Fredéric Mistral – nhà thơ suốt đời đề cao lí tưởng dân tộc

0
580

Fredéric Mistral (8/9/1830 – 25/3/1914), nhà thơ, nhà văn Provence, Pháp. Ông được trao giải Nobel Văn học 1904 vì các sáng tác thơ mới mẻ và đặc sắc, phản ánh chân thực tinh thần của nhân dân, suốt đời đề cao lí tưởng dân tộc, đấu tranh cho sự phục hồi văn học và ngôn ngữ của dân tộc mình. Mistral là một trong những thủ lĩnh của phong trào Félibrige(1), người biên soạn từ điển Provence – Pháp Kho báu Félibrige.

Xem thêm: Bjørnstjerne Bjørnson, tác giả của những vần thơ cao nhã, tươi mới 

Fredéric Mistral
Fredéric Mistral (8/9/1830 – 25/3/1914)

Fredéric Mistral là con trai duy nhất của một điền chủ khá giàu có, tổ tiên tới định cư tại Provence từ thế kỷ XVI; trong gia đình nói tiếng Provence (một phương ngữ tiếng Pháp nhưng khác nhiều so với tiếng Pháp văn học). F. Mistral rất yêu tiếng quê mình và từ nhỏ đã làm thơ, dịch thơ sang tiếng Provence. Năm 1851 ông tốt nghiệp xuất sắc khoa Luật tại Aix – en – Provence. Khuynh hướng thẩm mĩ của F. Mistral hình thành dưới ảnh hưởng của văn học dân gian Provence, thơ ca Trung Thế kỉ, thơ mới miền Nam nước Pháp và của cha ông. F. Mistral là học trò và bạn của nhà thơ người Provence Joseph Roumanille. Năm 1854 ông cùng với sáu nhà thơ khác đã sáng lập Félibrige – Hiệp hội Hỗ trợ Phát triển Ngôn ngữ và Văn học Provence, cùng Joseph Roumanille xuất bản tạp chí Almanach Provence. Suốt đời F. Mistral hoạt động không mệt mỏi cho Félibrige và mơ ước phục hồi nền văn học và ngôn ngữ Provence.

Năm 1859 Fredéric Mistral xuất bản thiên trường ca Miréio, viết về một bi kịch tình yêu, được A. Lamartine cùng nhiều nhà thơ lớn của nước Pháp rất khen ngợi. Năm 1875, ông xuất bản tập thơ Những hòn đảo vàng rồi cưới vợ. Kho báu Félibrige – cuốn từ điển Provence – Pháp – là tác phẩm độc đáo của ông, mang tính bách khoa thư, chứa đựng những kiến thức phong phú về phương ngữ, văn học dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng của một nền văn hóa. Năm 1890 ông hoàn thành vở kịch duy nhất của mình là Nữ hoàng Jano.

Năm 1904, năm thứ 50 của phong trào Félibrige, Fredéric Mistral nhận Giải Nobel (cùng với nhà viết kịch Tây Ban Nha J. Echegaray) vì lí tưởng cao cả và những cống hiến lớn lao cho sự phục hồi tinh thần dân tộc. Vì ốm, F. Mistral không đến nhận giải và thậm chí không viết diễn từ như thông lệ. Ông đã dùng tiền của mình để thành lập Bảo tàng Văn hóa Dân gian Provence.

Năm 83 tuổi, Fredéric Mistral bị cảm lạnh khi đang nghiên cứu văn khắc trên quả chuông nhà thờ Mainllane và qua đời, để lại những câu thơ khiến người ta nghĩ rằng: các nền văn minh có thể chết nhưng không bao giờ biến mất.

Tác phẩm của Fredéric Mistral

Islands of Gold
Những hòn đảo vàng (Lis isclo d’or, 1876), tập thơ. [Islands of Gold].

Li Provençalo (1852), thơ.

– Mirèio (1859), trường ca sử thi.

Calendau (1867), trường ca.

– Những hòn đảo vàng (Lis isclo d’or, 1876), tập thơ. [Islands of Gold].

Nerto (1884), thơ.

– Kho báu Félibrige (Lou Trésor dou Félibrige, 1878-1886), từ điển.

Nữ hoàng Jano (La Rèino Jano, 1890), kịch.

– Bài ca sông Rhône (Lou Pouèmo dóu Rhône(2), 1897), trường ca. [The Song of the Rhone].

– Hồi kí Mistral (Moun espelido: Memori è Raconte, 1906), hồi kí [Memoirs of Mistral].

– Mùa thu hoạch oliu (Les óulivado,1912), tập thơ.

* Tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt:

Cuộc gặp (thơ), Bằng Việt dịch, in trong Thơ trữ tình thế giới thế kỉ XX, Nxb Văn học, 2005.

– Cuộc gặp (thơ), Bằng Việt dịch, Magali (trích từ trường ca Mirèio) Nguyễn Viết Thắng dịch, in trong Các nhà thơ Giải Nobel, Nxb Văn học – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2007.

Gặp gỡ, Gửi Louis,  Magali (trích từ trường ca Mirèio) Nguyễn Viết Thắng dịch, in trên thivien.net và một số trang mạng khác.

 Lời tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển(3)

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển – Wikipedia tiếng Việt

Có người cho rằng, Giải Nobel nên trao cho các tác giả trẻ khi tài năng của họ đang ở đỉnh cao, để giúp họ vượt qua những khó khăn vật chất và đảm bảo cho họ một tình thế hoàn toàn độc lập.

Các tổ chức có trách nhiệm trong việc trao giải thưởng rất mong muốn đảm đương việc xác nhận một cách đầy ấn tượng như thế đối với một thiên tài trẻ tuổi, nhưng theo quy chế của Giải Nobel thì giải thưởng chỉ có thể trao cho những công trình đặc biệt xuất sắc và đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn. Vì vậy không thể có sự cân nhắc giữa một tài năng trẻ đang ở thời kì đầu của sự phát triển với một thiên tài đã phát huy trọn vẹn và được khẳng định. Ban giám khảo không có quyền bỏ qua một tác giả nổi tiếng Châu Âu và vẫn còn đang hoạt động tuy ông đã già. Tác phẩm của một nhà văn lão thành lại thường chứng tỏ một năng lực độc đáo và trẻ trung. Viện Hàn lâm Thụy Điển đã đúng khi trao giải cho Mommsen và Bjørnson, dù cả hai đều đã vượt qua giai đoạn sung sức của mình. Năm nay, khi lựa chọn các ứng cử viên cho Giải Nobel, Viện Hàn lâm lại một lần nữa chú trọng đến một số nhà hoạt động văn học lão thành mà tên tuổi đã được thừa nhận rộng rãi, với mong muốn khôi phục lại lời cam kết với các tài năng lớn, được giới văn chương đánh giá cao.

Viện Hàn lâm đặc biệt chú ý đến hai tác giả, cả hai đều xứng đáng nhận trọn vẹn Giải Nobel. Cả hai ông đều đã đạt tới giới hạn cuối cùng không chỉ trong nghệ thuật thơ ca mà cả trong cuộc đời, một người 74 tuổi còn người kia trẻ hơn 2 tuổi. Vì thế, Viện Hàn lâm cho rằng không nên chậm trễ trong việc trao cho họ phần thưởng mà cả hai đều xứng đáng được nhận, cho dù có những quan điểm khác nhau. Viện Hàn lâm quyết định đồng trao giải thưởng năm nay cho hai ông. Giá trị vật chất của mỗi người nhận giải bị giảm đi, nhưng Viện Hàn lâm nay công bố một cách chính thức rộng rãi rằng trong trường hợp cụ thể này, Viện Hàn lâm coi hai giải thưởng này có ý nghĩa như là giải thưởng toàn phần.

Viện Hàn lâm trao một trong hai giải năm nay cho nhà thơ Frédéric Mistral. Trong cảm hứng thi ca tươi sáng của mình, ông già đáng kính này trẻ hơn hầu hết các nhà thơ của thời đại chúng ta. Một trong những tác phẩm chính của ông, Bài ca sông Rhone (Lou Pouèmo dóu Rhone) xuất bản chưa lâu, năm 1897, và khi những nhà thơ Provence kỉ niệm 50 năm ngày thành lập, 31 tháng 5 năm 1904, Mistral đã hướng cây đàn lia tới một thứ thơ mà cả niềm say mê lẫn thi hứng đều không hề thua kém những tác phẩm trước của ông.

Mistral sinh ngày 8 tháng 9 năm 1830 tại làng Maillane, Pháp, giữa Avignon và Arles của thung lũng sông Rhône. Ông lớn lên giữa khung cảnh thiên nhiên kì diệu của quê hương, giữa những người dân quê và sớm làm quen với công việc của họ. Bố ông, Francois Mistral, là một trại chủ giàu có, người toàn tâm toàn ý với những phong tục của đức tin và tổ tiên. Mẹ ông nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ của ông qua những bài hát và truyền thống quê hương.

Trong suốt thời gian theo học ở Avignon, cậu bé đã đọc những tác phẩm của Homer và Virgil, những tác phẩm đã tạo ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn ông. Một trong các giáo sư, nhà thơ Roumanille, đã thổi vào ông tình yêu tha thiết đối với tiếng mẹ đẻ, tiếng Provence.

Theo nguyện vọng của cha, Frédéric Mistral đã tốt nghiệp trường luật ở Aix-en-Provence, sau đó ông được tự do chọn nghề. Và ông đã nhanh chóng lựa chọn. Ông cống hiến cả cuộc đời cho thơ ca và vẽ nên những vẻ đẹp của miền Provence bằng tiếng địa phương, thứ tiếng mà ông là người đầu tiên nâng lên tới trình độ của ngôn ngữ văn chương. Tác phẩm đầu tiên của ông là một bài thơ dài viết về cuộc sống dân quê. Sau đó ông xuất bản tập thơ vớii tiêu đề Li Provençalo (1852). Tiếp đó ông đã dành 7 năm liên tục để viết tác phẩm đã đem lại danh tiếng cho ông, đó là Mirèio (1859). Nội dung áng thơ rất đơn giản. Một cô gái thôn quê ngoan ngoãn và xinh đẹp không thể lấy được người mình yêu vì bố cô không đồng ý. Tuyệt vọng, cô trốn nhà đến nương nhờ tại một nhà thờ nơi hành hương của những người theo đạo Ba vị thánh Mary (Three Saint Marys) trên đảo Camargue, vùng châu thổ sông Rhône. Tác giả kể lại một cách quyến rũ tình yêu trẻ trung của cô gái và mô tả với nghệ thuật bậc thầy cuộc chạy trốn của Mirèio qua cao nguyên Crau lởm chởm đá. Kiệt sức vì cái nắng như thiêu như đốt vùng Camargue, nhưng cô gái trẻ bất hạnh cuối cùng cũng đến được nhà thờ để chết. Nơi đó, trong ảo ảnh, ba vị thánh Mary đã hiện lên trước mắt cô đúng vào lúc cô trút hơi thở cuối cùng.

Giá trị của tác phẩm này không phải ở nội dung hay khả năng tưởng tượng, cho dù hình tượng nhân vật Mirèio có đặc sắc đến đâu chăng nữa mà giá trị của nó nằm ở nghệ thuật liên kết các tình tiết câu chuyện và vẽ ra trước mắt chúng ta cả một vùng Provence với phong cảnh, kí ức, những phong tục cổ xưa và cuộc sống thường ngày của người dân. Mistral nói rằng ông chỉ hát cho những người chăn cừu và dân quê. Ông hát giản dị như Homer đã hát. Thật vậy, đúng như ông thừa nhận, ông là một học trò của Homer vĩ đại nhưng hoàn toàn không bắt chước một cách máy móc, mà ông chứng tỏ một phong cách rất riêng trong nghệ thuật miêu tả. Có một hơi thở của Kỉ nguyên vàng (Golden Age) sống động trong những trang miêu tả của ông. Làm sao có thể quên những cách thức ông mô tả bầy ngựa trắng ở Camargue? Chúng đang phi nước đại, bờm tung bay trong gió, dường như đã thoát khỏi chiếc xe của thần biển được điều khiển bởi chiếc đinh ba của Neptune. Nếu bạn bắt chúng phải ở xa đồng cỏ thân yêu bên bờ biển, cuối cùng chúng sẽ bỏ trốn. Thậm chí sau một thời gian dài vắng bóng, chúng sẽ trở về và hí lên những tiếng vui mừng khi lại được nghe tiếng sóng vỗ và được nhìn thấy bờ biển. Nhịp điệu của bài thơ thật đẹp và hài hòa, cấu trúc nghệ thuật thật hoàn hảo. Nguồn cảm hứng để ông vẽ nên bức tranh đó không phải là tâm lí, mà là thiên nhiên. Ông tự coi mình là đứa con của thiên nhiên. Hãy để cho các nhà thơ khác nói về chiều sâu tâm hồn người! Mirèio là một bông hồng vừa hé nở, vẫn còn lấp lánh ánh bình minh. Đây là tác phẩm ngẫu hứng của một tâm hồn độc đáo chứ không phải là kết quả của một quá trình làm việc lâu dài thuần túy tư duy.

Bài thơ được đón nhận nhiệt tình ngay từ khi mới ra đời. Lamartine đã mệt mỏi với sự cẩn trọng cá nhân nhưng vẫn bị quyến rũ bởi những tác phẩm hay, đã viết: “Một nhà thơ vĩ đại đã ra đời”. Ông so sánh thơ của Mistral với một hòn đảo trong quần đảo, một đảo Delos trôi nổi đã phải tự tách mình ra khỏi quần thể để âm thầm đến với Provence ngát hương. Ông đã dùng những từ sau đây để nói về Mistral: Tu Marcellus eris!(Anh là Marcellus(4)).

Bảy năm sau khi xuất bản Mirèio, Mistral cho ra đời tác phẩm thứ hai không kém phần quan trọng, Calendau (1867). Có người cho rằng nội dung vở kịch quá hoang đường và xa rời thực tế. Nhưng nó rất giống cuốn sách trước ở chất quyến rũ trong nghệ thuật miêu tả. Làm sao có thể bàn đến sự sang trọng trong ý tưởng về sự tôn vinh con người thông qua phiên toà? Nếu như Mirèio ca ngợi cuộc sống của những người dân quê thì Calendau thể hiện một bức tranh thú vị về biển và rừng. Nó như những vệt nước lấp lánh trên nền cuộc sống của ngư dân, được thể hiện chính xác một cách kì lạ.

Mistral không chỉ sáng tác những tác phẩm sử thi, mà còn là một nhà thơ trữ tình vĩ đại. Tuyển tập Những hòn đảo vàng (Lis Isclo d’or) của ông có những bài thơ bất hủ. Chỉ cần nhắc đến những bài stanzas về chiếc trống của Arcole, về người thợ gặt hấp hối, về lâu đài Roumanin với kí ức về thời đại của những nhà hát thơ dân gian, troubadours, dường như gợi nhớ lại vẻ rực rỡ của ánh hoàng hôn hoặc những bài ca huyền bí tuyệt hay cần được cất lên trong ánh chiều chạng vạng, la coumunioun di sant.

Trong những bài thơ trữ tình khác, Mistral kiên quyết đòi quyền tồn tại độc lập cho Provence Mới và chống lại mọi mưu toan phớt lờ hay nghi ngờ điều đó.

Bài thơ viết dưới dạng truyện ngắn, Nerto (1884), cống hiến cho bạn đọc hâm mộ nhiều trang tuyệt diệu. Nhưng Bµi ca s«ng Rh«ne (Lou Pouèmo dóu Rhône) còn sâu sắc hơn. Là sản phẩm sáng tạo của một nhà thơ 67 tuổi, nó vẫn tràn đầy sức sống, và quyến rũ nhất là vô số những họa tiết được dòng Rhône tắm gội. Tuyệt vời làm sao chàng thuyền trưởng kiêu hùng và sùng đạo của con tàu Aprau, người cho rằng muốn biết cầu nguyện cần phải là thủy thủ! Một cảnh rất hay nói về con gái của người hoa tiêu, Anglora, mà trí tưởng tượng tràn ngập những huyền thoại cổ. Một đêm, cô mơ thấy mình gặp thần sông Lou Dra trên những làn sóng đẫm trăng của sông Rhône và chàng đã ôm cô vào lòng. Những vần thơ ấy dường như tuôn chảy, lung linh sáng dưới ánh trăng.

Tóm lại, tác phẩm của Mistral là những tượng đài cao vời vợi về những chiến công của xứ Provence mà ông vô cùng yêu quý.

Năm nay ông có ngày kỉ niệm. Năm mươi năm trước, vào ngày thánh Estelle, ông đã cùng sáu bạn văn khác thành lập ra Hội nhà thơ Provence với mục đích là làm trong sáng và xác lập hình thức hoàn chỉnh cho ngôn ngữ Provence – thứ ngôn ngữ được sử dụng từ St. Remy tới Arles và khắp vùng châu thổ sông Rhône, từ Orange tới Martigues, không có sự khác nhau đáng kể. Thứ ngôn ngữ tạo nên cơ sở cho một ngôn ngữ văn học mới, giống như tiếng Florence tạo nên cơ sở cho sự hình thành tiếng Italia. Các chuyên gia như Gaston Paris, Koschwitz nói với chúng ta rằng trào lưu này hoàn toàn không phải là sự thụt lùi. Nó không nhằm làm sống lại thứ tiếng Provence cổ mà dựa trên cơ sở thứ tiếng được dùng rộng rãi trong nhân dân địa phương để sáng tạo nên một ngôn ngữ mọi người đều hiểu được. Những nỗ lực của các nhà thơ Provence đã nhanh chóng gặt hái thành công. Trong cuốn đại từ điển Provence Mới, Kho báu Félibrige (Lou Trésor dou Félibrige, 1879-1886), một công trình khổng lồ, thành quả của hơn 20 năm lao động, Mistral ghi lại sự giàu có của tiếng Provence và tạo nên một tượng đài bất hủ cho Lengo d’O.

Chẳng cần phải nói cũng có thể biết rằng một người như Mistral đã nhận được rất nhiều giải thưởng. Viện Hàn lâm Pháp đã bốn lần trao giải thưởng cho ông. Cuốn từ điển của ông được Học Viện Pháp trao giải Reynaud trị giá 10.000 francs. Các trường Đại học Halle và Bonn phong tặng ông học vị tiến sĩ danh dự. Thơ ông được dịch ra nhiều thứ tiếng. MirèioCalendau được Gounod và Maréchal phổ nhạc.

Mọi người đều biết khẩu hiệu mà Mistral đề ra cho Hội nhà thơ Provence: Lou soulèu me fai canta (Mặt trời làm tôi hát). Quả thực, thơ ông đã mang ánh nắng Provence đến nhiều quốc gia khác, thậm chí đến cả phương Bắc, làm cho biết bao trái tim rung động.

Alfred Nobel đòi hỏi chất lí tưởng ở những tác giả được trao giải thưởng do ông đặt ra. Liệu điều đó có thể tìm thấy đầy đủ ở tác phẩm của một nhà thơ như Mistral, một sự nghiệp nổi bật bởi chất lí tưởng nghệ thuật mạnh mẽ và giàu có, có thể tìm thấy ở một người đã cống hiến trọn đời mình cho một lí tưởng, phục hồi và phát triển giá trị tinh thần, ngôn ngữ và văn học của dân tộc mình?(5)

Tân Đôn dịch từ bản tiếng Anh
Ngô Tự Lập hiệu đính
(Nguồn: http://nobelprize.org)
© Culture Globe

Ghi chú:

(1): Một trào lưu văn chương đặt ra mục tiêu phục hồi, phát triển ngôn ngữ và văn học Provence (Félibre là một phương ngữ chỉ người nói và viết bằng tiếng Provence).

(2) Tác phẩm này còn có tên là Lou Pouèmo dóu Pose.

(3) Do Thư kí thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển C.D. af Wirsén đọc.

(4) Marcellus: Nhà hoạt động chính trị và quân sự La Mã (khoảng 268-208 TCN), năm lần làm quan chấp chính trong khoảng thời gian từ 222-208 TCN.

(5) Phần tiếp theo của bài phát biểu, Thư kí thường trực Viện Hàn lâm Thụy điển C. D. af Wirsén nói về nhà viết kịch Tây Ban Nha José de Echegaray, xin xem tiếp dưới đây:

Tiếp đó, tại bữa tiệc chiêu đãi, C. D. af Wirsén đã chỉ rõ rằng việc chia sẻ giải thưởng hoàn toàn không làm giảm giá trị đóng góp của hai nhà thơ đoạt giải. Ông nhắc lại những tác phẩm trong sáng và tươi rói của Frédéric Mistral, nêu tên những tác phẩm chủ yếu và đề nghị công sứ Pháp, ngài Marchand, chuyển tới nhà thơ Provence nổi tiếng lời chào kính trọng của Viện Hàn lâm Thụy Điển và tất cả các quan khách có mặt. Công sứ Pháp, ngài Marchand, đáp lời Thư kí Viện Hàn lâm Thụy Điển và nhắc lại rằng năm trước ông đã cám ơn Viện Hàn lâm về Giải Nobel trao cho ông bà Marie Curie. Lần này, ngài phát biểu thay cho nhà thơ vĩ đại mà vùng Provence có quyền tự hào. Ngài kể lại một sự kiện vô cùng xúc động: Bốn mươi lăm năm trước, Viện Hàn lâm Pháp – không có nguồn tài chính lớn như nguồn tài chính mà Nobel đã tặng cho Viện Hàn lâm Thụy Điển – theo đề nghị của Lamartine, người rất hâm mộ Mirèio, quyết định trao một giải thưởng trị giá 3000 francs cho Mistral. Khi người ta hỏi tác giả, bấy giờ đang sống một cuộc sống thanh đạm ở nông thôn, ông định dùng giải thưởng làm gì, ông trả lời: “Đó là giải thưởng cho thơ, không được động tới”. Và nhà thơ khiêm tốn đã chia sẻ tài sản “khổng lồ” ấy với mọi người.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây