Henrik Pontoppidan (24/7/1857 – 21/8/1943) là một trong những nhà văn hiện thực chủ nghĩa xuất sắc nhất của Đan Mạch với ngòi bút mô tả chân thực đời sống Đan Mạch hiện đại. Toàn bộ sáng tác của ông – thể hiện cuộc đấu tranh chống lại những ảo tưởng dối trá và phản trắc, chống lại quyền uy giả tạo, chủ nghĩa lãng mạn, niềm tin không suy xét vào những ngôn từ hoa mĩ, và thói ươn hèn của nhân cách. Ông được trao giải Nobel Văn Học năm 1917, cùng năm với Karl Gjellerup, nhà văn người Đan Mạch sáng tác bằng tiếng Đức

Tiểu sử Henrik Pontoppidan
Henrik Pontoppidan là con thứ tư trong gia đình có 16 người con của một mục sư sống ở bán đảo Jutland. Từ nhỏ, ông chịu ảnh hưởng của mẹ, một phụ nữ có học thức, có tinh thần dân chủ. Những năm 1874-1877, ông học kĩ sư ở Học viện kĩ thuật Copenhagen nhưng bỏ dở để sang Thụy Sĩ (gặp mối tình đầu ở đây) và bắt đầu làm báo, viết văn. Năm 1897, ông trở thành giáo viên ở một trường làng, quan tâm đến cuộc sống người nghèo, đọc nhiều sách, nghiên cứu triết học. Năm 1881, H. Portoppidan in truyện ngắn Hết đời (Et endelight) và xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình Những chiếc cánh bị xén (Stækkede Vinger). Từ đó, ông bắt đầu sự nghiệp của một đại diện xuất sắc trong nền văn học hiện thực phê phán Đan Mạch. Các tác phẩm của H. Pontoppidan đi sâu phân tích mạch tâm lí xã hội, đưa ra những cái nhìn chân xác về đời sống xã hội và chính trị của tầng lớp nông dân Đan Mạch. Bộ ba Miền đất hứa (Det forjættede Land: 1891-1895) và tiểu thuyết 8 tập Per số đỏ (Lykke-Per :1898-1904), được coi là những tác phẩm lớn nhất của ông, đều phản ánh đời sống buồn tẻ ở nông thôn và thủ đô Đan Mạch cuối thế kỷ XIX. Tác phẩm lớn thứ ba của H. Pontoppidan là tiểu thuyết 5 tập Thế giới những người chết (De Dødes Rige:1912-1916). Tác phẩm của H. Pontoppidan nhìn chung có không khí lạc quan nhưng không tránh khỏi sắc thái u ám tiêu biểu cho truyền thống tiểu thuyết của đất nước Đan Mạch.
Ông được trao Giải Nobel vào năm 1917 cùng với người đồng hương – nhà văn Karl Adolph Gjellerup. Vì chiến tranh, lễ trao giải không được tổ chức và H. Pontoppidan không đọc diễn từ. Những năm tiếp theo, trong số tác phẩm đáng chú ý của H. Pontoppidan có bộ hồi kí khá đồ sộ gồm 5 tập được viết trong 10 năm từ 1933 đến lúc qua đời: Những năm niên thiếu (Drengeaar:1933), Thay da (Hamskifte:1936), Tài sản và nợ nần (Arv og Gæld:1938), Cuộc sống gia đình (Familjeliv:1940), Trên đường tới chính mình (Undervejs Til Mig Selv:1943). Từ năm 1910, ông không rời khỏi nơi ở của mình tại ngoại ô Copenhagen và mất ở tuổi 86. Mặc dù không nổi tiếng lắm ở nước ngoài nhưng H. Pontoppidan vẫn được đánh giá là một trong những nhà văn lớn nhất của đất nước Đan Mạch.
Đánh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển(1)
Henrik Pontoppidan thuộc thế hệ các nhà văn theo sát cuộc “phục hưng hiện đại” của văn chương Đan Mạch từ sau năm 1870, thế hệ mà các nhân vật tiêu biểu nhất là Georg Brandes, Holger Drachmann và J.P. Jacobsen. Với tư cách nhà văn, lĩnh vực chính của ông là truyện vừa. Với tư cách người quan sát bản tính con người, với tư cách sử gia về đời sống đạo đức của thời đại mình, ông chắc chắn nằm ở hàng đầu các tiểu thuyết gia Đan Mạch đương đại. Henrik Pontoppidan sinh ở Jutland năm 1857. Cha của ông là một mục sư Tin lành có những ý tưởng chịu ít nhiều ảnh hưởng từ học thuyết Grundtvig. Ông học trường bách khoa. Về sau, ông giảng dạy ở trường trung học, song chẳng bao lâu ông từ bỏ mọi nghề khác để chuyên tâm sáng tác. Cuốn sách đầu tay của ông, Staekkede vinger (Những chiếc cánh bị xén) xuất hiện năm 1881; từ đó trở đi ông đã xuất bản nhiều cuốn sách, trong đó có những tác phẩm có giá trị lớn và lâu dài. Trong thời tuổi trẻ, ông đã có những trải nghiệm cay đắng về tính cách và đời sống Đan Mạch, những trải nghiệm ắt hẳn đã có ảnh hưởng quyết định đến văn nghiệp của ông. Toàn bộ sáng tác của ông là một cuộc đấu tranh chống lại cái mà với ông dường như là những ảo tưởng lừa dối và phản phúc, uy quyền giả tạo, chủ nghĩa lãng mạn, niềm tin mù quáng vào những câu đẹp đẽ, sự say mê những lời cao đạo, những cảm xúc khoa trương và nỗi sợ mang tính đạo đức. Nói ngắn gọn, theo phán xét của ông, đó chính là “quá trình sa đọa trữ tình” mà qua đó xã hội Cựu Thế giới đang dấn đến nơi nguy hiểm.
Như vậy trong Sandinge menighed (1883) (Trong xứ đạo Sandinge), ông chê trách những sự giả dối trong hệ thống giáo dục bậc cao; trong Skyer (1890) (Mây), ông phê phán nhà chính trị cánh tả Đan Mạch với những lời khoa trương sáo rỗng dưới những đạo luật lâm thời của Estrup; trong Den gamle Adam (1894) (Adam già nua) và Højsang (1896) (Bài ca tuyệt diệu), ông phô bày sự đam mê của tưởng tượng tình ái và những tình cảm cao thượng; trong Natur (1890), ông mỉa mai sự đề cao thiên nhiên thái quá. Mimoser (1886) [Hoa mimosa] cổ súy một lý thuyết hoàn toàn đối lập với ý tưởng từng thống trị từ khi được Bj#rnson bảo vệ trong En hanske [tạm dịch: Găng tay sắt, The Gauntlet], ý tưởng đòi con người phải tinh khiết và chung thủy trong quan hệ tính dục. Tác phẩm Det ideale hjem (1900) (Ngôi nhà lý tưởng) nhằm bảo vệ chế độ mẫu quyền chống lại hôn nhân. Nattevagt (1894) (Trực đêm) và vở kịch Asgaardsrejen (1906) (Cuộc săn dữ dội) nhằm công kích nghệ thuật hiện đại và thơ trữ tình vốn chỉ là đối tượng của sự xa hoa. Pontoppidan đem thiên nhiên được phát triển tự do đối lập với thứ nghệ thuật thiếu máu, kẻ thù của sự sống. Ông bày tỏ một sự cảm thông nồng nhiệt đặc biệt với cuộc đấu tranh xã hội và đấu tranh cách mạng cũng như cho những ý tưởng của chủ nghĩa thực chứng duy lý. Tuy nhiên, ông không bao giờ phát ngôn nhân danh chính mình; các nhân vật mà ông đặt lên sân khấu phát ngôn cho chính họ, song tinh thần các tác phẩm của ông là tinh thần cách mạng. Tuy nhiên, điều thú vị là chính ông được nuôi dưỡng nhờ “thứ sữa ôi của chủ nghĩa lãng mạn” và ông là một nhà trữ tình dẫu tinh thần của ông là hiện thực, một sự mâu thuẫn sâu xa cho phép ông che phủ thực tại bằng những tấm màn lãng mạn đồng thời lại xói mòn chủ nghĩa lãng mạn bằng cách mỉa mai.
Các kiệt tác của Pontoppidan là tiểu thuyết ba tập Det forjaettede land (1891-1895) (Miền đất hứa) và tiểu thuyết Lykke-Per (Peter số đỏ) ban đầu được xuất bản thành tám tập (1898-1904) nhưng về sau (1905) được nén lại – hai tác phẩm kỳ vĩ cho ta một bức tranh tổng thể về đời sống tinh thần của Đan Mạch sau năm 1860. Cuốn đầu trong các tiểu thuyết này, một bức tranh rộng lớn về đời sống nông thôn, khắc họa sự đối lập giữa dân quê với dân thành thị. Nó cho thấy ngay cả những nỗ lực nhiệt thành nhất hòng thống nhất hai giai cấp đó cầm chắc là sẽ thất bại. Nhân vật chính, một mục sư theo lý tưởng chủ nghĩa vốn là dân Copenhagen, hành động theo một cảm thức mạnh mẽ về nghĩa vụ, muốn sống với những người nông dân hầu đưa họ thoát khỏi tình cảnh của họ nhưng ông lại thấy mình bị lừa dối trong niềm tin vào con người cũng như sứ mệnh mục sư của mình và khả năng thích ứng cái sứ mệnh đó với đời sống và hành động hàng ngày. Kết cục, ông trở thành một nhà thấu thị mất cân bằng. Ngược lại, Lykke-Per là một người trẻ tuổi tỉnh lẻ, một kỹ sư quyết tâm giành hạnh phúc ở thủ đô. Ngược lại với ông mục sư trong Miền đất hứa, chàng là người chỉ quan tâm đến thực tại tích cực; chàng ghét bất cứ cái gì mang tính tôn giáo, siêu hình hay mỹ học. Chàng hành xử như một con người đầy năng lượng, không gì có thể ngăn chàng quyết tâm thực hiện các kế hoạch táo bạo của chàng. Nhưng chàng cũng thiếu khả năng chế ngự chính mình vốn là điều kiện cần thiết để có một linh hồn tự do và chàng trở thành nạn nhân cho cái chủ nghĩa lãng mạn Công giáo mà chàng mang trong máu và chính là cái chàng khinh miệt. Điều đáng lưu ý trong cuốn sách này là sự phơi bày điêu luyện những khác biệt cốt tủy giữa các ý niệm Do Thái giáo với các ý niệm Giécmanh. Một bộ tiểu thuyết thứ ba, De Dødes rige (1912-1916) (Thế giới những người chết), mà những phần cuối được hoàn tất trong thời gian Thế chiến, cũng cho ta một loạt bức tranh về Đan Mạch vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Chủ đề của nó là nỗ lực bất hạnh của một chính trị gia cấp tiến hòng đánh thức “một dân tộc đang say ngủ”. Nó bao hàm những mô tả thú vị về xã hội và những chân dung sống động (dựa trên những hình mẫu có thực), song nhìn chung tác phẩm này không thể sánh với các tác phẩm chủ chốt của giai đoạn trước.
Henrik Pontoppidan từng được gọi là nhà kinh điển của chủ nghĩa hiện thực Đan Mạch mới. Ông viết một thứ văn xao xuyến và mềm mại có cái tiết tấu ôn hòa, đều đặn khi ta hít thở một cách lành mạnh. Ông kể chuyện một cách giản dị dễ dàng mà không phải hoài công tìm những ngôn từ bóng bẩy nhưng ông có cái thiên khiếu hiếm có là biểu đạt thực tại một cách rõ ràng và sống động. Ta thấy toàn bộ nước Đan Mạch trong tác phẩm của ông: Jutland, những hòn đảo và thủ đô; thành phố thương mại và vùng quê với những trang viên, xứ đạo, trường học và quán rượu. Ta cảm thấy tác giả thực sự sống với những gì ông viết. Hơn thế nữa, miền quê không được khắc họa vì chính nó mà vì những con người sống ở đó; nó chỉ có giá trị bởi nó là điều kiện sinh tồn của con người. Đối tượng chủ yếu của Pontoppidan là con người và số phận con người và khi mô tả số phận con người một cách khách quan, ông phát lộ chính mình như một nghệ sĩ vô song. Ông hiểu biết về các giai cấp khác nhau của người Đan Mạch; ông thực sự biết ngôn ngữ của họ, thói quen và tính khí của họ. Ông thành thạo việc khắc họa nổi bật chân dung các nhân vật của mình nhưng ông cũng biết làm cách nào mang lại cho các nhân vật đó một đời sống nội tâm sâu sắc thể hiện nhân cách họ. Khi đọc tác phẩm của ông, ta nhớ rất nhiều nhân vật có cá tính nổi bật và hoàn cảnh tồn tại của họ. Đó là một đại lộ rộng lớn vắt qua đời sống Đan Mạch trong vài thập kỷ. Đặc biệt là trong hai tác phẩm trung tâm, có những mô tả và nhân vật đáng khâm phục, đời sống cảm xúc của họ được khắc họa trong những trạng huống tâm lý chuyển biến và trong những khung cảnh tuyệt đẹp. Mọi chi tiết đều xuất hiện nhưng các phần khác nhau của mỗi tiểu thuyết và các chi tiết của nó được kết hợp vào nhau nhuần nhuyễn để tạo thành một tác phẩm chung thống nhất. Henrik Pontoppidan là một tác giả sử thi có phạm vi rộng lớn, người mà, trong một nỗ lực lớn lao, muốn đạt tới một tác phẩm có chiều kích kỳ vĩ.
Tác phẩm của Henrik Pontoppidan
– Hết đời (Et endelight, 1881), truyện ngắn.
– Những chiếc cánh bị xén (Stalkede vinger, 1881).
– Những bức tranh cuộc sống nông thôn (Landsbybilleder, 1883), tập truyện ngắn.
– Trong xứ đạo Sandinge (Sandinge menighed, 1883), tiểu thuyết.
– Tình yêu chớm nở (Ung elskov, 1885) [Young Love].
– Trong những túp lều (Fra hytterne, 1887), tập truyện ngắn [From the Cottages].
– Mây (Skyer, 1890), tập truyện ngắn.
– Miền đất hứa (Det forjættede Land , 1891-1895), tiểu thuyết bộ ba [The Promised Land].
– Minder (1893), hồi kí [Memoirs].
– Adam già nua (Den gamle Adam, 1894) [The Old Adam].
– Trực đêm (Nattevagt, 1894), tiểu thuyết.
– Ngày phán quyết (Day of judgment, 1895), tiểu thuyết.
– Những đứa con của đất (Children of the Soil, 1896), tiểu thuyết.
– Bài ca tuyệt diệu (Højsang, 1896), tiểu thuyết [Song of Song].
– Per số đỏ (Lykke-Per, 1898-1904), tiểu thuyết [Lucky Peter].
– Thiếu tá Hoeck và vợ (Borrgmester Hoeck og hustru, 1905) [Mayor Hoeck and Wife].
– Hans Kvast và Melusine (Hans Kvast og Melusine, 1907) [Hans Kvast and Melusine].
– Vị khách dòng dõi hoàng gia (Den kongelige gaest, 1908) [The Royal Guest].
– Thế giới những người chết (De Dødes rige, 1912-1916), tiểu thuyết [The Kingdom of the Dead].
– Thiên đường của con người (Mands himmerig, 1927), tiểu thuyết [Man’s Heaven].
– Những năm niên thiếu (Drengeaar, 1933), hồi kí.
– Thay da (Hamskifte, 1936), hồi kí.
– Tài sản và nợ nần (Arreog goeld, 1938), hồi kí.
– Cuộc sống gia đình (Familie liv, 1940), hồi kí.
– Trên đường tới chính mình (Un dervejs til mig selv, 1943), bút kí.
Trần Tiễn Cao Đăng dịch từ bản tiếng Anh
(Nguồn: http://nobelprize.org)
Ghi chú:
(1) Do Sven Suderman, nhà phê bình văn học của Thụy Điển đọc.