Guo Xiaolu và mối tình đầy thất vọng với phương Tây

0
724

Guo Xiaolu (Quách Tiểu Lộ) sinh năm 1973 là một tiểu thuyết gia, người viết hồi ký và nhà làm phim người Anh gốc Trung Quốc. Trong cuốn tiểu thuyết mới xuất bản của mình “Tiểu từ điển dành cho những người đang yêu”, bà bộc lộ một cái nhìn sắc sảo về phương Tây.

Guo Xiaolu
Guo Xiaolu (Quách Tiểu Lộ)

Hiếu kỳ và đói là hai từ Guo, nhà văn và biên kịch Trung Quốc, hay dùng trong một buổi toạ đàm ở một rạp chiếu bóng ở Luân Đôn. Bà nói nhanh gấp đôi người khác, rồi sau một tiếng bảo: “Tôi nghĩ thế là đủ rồi” để kết thúc, điều này gây ấn tượng: Bà không muốn mất thời giờ.

Guo năm nay 46 tuổi, quê bà là một ngôi làng nhỏ ở miền nam Trung Quốc. Bà lớn lên ở đó, ngay từ nhỏ đã mê đọc sách: “Tôi đói sách nên đọc nghiến ngấu mọi cuốn sách đến tay mình”. Khi đó thì cha bà, một hoạ sỹ, phải ngồi tù 10 năm. Nay bà ráo hoảnh kể về những chuyện đó, bỏ qua mọi câu hỏi chi tiết, cứ như đó là cuộc sống của một người khác. Bà chỉ bảo: “Tôi sớm hiểu ra rằng, có thể xảy ra bi kịch nếu nghệ thuật kết hợp với chính trị”. “Tiểu từ điển dành cho những người đang yêu” là tiểu thuyết mới ấn hành của Guo bằng tiếng Đức ở Nhà xuất bản Knaus Verlag. Nó kể về về một cô gái Trung Hoa hầu như chưa biết tiếng Anh nên đến Luân Đôn để theo dự một lớp học tiếng. Trong rạp hát, nàng được chàng người Anh 40 tuổi làm quen. Khi chàng hỏi tên nàng, nàng bảo: “Tên em bắt đầu bằng chữ Z, nhưng chàng đừng cố nhớ tên em làm gì vì nó dài và khó phát âm lắm”. Việc sau đó chàng trai chẳng hề cố học gọi đúng tên nàng là dấu hiệu đầu tiên rằng chàng ít muốn quan tâm tới nền văn hoá quê nàng. Tuy vậy nàng vẫn cố cảm nhận ngôi nhà nhỏ của chàng là nhà mình. Nàng trồng rau quê mình trong vườn, học tiếng Anh như “độc thân’ và “lưỡng giới tính”, rồi bắt đầu ngạc nhiên về các quy tắc ứng xử xã hội người Anh. Vì vốn tiếng Anh của nhân vật chính tiểu thuyết của Guo lúc đầu nghèo, nên cuốn truyện cũng bắt đầu với một giọng điệu ngắc ngứ, ít từ và đầy lỗi ngữ pháp. Nhưng ngày tháng trôi qua thì câu cú cũng đầy đặn, giàu cảm xúc hơn, nhưng nàng cũng càng cảm nhận xa cách chàng hơn. Chẳng hạn về việc chàng để nàng ngồi nhà một mình để đi chơi với bạn bè. “Ở Trung Quốc chúng ta chẳng có ý niệm về cá nhân, ta tin vào chủ nghĩa tập thể…”, nàng thầm nhủ, “có lẽ vì vậy ở Trung Quốc mình cũng chưa bao giờ cảm thấy cô đơn”.

Đây là cuốn sách đầu tiên của Guo bằng tiếng Anh, còn bằng tiếng Hoa nữ sĩ đã có nhiều cuốn tuyển tập thơ, bút ký và 2 tiểu thuyết được ấn hành. Nay cuốn “Tiểu từ điển Trung – Anh dành cho những người đang yêu” đã được đề nghị trao giải thường đầy uy tín “Orange Broadband Prize for Fiction”, bản quyền dịch cuốn truyện đã được bán đi cho 22 nước. Thành công rực rỡ nhưng nó cũng mang lại cho nữ sĩ ít nhiều thất vọng. Từ nội tâm, nữ sĩ xác nhận tính kiêu ngạo của người phương Tây, Guo nói, pha chút gay gắt: “Tôi viết 20 năm nay, nhưng để được người phương Tây công nhận, trước hết tôi phải viết bằng tiếng của họ đã”. Tuy nhiên thực ra điều gây nhiều quan tâm ở cuốn truyện không phải là việc chuyển đổi ngôn ngữ, mà ở sự đối chọi giữa các nền văn hoá, cái cách mà Guo mô tả thế giới phương Tây được phản ánh trong mắt nhìn đầy tự tin của người Trung Hoa.

Cuốn “A Concise Chinese-English Dictionary for LoversTiểu từ điển Trung – Anh dành cho những người đang yêu” của Guo Xiaolu

Năm 2002 khi nữ sĩ đến Anh, bà đã khổ luyện học tập và làm việc gần 10 năm ở quê nhà, vì 20 tuổi bà đã vào học ở Viện Điện ảnh Bắc kinh, thoả mãn niềm mơ ước cháy bỏng bấy lâu. Ngày bà đọc Sartres, xem phim của Godard, đêm viết những kịch bản “tầm tầm” để trả chi phí ăn học, bà cũng viết ký sự và kịch bản cho người khác đứng tên vì khi đó ở Trung Quốc kiểm duyệt khắt khe, nhưng bằng cách đó, bà nói lên được tiếng nói của mình. Tất cả điều toả sáng ở Guo là sức tập trung, tính sắc nét ở cách kể của bà. Sức mạnh để thể hiện cái tôi của người nghệ sỹ ở một thể chế tập trung và chuyên chế như Trung Quốc.

Nhưng rồi Guo đi đến điểm dừng, bà không thể tiếp tục được nữa. Bà xin được học bổng đi Anh, muốn được đi đến đỉnh điểm sáng tạo. Ở Luân Đôn chỉ trong vài tuần bà quay cuốn phim “Xa và gần”. Guo tự nhủ: “Bao năm chẳng thành đạt ở Bắc Kinh, thì nay ở đây chỉ cần chốc lát”.

Tuy nhiên cũng ở đây, bà vẫn cả thấy mình là người xa lạ. Bà dị ứng nhất với cái thù ghét giới trí thức mà bà quan sát thấy ở Anh. Có đoạn hay về điều ở tiểu thuyết là chàng kiếm tiền bằng nghề chuyển thư và mệt nhoài về nhà, ngợi khen niềm hạnh phúc của lao động chân tay. Nàng nhìn chàng rồi bảo, nàng chẳng tin vào niềm hạnh phúc của lao động chân tay. Trong chữ Hán, trí thức ghép từ tri thức và phân tử, vậy càng nhiều phân tử tri thức càng tốt, đó là điều ngày nay giới trẻ Trung Quốc phấn đấu. Ở phương Tây Guo không thấy sự hiếu kỳ, sẽ hay hơn nếu họ biết nay Trung Quốc là gì. Olimpic (ý nói Thế vận hội Mùa hè lần thứ 29 tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc) khiến chính phủ Trung Quốc phải cởi mở hơn và cũng là cơ hội đề phương Tây hiểu nước bà hơn, Guo bảo. Lỗi chẳng phải ở bà, bà đã làm 6 phim kể từ khi đến Luân Đôn, rồi mùa đông sắp tới bà sẽ ra thêm tiểu thuyết thứ hai: “UFO in Her Eyes – Người ngoài hành tinh trong mắt nàng”. Guo bảo: “Tôi chẳng cần nhà cửa, chẳng cần làm mẹ, tôi chỉ hạnh phúc nhất khi hoàn thành một cuốn sách”.

Cuốn “UFO in Her Eyes – Người ngoài hành tinh trong mắt nàng” của Guo Xiaolu

Cuốn “Tiểu từ điển dành cho những người đang yêu”, bà coi là món quà dành cho phương Tây, cái thế giới mà bà luôn trở lại để hoàn thành các dự án của mình, nhưng sẽ chẳng trở nên mái ấm mới cho bà.

Trái lại Trung Quốc mới là quê hương bà, bà chẳng bao giờ chối bỏ nó được. Chỉ có nơi đó bão táp mới đến với bà, nó làm bà vương vấn, bất an, giận dữ. Guo bảo: “Khi tôi thấy một người đàn bà khóc trên đường phố, tôi khóc cùng, bởi lẽ tôi thấu hiểu mọi chuyện về bà ta”. Để suy ngẫm và viết, vì vậy từ ít lâu, bà lại về Trung Quốc.

Ngụy Hữu Tâm

Xem thêm:

Pearl Buck, nhà văn Mỹ chuyên viết về đất nước Trung Hoa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây