human Power].
– Paul Lange và Tora Parsberg (Paul Lange og Tora Parsberg, 1898), kịch.
– Laboremus (1901), kịch.
– Ở Storhove (På Storhove, 1902), kịch.
– Bao giờ nho mới trổ hoa (Når den ny vin blomstrer, 1909), kịch [When the New Wine Blooms].
* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:
– Người cha, Ngô Bích Thu dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt Giải Nobel, NXB Văn Học, 1999; Truyện ngắn đặc sắc các tác giả được giải thưởng Nobel, NXB Văn Học, 2004.
Lời tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển(1)

Năm nay, một lần nữa, nhiều tên tuổi của các ứng cử viên cho Giải Nobel Văn học lại được trình lên Viện Hàn lâm Thụy Điển để quyết định. Trong số họ, một số người là những tác giả nổi tiếng khắp Châu Âu. Viện Hàn lâm cho rằng năm nay người xứng đáng được chọn là nhà thơ Bjørnstjerne Bjørnson. Chúng ta hân hạnh được gặp nhà thơ nổi tiếng tại buổi lễ trao giải hôm nay, nhưng theo thông lệ, tôi sẽ nói về ông với tư cách người thông báo quyết định của Viện Hàn lâm. Nhưng sau đó, tôi cũng xin phép được trình bày vài ý kiến cá nhân.
Bjørnstjerne Bjørnson và các tác phẩm của ông đã quá quen thuộc với giới trí thức Thụy Điển đến nỗi không cần phải đưa ra bất cứ đánh giá tổng quát nào về những giá trị được công nhận rộng rãi. Vì vậy, trong buổi lễ long trọng này, tôi muốn nói đôi điều sau đây:
Nhà thơ mà Viện Hàn lâm Thụy Điển rất vui mừng trao Giải Nobel Văn học năm nay sinh tại Kvikne, Na Uy, nơi cha ông là Bộ trưởng, nơi ông có thể nghe được trong những năm tháng tuổi thơ tiếng Orkla chảy rì rào tận sâu trong hẻm núi. Tuy vậy, những năm cuối của thời niên thiếu, ông theo cha chuyển đến sống ở Naesset, trong một thung lũng tuyệt đẹp của vùng Romsdal. Tòa xứ Naesset nằm giữa hai vịnh nhỏ của Langfjord, Eidsvaag và Eirisfjord. Sống ở vùng thôn quê Na Uy nên thơ ấy, giữa hai vịnh nhỏ, cậu bé thường say mê ngắm cảnh hoàng hôn lộng lẫy sau núi hoặc trên mặt biển. Ở đây ông đã học nghề nông. Tình yêu của ông đối với cảnh thiên nhiên hoang dã của quê hương và những hiểu biết sâu sắc về cuộc sống người dân đã hình thành từ lúc đó. Năm mười một tuổi, ông được gửi đến học ở Molde. Ông học không thật xuất sắc, song sự phát triển tài năng của một nhà thơ lớn lại thường không thể đánh giá bằng những tiêu chuẩn như vậy. Khi còn đi học, ông tình cờ gặp một tác giả mà sau này có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc đời ông: ông bắt đầu đọc Sturleson. Cũng trong thời gian này, ông làm quen với các tác phẩm của Bjørnson, Oehlenschlọger và Walter Scott. Khi 17 tuổi, ông tới Christiania (Oslo) để chuẩn bị thi lấy bằng tú tài. Bjørnson nói ông biết mình có thiên hướng thơ ca từ khi tham gia vào First Student Assembly (Đại hội Sinh viên lần thứ nhất) ở Uppsala, năm 1856. Bằng một thứ ngôn ngữ đặc biệt, ông đã kể lại cho chúng ta những ấn tượng về nhà thờ Riddarholm tràn ngập ánh hoàng hôn và về Stockholm giữa mùa hè rực rỡ. Ông viết Giữa các trận chiến (Mellem Slagene, 1857) trong vòng nửa tháng, sau đó là một số tác phẩm khác, trong đó có Đồi nắng (Synnøve Solbakken, 1857). Từ đó danh tiếng của Bjørnson ngày càng được củng cố và một loạt tác phẩm khác đã làm cho tên tuổi của ông trở nên lừng lẫy khắp thế giới.
Bjørnson là một nhà văn sử thi và bi kịch lớn, đồng thời cũng là một nhà thơ trữ tình vĩ đại. Đồi nắng , Arne (1858) và Cậu bé hạnh phúc (En glad Gut, 1860) đưa ông lên vị trí những nghệ sĩ hàng đầu của cuộc sống đương đại. Trong những trang u hoài đó, ông tỏ ra là một người con của thôn quê và mang đậm phong cách của những câu truyện saga cổ. Quả thực, người ta nói có cơ sở rằng ông miêu tả cuộc sống của người nông dân dưới ánh sáng của những saga. Nhưng cũng nên nói thêm rằng, theo cách nhìn của giới am hiểu, chính những người nông dân mà ông thân thuộc từ những ngày ở Romsdal đã gìn giữ phong cách súc tích và kín đáo được nhà thơ sử dụng rất đắc địa trong tác phẩm của mình. Dù được lí tưởng hóa và đầy thi vị, sự mô phỏng này vẫn trung thành với tự nhiên.
Với tư cách là một nhà viết kịch, Bjørnson cũng đề cập đến các đề tài lịch sử, ví dụ Vua Sverre (1861), Sigurd người lính thập tự chinh (Sigurd Jorsalafar, 1872), kiệt tác Sigurd hung bạo (Sigurd Slembe, 1862), trong đó tình yêu của Audhild đã làm hửng sáng tình cảnh ảm đạm và nhân vật Finnepigen hiện lên sừng sững trong ánh sáng rực rỡ của ban mai phương Bắc, vở kịch đầy quyến rũ Maria Stuard i Shotland (1864) và những tác phẩm thiên tài khác… ông cũng rất thành công trong các đề tài đương đại như Người biên tập (Redaktøren, 1874), Phá sản (En Fallit, 1874), v.v… Thậm chí khi đã già ông vẫn tạo ra chân dung một tình yêu không vụ lợi trong Paul Lange và Tora Parsberg (1898); trong Laboremus (1901), ông ca ngợi cuộc sống hợp đạo đức chống lại sự tác động của những nhu cầu tình cảm tự nhiên không kiềm chế. Cuối cùng, trong Ở Storhove (På Storhove, 1902), ông đã bày tỏ sự kính phục đối với sức mạnh bảo vệ gia đình, bảo vệ từng mái nhà yên ấm mà đại diện là Margareta, một trụ cột vững chắc và tin cậy của gia đình. Trên thực tế, dễ thấy rằng các nhân vật của Bjørnson thường trong sáng một cách hiếm có, rằng cảm hứng của ông luôn có xu hướng tích cực. Tác phẩm của ông không bao giờ bị pha tạp, ngược lại, đó là thứ kim hoàn tinh khiết nhất, dù quan điểm của ông cũng như của mọi người có thể bị thay đổi theo năm tháng và kinh nghiệm, ông vẫn không ngừng đấu tranh chống lại những đòi hỏi mang tính bản năng hạ thấp con người.
Đâu đó người ta nói rằng Giải Nobel Văn học, giải dành cho một sự nghiệp văn học xuất sắc, nên ưu tiên trao cho các nhà văn trẻ. Điều này có thể đúng, song thậm chí như vậy thì Viện Hàn lâm vẫn tin rằng quyết định của mình đã đáp ứng được mọi yêu cầu hợp lí. Sức mạnh sáng tạo của tác giả 71 tuổi này thật lớn, đến mức ông đã xuất bản Ở Storhove vào năm 1902 và các tác phẩm được xuất bản sau đó càng chứng tỏ ông vẫn giữ được một tâm hồn hết sức trẻ trung.
Là một nhà thơ trữ tình, Bjørnson là một tấm gương về sự giản dị, phong cách tươi mới và cảm xúc sâu sắc. Các bài thơ của ông là nguồn cảm hứng không mệt mỏi không bao giờ cạn, còn nhạc tính của chúng đã khiến cho nhiều nhạc sĩ chọn thơ ông làm lời cho ca khúc. Không quốc gia nào có được một bài quốc ca hay hơn “Ja, vi elsker dette Landet” (Vâng, chúng tôi yêu đất nước mình) do Bjørnson sáng tác. Và khi nghe bài hát tuyệt diệu Arn ljot Gelline với tiết tấu oai hùng như tiếng sóng thì người đó sẽ nghĩ rằng rồi đây, những con sóng kỉ niệm sẽ thì thầm: “I store maaneskinsklare Naetter” (những đêm trăng sáng tỏ) khi họ nhắc đến nhà thơ vĩ đại của đất nước trên bờ biển Nauy.
Thưa Bjørnson, tài năng của Ngài đã phục vụ cho những lí tưởng trong sáng nhất và cao thượng nhất. Nó cũng đưa ra những đòi hỏi cao nhất đối với cuộc sống con người, những nhu cầu mà trong một số trường hợp cụ thể Chiếc găng tay (En Hanske, 1883), có thể là quá cao đối với nhiều người. Nhưng những đòi hỏi nghiêm khắc và cao thượng đó luôn luôn đáng trân trọng hơn sự phóng đãng đang thịnh hành trong văn chương ngày nay. Thành tựu thơ ca của Ngài được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, nó bắt nguồn từ thiên nhiên, từ cuộc sống con người cũng như từ niềm tin cá nhân mạnh mẽ. Nó kết hợp đạo đức với cảm hứng thơ ca trong sáng và lành mạnh. Vì vậy, Viện Hàn lâm Thụy Điển thấy cần phải bày tỏ sự kính trọng đối với tài năng của Ngài bằng việc tặng Ngài Giải Nobel Văn học năm nay và cầu xin Hoàng thượng trao cho Ngài giải thưởng cao quý này.
Tân Đôn dịch từ bản tiếng Anh
Ngô Tự Lập hiệu đính
(Nguồn: http://nobelprize.org)
© Culture Globe
Quan điểm của Bjørnstjerne Bjørnson(2)
Tôi tin rằng giải thưởng mà tôi nhận hôm nay sẽ được công chúng xem là món quà của một dân tộc tặng cho một dân tộc khác. Sau cuộc đấu tranh lâu dài mà tôi có tham gia để giành lại cho Na Uy một vị trí bình đẳng trong Liên bang(3), một cuộc đấu tranh thường gây nên thái độ không hài lòng cay đắng ở Thụy Điển, tôi có thể nói rằng quyết định này là một sự công nhận đối với Na Uy.
Nhân dịp này tôi rất sung sướng bày tỏ hết sức ngắn gọn quan điểm của tôi về vai trò của văn học.
Để cho khúc chiết, tôi xin được gợi lại một hình ảnh mà tôi vẫn có trong tâm trí từ thuở còn rất trẻ, mỗi khi nghĩ đến tiến bộ nhân loại. Tôi thấy nó như một đám diễu hành vô tận mà những con người cả đàn ông lẫn đàn bà kiên trì đi theo. Con đường họ đi không phải bao giờ cũng thẳng nhưng nó đưa họ tiến lên phía trước. Họ bị thôi thúc bởi một lực không cưỡng được, ban đầu thuần túy là bản năng nhưng dần dần càng có ý thức hơn. Tiến bộ nhân loại không phải lúc nào cũng là kết quả của nỗ lực có ý thức và trước nay không một ai có thể làm được điều này. Trong đó, giữa tiến bộ có ý thức và sự phát triển mang tính tiềm thức có một mảnh đất trống cho trí tưởng tượng thi thố. Ở một vài người trong số chúng ta, tài tiên tri lớn đến mức giúp cho chúng ta thấy được rất xa phía trước, tới những chặng đường mới mà tiến bộ nhân loại sẽ đi qua.
Không gì nhào nặn lương tâm của chúng ta mạnh bằng tri thức của chúng ta về cái thiện và cái ác. Do đó, cảm giác của chúng ta về thiện và ác chính là một phần của lương tâm chúng ta, đến mức mà, cho tới hôm nay, không ai có thể không đếm xỉa đến nó mà vẫn cảm thấy an lòng. Chính vì thế mà tôi luôn ngạc nhiên trước ý kiến cho rằng nhà văn chúng ta phải gác cái cảm giác về thiện và ác sang một bên trước khi cầm bút. Hệ quả của lí lẽ ấy ắt sẽ biến trí óc chúng ta thành những chiếc camera vô cảm trước cái thiện và cái ác, cũng như trước cái đẹp và cái xấu!
Ở đây, tôi không muốn đi sâu vào tình huống mà con người hiện đại – luôn tự cho mình là một cá nhân lành mạnh – có thể rũ bỏ lương tâm, vốn là di sản của nhiều triệu năm truyền lại, và nhờ nó mà mọi thế hệ nhân loại được dẫn lối cho tới ngày nay. Tôi chỉ xin hỏi rằng tại sao những người tán thành lí thuyết này lại chọn một số hình ảnh nào đó thay cho những hình ảnh khác? Liệu sự lựa chọn của họ có đơn thuần mang tính máy móc không? Tại sao những hình tượng hiện ra trong trí tưởng tượng của họ lại hầu như bao giờ cũng gây sốc? Họ có chắc chắn rằng thực tế không phải họ đã chọn chúng không?
Tôi không nghĩ chúng ta cần đợi câu trả lời. Họ cũng không thể nào rũ bỏ được những ý tưởng đã đến với họ qua các thế kỉ kế thừa đạo đức dễ dàng hơn chúng ta. Sự khác biệt duy nhất giữa họ và chúng ta chỉ là, trong khi chúng ta phụng sự cho những ý tưởng ấy thì họ cố sức nổi loạn chống lại chúng. Tôi xin nói thêm ngay ở đây là không phải tất cả đều có vẻ trái đạo đức như vậy. Nhiều tư tưởng chỉ đường của ngày hôm nay đã từng là những tư tưởng mang tính cách mạng trong quá khứ. Điều tôi muốn nói là những nhà văn từ chối tính khuynh hướng và tính mục đích trong sáng tác của họ lại chính là những người thể hiện nó trong từng chữ họ viết ra. Tôi có thể dẫn ra vô số ví dụ trong lịch sử văn học để chứng tỏ rằng một nhà văn càng huênh hoang về tự do tinh thần nhiều bao nhiêu thì tác phẩm của họ càng có khả năng mang tính khuynh hướng bấy nhiêu. Các nhà thơ lớn của Hi Lạp hoàn toàn thoải mái với các hình tượng thần linh bất tử và trần thế. Các vở kịch của Shakespeare là một Teutonic Valhalla(4), lúc thì có ánh nắng rực rỡ, lúc khác lại có bão tố khốc liệt. Thế gian đối với ông là một chiến trường nhưng cảm giác của ông về một sự công bình thi ca, niềm tin cao cả của ông vào cuộc sống và những cội nguồn vô tận của nó đã hướng đạo cho các trận chiến.
Bất cứ lúc nào muốn, chúng ta có thể gọi về từ cõi chết các nhân vật của Molière và Holberg, để chẳng thấy gì khác ngoài một đám nhân vật diễu hành trong trang phục xếp nếp, đầu đội tóc giả, những kẻ thực hiện các sứ mệnh của mình với những cử chỉ màu mè và buồn cười. Họ vừa mang tính khuynh hướng vừa ăn nói dài dòng.
Tôi vừa mới nhắc đến Teutonic Valhalla của chúng ta. Goethe và Schiller có mang thêm chút gì của cõi thiên đường cực lạc(5) vào nơi đó không? Với họ, bầu trời cao hơn và ấm áp hơn, cuộc sống và nghệ thuật sung sướng hơn và đẹp đẽ hơn. Có lẽ chúng ta có thể nói rằng những con người được tắm mình trong sự ấm áp ấy, trong ánh nắng ấy – các chàng trai trẻ Tegnér, Oehlenschläger, và Wergeland, tất nhiên không quên kể ra cả Byron và Shelley – tất cả họ đều mang một chút gì đó của các vị thần Hi Lạp trong mình.
Thời đại ấy và trào lưu ấy nay đã qua, nhưng tôi muốn nhắc đến hai vĩ nhân thuộc về nó. Thứ nhất, tôi nghĩ đến người bạn cũ của tôi ở Na Uy hiện đang ốm đau. Ông đã nhiều lần thắp sáng ngọn đuốc dọc bờ biển Na Uy để chỉ hướng cho người đi biển, cảnh báo anh ta về hiểm nguy phía trước. Tôi cũng nghĩ đến một ông già vĩ đại ở một đất nước láng giềng về phía Đông Na Uy mà ánh sáng của ông đang rọi về phía trước và đem lại hạnh phúc cho nhiều người. Tinh thần của họ, nhiều năm sáng tạo của họ được soi sáng bởi một mục đích đã từng sáng rực hơn, giống như một ngọn lửa trong gió đêm.
Ở đây tôi đã không nói gì đến tác động của tính khuynh hướng đến nghệ thuật, tác động ấy có thể dẫn đến thành công hoặc thất bại. “Ich rieche die Absicht und werde verstiment” (6).
Nếu tính khuynh hướng và nghệ thuật xuất hiện với tỉ lệ như nhau thì mọi sự đều tốt. Về hai nhà văn lớn mà tôi đã nêu, rất có thể là những cảnh báo của người thứ nhất vừa nghiêm khắc vừa đáng lo. Còn người thứ hai có lẽ ru ngủ chúng ta bằng sự lôi cuốn của một lí tưởng vượt quá hiểu biết của con người và vì thế cũng khiến người ta lo sợ. Nhưng điều cần thiết là lòng can đảm sống của chúng ta được mạnh lên chứ không yếu đi. Nỗi lo sợ sẽ không buộc chúng ta thoái lui khỏi những con đường đang mở ra trước mắt chúng ta. Đoàn diễu hành phải tiếp tục tiến lên. Chúng ta phải tin tưởng rằng cuộc sống về cơ bản là tốt đẹp, rằng ngay cả sau những thảm họa đáng sợ và những sự kiện bi thảm nhất, trái đất lại được tắm trong một dòng chảy tràn trề của sức mạnh có cội nguồn vĩnh cửu. Niềm tin của chúng ta vào điều đó chính là minh chứng của nó.
Vào thời đại gần đây hơn, Victor Hugo đã là anh hùng của tôi. Ở đáy cùng những tưởng tượng sáng rỡ của ông chứa chất niềm xác tín rằng cuộc sống tốt đẹp và chính nó đã làm cho sáng tác của ông nhiều màu sắc đến vậy. Có những người vạch ra nhược điểm của ông, nói đến tính kiểu cách sân khấu của ông. Cứ để cho họ nói. Đối với ông, tất cả những khiếm khuyết của ông đều được bù đắp bởi joie de vivre(7) của ông. Bản năng tự bảo tồn của chúng ta bám chắc ở đây, bởi lẽ nếu như cuộc sống không ban tặng cho chúng ta nhiều cái tốt hơn cái xấu, thì nó đã phải đi tới chỗ kết thúc từ lâu rồi. Bất cứ bức tranh nào về cuộc sống không tính đến điều này chỉ là một bức tranh méo mó. Thật sai lầm khi hình dung, như một số người vẫn làm, rằng những khía cạnh đen tối của cuộc sống là tồi tệ đối với chúng ta. Điều đó không đúng.
Những kẻ yếu đuối và ích kỉ không thể chịu nổi những sự việc phũ phàng, nhưng những người khác trong chúng ta có thể chịu được. Nếu những người muốn làm cho chúng ta run sợ hay đỏ mặt cũng để hé lộ điều hứa hẹn, bất chấp tất cả những gì có thể trút xuống đầu chúng ta, rằng cuộc sống vẫn có niềm hạnh phúc để tặng cho chúng ta, thì chúng ta có thể tự nhủ: Không sao, chúng ta phải đối mặt với sự bí ẩn là một phần của cuộc sống trong cốt truyện này và trong những từ ngữ này, và chúng ta sẽ bị kích động khiến sợ hãi hoặc thích thú theo ý muốn của tác giả. Điều đáng buồn là hiếm khi nhà văn đạt được hơn một sự giật gân, mà nhiều khi còn không được như vậy! Chúng ta cảm thấy thất vọng gấp đôi, bởi vì thái độ của tác giả đối với cuộc sống tiêu cực quá và bởi vì anh ta không đủ sức dẫn dắt chúng ta. Kém tài bao giờ cũng chán ngắt.
Gánh nặng mà một con người chất lên vai càng lớn thì anh ta càng phải khỏe hơn để mang nó. Không có từ ngữ nào là không nên nói đến, không có hành động hay sự khủng khiếp nào vượt quá khả năng mô tả, nếu con người ta đủ sức.
Một cuộc sống có ý nghĩa là điều chúng ta tìm kiếm trong nghệ thuật, trong những giọt sương nhỏ nhất của nó cũng như trong cơn bão bùng. Chúng ta chỉ an lòng khi đã tìm thấy nó và bồn chồn lo lắng khi chưa tìm ra.
Những tư tưởng lâu đời về cái đúng và cái sai, đã được thiết lập vững chắc trong ý thức chúng ta, đã đóng vai trò của nó trong mọi lĩnh vực của đời sống chúng ta; chúng là một phần của sự tìm kiếm tri thức và sự khao khát đối với chính cuộc sống của chúng ta. Mục đích của mọi nghệ thuật là phổ biến những tư tưởng này, và vì điều đó thì hàng triệu bản cũng sẽ không phải là quá nhiều.
Đây là lí tưởng mà tôi cố công bảo vệ, như một tên hầu kính cẩn và nhiệt tình. Tôi không thuộc số người tin rằng một nghệ sĩ, một nhà văn được miễn trách nhiệm. Trái lại, trách nhiệm của anh ta còn lớn hơn của những người khác vì người nào đi đầu trong đoàn diễu hành phải dẫn đường cho những người đi sau.
Tôi biết ơn sâu sắc Viện Hàn lâm Thụy Điển về sự công nhận những nỗ lực của tôi theo hướng này và bây giờ tôi xin nâng cốc chúc mừng thành công của Viện trong công cuộc quảng bá tất cả những gì lành mạnh và cao cả trong văn học.
Nguyễn Việt Long dịch từ bản tiếng Anh
(Nguồn: http://nobelprize.org)
© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
Ghi chú:
(1) Do C. D. af Wirsén, Thư kí thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển đọc tại buổi lẽ trao Giải.
(2) B. Bjørnson đọc trong tiệc chiêu đãi giải thưởng Nobel ngày 10/12/1903 tại Grand Hotel (Stockholm).
(3) Na Uy trước kia nằm trong Liên bang với Thụy Điển, do vua Thụy Điển đứng đầu, đến năm 1905 mới tách ra thành nhà nước độc lập.
(4) Theo thần thoại Bắc Âu, Teutonic Vahalla là nơi yên nghỉ của linh hồn các liệt sĩ trận vong (Teutonic là tên một tộc người German cổ). Ở đây ý nói các tác phẩm của Shakespeare đã trở thành đài kỉ niệm của những giá trị đáng trân trọng trong quá khứ.
(5) Nguyên văn Elysian fields – thiên đường trong thần thoại Hi Lạp.
(6) Tiếng Đức: “Tôi đánh hơi thấy một mưu đồ và trở nên không an tâm”.
(7) Tiếng Pháp: Niềm vui sống.