Erik Karlfeldt (20/07/1864 – 08/04/1931) là người duy nhất được trao giải thưởng Nobel Văn học (năm 1931) sau khi đã mất, bởi khi còn sống ông từ chối nhận giải thưởng đó. E.Karlfeldt được đánh giá cao ở Thụy Điển với những tác phẩm thơ trữ tình giàu cảm xúc và đậm đà bản sắc dân tộc Thụy Điển, nhưng ít nổi tiếng ở nước ngoài vì thơ ông rất khó dịch.
Xem thêm: Grazia Deledda với những vần thơ êm đềm, duyên dáng

Tiểu sử Erik Karlfeldt
Karlfeldt Erik Axel sinh tại một làng quê ở Delekarlia, cha là chủ một trang trại. Thuở nhỏ, ông học ở Karlbo, năm 1885 tốt nghiệp trung học, sau đó học Đại học Tổng hợp Uppsala. Vì gia đình bị phá sản, ông phải đi dạy tư để kiếm tiền nên mãi đến năm 1902 mới tốt nghiệp đại học. Từ năm 1893 tới năm 1896, ông là thầy giáo tại các trường trung học tư thục Djursholm, trường giáo dục công dân Molkom, và có thời gian ngắn làm việc cho một tờ báo ở Stockholm; sau đó ông làm ở thư viện của Viện Hàn lâm Nông nghiệp.
Năm 1895, E. Karlfeldt cho ra đời tập thơ đầu tiên trong số sáu tập thơ của ông, Những bài ca về thiên nhiên hoang dã và về tình yêu; tiếp đó là Những bài ca của Fridolin và đặc biệt là Vườn hoan lạc của Fridolin, trong đó có bài thơ được coi là độc đáo nhất của E. Karlfeldt Bức họa của Dalmalningar (Dalmalningar utlagda pa rim), mô tả những bức tranh dân gian truyền thống lấy đề tài từ Kinh Thánh và các câu chuyện huyền thoại thường thấy trong các ngôi nhà nông dân Thụy Điển.
Năm 1904, E. Karlfeldt được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Thụy Điển. Từ năm 1905, ông là thành viên ủy ban Nobel của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Năm 1912, ông trở thành Thư kí thường trực của Ủy ban giải thưởng Nobel Văn học. Năm 1917, ông nhận bằng danh dự của Đại học tổng hợp Uppsala. Năm 1926, ông lấy một cô vợ trẻ hơn mình 20 tuổi, có hai con.
Thơ ông thường lấy đề tài từ thiên nhiên và đời sống nông thôn, đem lại những cảm xúc tươi vui hoặc những tình cảm sâu lắng cho người đọc. E. Karlfeldt làm thơ nhiều thể loại, ngôn ngữ thơ rất trau chuốt, theo phong cách cổ điển. Ông hầu như không viết văn xuôi, ngoại trừ một bản Điếu văn đọc trong tang lễ nhà thơ Coustav Freding (Thụy Điển) và một bài phát biểu tại lễ trao Giải Nobel cho nhà văn Mỹ S. Lewis năm 1930.
Karlfeldt được đề cử trao Giải Nobel Văn học năm 1912 nhưng ông từ chối, lấy cớ mình là Thư kí thường trực của Ủy ban giải thưởng Nobel và không nổi tiếng lắm ở nước ngoài. Ông là người đầu tiên trên thế giới từ chối nhận giải này. Cuối năm 1931, sau khi E. Karlfeldt mất, Viện Hàn lâm Thụy Điển lại quyết định trao Giải Nobel cho ông bởi vì tuy không được biết đến nhiều ở nước ngoài nhưng ông được đánh giá rất cao ở Thụy Điển.
Đánh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển(1):

Nếu có ai hỏi một người Thụy Điển rằng chúng tôi ngưỡng mộ gì nhất ở nhà thơ Erik Axel Karlfeldt và phẩm chất lớn nhất của ông là gì, nghe qua thì tưởng rất dễ trả lời bởi người ta thích nói về những gì họ yêu mến. Người Thụy Điển có thể nói rằng chúng tôi tán dương nhà thơ này vì ông miêu tả chân thực tính cách của chúng tôi, rằng ông đã đặc biệt duyên dáng và thuyết phục khi ca ngợi truyền thống của nhân dân chúng tôi với tất cả những đặc tính quý báu vốn là nền tảng cho tình cảm quê hương, hàng xóm dưới bóng những dãy núi phủ đầy thông. Nhưng chẳng bao lâu người Thụy Điển sẽ nhìn lại chính mình, nhận ra rằng một sự giải thích chung chung như thế là chưa đủ và rằng ở Karlfeldt chứa đựng rất nhiều điều, được mọi người yêu mến nhưng khó định nghĩa được. Để có sự đánh giá thích đáng , đúng đắn chắc chắn không thể bỏ qua điều đó nhưng sẽ rất khó hiểu đối với người nước ngoài.
Vì lí do đó, chúng tôi không thể đưa ra những đánh giá sáo mòn nhằm nói lên sự tin tưởng của chúng tôi đối với vị trí đỉnh cao Karlfeldt trong thơ ca, bởi thơ ông có những yếu tố huyền bí, trí tuệ và trực giác lảng tránh mọi phân tích.
Chúng tôi cũng không thể dễ dàng đưa ra vài nét phác họa đơn giản về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ trữ tình vĩ đại này, bởi nó đang là đối tượng của một giải thưởng quốc tế lớn. Đó là những vần thơ trữ tình được trau chuốt kĩ lưỡng mà phẩm chất và giá trị sâu sắc nhất là sự gắn liền không thể tách rời với đặc tính và nhịp điệu của ngôn ngữ gốc, với ý nghĩa và sức nặng của mỗi từ ngữ. Tính cá biệt của thơ Karlfeldt chỉ có thể được cảm nhận được lờ mờ trong bản dịch và chỉ trong tiếng Thụy Điển, ngôn ngữ thơ của ông mới trọn vẹn. Tuy nhiên nếu có ai đó thử tìm kiếm một tiêu chí so sánh độc lập thì cũng phải thừa nhận rằng kho tàng những nền văn học được xem là vĩ đại cũng hiếm khi có được những báu vật như các tác phẩm của Karlfeldt được sáng tác bằng một ngôn ngữ bị coi là nhỏ bé.
Nhìn lại toàn bộ sự nghiệp sáng tác to lớn của Karlfeldt kể từ năm đầu tiên (1895) và trong suốt ba thập kỉ tiếp đó, sự nghiệp sáng tác của Karlfeldt vững chắc nhưng hạn chế ở quy mô do những tiêu chuẩn khắt khe của ông và nhà thơ đã thể hiện tài năng của mình tuyệt vời như thế nào bằng một trực giác hiếm có về tính hiệu quả, sự chắc chắn và tính chân thật. Ban đầu, ông là một nhạc sĩ, ca sĩ ca ngợi thiên nhiên. Ông ý thức được khả năng của mình nhưng vẫn rất nghi ngờ về thiên triệu ấy. Liệu những tưởng tượng chất đầy trong óc ông có ích gì chăng? Liệu những điều mơ tưởng ấy có ý nghĩa gì đối với con người? Lúc mới bắt đầu cầm bút, nhà thơ tìm kiếm một khuôn mẫu, một cái tôi khác, một nhân vật độc lập phù hợp nhằm thể hiện cảm xúc, nỗi đau, mong ước của mình và cả sự châm biếm, mỉa mai. Nhân vật Fridolin trứ danh ban đầu chỉ là một sáng tạo rụt rè, bởi vì nhà thơ miễn cưỡng xuất hiện trong vai của chính mình và phơi bày đời sống nội tâm riêng tư. Chẳng bao lâu, Fridolin đã trở nên cổ điển và có một chỗ đứng trong đám rước Tửu thần phương Bắc, người họ hàng quê mùa của các nhân vật của Bellman, dáng đi cương quyết hơn nhưng vẫn với những bông hoa từ vụ gặt hè ở Pungmakarebo cài trên mũ.
Quê hương của Karlfeldt trở thành một thế giới nghệ thuật vi mô, ở đó vũ trụ được phản ánh giống như những cảnh kinh thánh được thể hiện trên các bức tranh tường phóng túng kiểu baroque ở các trang trại miền Dalekarlia. Với óc hài hước, thường là sự tôn kính được ngụy trang, ông luôn giữ mình trong sạch và bảo vệ sự hài hòa của vòng tròn ma thuật. Nhưng sự tiến triển có vẻ bình yên của ông hẳn hàm chứa trong nó nhiều cuộc đấu tranh và căng thẳng đủ mạnh để tạo ra động lực cần thiết cho mùa xuân sáng tạo. Thơ đối với Karlfeldt là một cuộc thử nghiệm không ngừng sức mạnh và bản thể sự tồn tại của ông. Vì vậy ông đã đưa đoạn kết hoành tráng vào tác phẩm Tiếng kèn mùa thu (The Horn of Autumn), phần kết được chơi trên nền nhạc đại phong cầm, âm thanh ấy vang vọng khắp bầu trời mặt đất và gợi nhớ thời thơ ấu gắn bó với các nhà thờ nhỏ màu trắng vùng Dalarna.
Tính thống nhất trong tác phẩm của ông thật khó kiếm ở thời đại chúng ta. Nếu ai đó muốn biết đâu là điểm chính nhất trong sự nghiệp sáng tác ấy thì chỉ có thể đưa ra một từ: tự giác. Tính độc đáo của ông lớn lên trên một mảnh đất dị giáo hoang vu rậm rạp. Và nếu không cảm thấy sự hiện diện của quỉ dữ thì ông đã không thường xuyên bị mê hoặc đến thế bởi những chủ đề ma quái. Cái hỗn mang câm lặng của thiên nhiên dưới ánh trăng lễ hội đa thần giáo là một trong những hình ảnh ông đề cập tới. Sự tương phản giữa dòng máu ô nhiễm nặng nề và mong ước vươn tới thiên đường của linh hồn luôn trở đi trở lại trong thơ ông. Như thế, các yếu tố khác biệt không hề triệt tiêu lẫn nhau. Ông đã thuần hóa chúng như một nhà nghệ sĩ vừa trung thành với chính mình vừa tạo ra một dấu ấn riêng thậm chí là những chi tiết nhỏ nhất.
Ở Karlfeldt, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy ông có một biểu hiện ý thức thơ độc nhất. Sự hưởng ứng đối với tác phẩm của ông ngày càng tăng lẽ ra đã khiến biểu hiện đó trở nên thừa nếu dòng máu nông dân mạnh mẽ trong ông không bảo vệ ông chống lại sự kiêu căng thẩm mĩ. Chúng ta tìm thấy ở mọi nơi bằng chứng về tính toàn vẹn của lương tâm nghề nghiệp được phát lộ trong những tác phẩm đẹp đẽ và trường tồn. Ở một thời đại mà những đồ vật thủ công trở nên hiếm hoi thì các vần thơ điêu luyện, sắc sảo và âm vang của ông có một giá trị đạo đức mới mẻ.
Thơ của Karlfeldt mang một dấu ấn hoàn hảo đến kì diệu. Có ai trong chúng ta không nhớ tới những đoạn thơ ngân vang như tiếng chuông hay du dương như tiếng đàn, nhưng trên hết nó được cất lên bằng một giọng điệu có một không hai, khác hẳn với tất cả những người khác. Nó khiến chúng ta nhớ tới những bài hát tuyệt diệu về người thợ tiện già, các nghệ nhân làng, những người chơi vĩ cầm trên bờ sông Opplimen và chế ra các guồng quay tơ.
Trong các nền thơ lớn đều có mối liên hệ giữa truyền thống và thử nghiệm. Các nguyên tắc đổi mới và kế thừa đều hàm chứa trong các nền thơ ấy. Truyền thống dân tộc luôn tồn tại trong Karlfeldt vì nó được đổi mới theo cách riêng và là kết quả của một cuộc chinh phục khó khăn. Chúng ta vui mừng vì thơ Karlfeldt chủ yếu được gợi hứng từ một quá khứ đang dần phai nhòa hay đã phai nhòa, vậy mà nó vẫn không hề sáo mòn nhờ những thủ pháp cách tân táo bạo. Trái lại, những người theo chủ nghĩa hiện đại bận bịu khác thường tự hài lòng với việc chạy theo các trào lưu mới nhất và mốt nhất thời. Không còn nghi ngờ gì nữa, mặc dù ông chỉ đề cập đến những chủ đề tỉnh lẻ nhưng người ca sĩ của Dalarna là một trong những nhà thơ đương thời táo bạo nhất dám chắp cánh cho trí tưởng tượng và thử nghiệm mọi khả năng xây dựng hình thức thơ ca.
Như vậy, quyết định trao Giải Nobel Văn học năm nay cho Erik Axel Karlfeldt là công bằng theo các tiêu chí quốc tế. Cái chết đã ngáng giữa con đường ông đến với chúng ta, vì vậy giải thưởng sẽ được trao cho gia quyến. Ông từ giã chúng ta nhưng tác phẩm của ông sẽ còn mãi với thời gian. Vương quốc thơ mùa hè bất tử đã tỏa sáng tới thế giới rủi may bi thảm. Trước mắt chúng ta là nấm mồ lúc chiều đông chạng vạng. Chúng ta nghe thấy những khúc khải hoàn cất lên từ sự hạnh phúc được sáng tạo, chúng ta cảm nhận được hương thơm tỏa ra từ các khu vườn hoan lạc phương Bắc mà những bài thơ của ông đã dựng lên vì tất cả những trái tim biết rung động.
Tác phẩm của Erik Karlfeldt:
– Những bài ca về thiên nhiên hoang dã và về tình yêu (Vildmarks – och karleksvisor, 1895), thơ, [Songs of the Wilderness and of Love].
– Những bài ca của Fridolin (Fridolins visor, 1898), thơ, [Fridolin’s Song].
– Vườn hoan lạc của Fridolin (Fridolins lustgard, 1901), thơ [Fridolin’s Pleasure Garden].
– Flora và Pomona (Flora och Pomona, 1906), thơ, [Flora and Pomona].
– Flora và Bellona (Flora och Bellona, 1918), thơ, [Flora and Bellona].
– Tiếng kèn mùa thu (Hosthorn, 1927), thơ, [The Horn of Autumn].
Trần Việt Hưng và Tân Đôn dịch từ bản tiếng Anh
(Nguồn: http://nobelprize.org)
© Culture Globe
Ghi chú:
(1) Do Anders ệsterling, Thư kí thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển đọc.