Có một Bertolt Brecht khác trong những cuốn sổ tay

0
1003

Nhà văn cổ điển Đức Bertolt Brecht thường được coi là kẻ cho mình hiểu biết hơn mọi người và người dạy luân lý cho kẻ khác. Thế nhưng mới đây ngành lịch sử văn học lại đã tìm thấy ở những cuốn sổ tay ghi chép của ông chúng cho chúng ta thấy hoàn toàn ngược lại, đó là một nhà văn Brecht chẳng hề cổ điển chút nào mà thậm chí còn hết sức hiện đại, ẩn đầy mâu thuẫn. 

Bertolt Brecht
Bertolt Brecht (1898-1956)

“Anh nói nhiều
vì anh thử nhiều,
và bởi anh
có phải
bám riết những gì
nói đâu,
chẳng bao lâu
anh đổi ngay
thôi mà…”
Sổ tay ghi chép của Brecht số 24, 1927

Số phận những cuốn sổ tay của Bertolt Brecht

Lỗi thuộc về ông khi ông sa sút đi để về với khuôn mẫu. Bertolt Brecht ngay khi đang sống đã trở thành nhà văn cổ điển. Brecht, gã đàn ông luôn đánh chiếc áo da đen, luôn ngậm điếu xì gà to đùng trước miệng. Brecht, kẻ bóc lột đã lợi dụng cả nhóm cung phi tài năng và thậm chí cả đàn ông nữa cho cái Tôi của mình. Nhưng dĩ nhiên cũng là Brecht, nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa chống tư bản, người viết nhiều bài “giáo huấn”, luôn dạy luân lý và hay chỉ tay về phía trước, người được cả giải thưởng văn học CHDC Đức lẫn giải thưởng Stalin.

Chính ông đã luôn muốn vậy. Thành tấm bia tưởng niệm, vĩ đại, nổi trội và nhất quán. Nên bây giờ ông phải trả cái giá đó: là nhà sư phạm lớn, tuy vẫn được dạy ở các trường, đôi khi các nhà hát vẫn diễn các tác phẩm của ông, trước hết là “vở kịch ba xu”, tuy nhiên trên bảng thứ hạng các nhà văn cổ điển Đức được ưa chuộng, dẫu cho ông đứng ở phía trên nhưng không phải hàng đầu. Trong bảng đó chính ông lại đứng dưới những người mà có thời ông đã coi thường họ.

Chẳng hạn rõ ràng Thomas Mann đứng trên ông về lòng mến mộ của người đọc. Đó là điều sỉ nhục cho Brecht, ông chẳng đã tìm mọi dịp nhạo báng rằng Mann là nhà văn lỗi thời đó sao. Thời thế đã thay đổi, Mann được giới trẻ yêu mến, còn Brecht nhiều khi còn bị miệt thị.
Nay dù cho nền chính trị CHLB Đức đang dịch sang cánh tả, Đảng SPD (Sozialdemokratische Partei Deutschlands – Đảng Dân chủ Xã hội chủ nghĩa Đức, đồng cầm quyền với Đảng CDU – Christlich-Demokratische Union, Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo, xin xem thêm chú thích về Đảng Cánh tả, NHT) luôn thề thốt trung thành với “chủ nghĩa xã hội dân chủ”, thì cái chủ nghĩa xã hội hiện thực thời CHDC Đức mà Brecht ở cuối đời ông vốn cổ suý cho nó đã lỗi thời tới mức, chính người đi tuyên truyền cho nó lại chẳng tin vào nó. Ông ta đứng đó, ở trên cái đế bằng đồng, mình phủ đầy bụi.

Nay bỗng lại xuất hiện những người hít thật sâu rồi nín thở phủi bụi cho bức tượng. Đó chẳng phải các nhà đạo diễn, các sử gia, mà là những nhà nghiên cứu tư liệu, các biên tập viên của giới văn học, những kẻ “nhặt thóc ra khỏi gạo”, họ lọc từng chữ với hy vọng tìm ra những điều chưa biết ẩn chứa sau đó.

Nhà ngữ văn học Peter Villwock, 45 tuổi, là một người “nhặt thóc ra khỏi gạo” nghiệp dư như vậy. Ông nhận hợp đồng với Viện phê bình văn chương Heidelberg và Viện Hàn lâm Nghệ thuật để soi xét các cuốn sổ tay ghi chép của Brecht, và phát hiện ra đó là cả một kho báu. Ông xuất bản tuyển tập đầu tiên các sổ tay ghi chép của Brecht ở NXB Suhrkamp Verlag. Diễn viên nổi tiếng Mario Adorf đọc một số bài tuyển chọn (của Brecht) tại Trụ sở Viện Hàn lâm Nghệ thuật, Pariser Platz-Quảng trường Pari, Berlin.

Bởi lẽ từ trước tới nay, giới chuyên gia ngữ văn Đức hầu như chẳng quan tâm tới các sổ tay ghi chép này. Dẫu cho chúng cũng đã có được khai thác khi xuất bản Tuyển tập Brecht (Gesammelte Werke, lần xuất bản tại Berlin và lần xuất bản tại Frankfurt của Suhrkamp Verlag), thế nhưng chúng chỉ là từng câu và đoạn riêng rẽ được đưa vào, các cuốn sổ tay ghi chép này đã bị xé lẻ ra. Cái có vẻ như thi ca được đưa vào tập thơ, nhiều cái bắt đầu với “Tôi” đi vào tập tiểu sử tự biên, nhưng hầu hết lại mất đi ở phần bị chú. Vậy là mối liên kết của các cuốn sổ tay ghi chép biến mất, khoảng 1/3 hoàn toàn không được dùng tới.

Trong đó có những bài với những câu tuyệt vời như: “Con người không biết bơi, con người chẳng thuộc loài biết bay: Nó thuộc loài nằm ngửa”. Hay: “Tôi lẽ ra đã có thể muốn giữ lời hứa. Nhưng tôi chẳng thể / Tại sao? / Tôi chẳng có hứng”. Hay “Người dân cần thiết hệt như hố tiểu. Cuộc sống cộng đồng sẽ hư đốn biết bao nếu thiếu hai thiết chế này”. Các câu này cho thấy Brecht thâm thuý thế nào. Đó chẳng thế là một kẻ giáo điều cứng nhắc, mà là kẻ biết chơi chữ đầy ngẫu hứng, người hay đùa cợt và nhạo báng. Người ta có thể yêu hoặc ghét hắn, nhưng chẳng ai dửng dưng trước hắn.

Brecht nưng niu các sổ tay ghi chép của mình như nưng trứng. Từ 1918, khi ông mới 20 tuổi, ông bắt đầu gìn giữ chúng., ông luôn mang chúng bên mình. Khi 1933 ông phải đi ra nước ngoài để chạy trốn trước bọn phát xít, ông bảo vệ các sổ tay ghi chép bằng mọi giá, ông chuyển chúng từ nước này sang nước khác dù việc đó vô cùng khó khăn.

Những ghi chép này là cội nguồn ý tưởng của ông, bộ nhớ di động của ông, bào tử tác phẩm của ông. Ông muốn giữ chúng cho những giai đoạn sau này của cuộc đời sáng tác của ông và cũng linh cảm rằng cái có vẻ như thoáng qua này lại có thể giúp hậu thế soi xét tác phẩm và chính con người ông rõ nét hơn. Tự tin như ông luôn vậy, ông tự định hướng vào nhà thơ lớn nhất mọi thời đại và ghi chép: “Goethe: ông sưu tập các phế thải của mình bằng sự kính cẩn”.

Ông cần tới các cuốn sổ tay và vở nháp của mình để có thể viết bất cứ lúc nào. Một lần ông ghi rằng “việc viết” là một “gánh nặng”, nó còn “hút nhiều máu hơn cả chứng nhiễm độc moócphin”. Khi ở tiệm cà phê, lúc trên giường, luôn luôn ông phải có một cuốn vở trên tay. Nhà thơ này luôn làm việc.

Cái chưa hoàn thành, ngẫu tác, còn thiếu sót vẫn có giá trị riêng cho Brecht, người kinh tởm tản văn kỹ lưỡng, trau chuốt của một người như Thomas Mann. Ông tự hỏi trong sổ tay ghi chép: “Các tác phẩm kéo dài đến bao giờ?” rồi trả lời: “Đến khi chúng xong”. Hay: “Tác phẩm phải được xây dựng cho lâu dài hệt như cỗ máy đầy sai sót.” Tác phẩm ở tư cách là công xưởng – những ý nghĩ như thế hấp dẫn ông.

Các sổ tay ghi chép chứng thực hầu như không gián đoạn quá trình làm việc từ 1918 đến khi Brecht mất vào năm 1956: những gì ông phác thảo, những gì ông tiếp tục phát triển hàng thập niên sau.

Có 54 sổ tay ghi chép đang được lưu giữ tại Kho lưu trữ Brecht của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Berlin. Có cuốn vở nhỏ như bao diêm, nhưng các cuốn khác lại to như tập khổ A4. Vỏ bọc bằng da, bìa, vải hay nhựa. Từ năm 1940 chỉ là những tập cỡ nhỏ rời, có lẽ do vợ Brecht, bà (nhà văn, NHT) Helene Weigel, chế tác.

Brecht ghi chép các suy nghĩ, ông phác ra các sơ thảo cho những vở kịch của ông, ông ghi địa chỉ các bạn nghệ sỹ, những phụ nữ được ái mộ; ông viết ra các tiên đề cho những lý thuyết xã hội: “Những giả thuyết của các triết gia cổ về tính chia rẽ của con người đang thành hiện thực: dưới dạng một cái bệnh ghê gớm tư duy và tồn tại trong cá nhân tách biệt ra”.

Ông dùng sổ tay ghi chép thay nhật ký: Khi phải đi di tản, ông chẳng hạn mô tả điều gì đã xảy đến với ông và gia đình mình: “Buổi tối con gái nhỏ về nhà la rằng, chẳng có đứa nào muốn chơi với nó. Nó là người Đức, thuộc dân tộc kẻ cướp”. Ông mô tả trong siêu thơ vốn chưa được biết tới. ông phải đi bán dạo đồ quý như thế nào để có tiền: “Áo lụa quý / Chần bằng len / Phần ngực có khâu da báo rao bán 2000 / Ước 8000 giá gốc / Mùa thu mùa gặt / và mùa bán”.

Năm 1948 khi từ nước ngoài về lại Đức, ông trích nguyên văn từ một quyết định của Toà thị chính Augsburg (thành phố, thủ phủ Tỉnh Schwaben, Bang Bavaria, CHLB Đức, NHT) rằng “Bộ Nội vụ Đế Quốc” đã truất quyền công dân ông vào ngày 8/6/1935.

Ông bình luận về cái chết mẹ ông: “Mẹ tôi chết ngày mùng một tháng năm. Xuân bừng lên. Trời nhăn nhở cười trơ tráo.” Câu này về cái chết của người mẹ đã được các nhà viết tiểu sử Brecht dùng tới, tuy nhiên mối liên quan trong bản gốc sổ tay ghi chép lại hết sức đáng lưu ý. Trước hết Brecht viết về người mẹ mình vừa chết, ít lâu sau ông tâng lên thành “Bài tình ca về người yêu”, rồi lại tiếp “Bài thơ về người mẹ tôi”.

Người mẹ chết – người tình – đó là chuỗi liên hệ: một ca cho khoa ngữ văn phân tâm học. Ơđip về cái tinh tế nhất.

Brecht cũng tìm cách chế ngự nỗi sợ ghê gớm cái chết. Trong các sổ tay ghi chép luôn nhắc tới: “Hơi thở”, “Trái tim”. “Tôi cũng có thể nằm xuống thảm cỏ đen ngòm”.

Brecht sợ bị lãng quên: “Hãy viết ký tự lên cát”. Hay: “Bạn thân mến, đêm nay tôi đã nghĩ ra cách làm sao chúng ta có thể chặn đứng sự suy vong của mình. Chẳng thể tin vào loài người được”. Nhưng Brecht hy vọng có thể tin vào các tác phẩm, kể cả những cái chưa hoàn thành. Ông viết để chính mình được sống sót.

Trong các sổ tay ghi chép cũng minh chứng mối quan hệ bất bình thường của ông với phụ nữ. Brecht luôn có những phụ nữ thuỷ chung vây quanh. Helene Weigel và Ruth Berlau trong nhiều thập niên liên tục đồng thời là bạn gái ông. Ông coi là bình thường khi tiếp tục nhiều mối quan hệ, nhưng chính ông lại đòi hỏi các nàng chỉ yêu riêng mình ông thôi. Nhưng rồi một lần, điều này thấy từ sổ tay ghi chép của ông, ông rơi vào tay một cô có nhiều quan hệ với đàn ông và rồi phải tự tìm cách điều chỉnh mình.

Từ trái qua: Margarete Steffin, Bertolt Brecht và Helene Weigel.
Từ trái qua: Margarete Steffin, Bertolt Brecht và Helene Weigel. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Nữ diễn viên Carola Neher được ông chọn làm nhân vật chính Polly cho “vở kịch ba xu” không chỉ yêu ông mà còn mê nhiều người đàn ông khác. Brecht viết, thất kinh, nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh: “Cái cô Neher này và cô ta đòi hỏi gì ở một người đàn ông. Anh ta từ bỏ khái niệm sở hữu của mình nhưng qua đó càng không dễ bị huỷ diệt hơn”.

Đôi khi Brecht dán những tờ thông báo hay quảng cáo mà nó kích thích ông tới văn chương vào các sổ tay ghi chép. Ông thường viết các ghi chép bằng bút chì nên ngày nay, những bản này bị nguy hại. Chữ vốn mờ sẽ phai, giấy da sẽ vàng úa rồi hỏng. Brecht chẳng phải người đam mê vật chất, ông dùng các sổ tay ghi chép của mình một cách khá thô bạo, đã bẻ cong chúng cho vừa túi áo.

Để cứu chúng khỏi bị huỷ hoại hoàn toàn, mới đây người ta phục chế các sổ tay ghi chép này. Deutsche Literaturfonds-Quỹ Văn Chương Đức đã chi 70000 Euro cho việc số hoá và phục chế. Những tờ nhàu nát đã được là phẳng, những kẹp cũ gỉ được thay mới. Giờ thì các sổ tay ghi chép sẵn có có thể được biên tập và công bố toàn bộ, tuy nhiên chỉ với điều kiện khi Deutsche Forschungsgemeinschaft-Hội nghiên cứu Đức (Cơ quan nghiên cứu thuộc nhà nước, tương đương Viện khoa học tự nhiên và xã hội ở ta, NHT) phê chuẩn kinh phí. Chúng đã được đề nghị.

Việc xuất bản tất cả 54 cuốn sổ tay ghi chép là tốn công tốn của, nó sẽ kéo dài 15 năm. Phải giải mã chữ viết như gà bới của Brecht, từng chữ một, từng cuốn sổ một và qua chú thích lập mối liên hệ tới các bài cũng như cả cuộc đời của Brecht.

Sẽ tạo ra sự thay đổi hệ khái niệm trong khoa học xuất bản, trước đây các chủ biên chủ yếu qua các mẩu nhỏ lập nên tác phẩm lý tưởng, hoà giải các mâu thuẫn, bỏ đi những điều khó hiểu, nay họ minh chứng cái hỗn độn các nguồn để người đọc tự rút ra kết luận cho chính mình.

Cách làm này chính là sự cứu rỗi Brecht. Các sổ tay ghi chép của ông không chỉ có cái hấp dẫn mỹ học riêng của đối tượng-nghệ thuật đã cũ mà còn như được tạo ra để xét lại bức tranh khuôn mẫu của kẻ mãi mãi cho mình hiểu biết hơn mọi người.

Nội dung các cuốn sổ tay

Ở đây tác giả cho thấy tất cả các góc cạnh của mình, bởi lẽ những năm 20 thế kỷ trước, Brecht viết các “giáo huấn” và vì vậy được coi là Bêtông (chơi chữ, nói lái của Béctôn, NHT) Bơrếch, nhưng chính Brecht này qua các sổ tay ghi chép lại thể hiện là nhân cách hai chiều tối đa. Ông đánh vật với chính mình, tìm kiếm, lầm lạc, vứt bỏ.

Thời điểm này cũng tỏ ra tột độ tiểu sử ông, ông còn là cậu bé ương ngạnh, kẻ khiêu khích với nhạy cảm về những bất công xã hội, nhưng trong giới văn hoá đã là một tầm cỡ, một nhân vật nổi tiếng. Ở thời chủ nghĩa xã hội dân tộc (Nationalsozialismus, gọi tắt là Nazi-chủ nghĩa xã hội dân tộc hay chủ nghĩa phát xít, NHT) đang lên, ông thú nhận mình theo chủ nghĩa Mác, nhưng lại ưa thích xa hoa, xe hơi và xì gà ngon.

Trong “vở kịch ba xu” ông bêu riếu, con người trước hết nghĩ đến “ăn nhậu” rồi mới đến “đạo đức”. Ông khinh miệt đam mê tư sản được ăn ngon, ẩm thực, nhưng trong sổ tay ghi chép ông ca ngợi bài ca nhậu thô kệch: “Nào ta uống thêm một vại / rồi ta vẫn chưa về / rồi ta vẫn chưa thôi / rồi ta lại tạm ngơi”.

Nhưng sau đó ông để cảm xúc rất chi là tư sản chi phối mình, rồi tập theo thuyết khổ hạnh, ghi chép các bài dạy ăn kiêng, dạy nấu ăn, dạy tắm của vị thày thuốc gia đình: “Thứ tư: 2 đợt tắm ngồi”, “Thứ năm: dội nước thay đổi, quấn nước nóng quanh bụng”, “Thứ ba: châm kim toàn thân, kỳ cọ bằng rượu cônhắc Pháp, đánh bằng khăn lạnh, rồi đổ dầu”. “Nấu nhiều bằng bơ”, “ít dùng quả cây họ đậu”, “không dùng các loài hoa kể cả cải Bruxen”.

Mọi thứ qua lại lung tung trong sổ tay ghi chép của ông, Brecht của những sổ tay ghi chép chẳng để ai bó chặt mình. Trong các “giáo huấn”, ,ông ca ngợi vô sản, nhưng tự thú điểm yếu cho loại người tư bản chủ nghĩa, những kẻ biết tạo dựng, biết cắn xé. Hè 1928 trong dự thảo thơ xônnê ta thấy: “Điều tôi chẳng hề muốn thú nhận: Chính là tôi khinh miệt những loại người đang bất hạnh”. Dĩ nhiên với một cái “tôi” như thế không tự động nói tới cái Tôi thuộc về tiểu sử.

Đáng chú ý là Brecht còn cho phép những nước đôi như: “Ở thế giới tôi mong sống, tôi lại không xuất hiện”.

Đã biết – và trong giới am hiểu Brecht được coi là điều nhức nhối hầu như không dung thứ được – rằng Brecht đã viết một bài thơ ca ngợi một loại xe sang trọng là xe “Steyr” rồi sau đó vì thế được Hãng ban tặng một chiếc xe Steyr đó. Những việc khơi mào cho bài thơ xe hơi ta thấy trong cuốn sổ tay ghi chép (Mỗi bánh sau nhảy múa riêng biệt cho mình”). Thậm chí người ta còn biết rằng, cuối những năm 20 (thế kỷ 20, NHT) Brecht còn có dự định viết một vở kịch về xe hơi, nhưng mọi người hầu như chẳng biết là vở hài kịch này đã tiến rất xa rồi.

Trong các sổ tay ghi chép thấy những bài nháp hàng trang – và nhìn xem: Trong quá trình văn chương hoá, với Brecht chiếc xe hơi chẳng còn là hình tượng cho thú vui di động nữa, mà bỗng chốc thành biểu tượng cho chủ nghĩa tư bản giả dối. Brecht của sân khấu muốn dạy dỗ và cảnh báo.

Vở hài kịch xe hơi là câu chuyện về một gia đình mua một chiếc xe. Khá nhanh phát hiện ra rằng, gia đình này rơi vào một kẻ lừa đảo, ngay khi mua, chiếc xe đã hỏng, ở chuyến đi chơi xa đầu tiên nó nằm ỳ. Ngay sau đó ông chủ gia đình cũng lại mang bán chiếc xe đi mà không hề lưu ý đến những khuyết tật của nó.

Trong các bản nháp sổ tay ghi chép của mình, Brecht viết về “Tính song song của hành vi mua và bán”, “người bị lừa biến thành kẻ lừa đảo”. Theo sổ tay ghi chép, vở hài kịch xe hơi chia thành 3 hồi: “Hưng thịnh”, “Suy đồi đạo đức” và “Bán”.

Brecht của sân khấu đấu tranh cho thế giới tốt đẹp hơn, Brecht của sổ tay ghi chép nhảy múa, trước hết giữa các quyền lợi của cá nhân và của tập thể. “Qua đâu bảo đảm “tính đặc trưng” của cá nhân?”, ông tự hỏi. Câu trả lời: “Qua thuộc tính của nó về nhiều hơn là một tập thể”. Ở một nơi khác, ông lại ghi chép rằng “ở những tập thể ngày càng gia tăng” sẽ dẫn đến một sự “huỷ diệt” những cá thể riêng lẻ.

Ở ông luôn có cái gì làm việc, ông nghiền ngẫm những khái niệm vĩ đại.

Trong sổ tay ghi chép, Brecht cũng lập dự án làm một bản nhạc vũ kịch về Lênin, ông muốn ghép những lời mới vào nhạc điệu của các operet nổi tiếng và Gassenhauer (nghĩa đen là tát vào con hẻm, đó là các bài hát tục tĩu đường phố, NHT). Từ “Viên, Viên, chỉ riêng em” phải là “Lênin chỉ riêng ông” và từ “Tôi lại phải đến Grinzing lần nữa” là “Tôi lại phải đến Smolny lần nữa” (Ở tu viện Smolny tại Xanh Pêtécbua vốn có dự tính diễn ra Cách mạng Tháng mười). Một câu ca khác phải là: “Chúng ta hát ngợi ca nước Cộng hoà Xô viết KPD (viết tắt của Kommunistische Partei Deutschlands, Đảng Cộng sản Đức; sau khi nhà nước Đức thống nhất 1990, đã tự giải thể vì hết đảng viên. Tuy nhiên nên lưu ý, Đảng Xã hội Thống nhất Đức, SED, Sozialistische Einheitspartei Deutschlands, được đổi tên thành PDS, Partei des Demokratischen Sozialismus, hiện lại đang lên do sát nhập với cánh tả của đảng SPD lập nên đảng Die Linke – đảng cánh tả, hiện đang giành được số cử tri đáng kể vì những khó khăn chính trị và kinh tế đang tồn tại do toàn cầu hoá, NHT).

Nhưng Brecht không theo đuổi tiếp dự án nhạc vũ kịch về Lênin. Có lẽ ông sợ những điều bông đùa của ông bị hiểu lầm: nhạo báng thuần tuý hay tuyên truyền gói gọn.

Brecht này chẳng còn tin chắc vào niềm tin của mình nữa. Ngay đến chủ nghĩa vô thần của mình đôi khi cũng bị ông nghi vấn: “Luôn như trong thí nghiệm Pavlov, những chiếc chuông trong tôi khơi mào các quá trình chắc chắn mang tính hoá học, những ý nghĩ theo hướng siêu hình”. Và: “Cũng nên biết rằng, không tin vào điều gì đó, cũng chính là tin vào điều gì đó”.

Một Brecht như vậy thích hợp đúng vào thời gian và không gian là một nước mà đang chần chừ muốn dịch về phía tả, và trong khi đó vẫn chưa rõ, điều này xảy ra như thế nào với mình.

Ngụy Hữu Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây