Eugene O’Neill – nhà soạn kịch xuất chúng của nước Mỹ

0
893

Eugene O’Neill (16/10/1888 – 27/11/1953) là nhà soạn kịch xuất chúng đã có công lao rất lớn trong việc phát triển nền sân khấu Mỹ. Ông được nhận giải thưởng Nobel Văn học năm 1936 vì những tác phẩm kịch chân thực, sâu sắc và có sức tác động mạnh mẽ đối với công chúng. O’Neill là người mở ra trường phái kịch tự nhiên của Mỹ.

xem thêm: Sinclair Lewis, nhà văn Mỹ đầu tiên được nhận Giải Nobel Văn Học

Eugene O'Neill
Eugene O’Neill (16/10/1888 – 27/11/1953)

Tiểu sử Eugene O’Neill

Eugene Gladstone O’Neill sinh trưởng trong một gia đình Kitô giáo, con trai một nghệ sĩ tài danh gốc Ireland lưu vong. Từ nhỏ, ông phải theo cha đi lưu diễn khắp nơi, 7 tuổi bắt đầu vào trường nội trú, học lực bình thường nhưng đọc nhiều sách văn học. Những năm 1906-1907, ông học Đại học Princeton, nhưng không hứng thú với công việc nghiên cứu trong trường nên bỏ dở, đi vào cuộc sống phiêu lưu, làm qua các nghề tìm vàng, viên chức nhỏ, thủy thủ, diễn viên, nhà báo… Năm 1911, ông trở về New York, làm đủ thứ việc để kiếm sống. Năm 1912, ông mắc bệnh lao phải nằm điều dưỡng 6 tháng, đã toan tự tử rồi quyết định làm lại cuộc đời, bắt đầu sáng tác kịch để trở thành nghệ sĩ bằng bất cứ giá nào. Năm 1913, ông ra viện và bắt đầu theo học các khóa giảng về nghệ thuật kịch tại trường Đại học Harvard. Năm 1914, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên gồm 7 vở kịch Khát và các vở kịch một hồi khác. Năm 1916, ông dựng thành công vở kịch dài Về phía Đông tới Cardiff, và tiếp đó liên tục các vở kịch khác được ra đời và trình diễn như Hoàng đế Jones, Con khỉ rậm lông, Phía sau chân trời… Từ năm 1920 đến 1925, E. O’Neill đã viết 20 vở kịch dài, một số vở kịch một hồi và 4 lần được nhận giải Pulitzer cho các vở kịch Phía sau chân trời (1920), Anna Christie (1921), Khúc biến tấu kì lạ (1928), Ngày dài đi vào đêm (1956). Kịch của ông phản ánh nhiều mặt cuộc sống, phê phán bất công xã hội.

Thập niên 1930 là thời kì đỉnh cao sáng tạo của E. O’Neill, ông được coi là nhà sáng tác kịch hàng đầu của nước Mỹ. Năm 1936, E. O’Neill là nhà viết kịch đầu tiên của Mỹ được nhận Giải Nobel; do bệnh nặng ông không đến Thụy Điển dự lễ trao giải. Trong thư gửi Viện Hàn lâm Thụy Điển, ông đặc biệt nhấn mạnh đến ảnh hưởng của nhà viết kịch xuất chúng người Thụy Điển Strinberg đối với ông. Những năm tiếp theo, E. O’Neill viết thêm nhiều kiệt tác như Người mang băng đá đang đến (1939), Ngày dài đi vào đêm (1941) và Mặt trăng cho các con ghẻ của số phận (1943)…

Với vở kịch Các con trai của Chúa đều có cánh (1924), E. O’Neill là nhà văn Mỹ đầu tiên có tác phẩm lên án nạn phân biệt chủng tộc và nền văn minh tư sản. Dù vậy, kịch của E. O’Neill vẫn bộc lộ những tư tưởng bi quan sâu sắc trước số phận con người và cuộc đời. Sau khi nhận Giải Nobel, ông hướng dần về tôn giáo và tư tưởng bi quan càng trở nên trầm trọng. Ông không tin vào khoa học và tiến bộ, sáng tác của ông thời kì này sa vào khủng hoảng nặng nề. Năm 1943 ông bị tổn thương não, mất khả năng làm việc, thậm chí không thể cầm bút viết, nên nhiều dự định sáng tạo ông ấp ủ đã không được thực hiện.

O’Neill mất năm 1953. Theo nguyện vọng của ông khi còn sống, ba năm sau vở kịch Ngày dài đi vào đêm mới được công diễn lần đầu.

Đánh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển(1):

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển – Wikipedia tiếng Việt

Ngay từ những sáng tác đầu tay, kịch của Eugene O’Neill đã mang một sắc thái ảm đạm và đối với ông, cuộc sống nói chung sớm tỏ ra là một tấn bi kịch.

Điều này được gán cho tuổi trẻ cay đắng của ông, nói chính xác hơn là thời gian ông làm thủy thủ. Vầng hào quang truyền thuyết xung quanh những nhân vật nổi tiếng trong trường hợp này được biểu hiện dưới hình thức của những sự kiện anh hùng được đồn đại xung quanh tiểu sử của ông. Coi khinh trò quảng cáo, O’Neill dập tắt ngay lập tức mọi cám dỗ tương tự. Chẳng có gì đẹp đẽ để khai thác từ những gian truân buồn tẻ và mất mát mà ông phải chịu đựng. Chúng ta có thể kết luận rằng những kinh nghiệm cứng nhắc không phải không phù hợp với tâm hồn ông, và chúng có xu hướng giải phóng sức mạnh hỗn mang trong ông. Một mặt, bi quan được coi là nét tính cách bẩm sinh trong con người ông, mặt khác nó cũng là một xu hướng của văn học đương đại. Tuy nhiên, có lẽ nên diễn giải sự bi quan của ông như phản ứng của một nhân cách sâu sắc đối với chủ nghĩa lạc quan Mỹ theo truyền thống xưa. Dù chủ nghĩa bi quan của ông có bắt nguồn từ đâu, con đường sáng tác của ông cũng đã rõ ràng và O’Neill dần dần đã trở thành nhà viết bi kịch dữ dội và độc đáo nhất mà thế giới biết đến. Quan niệm về cuộc sống mà ông đưa ra không phải là kết quả của những lí luận công phu, nhưng nó mang dấu ấn chân thực của trải nghiệm. Người ta có thể nói rằng nó dựa trên những nhận thức quá mạnh mẽ và đau lòng về của cuộc sống khổ hạnh, đồng thời là sự say mê trước vẻ đẹp của số phận con người, được hình thành trong cuộc đấu tranh chống lại toàn thế giới.

Một quan niệm sơ khoáng về bi kịch, như chúng ta thấy, không lấy luân lí làm nền tảng, không kết thúc bằng một thắng lợi nội tâm – đơn giản chỉ là những viên gạch và vôi vữa để xây dựng thánh đường bi kịch theo phong cách cổ điển vĩ đại. Tuy nhiên nhờ tính đơn sơ, nhà viết bi kịch hiện đại này đã đến được nguồn suối của thể loại nghệ thuật sáng tạo, một sự tin tưởng chất phác và đơn giản vào số phận. Ở một mức độ nhất định, nó góp phần tạo nên hơi thở nóng hổi của cuộc sống trong tác phẩm của ông.

Tuy nhiên, đó là ở giai đoạn sáng tác về sau của ông. Trong những vở kịch đầu tay của mình, trong chừng mực nào đó, O’Neill là một nhà viết kịch theo chủ nghĩa hiện thực khô khan và nghiêm khắc. Chúng ta có thể bỏ qua những tác phẩm đó. Ngoài ra ông còn có một loạt vở kịch một hồi, sáng tác chủ yếu dựa trên những kinh nghiệm thu được trong quãng đời đi biển của ông. Chúng mang tới nhà hát một điều gì đó mới mẻ và vì vậy thu hút được sự chú ý của khán giả.

Tuy nhiên, những vở kịch đó không có gì nổi bật, đúng ra đó chỉ là những truyện ngắn được thuật lại dưới dạng đối thoại. Tuy nhiên, chúng là những tác phẩm nghệ thuật đích thực trong thể loại đó và làm rung động con tim người xem qua sự diễn tả đơn giản và không trau chuốt. Một trong những tác phẩm đó, Trăng vùng Carabbees (1919), đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật thơ ca, một phần nhờ sự dịu dàng trong khắc họa cuộc sống nghèo khổ của người thủy thủ với những ảo tưởng ngây thơ về niềm vui và một phần do bối cảnh nghệ thuật của vở kịch. Những bài ca buồn được yêu thích của người da đen cất lên từ một bờ biển san hô trắng dưới ánh sáng lấp lánh của hàng cọ và vầng trăng lớn biển Caribbe. Tất cả tạo nên một nỗi u sầu huyền bí, hoang dã nguyên thủy, khát khao, ánh trăng ngời ngợi và nỗi đau buồn trĩu nặng.

Vở kịch Anna Christie (1923) tác động mạnh mẽ tới người xem qua việc miêu tả cuộc sống của người thủy thủ khi ở trên bờ, trong những phòng khách trên mặt đất. Hồi thứ nhất của vở kịch là một kiệt tác của O’Neill về chủ nghĩa hiện thực nghiêm ngặt, mỗi nhân vật được miêu tả với sự điêu luyện vững vàng tuyệt vời. Nội dung của vở kịch kể về việc một cô gái Thụy Điển sa ngã đã vươn tới địa vị đáng kính nhờ ảnh hưởng mạnh mẽ và lành mạnh của biển cả – một lần duy nhất sự bi quan đã không xuất hiện trong vở kịch và câu chuyện kết thúc có hậu.

Với vở kịch Con khỉ rậm lông (1922), cũng liên quan tới cuộc sống thủy thủ, O’Neill bước vào chủ nghĩa biểu hiện, trường phái nghệ thuật sẽ để lại dấu ấn đậm nét trong những “vở kịch luận đề” của ông. Mục đích của chủ nghĩa biểu hiện trong văn chương và trong các nghệ thuật tạo hình rất khó xác định, chúng ta cũng không cần phải bàn luận về điều đó, vì một miêu tả ngắn gọn cũng đủ cho thấy ý nghĩa thực tiễn của nó. Nó cố gắng tạo ra hiệu quả bằng một kiểu phương pháp toán học. Có thể nói rằng nó tìm cách lôi bật cội rễ của thực tế phức tạp và, từ những mô hình trừu tượng đó, xây dựng một thế giới mới theo tỉ lệ phóng đại. Quá trình này thường tẻ nhạt và khó có thể đạt được sự chính xác toán học, tuy nhiên trong một thời gian dài, nó chiếm được thành công lớn trên khắp thế giới.

Con khỉ rậm lông tìm cách xây dựng hình ảnh kì vĩ về người nô lệ nổi loạn trong thời đại động cơ hơi nước, tiêm nhiễm bởi sức mạnh và những ý tưởng siêu nhiên của mình. Bề ngoài, anh ta là hình ảnh của con người nguyên thủy lại giống và bản thân anh ta tự coi mình như một loài thú, đau đớn vì những khát vọng tinh thần. Vở kịch miêu tả thất bại đắng cay và sự suy sụp đau đớn của anh ta trong việc chống lại xã hội tàn bạo.

Sau đó, O’Neill dành một vài năm để viết về những vấn đề xã hội bằng phong cách biểu hiện táo bạo. Những vở kịch viết trong thời kì này ít có liên hệ với cuộc sống thực tế, nhà thơ và con người mơ mộng trong ông tự cách li mình, hoàn toàn bị thu hút vào những tư biện và huyễn tưởng hừng hực của ông.

Hoàng đế Jones (1920), với tư cách là một sáng tạo nghệ thuật, dường như đứng riêng biệt hẳn ra. Nhờ tác phẩm này, nhà viết kịch lần đầu tiên có được sự nổi danh đáng kể. Chủ đề của tác phẩm liên quan tới sự suy sụp tinh thần của một bạo chúa da đen trị vì một hòn đảo Tây Ân. Bạo chúa tàn đời khi đang ở đỉnh cao vinh quang nhất, bị săn lùng giữa đêm đen bởi tiếng trống của những kẻ truy đuổi cũng như bởi sự hồi tưởng quá khứ qua những hình ảnh chết đứng. Những kí ức này đã đưa ông trở lại cuộc sống trên lục địa đen châu Phi. Ân sau vở kịch là lí thuyết cho rằng cuộc sống vô thức bên trong chứa chất những giai đoạn kế tiếp của quá trình tiến hóa. Về tính đúng đắn của thuyết này chúng ta chẳng cần nói, vở kịch tác động quá mạnh mẽ tới cân não và tri giác của chúng ta đến nỗi chúng ta hoàn toàn bị cuốn hút vào nó.

“Kịch luận đề” quá phong phú và đa dạng để có thể liệt kê hết trong một đoạn tổng kết ngắn. Những đề tài của chúng chủ yếu lấy từ cuộc sống hiện đại hay từ những truyền thuyết, thần thoại. Tất cả được biến hóa theo tưởng tượng của tác giả. Chúng tạo nên rung động trong lòng người xem, tạo nên những hiệu quả hình ảnh kì lạ và biểu hiện một sức mạnh nghệ thuật không bao giờ suy giảm. Nói một cách thực tế, tất cả mọi thứ trong cuộc sống nhân loại, trong bản chất của cuộc đấu tranh đều được dùng làm đối tượng cho sáng tạo, mọi câu trả lời đều được tìm kiếm và thử nghiệm nhằm giải đáp những bí ẩn của cuộc sống tinh thần hay tâm linh. Một chủ đề được ưa thích là sự phân thân nhân cách xảy ra khi mà tính cách thực sự của một cá nhân bị dồn nén do áp lực của thế giới bên ngoài và phải nhường chỗ cho một tính cách giả tạo với những nét riêng biệt ẩn sau mặt nạ. Suy tưởng của nhà viết kịch có khả năng tàng ẩn sâu kín đến nỗi khi ông trình ra điều gì thì giống như những động vật dưới đáy biển, nó nhất định bị vỡ tung từng mảnh nhỏ dưới ánh sáng ban ngày. Tuy nhiên, kết quả mà ông đạt được không bao giờ thiếu chất thơ. Nó luôn là một dòng suối ngôn từ mê đắm và giàu hàm chứa. Điều này là bằng chứng cho thấy nguồn cảm hứng sáng tác không bao giờ cạn là một trong những khả năng lớn nhất của O’Neill.

Tuy nhiên, đằng sau sự yêu thích các thử nghiệm là một khát khao đạt được sự đơn giản vĩ đại của bi kịch cổ điển. Trong Khát vọng sau bụi cây du (1924), ông đã thử theo đường hướng đó, lấy nguyên mẫu từ những người nông dân bang New England, mà những thế hệ càng về sau càng trở nên khô cằn trong đạo đức Thanh giáo, đến mức đánh mất cảm hứng lí tưởng chủ nghĩa ban đầu. Dòng tư duy này sẽ tiếp tục được khai triển thành công hơn trong tác phẩm bộ ba Electra.

Giữa hai tác phẩm ấy xuất hiện Một vở kịch; Màn giải lao kì lạ (1928) được đánh giá cao và trở nên nổi tiếng. Tác phẩm được gọi tên chính xác là Một vở kịch, bởi vì với phương pháp trình diễn lỏng lẻo của nó, không thể gọi đó là một bi kịch, thích hợp hơn có lẽ nên định nghĩa đó là một tiểu thuyết tâm lí được dàn dựng trên sân khấu. Phụ đề Màn giải lao kì lạ được gợi ý trong vở kịch: “Cuộc đời, hiện tại là cuộc giải lao kì lạ giữa quá khứ và cái sẽ đến”. Tác giả cố gắng thể hiện ý tưởng của mình một cách rõ ràng nhất bằng cách sử dụng một cách khác thường: một mặt, những nhân vật đối đáp như hành động trong vở kịch yêu cầu, mặt khác họ cũng bộc lộ bản chất của họ và những hồi tưởng của họ dưới dạng độc thoại, mà những nhân vật khác trên sân khấu không thể nghe thấy. Một lần nữa ta lại thấy yếu tố mặt nạ.

Được coi như một tiểu thuyết tâm lí, tác phẩm rất đáng lưu ý nhờ sức mạnh phân tích và trên hết là sự nhạy bén trực giác cũng như sự phơi bày sâu sắc những vận động nội tâm con người. Bước tập dượt trên giúp ông gặt hái được thành quả trong vở bi kịch viết sau đó, tác phẩm lớn nhất của đời ông: Buồn tang hợp mặt Electra (1931). Cả cách cốt truyện khai mở lẫn không khí định mệnh bao trùm lên vở diễn khiến tác phẩm rất gần gũi với truyền thống kịch cổ điển, dù rằng ở cả hai phương diện trên nó đều được điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống và dòng suy nghĩ hiện đại. Trong vở kịch, ngôi nhà của atreus có phong cách hiện đại thời nội chiến, giai đoạn Iliad của Hoa Kỳ. Sự lựa chọn đó đem lại cho vở kịch một khung cảnh quá khứ rõ nét, đồng thời tạo nền cho đời sống trí thức gần với thời đại hiện nay. Nét đặc sắc nhất của vở kịch là cách thức yếu tố số phận được phát triển. Nó dựa trên những giả thuyết hiện đại, trước tiên là quyết định luận khoa học tự nhiên của thuyết di truyền cũng như quan điểm thấu triệt của Freud về vô thức, về ác mộng do những cảm xúc đồi bại liên quan đến người trong gia đình.

Như ta đã biết, các giả thuyết này không phải được tất cả mọi người tán thành, nhưng điểm quan trọng nhất của vở kịch là tác giả đã nắm rất rõ và vận dụng chúng một cách nhất quán, triệt để, xây dựng trên nền móng đó một chuỗi các sự kiện tất yếu như thể chúng được thốt ra từ chính miệng của con nhân sư thành Thebes. Theo đó ông đã tạo được một mẫu mực bậc thầy về khả năng xây dựng cốt truyện công phu, điều mà chắc chắn trong hàng ngũ những nhà viết kịch hiện đại không ai có thể sánh ngang. Điều này đặc biệt đúng với hai phần đầu của tác phẩm bộ ba này.

Hai vở kịch tiếp sau hoàn toàn khác biệt và thuộc thể loại kịch mới của O’Neill. Chúng là bằng chứng cho việc ông chẳng bao giờ hài lòng với những kết quả đạt được, cho dù thành công đến đâu. Các tác phẩm đó cũng chứng minh lòng dũng cảm của ông, vì trong hai vở kịch mới này ông đã thách thức một bộ phận đáng kể trong số người hâm mộ ông và thậm chí là những chủ soái ủng hộ cho ông. Mặc dù vào thời điểm hiện nay, có lẽ không có gì nguy hiểm khi thách thức những quan niệm và cảm xúc tự nhiên của con người, nhưng điều đó không phải hoàn toàn không có nguy cơ động chạm đến ý thức nhạy cảm của các nhà phê bình. Trong Ôi, tuổi trẻ! (1933), tác giả của những bi kịch được yêu mến đã làm cho những người ngưỡng mộ ông sửng sốt bằng cách giới thiệu với họ một vở hài kịch lãng mạn dành cho giai cấp trung lưu. Trong sự miêu tả về đời sống tinh thần của những người trẻ tuổi, vở kịch chứa đựng một liều lượng vừa phải chất thơ, trong khi những cảnh vui tươi hơn thể hiện tính hài hước không gì có thể làm mất; hơn nữa, nó còn hoàn toàn giản dị và nhân bản.

Trong tác phẩm Những ngày bất tận (1934), nhà viết kịch đã đề cập tới vấn đề về tôn giáo, một vấn đề mà cho đến lúc ấy ông chỉ hiểu bề nổi của nó, không xác định gắn bó với nó và chỉ đứng trên quan điểm đấu tranh của một nhà khoa học tự nhiên. Trong vở kịch, ông chứng tỏ mình có con mắt tinh đời về những điều bất hợp lí, cảm nhận sự cần thiết của những giá trị tuyệt đối và rất tỉnh táo trước nguy cơ của sự nghèo nàn về tinh thần trong khoảng không gian trống rỗng mà thế giới khô khan và cứng nhắc của chủ nghĩa duy lí để lại. Tác phẩm có hình thức của một vở kịch kì ảo hiện đại, và có lẽ, cùng với những bi kịch số phận của ông, đây lại là một ý đồ thử nghiệm mà ông dự định ngay từ đầu. Tuyệt đối tuân theo các qui ước của thể loại kịch đã chọn, ông sử dụng vẻ chất phác kiểu trung cổ trong cách thể hiện cuộc đấu tranh của cái thiện chống lại cái ác, tuy nhiên, ông cũng đưa vào sân khấu những kĩ thuật mới lạ và táo bạo. Ông chia đôi nhân vật chính thành đen và trắng không chỉ trong suy nghĩ mà cả ngoài hình thể, mỗi phần có cuộc sống hoàn toàn độc lập – một dạng song sinh dính lẫn vào nhau. Đây là kết quả của một biến tấu trên những thử nghiệm trước đó. Bất chấp những nguy cơ đặt ra cho sự mạo hiểm này, vở kịch đứng được nhờ cách xử lí bậc thầy về mặt sân khấu của tác giả, và với hình ảnh người phát ngôn của tôn giáo, một tu sĩ Thiên chúa, ông đã sáng tạo nên một trong những nhân vật sinh động nhất. Liệu chi tiết đó có được hiểu như là một thay đổi có tính quyết định trong cái nhìn của ông đối với cuộc sống hay không, điều đó còn phải được quan sát trong tương lai.

Những tác phẩm kịch của O’Neill có tính toàn diện khác thường về mọi lĩnh vực, đa dạng về nhân vật, phong phú về thành tựu thử nghiệm mới và tác giả còn đang ở thời kì sung mãn. Tuy nhiên về căn bản, ông nhất quán ở sức tưởng tượng tràn trề khôn bờ bến, ở sự thích thú không biết mệt mỏi khi tạo nên hình hài cho những ý tưởng chen chúc trong tư duy sâu thẳm của ông. Và có lẽ điều trước tiên và đáng kể nhất, ông vẫn là chính mình trong tính cách độc lập, kiêu hãnh và thô tháp của ông.

Chọn Eugene O’Neill là người được trao Giải Nobel Văn chương năm 1936, Viện Hàn lâm Thụy Điển thể hiện sự đánh giá cao đối với thiên bẩm văn chương nổi bật và hiếm hoi của ông cũng như sự trân trọng nhân cách ông, đúng như nhận định: Giải thưởng được trao cho ông vì những tác phẩm kịch giàu sức sống, chân thực với những cảm xúc mãnh liệt, mang dấu ấn của một quan niệm độc đáo về bi kịch.

* Diễn từ(2):

Thật là một đặc ân khác thường đã đến với tôi, đó là, trước sự hiện diện của những con người kiệt xuất, tôi được thay mặt cho người đồng hương của mình, ông Eugene O’Neill, người vinh dự được nhận Giải Nobel Văn học mà không may là không thể có mặt ở đây ngày hôm nay.

Đây là một đặc ân lớn bởi vì ý nghĩa và giá trị thực sự của Giải Nobel được thừa nhận một cách đầy đủ ở tất cả những khu vực tiến bộ trên thế giới. Giải thưởng đã được duy trì bởi vinh quang và danh dự, vì chúng ta biết rằng chúng được trao mà không hề có những thiên kiến ở bất kì hình thức nào và bởi những hội đồng mà các thành viên của nó đã hào hiệp dành nhiều thời gian và suy nghĩ cho công việc nằm trong phận sự của mình.

Bên cạnh ý nghĩa là một nguồn động viên cho những nỗ lực và là sự công nhận thành quả đạt được, các giải thưởng này còn có giá trị ở phương diện khác. Bởi vì hoàn toàn không có sự thiên vị trong việc trao giải, nên giải thưởng này đã được trao cho những con người đến từ tất cả các quốc gia, là những người tư duy mang tầm thế giới và nhân loại, hoàn toàn không bận tâm tới những sự phân cấp hay những ranh giới của bất kì danh tiếng nào. ảnh hưởng tích cực của sự thừa nhận đáng chú ý này đối với một thành tựu đặc biệt đã vượt quá mục đích riêng ban đầu của nó.

Ông O’Neill gặp trở ngại không thể có mặt ở đây chủ yếu vì sức khỏe của ông bị tàn phá do làm việc quá sức, buộc ông phải tuân theo những sắp đặt của bác sĩ là sống tuyệt đối yên tĩnh trong vài tháng liền. Trong bức thư gửi cho tôi, ông bày tỏ hi vọng, rằng tôi sẽ thay mặt cho ông cáo lỗi cùng tất cả các quý vị có mặt ở buổi lễ này vì sự vắng mặt của ông, không hiểu nhầm và không coi đó là do tính khí tùy tiện của nhà văn hay bất cứ cái gì tương tự như thế.

Biết mình không thể tham dự được buổi lễ, ông đã gửi tới đây một bài diễn văn để tôi đọc thay ông nhân dịp này. Trong bức thư gửi cho tôi, ông O’Neill đã nói về bài diễn văn của mình như sau: “Đây không thuần túy là một cử chỉ khéo léo để làm hài lòng công chúng Thụy Điển. Đây là một tuyên bố giản dị về sự thực và cảm nghĩ chính xác của tôi, và tôi rất vui vì có cơ hội này để nói lên và ghi lại chúng một cách chính thức và công khai”. Bây giờ tôi xin hân hạnh được đọc bài diễn văn mà ông Eugene O’Neill gửi tới cùng quý vị:

“Trước hết, tôi muốn một lần nữa bày tỏ sự nuối tiếc sâu sắc của mình vì hoàn cảnh đã không cho phép tôi đến Thụy Điển đúng lúc để tham dự ngày hội này và có mặt tại bữa tiệc này để nói với quý vị về sự cảm kích, tri ân của cá nhân tôi.

Thật khó có được những ngôn từ thích hợp để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc mà tôi cảm thấy vì vinh dự lớn lao nhất mà các tác phẩm của tôi từng hi vọng đạt được, đó là Giải Nobel Văn học. Danh hiệu cao quý nhất này đối với tôi còn hơn cả lòng biết ơn bởi vì tôi suy nghĩ khá sâu sắc rằng nó không chỉ là vinh dự dành cho riêng tác phẩm của mình mà còn là vinh dự của tất cả những đồng nghiệp của tôi ở châu Mỹ – rằng Giải Nobel này là một biểu tượng nói lên sự thừa nhận của châu Âu về thời sắp đến của sân khấu Mỹ. Vì các vở kịch của tôi, qua thăng trầm của thời gian và hoàn cảnh, chỉ là những ví dụ được biết đến nhiều nhất trong số những tác phẩm của các nhà viết kịch Mỹ kể từ sau Thế chiến I – là những tác phẩm rốt cuộc đã đổi mới nghệ thuật sân khấu Mỹ ở những phương diện tốt đẹp nhất, trở thành một thành tựu mà người Mỹ có thể tự hào về nó, xứng đáng để cuối cùng khẳng định mối quan hệ họ hàng với kịch hiện đại của châu Âu, mà nguồn cảm hứng thực sự của chúng tôi chắc chắn đã xuất phát từ đó.

Ý nghĩ về cảm hứng khởi nguồn này đưa tôi đến với niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà sự kiện này đã mang lại cho tôi, và đó là cơ hội để nói lời tri ân, với lòng cảm kích và tự hào, tới các quý vị và tới nhân dân Thụy Điển, về món nợ mà tác phẩm của tôi đã vay từ thiên tài vĩ đại nhất trong tất cả các nhà soạn kịch hiện đại, August Strindberg.

Tôi đã đọc kịch của ông khi tôi bắt đầu cầm bút viết lại vào những năm 1913-1914, và vượt lên trên tất cả, đầu tiên việc làm đó đem lại cho tôi hình dung về đặc điểm có thể có của kịch hiện đại, và trước hết nó kích thích tôi với ham muốn mạnh mẽ là tự mình viết cho sân khấu. Nếu như có cái gì đó kéo dài giá trị tác phẩm của tôi, thì nó mắc nợ sự thôi thúc bắt nguồn từ ông, sự thôi thúc vẫn còn tiếp tục với tư cách là nguồn cảm hứng của tôi suốt những năm tháng sau, kể từ thời điểm đó – rồi tới ham muốn mà tôi nhận được để nối tiếp từng bước thiên tài của ông trong chừng mực khả năng cho phép của mình, với cùng một mục đích toàn vẹn như ông.

Tất nhiên, sẽ không phải là những điều mới mẻ với quý vị ở Thụy Điển khi nói rằng tôi đã mắc nợ khá nhiều những ảnh hưởng của Strindberg. Anh hưởng đó hiện diện rõ trong nhiều vở kịch của tôi mà mọi người cũng dễ dàng nhận thấy. Cũng không phải là thông tin mới gì với những người từng biết đến tôi, vì chính tôi thường nhấn mạnh điều đó. Tôi cũng chưa bao giờ là một trong số những người mơ hồ một cách nhút nhát về phần đóng góp của mình đến nỗi nghĩ không thể cho phép thừa nhận rằng mình đã từng chịu ảnh hưởng, để rồi bị phát hiện là thiếu đi toàn bộ cội rễ phát sinh.

Không, tôi thậm chí còn rất tự hào vì món nợ của mình với Strindberg, quá hạnh phúc vì có cơ hội để bày tỏ điều đó trước nhân dân ông. Đối với tôi, ông mãi vẫn là Bậc Thầy, cũng như Nietzsche luôn là bậc thầy trong tầm ảnh hưởng của ông. Đến nay ông vẫn hiện đại hơn bất kì ai trong số chúng ta, vẫn là người đi đầu trong chúng ta. Và đó là niềm kiêu hãnh của tôi khi hình dung rằng có lẽ anh linh của ông, đang trầm ngâm suy nghĩ về Giải Nobel Văn học năm nay, sẽ mỉm cười đôi chút mãn nguyện, và thấy người kế tục mình không đến nỗi không xứng đáng với Bậc Thầy của anh ta”.

Tác phẩm của Eugene O’Neill:

– Khát và các vở kịch một hồi khác (Thirst and Other One-Act Plays, 1914), tập kịch ngắn.

– Về phía Đông tới Cardiff (Bound East of Cardiff, 1914), kịch.

– Trước bữa sáng (Before Breakfast, 1916), kịch.

– Chuyến đi dài ngày về nhà (The Long Voyage Home, 1917), kịch.

– Trong vùng (In the Zone, 1917), kịch.

– Trăng vùng Caribe (The Moon of the Carabbees, 1917), kịch.

– Ile (1917), kịch.

– Dây thừng (The Rope, 1918), kịch.

– Đứa trẻ mơ mộng (The Dreamy Kid, 1918), kịch.

– Nơi dấu chữ thập được vạch (Where the Cross Is Made, 1918), kịch.

– Cái tráp (The Straw, 1919), kịch.

– Vàng (Gold, 1920), kịch.

– Hoàng đế Jones (The Emperor Jones, 1920), kịch.

– Khác nhau (Different, 1920), kịch.

– Phía sau chân trời (Beyond the Horizon, 1920), kịch.

– Người đàn ông đầu tiên (The First Man, 1921), kịch.

– Con khỉ rậm lông (The Hairy Ape, 1921), kịch.

– Nguồn suối (The Fountain, 1921-1922), kịch.

– Anna Christie (1923), kịch.

– Khát vọng sau bụi cây du (Desire Under the Elms, 1924), kịch.

– Các con trai của Chúa đều có cánh (All God’s Children Got Wings, 1924), kịch.

– Triệu phú Marco (Marco Millions, 1923-1925), kịch.

– Thần Brown vĩ đại (The Great God Brown, 1925), kịch.

– Lazarus cười (Lazarus Laughed, 1926), kịch.

– Màn giải lao kì lạ (Strange Interlude, 1926-1927), kịch.

– Dynamo (1928), kịch.

– Buồn tang hợp mặt Electra (Mourning Becomes Electra, 1929-1931), kịch.

– Những ngày bất tận (Days Without End, 1934), kịch.

– Ôi, tuổi trẻ! (Ah, Wilderness!, 1933), hài kịch.

– Người mang băng đá đang đến (The Iceman Cometh, 1939, dựng 1946), kịch.

– Các cung điện giàu hơn (More Stately Mansions, 1940), kịch.

– Ngày dài đi vào đêm (Long Day’s Journey into Night, 1941, dựng năm 1956), kịch.

– Tâm hồn nhà thơ (A Touch of a Poet, 1940, dựng 1957), kịch.

– Mặt trăng cho các con ghẻ của số phận (A Moon for the Misbegotten, 1943, dựng 1957), kịch.


Trần Việt Hưng, Tân Đôn, Ngọc Thanh dịch từ bản tiếng Anh

(Nguồn: http://nobelprize.org)

© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây


Ghi chú:

(1) Do Per Hallstrum, Thư kí thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển đọc.

(2) James E. Brown, Đại biện Hoa Kỳ đọc trong tiệc chiêu đãi giải thưởng Nobel ngày 10/12/1936 tại Tòa Thị chính Stockholm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây