Gabriela Mistral, đại diện tiêu biểu của nền thơ ca Châu Mỹ Latinh

0
839

Gabriela Mistral (07/04/1889 – 10/01/1957) là đại diện tiêu biểu của nền thơ Châu Mỹ Latinh đầu thế kỉ XX, là tiếng nói chân tình trở thành biểu tượng cho chí hướng vươn lên của những tâm hồn đầy khát vọng. Các chủ đề chính trong thơ bà là tha hương và trở về, tang tóc và hồi sinh, và chỉ có niềm tin mới mang lại sự cứu rỗi. Bà được trao giải Nobel Văn học 1945.

Gabriela Mistral
Gabriela Mistral (07/04/1889 – 10/01/1957)

Tiểu sử Gabriela Mistral

Sinh ra trong một gia đình làm nghề giáo, Gabriela Mistral (tên thật là Lucila Godoy de Alcayaga) cũng trở thành giáo viên từ năm 16 tuổi, rồi làm hiệu trưởng nhiều trường trung học. Bà có ảnh hưởng rất quan trọng đối với hệ thống giáo dục của Chile và Mexico. Từ năm 1924, bà được giao trọng trách điều hành tòa lãnh sự Chile lần lượt tại các nước Nepal, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Brazil và Mỹ. Bà cũng là thành viên của ủy ban Văn hóa Liên minh các quốc gia. Bà đã được nhận bằng danh dự của các trường Đại học Frolence, Guatemala và là giảng viên của trường Cao đẳng Middlebury, Đại học Columbia, Vassar và Puerto Rico. Tuy nhiên, điều làm bà nổi tiếng không phải là sự nghiệp giáo dục, chính trị, mà là thơ văn.

Những bài Sonnet cái chết, giải nhất cuộc thi văn học ở Santiago năm 1914, mở đầu cho con đường văn nghiệp của bà viết về mối tình bi thảm của chính bà (người đính hôn với bà tự tử) khi còn làm giáo viên ở trường làng. Sự kiện đó đã để lại dấu ấn không phai trong suốt cuộc đời thơ văn của G. Mistral.

Tập thơ đầu tay Nỗi tuyệt vọng (viết năm 1922) của bà cũng gây một chấn động mạnh trên văn đàn Mỹ Latinh. Trong các tập thơ sau đó như Hủy diệt, Máy ép, bà đã phản ánh những cuộc đời bất hạnh, những oan trái, đau thương của phụ nữ và trẻ em Chile, nói lên tư tưởng và tình cảm của hàng triệu người Mỹ Latinh đang đấu tranh giành một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thơ của bà đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức, Italia, Thụy Điển… Phong cách thơ của G. Mistral ảnh hưởng nhiều tới thơ của Pablo Neruda (Nobel năm 1971) và Octavio Paz (Nobel năm 1990).

Năm 1951, bà nhận giải Văn chương Quốc gia Chile. Năm 1945, bà trở thành người Mỹ Latinh đầu tiên nhận Giải Nobel Văn học. Năm 1957, G. Mistral mất tại New York, thi hài được mang về Chile an táng với nghi lễ quốc tang. Trên bia mộ của bà khắc dòng chữ: Nhân dân thiếu người nghệ sĩ của mình như thể xác thiếu tâm hồn.

Đánh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển(1):

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điể
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển – Ảnh: BSTV

Một ngày nào đó, những giọt nước mắt của người mẹ sẽ khiến cho cả một ngôn ngữ, từng bị khinh thị trong một xã hội tốt đẹp vào thời điểm đó, tái phát hiện sự thanh cao của nó và giành được niềm vinh quang bằng khả năng thơ ca trong nó. Người ta nói rằng khi Frédéric Mistral, người đầu tiên trong hai nhà thơ mang cái tên của làn gió Địa Trung Hải, viết những vần thơ đầu tiên bằng tiếng Pháp lúc còn là sinh viên, mẹ của bà đã bắt đầu rơi những giọt lệ vô tận. Là một người phụ nữ kém hiểu biết ở vùng nông thôn Languedoc, bà không hiểu được thứ ngôn ngữ khác biệt này. Sau đó, Mistral đã viết tác phẩm Mirèio, kể về tình yêu của cô gái nông dân nhỏ bé xinh đẹp dành cho một nghệ sĩ nghèo, một bản anh hùng ca tỏa ra mùi hương nồng nàn của vùng đất tràn ngập hoa tươi và kết thúc bằng một cái chết thảm khốc. Nhờ đó, ngôn ngữ cổ của người hát rong lại một lần nữa trở thành ngôn ngữ của thơ ca. Giải Nobel năm 1904 lôi cuốn sự chú ý của thế giới đến với sự kiện này. Mười năm sau, thi sĩ của Mirèio qua đời.

Cũng trong năm 1914, năm mà Đại chiến thế giới thứ I bùng nổ, một Mistral mới xuất hiện ở phía bên kia của trái đất. Tại cuộc thi Floral Games của Santiago de Chilê, Gabriela Mistral đã giành được giải thưởng văn chương với một số bài thơ viết về một người đã chết.

Chuyện của bà quá nổi tiếng đối với những người dân Nam Mĩ đến nỗi nó được truyền từ nước này qua nước khác và gần như trở thành một truyền thuyết. Và giờ đây, cuối cùng bà đã đến với chúng ta, vượt qua dãy núi Cordilleran Andes và xuyên qua Đại Tây Dương mênh mông, chúng ta lại kể câu chuyện của bà một lần nữa.

Trong một làng nhỏ ở thung lũng Elquis, vài thập kỉ trước, ra đời một nữ giáo viên tương lai có tên gọi Lucila Godoy y Alcayaga. Godoy là tên cha cô và Alcayaga là tên mẹ cô, cả hai đều có nguồn gốc Basque. Cha cô, đã từng là giáo viên, có tài ứng khẩu thành thơ. Tài năng của ông dường như gắn liền với những băn khoăn và bất ổn mà các nhà thơ thường có. Ông rời bỏ gia đình khi đứa con gái mà ông đã xây cả một khu vườn nhỏ cho nó còn bé xíu. Người mẹ xinh đẹp của cô, người đã sống rất lâu, có kể lại rằng đôi khi bà phát hiện ra cô con gái nhỏ bé cô đơn của mình nói chuyện với những chú chim và những bông hoa trong vườn. Theo lời kể của một truyền thuyết, cô đã bị đuổi khỏi trường học. Bề ngoài, cô bị coi là quá ngu ngốc, phải lãng phí hàng giờ để dạy cô. Tuy nhiên cô tự học theo cách riêng của mình, tự mở mang kiến thức để cuối cùng trở thành một giáo viên tại trường làng ở Cantera. Ở đó, số phận của cô đã được quyết định ở tuổi 20, khi một tình yêu say đắm được nhóm lên giữa cô và một công nhân đường sắt.

Chúng ta biết rất ít về câu chuyện của họ. Chúng ta chỉ biết rằng anh ta đã phản bội cô. Một ngày tháng 11 năm 1909, anh đã tự bắn vào đầu mình. Cô gái trẻ rơi vào một nỗi tuyệt vọng không bờ bến. Giống như Job, cô đã đẩy tiếng kêu đau thương của mình lên thiên đường, nơi tiếp nhận tiếng gào khóc đó. Từ thung lũng đã bị biến thành sa mạc, những ngọn núi nhọn hoắt của Chilê, một giọng nói cất lên và vang rất xa đến tất cả mọi người. Một bi kịch tầm thường của cuộc sống thường nhật đã mất đi tính chất cá nhân của nó và bước vào nền văn chương toàn thế giới. Lucila Godoy y Alcayaga trở thành Gabriela Mistral. Nữ giáo viên tỉnh lẻ, người đồng nghiệp trẻ của Selma Lagerlửf vùng Mồrbacka, đã trở thành nữ hoàng tâm linh của Châu Mỹ Latinh.

Khi những bài thơ viết về hồi ức của một người đàn ông đã chết khiến nhà thơ trẻ trở nên có tiếng tăm, những bài thơ u sầu và nồng thắm của Gabriela Mistral đã được truyền tụng khắp Nam Mỹ. Tuy nhiên, mãi tới năm 1922, bà mới xuất bản tuyển tập thơ lớn, Nỗi tuyệt vọng (Desolación), xuất bản ở New York. Nước mắt của người mẹ tuôn trào giữa cuốn sách, ở bài thơ thứ 15, những giọt nước mắt khóc thương đứa con trai của người đàn ông đã chết, đứa con sẽ không bao giờ ra đời…

Gabriela Mistral đã truyền tình yêu thiên nhiên của mình cho những học sinh. Bà viết những bài ca và những khúc liên xướng đơn giản dành cho chúng. Những sáng tác này được tập hợp và in trong tập Dịu dàng (Ternura) ở Madrid năm 1924. Để tỏ lòng tôn kính đối với bà, bốn nghìn trẻ em Mêhicô đã đồng thanh hát vang những bài hát đó. Gabriela Mistral trở thành bà mẹ nuôi trong lĩnh vực thơ ca.

Năm 1938, tập thơ lớn thứ ba của bà Tala (một tiêu đề có thể dịch ra là Hủy diệtnhưng đồng thời cũng là tên của một trò chơi trẻ nhỏ) xuất hiện ở Buenos Aires, bênh vực những nạn nhân là trẻ nhỏ trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Đối lập với sự cảm động trong tập Desolación, Tala thể hiện sự bình lặng của vũ trụ bao trùm lên vùng đất Nam Mĩ nơi mà hương thơm của nó đến với chúng ta từ mọi phía. Chúng ta lại một lần nữa được ở trong khu vườn tuổi thơ của bà; tôi lại được nghe lại những cuộc đối thoại thân mật với tự nhiên và những sự vật bình thường. Có một sự pha trộn kì lạ giữa thánh ca thiêng liêng với bài hát ngây thơ dành cho trẻ nhỏ, những bài thơ về bánh mì và rượu, muối, ngô và nước – nước có thể dành tặng cho những người đang trong cơn khát – ca tụng những thực phẩm căn bản của cuộc sống loài người!…

Từ bàn tay người mẹ của bà, nhà thơ đã cho chúng ta một đồ uống mang hương vị của trái đất và làm dịu đi cơn khát của con tim. Nó được viết nên từ mùa xuân chạy đuổi theo Sappho trên một hòn đảo Hi Lạp và đuổi theo Gabriela Mistral trong thung lũng Elquis, mùa xuân của thơ ca không khi nào khô cạn.

Thưa Quý bà Gabriela Mistral, bà đã phải trải qua một chuyến đi thật  dài để được đón tiếp bằng một bài diễn văn quá ngắn. Trong những phút giây ngắn ngủi, tôi đã miêu tả cho những người đồng hương của Selma Lagerlửf chuyến du hành đầy ấn tượng của bà từ chiếc ghế của một bà hiệu trưởng tới ngai vàng của một nhà thơ. Ngưỡng mộ nền văn học giàu có của Châu Mỹ Latinh, chúng tôi, hôm nay, xin gửi những tình cảm đặc biệt tới nữ hoàng của nền văn học này, tác giả của Desolación, người đã trở thành ca sĩ vĩ đại hát những khúc u uẩn và ngợi ca tâm hồn người mẹ.

Xin mời bà đón nhận giải thưởng Nobel Văn học, giải thưởng mà Viện Hàn lâm Thụy Điển đã quyết định trao cho bà, từ tay của Đức Vua tôn kính.

Diễn từ(1):

Gabriela Mistral

Ngày hôm nay, Vương quốc Thụy Điển đã hướng tới ca ngợi một đất nước Châu Mỹ Latinh xa xôi qua một trong rất nhiều đại diện văn hóa của nó. Alfred Nobel, với tinh thần quốc tế, chắc hẳn sẽ rất vui khi thấy ý định bảo trợ tài năng của ông được mở rộng sang cả khu vực Châu Mỹ ở bán cầu Nam. Là một người con của nền dân chủ Chile, tôi vô cùng xúc động được tiếp xúc với truyền thống dân chủ Thụy Điển, một truyền thống bắt nguồn từ sự tự đổi mới không ngừng trong khuôn khổ những sáng tạo xã hội có giá trị bậc nhất. Thật đáng khâm phục sự nghiệp của một đất nước biết giải phóng truyền thống của mình khỏi sự xơ cứng, trong khi không làm mất đi những giá trị cũ, biết chấp nhận hiện tại, đồng thời biết dự cảm tương lai. Thụy Điển với chúng tôi là như thế. Những thành công của họ là niềm vinh dự của Châu Âu và là một tấm gương cho Châu Mỹ.

Với tư cách là người con của một dân tộc non trẻ, tôi xin chúc mừng những người tiên phong của tinh thần Thụy Điển, những người đã giúp đỡ tôi không chỉ một lần. Tôi muốn nói đến những nhà khoa học đã làm giàu cho quốc gia cả về vật chất lẫn tinh thần. Tôi nhớ đến rất nhiều giáo sư và thầy giáo, những người đã giới thiệu cho tôi, một người ngoại quốc, những ngôi trường mẫu mực, và tôi tin yêu hết thảy những thành viên khác của dân tộc Thụy Điển: những người nông dân, công nhân và thợ thủ công.

Nhờ hồng phúc may mắn mà lúc này tôi được đại diện cho tiếng nói trực tiếp của các nhà thơ Chile và tiếng nói gián tiếp của các thứ ngôn ngữ cao quý Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Với cả hai tư cách đó, tôi rất sung sướng được mời tới dự một ngày hội của cuộc sống Bắc Âu với nhiều thế kỷ truyền thống văn hóa dân gian và thơ ca.

Cầu Chúa hãy gìn giữ đất nước mẫu mực này, với những di sản, sáng tạo cùng nỗ lực của nó nhằm bảo tồn những giá trị trong kho tàng của quá khứ vượt qua mọi thách thức của hiện tại với ý chí của người miền biển.

Tổ quốc tôi, đất nước Chile hôm nay, đại diện bởi ngài Bộ trưởng uyên bác Gajardo, luôn kính trọng và yêu mến Thụy Điển. Và tôi được cử tới đây để nhận vinh dự đặc biệt mà các bạn đã trao cho Chile. Sự hào hiệp của các bạn, người dân Chile sẽ mãi mãi trân trọng lưu giữ trong kí ức đẹp nhất của mình.

Tác phẩm của Gabriela Mistral:

– Những bài Sonnet cái chết (Sonnetos de la muerte, 1914), thơ, [Sonnets of Death].

– Nỗi tuyệt vọng (Desolación, 1922), thơ, [Despair].

– Dịu dàng (Ternura, 1924), thơ, [Tenderness].

– Hủy diệt (Tala, 1938), thơ.

– Lời nguyền xa (La palabra maldita, 1950), tiểu luận.

– Máy ép (Lagar, 1954), tập thơ.

– Máy ép II (Lagar II, 1991), tập thơ.

* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

– Ý trời (thơ), Quốc Dũng dịch, in trong Thơ tình thế giới, Nxb Hội Nhà văn, 1996.

– Sợ (thơ), Hoàng Minh Châu dịch, in trong Những áng thơ hay, Nxb Văn học, 1999.


Tân Đôn dịch từ bản tiếng Anh

(Nguồn: http://nobelprize.org)


Ghi chú

(1) Do Hjalmar Gullberg, Viện sĩ Viện Hàn lâm Thụy Điển đọc.

(2) G. Mistral đọc trong tiệc chiêu đãi giải thưởng Nobel ngày 10/12/1945 ở Tòa Thị chính Stockholm.

Xem thêm: Rabindranath Tagore, tác giả của những vần thơ tuyệt diệu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây