Thông qua một quy chế chung chặt chẽ và không thay đổi ngay từ đầu, nhưng thực tế việc trao Giải Nobel Văn học cũng có những trường hợp “đặc biệt” thú vị và đáng suy ngẫm.
L. Tolstoi

Trước hết, đó là một số người nhận Giải Nobel Văn học nhưng lại không phải là nhà văn, ít ra là theo cách hiểu thông thường. “Trường hợp đặc biệt” đầu tiên đã diễn ra ngay ở năm thứ hai trao Giải. Người ta đồn đoán rằng, vì để tránh khỏi trao giải cho nhà văn Nga L. Tolstoi, tác giả của bộ tiểu thuyết vĩ đại Chiến tranh và hòa bình nhưng lại có những quan điểm mà những người xét giải không chấp nhận.
Ủy ban Nobel đã mở rộng phạm vi xét giải sang lĩnh vực các công trình khảo cứu lịch sử. Và người được lựa chọn là nhà bác học Đức T. Mommsen (85 tuổi, đến nay là người cao tuổi thứ hai khi nhận Giải Nobel Văn học, sau D. Lessing, 87 tuổi) với hành trang văn chương là một tập thơ viết chung với em trai và người bạn trước đấy hơn 60 năm và một khối lượng đồ sộ các công trình nghiên cứu lịch sử La Mã cổ đại.
Năm 1908, người thứ hai không thuộc giới văn chương được trao Giải Nobel Văn học là nhà triết học cũng người Đức R. Eucken. Ở trường hợp thứ ba, Giải Nobel Văn học 1927 được trao cho H. Bergson, nhà triết học vĩ đại Pháp. Tuy không phải là nhà văn, nhưng những tác phẩm ông viết ra đầy tính văn chương, có giá trị nghệ thuật rất lớn. Có lẽ đây là một trường hợp cận văn học đi vào văn học điển hình ở ngay trong Giải Nobel Văn học.
Bertrand Russell

Cuối cùng, người được trao Giải Nobel Văn học năm 1950 là nhà triết học kiêm nhà toán học Anh Bertrand Russell. Ông ghi dấu ấn của mình vào thế kỉ XX qua việc tạo một đà mới cho logic toán học và lí luận về nhận thức. Ông được coi là người cha của triết học phân tích. Trong logic, ông tạo ra một nghịch biện mang tên ông và mở đường cho lí thuyết tiên đề các tập hợp.
Trong triết học, ông đã đổi mới cách hiểu ngôn ngữ, với lí thuyết của ông về trần thuật hay miêu tả hạn định, và chứng minh rằng người ta có thể nhận thức hiện thực nhờ một “ngữ pháp triết học”, tức là một cú pháp dựa vào một số từ tối thiểu và những cơ cấu logic. Xét về văn phong thuần túy, văn của ông trong các công trình khoa học rất trong sáng, hấp dẫn. Có lẽ B. Russell là “trường hợp đặc biệt” cuối cùng, từ giữa thế kỉ XX đến nay chúng ta không còn thấy những “ngoại lệ” tương tự.
M. Solokhov
Một trường hợp “đặc biệt” nữa nhưng mang tính chất khác có lẽ là nhà văn Nga M. Solokhov, Giải Nobel 1965. Trong thời gian bốn tập của bộ tiểu thuyết Sông Đông êm đềm, tác phẩm chủ yếu của M. Solokhov, lần lượt ra đời, từ 1928 đến 1940, sự đối địch về hệ tư tưởng không chỉ giữa hai phe – Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa – mà cả giữa cộng đồng đa số người Nga ở trong nước và cộng đồng thiểu số người Nga ở nước ngoài, đang ở đỉnh cao. Thế nhưng, Sông Đông êm đềm được các nhà phê bình của hai phe đón chào nhiệt liệt, đến nỗi về sau người ta ghi nhận rằng đây là lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử “Bạch quân” và “Hồng quân” nhất trí được với nhau.

Đối với cả hai phía, Sông Đông êm đềm là một niềm kiêu hãnh lớn, của văn học Nga, của nước Nga. Đó là một điểm “đặc biệt”. Điểm thứ hai là do tác giả Sông Đông êm đềm là người ít học, khi xuất bản tập đầu tiên của bộ tiểu thuyết mới hơn hai mươi tuổi, nên dư luận nghi ngờ chàng trai nông dân này ăn cắp văn người khác – cụ thể là của một nhà văn cùng quê, sĩ quan bạch vệ F. Kriucov (1870-1920).
Người ta loan tin rằng F. Kriucov không muốn xuất bản bất cứ thứ gì trong chế độ Xô Viết, M. Solokhov tìm được bản thảo Sông Đông êm đềm của ông ta và đem công bố kí tên mình.
Vụ “nghi án” văn chương đó kéo dài mãi đến ngày nay, khi âm ỉ, khi ồn ào, đến cả nhà văn Nga đoạt giải Nobel 1970 A. Solzhenitsyn cũng lên tiếng buộc tội M. Solokhov. Có điều, tất cả chỉ là giả thiết. Ủy ban xét thưởng Nobel không phải không biết những dư luận này nhưng vẫn trao Giải Nobel cho M. Solokhov, bởi tác phẩm Sông Đông êm đềm quá xuất sắc và cần phải có người nhận giải…
Nguồn: TTVHNN Đông Tây