Henryk Sienkiewicz – Nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử lỗi lạc

0
1081

Henryk Sienkiewicz (5/5/1846 – 15/11/1916) nhà văn Ba Lan được giải Nobel Văn học 1905 nhờ các đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực tiểu thuyết sử thi. Toàn bộ sáng tác của ông hết sức phong phú và sâu sắc, kĩ lưỡng. Các tiểu thuyết Trận hồng thủy, Ngài Wolodyjowski, Bằng lửa và gươm và Quo Vadis đã củng cố vững chắc uy tín của H. Sienkiewicz – một nhà văn lỗi lạc của thế giới trong thể loại tiểu thuyết lịch sử.

Xem thêm: Theodor Mommsen, nhà Sử học được giải Nobel văn học

Henryk Sienkiewicz
Henryk Sienkiewicz (5/5/1846 – 15/11/1916)

Đôi nét về cuộc đời Henryk Sienkiewicz

Henryk Adam Aleksander Pius Sienkiewicz là con trai một địa chủ quý tộc nghèo sống ở nông thôn. Đến tuổi đi học, do ảnh hưởng của các biến động trong nền kinh tế, gia đình chuyển về Warszawa. Sau một thời gian đi dạy tư, năm 1866 ông vào trường Đại học Tổng hợp Warszawa, lúc đầu học luật và y khoa, sau chuyển sang văn và sử. Năm 1871, vì không đủ sống ông buộc phải bỏ dạy học đi làm báo; H. Sienkiewicz bắt đầu gây được sự chú ý với tiểu thuyết viết từ thời sinh viên Phí hoài (1871) và các truyện ngắn Người đầy tớ già (1875), Hania (1876), đồng thời ông cũng trở thành một nhà báo được thừa nhận tài năng.

Năm 1876, tờ Báo Ba Lan (Gazeta Polska) cấp tiền cho H. Sienkiewicz đi Mĩ với điều kiện đổi lại là ông phải viết một loạt bài về nước này; ở đây ông tham gia vào những thử nghiệm xây dựng trại Xã hội chủ nghĩa không thành ở Anahaim (gần Los Angeles). Từ 1878, ông trở về Châu Âu, đi nhiều nước, viết báo, viết văn và diễn thuyết. Năm 1879, H. Sienkiewicz trở thành chủ bút một tờ nhật báo mới ở Ba Lan; ba lần lấy vợ; vợ đầu có hai con nhưng chết sớm.

Sau khi về Ba Lan, H. Sienkiewicz bắt đầu sáng tác những tác phẩm dài hơi và trở nên nổi tiếng với bộ ba tiểu thuyết Trận hồng thủy, Ngài Wolodyjowski, Bằng lửa và gươm – viết về các sự kiện diễn ra hồi thế kỷ XVII trong thời gian chiến tranh của người Ba Lan với người Cazac, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kì. Sau đó, H. Sienkiewicz viết hai tiểu thuyết về cuộc sống hiện đại là Không chút giáo điều Gia đình Polaniecki; còn vào những năm 1895-1896, tiểu thuyết Quo Vadis nói về cuộc sống dưới triều đại của hoàng đế Nero thời cổ La Mã đã mang lại danh tiếng thế giới cho ông. (Ngay sau đó cuốn tiểu thuyết đã được chuyển thể và dựng thành phim ở Pháp và Italia).

Năm 1900, H. Sienkiewicz được những người hâm mộ quyên tiền đủ để mua một trang trại nhỏ và tổ chức sinh nhật rầm rộ. Năm 1905, ông được trao Giải Nobel vì những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử, mà cụ thể là tiểu thuyết Quo Vadis(1) viết về cuộc đấu tranh của những người Thiên Chúa giáo với bạo chúa Nero. Viện Hàn lâm Thụy Điển đánh giá ông là “một trong những thiên tài hiếm hoi thể hiện được tinh thần dân tộc… Sáng tác của H. Sienkiewicz vừa có tầm bao quát rộng vừa được suy tính kĩ lưỡng, văn phong sử thi đạt đến độ hoàn thiện nghệ thuật”.

Khi Thế chiến I nổ ra, H. Sienkiewicz rời quê sang sống ở nước Thụy Sĩ trung lập, làm việc trong tổ chức Hồng thập tự Ba Lan. Năm 1916 ông mất ở Vevey, tám năm sau thi hài của ông được chuyển về Warszawa và an táng trong nhà thờ Thánh Jan.

Các tác phẩm của H. Sienkiewicz

– Hiến sinh (Ofiara), bản thảo đầu tay, đã bị thất lạc.

– Phí hoài (Namarne, 1871), tiểu thuyết.

– Tiểu phẩm hài trong cặp Worszylly (Humoreski z teki Worszylly, 1872), tập truyện.

– Người đầy tớ già (Stary sluga, 1875), truyện ngắn.

– Hania (1876), truyện vừa.

– Phác thảo bằng than (Szkice weglem, 1877), truyện ngắn.

Nhạc sĩ Janko (Janko muzykant, 1879), truyện ngắn.

– Thiên thần (Jamiol, 1880), truyện ngắn.

– Kiếm bánh mì (Za chlebem, 1880), truyện ngắn.

– Nhà tù Tartar (Niewola tatarska, 1880), tiểu thuyết.

– Người gác đèn biển (Latarnik, 1882), truyện ngắn [The Lighthouse Keeper].

– Những bức thư trên đường sang Mĩ (Listy z podrozy do Ameryki, 1882), tập phóng sự.

– Bartex – người chiến thắng (Bartex – z wyciezca, 1882), truyện vừa.

– Sachem (1883), truyện ngắn.

– Bằng lửa và gươm (Ogniem i mieczem, 1884), tiểu thuyết [With Fire and Sword].

– Trận hồng thủy Potop, 1886), tiểu thuyết [The Deluge].

– Ngài Wolodyjowski (Pan Wolodyjowski, 1888-89), tiểu thuyết [Pan Michael].

– Hiệp sĩ Thập Tự(2) (Krzyzacy, 1900), tiểu thuyết.

– Không giáo điều (Bez dogmatu, 1890), tiểu thuyết [Without dogma].

– Chúng ta hãy theo bước anh (Pojdzmy za nim, 1892), truyện ngắn.

– Quo Vadis (1895-1896), tiểu thuyết.

Những đứa con của đất (Rodzina Polanieckich,1894), tiểu thuyết [Children of the Soil].

– Gia đình Polaniecki (Rodzina Polaniekich, 1895), tiểu thuyết.

– Trên trường vinh quang (Na polu chwaly, 1906), tiểu thuyết [On the field of glory].

– Vòng xoáy (Wiry, 1910), tiểu thuyết [Whirlpools].

– Trên sa mạc và trong rừng thẳm (W pustyni w puszczy, 1912), tiểu thuyết [In desert and wilderness].

– Những đội quân lê dương (Legiony, 1914), tiểu thuyết (chưa hoàn thành).

* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

– Quo Vadis (tiểu thuyết, 2 tập), Nguyễn Hữu Dũng dịch, Nxb Văn học, 1985 (tập 1), 1986 (tập 2); tái bản 1999, 2003, 2004… 2009.

 

 

 – Hania, Nguyễn Hữu Dũng dịch, Nxb Văn học, 1986.

– Trên bờ biển sáng (tập truyện ngắn), Nguyễn Hữu Dũng – Lê Bá Thự dịch, Nxb Văn học, 1989; 2000.

– Chú bé nhạc sĩ (nguyên tác: Janko muzykant, tập truyện), Từ Đức Hòa dịch, NXB Phụ Nữ, 1988.

– Trên sa mạc và trong rừng thẳm, Nguyễn Hữu Dũng dịch, Nxb Kim Đồng, 1988 (in lần 2); Nxb Văn học, 2000; 2002; 2003.

 

– Nàng thứ ba (tập truyện ngắn), Lê Bá Thự dịch, Nxb Văn học, 2004.

– Người gác đèn biển, Nguyễn Hữu Dũng dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt Giải Nobel, Nxb Văn học, 1997.

– Nhạc công đại phong cầm ở làng Ponikla, Chiêm bao, Những nhầm lẫn khôi hài, ở xứ vàng, Nàng thứ ba, Lê Bá Thự dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt Giải Nobel, NXB Văn Học, 1999.

– Người gác đèn biển, Lê Bá Thự dịch; Đioklex, Nguyễn Hữu Dũng dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt Giải Nobel, Nxb Hội Nhà văn, 2004; Truyện ngắn đặc sắc các tác giả được giải thưởng Nobel, Nxb Văn học, 2004.

Hiệp sĩ Thánh Chiến (tiểu thuyết) Nguyễn Hữu Dũng dịch (sắp xuất bản).

Lời tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển(3)

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển – Wikipedia tiếng Việt

Khi kho tàng văn chương của một dân tộc nào đó dồi dào và vô tận thì sự tồn tại của dân tộc đó được đảm bảo, bởi lẽ hoa trái của sự văn minh không thể mọc trên mảnh đất khô cằn. Nhưng ở mọi quốc gia, chỉ có một số ít thiên tài hội tụ được trong mình tinh thần của dân tộc họ và tượng trưng cho bản sắc dân tộc mình ra thế giới. Mặc dù họ nuôi dưỡng những kỉ niệm về quá khứ của dân tộc song họ làm như vậy chỉ cốt để củng cố niềm hi vọng về tương lai. Cảm hứng của họ bắt rễ sâu trong quá khứ, giống như cây sồi Baublis trên sa mạc Litva, với những cành cây đã bị gió bão của năm tháng bẻ cong. Một trong những đại diện cho văn chương và văn hóa trí thức của cả một dân tộc như vậy là người mà năm nay Viện Hàn lâm Thụy Điển trao Giải Nobel cho ông. Ông đang có mặt tại đây, và tên ông chính là Henryk Sienkiewicz.

Ông sinh năm 1846. Tác phẩm ông viết khi còn trẻ, Những phác thảo bằng than (Szkice węglem, 1877) toát lên sự cảm thông sâu sắc và tinh tế đối với những người bị áp bức và bị tước quyền thừa kế trong xã hội. Trong số những tác phẩm đầu tay khác của ông, ta còn đặc biệt nhớ đến câu chuyện cảm động vNhạc sĩ Janko (Janko muzykant, 1879) và bức chân dung rực rỡ của Người gác đèn biển (Latarnik, 1882). Cuốn tiểu thuyết Nhà tù Tartar (Niewola tatarska, 1880) mang một phong cách mà sau này xuất hiện trong các cuốn tiểu thuyết lịch sử của ông, trong đó ông vẫn chưa thể hiện hết khả năng của mình đến tận khi tác phẩm bộ ba nổi tiếng của ông ra đời: Bằng lửa và gươm (Ogniem i mieczem, 1884), Trận hồng thủy (Potop, 1886-87) và cuối cùng là Pan Wolodyjowski (1888-89). Quyển thứ nhất Trận hồng thủy miêu tả sự nổi dậy của người Cazak với sự hậu thuẫn của người Tartar vào năm 1648-49, quyển thứ hai đề cập tới cuộc chiến tranh của người Ba Lan chống lại vua Thụy Điển Charles Gustave, và quyển thứ ba nói về cuộc chiến chống lại người Thổ Nhĩ Kì. Trong cuộc chiến này, pháo đài Kamieniec bị chiếm sau khi đã chống trả đầy quả cảm. Cao trào của truyện Bằng lửa và gươm là đoạn miêu tả cuộc vây hãm Sbaraz và về cuộc đấu tranh nội tâm của con người cứng nhắc Jeremi Wisniowiecki. Ông giằng co với chính mình, liệu ông đường đường là một vị tướng tài ba nhất có tự cho mình quyền chiếm vị trí chỉ huy tối cao hay không. Cuộc đấu tranh lương tâm chấm dứt khi vị anh hùng chiến thắng chính tham vọng của mình. Nhân đây, chúng ta hãy nhắc lại rằng trong tác phẩm bộ ba của mình nhà văn đã miêu tả ba cuộc vây hãm, một của Sbaraz, một của Czestochowa và cuối cùng là của Kamieniec, mà không hề lặp lại chính mình trong cách xử lí chủ đề. Trong tác phẩm Trận hồng thủy có rất nhiều cảnh sinh động còn đọng mãi trong trí nhớ người đọc. Anh chàng Kamicia, ở đầu cuốn tiểu thuyết, không hơn gì một kẻ sống ngoài vòng pháp luật, bị xúi bẩy chống lại nhà vua. Nhờ tình yêu đối với một người đàn bà quý phái, anh ta đã lấy lại được sự kính trọng đã đánh mất và lập được những chiến công rạng rỡ khi phụng sự pháp luật. Olenka, một trong những nhân vật nữ xinh đẹp của Henryk Sienkiewicz, đắm chìm trong niềm tin tôn giáo, lối sống khắc khổ thanh cao, lòng yêu nước đầy thành kính của mình. Thậm chí những nhân vật phản diện trong tác phẩm của nhà văn cũng rất thú vị. Có chân dung một nhân vật rầu rĩ và tài giỏi, hoàng tử Janusz Radziwill, người đã cầm vũ khí chống lại chính đất nước mình, và trong một bữa tiệc chàng cố gắng lôi kéo quân lính của mình phản bội lại Ba Lan. Hình tượng kẻ phản bội cũng mang những vẻ đẹp riêng của mình, và một nhà phê bình người Anh đã hướng sự chú ý của mọi người đến nét tinh tế về tâm lí mà với nó Henryk Sienkiewicz cho chúng ta thấy sự giằng xé lương tâm của vị hoàng tử, người cố tình lừa dối bản thân mình rằng cuộc nổi loạn của chàng là phục vụ cho đại nghiệp của Ba Lan. Không đủ sức để kiên gan theo đuổi sự mù quáng tình nguyện này, chàng hoàng tử đã chết vì nỗi hối hận bị đè nén trong tuyệt vọng. Thậm chí bên trong vị hoàng tử phóng đãng và bất tín Boguslaw vẫn có những nét hấp dẫn của lòng can đảm, thái độ tao nhã và tính hồn nhiên. Henryk Sienkiewicz hiểu về con người quá rõ nên không thể thể hiện họ một cách thuần túy là trắng hay đen. Một nét nổi bật khác là thái độ của Henryk Sienkiewicz không bao giờ nhắm mắt trước những lỗi lầm của những người đồng hương. Ông bóc trần họ một cách không thương tiếc, trong khi đó lại đưa ra một cách nhìn nhận công bằng về khả năng và lòng dũng cảm của những kẻ thù của Ba Lan. Như những nhà tiên tri xưa của Israel, nhà văn kể lại cho nhân dân mình những sự thật phũ phàng. Do đó, trong bối cảnh lịch sử hào hùng này, ông lên án lòng khao khát tự do cá nhân quá khích của người Ba Lan, điều thường dẫn đến sự phân tán năng lực và làm cho họ không thể hi sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Ông phê phán những người quý tộc vì các cuộc tranh cãi và sự thiếu thiện chí của họ trong việc thích nghi bản thân với những nhu cầu chính đáng của quốc gia. Nhưng Sienkiewicz luôn là một người ái quốc, người chắc chắn biết cách tôn vinh các hiệp sĩ hào hoa dũng cảm của dân tộc Ba Lan, người chỉ ra vai trò quan trọng của Ba Lan, quốc gia đã từng là bức tường thành của những người Thiên Chúa giáo chống lại người Thổ Nhĩ Kì và người Tartar. Quan điểm khách quan là một bằng chứng thuyết phục nhất về sự thông thái của trí tuệ Sienkiewicz và những hiểu biết của ông về lịch sử. Như một công dân Ba Lan chân chính, ông phải phản đối cuộc tấn công của Charles Gustave chống lại Ba Lan, tuy nhiên ông vẫn đưa ra những hình tượng sáng ngời về lòng dũng cảm của nhà vua, kỉ luật và sự đoàn kết tuyệt vời của quân lính Thụy Điển.

Người ta thường nói rằng Pan Wolodyjowski là tác phẩm non yếu nhất trong bộ ba này. Chúng tôi thấy thật khó tán thành ý kiến đó. Người ta chỉ cần nhớ tới lí do cảm động mà người vợ của Wolodyjowski trốn thoát khỏi tay Tartar Azya xảo trá – kẻ hội tụ những đặc tính của cả rắn và sư tử; hoặc bức chân dung đáng ngưỡng mộ của nàng Basia xinh đẹp, vợ của một người lính dũng cảm, là sự kết hợp nét duyên dáng với sự hồn hậu và lòng quả cảm. Tác phẩm cuối cùng của bộ ba tiểu thuyết đặc biệt giàu chất thanh lịch và nhân bản thuần khiết, như được thể hiện trong buổi tiễn biệt đẹp đẽ và uy nghi giữa nàng Basia và Wolodyjowski, người sắp sửa bị thổi tung cùng với pháo đài của mình. Trong khi quân Thổ Nhĩ Kì đang trên đà chiến thắng vây quanh pháo đài Kamieniec, khi tất cả các biện pháp cứu nguy đã trở nên vô hiệu và thảm họa sắp xảy ra, hai vợ chồng đã đoàn tụ trong một đêm tháng Tám ở một góc cổng thành, chàng an ủi và nhắc lại họ đã từng dành cho nhau biết bao hạnh phúc và cái chết đơn thuần chỉ là một sự chuyển tiếp mà thôi. Người bắt đầu trước cuộc hành trình sang thế giới bên kia chỉ là để chuẩn bị đường đón người kia. Chương này rất hay, làm say mê lòng người. Mặc dù không ủy mị, nhưng nó chứa đựng một kho tàng những cảm giác thuần khiết và chân thực khiến người đọc khó tránh khỏi xúc động. Tang lễ của Wolodyjowski được miêu tả không kém phần trang trọng mặc dù theo một phong cách khác. Dưới chân quan tài Basia, trải dài trên nền gạch nhà thờ là sự thương tiếc bao trùm. Vị tu sĩ rung vòng lục lạc như thể đang đưa một tín hiệu báo động và cổ vũ vị anh hùng đã khuất thức dậy từ nhà táng và chiến đấu với kẻ thù như trước kia. Tiếp đó, kìm nén nỗi đau thương khôn cùng, vị tu sĩ ca ngợi sự dũng cảm và đức hạnh của người đã khuất và cầu Chúa đem đến một anh hùng đấu tranh vì tự do trong thời kì vô cùng nguy hiểm của đất nước. Đúng lúc đó, Sobieski đi vào nhà thờ. Mọi con mắt đều đổ dồn vào ông. Ngỡ ngàng bởi hiệu nghiệm của lời tiên tri, vị tu sĩ kêu to “Đấng cứu thế” và Sobieski qùi sụp xuống bên linh cữu của Wolodyjowski.

Những trang miêu tả trong tác phẩm rất xuất sắc bởi tính xác thực lịch sử của chúng. Nhờ những nghiên cứu sâu rộng và hiểu biết thông tuệ của Sienkiewicz về lịch sử, nhân vật của ông nói năng và hành động theo đúng phong cách của thời kì đó. Một điều quan trọng là trong số nhiều người đề cử Henryk Sienkiewicz cho Giải Nobel, có những nhà sử học lỗi lạc.

Tác phẩm bộ ba này có rất nhiều trang tả cảnh thiên nhiên đáng ngưỡng mộ trong sự tinh khiết của nó. Liệu có thể tìm thấy ở đâu những đoạn miêu tả cực ngắn nhưng khó quên giống như trong Bằng lửa và gươm về thảo nguyên khi được mùa xuân đánh thức, khi những bông hoa vươn dậy từ đất đen, côn trùng bay vo ve, ngỗng trời lướt qua, chim chóc đua hót, những con ngựa hoang bờm bồng bềnh và cánh mũi nở rộng phi như những cơn lốc trước khung cảnh đội kị binh hành quân qua?

Một đặc điểm đáng ghi nhận khác của bộ ba vĩ đại này là tính hài hước của nó. Vị hiệp sĩ nhỏ bé Wolodyjowski được xây dựng với bao khí chất đáng ngợi ca, nhưng bức chân dung của nhà quý tộc vui vẻ Zagloba có lẽ còn khắc sâu vào trong tâm trí chúng ta hơn thế. Tính khí kiêu căng, cái yên ngựa, và sở thích của ông đối với rượu vang gợi lại cho chúng ta hình ảnh nhân vật hài Falstaff của Shakespeare, nhưng đó là những điểm chung duy nhất của họ. Trong khi Falstaff có tính cách phóng đãng và đáng nghi thì Zagloba lại có một trái tim bằng vàng; Falstaff chung thủy với bạn bè trong những lúc nguy khốn, còn Zagloba giả đò là một người điềm đạm, một thày tu tốt, nhưng trên thực tế lại nghiện những khoái lạc trần tục, rất thích rượu vang và tuyên bố rằng chỉ những kẻ phản bội mới từ chối rượu bởi chúng sợ nói ra những điều bí mật khi say – điều làm ông ta đặc biệt ghét người Thổ Nhĩ Kì là họ không uống rượu vang. Zagloba lại là một người ưa những chuyện ngồi lê đôi mách – một phẩm chất mà ông ta cho là cần thiết trong mùa đông nếu không thì lưỡi có thể đông cứng và sẽ làm người ta bị câm. Ông ta khoe những đồ trang trí trận mạc và huênh hoang về những chiến công mà ông ta chưa từng tham dự. Trên thực tế, lòng dũng cảm của ông ta – cái mà ông ta có – lại ở chuyện khác. Ông ta run rẩy trước mỗi thử thách như một kẻ hèn nhát, nhưng một khi trận chiến bắt đầu, lòng ông ta tràn ngập nỗi hận thù đối với quân địch, những kẻ sẽ không bao giờ để cho ông ta sống trong hòa bình, và điều đó biến ông ta thành người có thể thực hiện những chiến công thực sự của lòng can đảm, như khi ông ta đánh bại được tên Cossack Burlaj hung tợn. Hơn thế nữa, Zagloba lắm mưu mô, có tài xoay xở giống như Odysseus và thường tìm ra được đường thoát khi những người khác hoàn toàn bế tắc. Về bản chất, ông ta là một người yêu đời và dễ xúc động, thường trào nước mắt khi bạn bè gặp điều bất hạnh. Ông ta là người yêu nước, và không giống như những người khác, ông ta không rời bỏ nhà vua. Có người  nói rằng, tính cách của Zagloba thiếu nhất quán bởi vì trong quyển cuối của bộ ba tiểu thuyết, những lời đồn đại lố bịch về nhân vật trở nên nghiêm trọng hơn và đòi hỏi phải xem xét về mặt xã hội. Ý kiến này là thiếu cân nhắc. Sienkiewicz muốn chỉ ra một cách chính xác làm thế nào mà Zagloba trở thành một người cao quý trong khi vẫn giữ nguyên những tật xấu của mình. Sự biến chuyển này là hoàn toàn tự nhiên vì Zagloba, dù có rất nhiều tật kì quặc, về bản chất vẫn trong sáng như một đứa trẻ. Ông ta là vậy, Zagloba mãi mãi thuộc về kho tàng những nhân vật hài hước bất diệt trong văn chương thế giới, và ông ta là một nguyên gốc.

Henryk Sienkiewicz
Henryk Sienkiewicz – Życie i twórczość. Ảnh: Culture.pl

Tính đa dạng trong tài năng của Henryk Sienkiewicz thể hiện càng rõ vào năm 1890 khi ông chuyển từ hình tượng chiến binh thể hiện trong tác phẩm bộ ba sang tiểu thuyết tâm lí hiện đại và xuất bản tác phẩm Không giáo điều (Bez dogmatu), nhiều nhà phê bình coi đây là tác phẩm chính của ông. Cuốn tiểu thuyết này viết theo thể loại báo chí, nhưng không giống văn báo chí của nhiều người khác, nó không bao giờ nhạt nhẽo. Với một nghệ thuật khó tác phẩm nào sánh kịp, nó đưa ra cho chúng ta mẫu nhân vật hay nói, thường hoài nghi tôn giáo và đạo đức – một người trở nên vô dụng bởi nhu cầu bệnh hoạn của ông ta luôn tìm cách lí giải bản thân. Vì thiếu quả quyết, ông ta đã làm cản trở hạnh phúc của chính mình, giết chết hạnh phúc của người khác và cuối cùng là đầu hàng. Ploszowski là một người đàn ông tài năng nhưng lại thiếu những cơ sở về đạo đức, có thể nói ông ta không có đạo lí dẫn đường. Ông ta vô cùng nhạy cảm và hết sức tinh tế, nhưng sự tinh tế này không thể thay thế được việc ông ta thiếu niềm tin và sự khoáng đạt. Bên cạnh đó là hình ảnh Anielka làm say mê lòng người vì nỗi sầu muộn của nàng, người ngồi nhìn những hi vọng tươi đẹp nhất của đời mình trôi qua vì sự ích kỉ của Ploszowski. Tuy nhiên đến phút cuối cùng nàng vẫn trung thành với nhiệm vụ. Tác giả chỉ ra cho chúng ta một cách thấu đáo làm thế nào mà trong một tâm hồn trước kia đã từng thuộc về đạo Cơ đốc như Ploszowski, sự sùng bái sắc đẹp không đủ lấp đầy khoảng trống do sự thiếu hụt của lòng tin tôn giáo gây ra. Sienkiewicz đã khắc họa một típ người điển hình, một hình ảnh rực sáng bị làm lu mờ bởi chứng suy nhược thần kinh. Không giáo điều là một cuốn sách hết sức nghiêm túc đòi hỏi phải suy ngẫm nhiều, nhưng đồng thời là một tác phẩm nghệ thuật tinh tế, được khắc họa tinh xảo. Chúng ta có thể gặp điều này, ví dụ như trong các tác phẩm của Goethe.

Sau Không giáo điều là tác phẩm Những đứa con của đất (Rodzina Polanieckich, 1894), một tác phẩm có thể là kém truyền cảm so với Không giáo điều nhưng được đặc trưng bởi những miêu tả về sự tương phản giữa một cuộc sống thôn quê hữu ích với chủ nghĩa thế giới rỗng tuếch. Tại đây, một lần nữa ta được gặp lại hình ảnh nhân vật phụ nữ phi thường, nàng Marynia vô tư, tận tâm và hiền dịu. Các nhà phê bình đã qui tất cả mọi phê phán vào một chi tiết, đó là tội lỗi của sự đam mê mà Polanieckich phạm phải. Không hề bảo vệ anh ta, tác giả phác họa một người đàn ông có cuộc sống không hề dị thường và cũng không hề thái quá, đấy là chưa muốn nói đến trụy lạc, vẫn có thể mắc phải lỗi lầm, nhưng nhanh chóng nhận ra và không nguôi ăn năn hối lỗi. Mối ràng buộc giữa Polannieckich và vợ của ông ta được lập lại thậm chí chắc chắn hơn vào cuối truyện, và cuốn tiểu thuyết này thực sự là một bản ngợi ca về đức hạnh dân tộc và về hoạt động xã hội lành mạnh và bổ ích. Có nhiều nét quyến rũ trong bức chân dung tinh tế của đứa trẻ ốm yếu Litka, nhân vật đã hi sinh tình yêu thơ ngây của mình cho Polanieckich để giảng hòa ông với Marynia. Tình tiết này giàu chất cao thượng và mang đậm tính thuần khiết và chất thơ cảm động.

Chính những nhà phê bình trước kia chỉ trích nhà văn về sự dài dòng ở tác phẩm bộ ba đã lại tranh luận với nhau về nhịp độ quá nhanh của truyện ngắn Chúng ta hãy theo bước anh (Pojdzmy za nim, 1892), nó như một vở kịch đơn giản mang vẻ đẹp thơ ca tuyệt tác mô tả khung cảnh nữ bá tước Antea, ốm yếu và đang phải chịu đựng những ảo giác đau đớn và khủng khiếp, được cứu chữa nhờ Đấng cứu thế đang chết đi sống lại. Trong trường hợp này, những sự chỉ trích là không có căn cứ, bởi lẽ những chủ đề khác nhau cần phải được xử lí khác nhau. Chúng ta hãy theo bước anh đúng là một phác họa giản đơn, nhưng đó là câu chuyện sâu sắc và cảm động. Do đó, một phác thảo bằng phấn đơn sơ của bậc thầy, nhờ có những đường nét gần gũi, cũng có giá trị tương đương với những tác phẩm công phu khác của nhà văn. Chúng ta hãy theo bước anh được viết với lòng mộ đạo thành kính, nó như cây hoa khiêm tốn mọc lên dưới chân cây thánh giá, chứa trong bông hoa của mình một giọt máu của Đấng cứu thế.

Các chủ đề về tôn giáo đã nhanh chóng dẫn Sienkiewicz tới một tác phẩm sâu sắc nổi tiếng trên toàn thế giới. Vào những năm 1895-1896, ông viết Quo Vadis – câu chuyện lịch sử về sự áp bức dưới thời Nero đạt được thành công rực rỡ. Bản dịch sang tiếng Anh đã bán được 800.000 bản ở Anh và Hoa Kì trong vòng một năm. Giáo sư Brückner, nhà nghiên cứu lịch sử văn học Ba Lan tại Berlin, vào năm 1901 đã nói rằng chỉ ở hai quốc gia trên đã có khoảng hai triệu cuốn sách được bán.

Quo Vadis đã được dịch ra hơn ba mươi ngôn ngữ khác nhau. Mặc dù ta không nên phóng đại tầm quan trọng của thành công đó – sách tồi cũng có thể được bán tràn lan miễn là nó hấp dẫn – nhưng nó đã khẳng định giá trị của một tác phẩm không bao giờ nhằm vào bản năng thấp kém của con người mà tiếp cận mục tiêu cao quý bằng một phong cách cao quý. Quo Vadis miêu tả xuất sắc sự tương phản giữa những kẻ ngoại đạo thượng lưu nhưng thối nát vô đạo và sự kiêu ngạo của chúng với những người Cơ đốc khiêm tốn một lòng kính Chúa, giữa tính ích kỉ với tình yêu, giữa vẻ xa hoa ngạo mạn của cung điện đế chế với sự hội tụ trong câm lặng của hầm mộ. Những đoạn miêu tả cảnh lửa cháy của Roma với những khung cảnh đầy máu me trong đấu trường là vô song. Henryk Sienkiewicz kín đáo tránh làm cho Nero trở thành một nhân vật chính, nhưng chỉ bằng vài nét nhà văn đã dựng nên trước mắt chúng ta hết sức sinh động chân dung một kẻ tài tử được khắc họa bằng tất cả ảo tưởng phù phiếm và điên rồ về sự vĩ đại của mình, bằng tất cả nỗi phấn khích giả tạo, tất cả sự sùng bái của anh ta về nghệ thuật nông cạn thiếu đạo đức và tính khí tàn bạo thất thường của mình. Chân dung về Petronius được xây dựng một cách chi tiết hơn. Tác giả có thể đã dựa vào kết cấu cuốn hút của hai chương ngắn trong Sách thứ mười sáu của bộ Biên niên sử Tacitus. Xuất phát từ chính những chi tiết này, Sienkiewicz đã xây dựng nên một bức tranh tâm lí xác thực và đặc biệt sắc bén. Petronius, một người được hưởng sự giáo dục uyên thâm, xuất thân cao quý, lại là một mớ hỗn độn những mâu thuẫn. Là một kẻ hưởng lạc và trên hết là một người hoài nghi, ông ta coi cuộc sống là một ảo ảnh lừa dối. Vui thú đã làm cho ông ta trở nên mềm yếu, nhưng ông ta vẫn có lòng dũng cảm của một người đàn ông. Tuy không hề có một chút thành kiến gì, đôi khi ông ta vẫn hơi mê tín. Nhận thức của ông ta về cái tốt và cái xấu không rõ ràng, nhưng cảm nhận về cái đẹp thật đáng khâm phục. Ông ta là người từng trải và trong những tình huống gay cấn, ông ta có thể làm tròn bổn phận của mình nhờ vào kĩ năng và sự điềm tĩnh mà không làm tổn hại đến phẩm giá của mình. Chủ nghĩa hoài nghi Pyrrhon và nhà thơ Anacreon mà ông ta yêu thích cuốn hút ông ta hơn nhiều so với nhà đạo đức cục cằn Stoa. Ông ta khinh miệt những người Cơ đốc giáo, những người mà ông ta biết rất ít. Đối với ông ta, dường như là vô ích và chẳng có chút giá trị nào khi dùng cái tốt để đáp lại cái xấu theo học thuyết của Đạo cơ đốc. Hi vọng về sự sống sau cái chết, giống như nhũng người Cơ đốc vẫn làm, đối với ông ta lạ lẫm tựa như khi có người tuyên bố rằng một ngày mới bắt đầu từ lúc nửa đêm. Bị suy nhược bởi sủng thần yêu quý Tigellinus, Petronius tìm đến một cái chết thanh thản. Toàn bộ nhũng miêu tả của nhà văn là một sự hoàn hảo về thể loại. Nhưng tác phẩm Quo Vadis còn chứa đựng nhiều giá trị khác. Đặc biệt đẹp là đoạn tả, dưới khung cảnh mặt trời đang lặn, vị thánh tông đồ Paul đi tới cái chết đầy nghĩa khí không ngừng nhắc lại với chính mình những lời mà ông đã từng viết: “Ta đã chiến đấu anh dũng, ta đã hoàn thành sự nghiệp của mình, ta đã giữ được niềm tin của mình”.

Sau tác phẩm chủ đạo này, Henryk Sienkiewicz trở lại với đề tài về quốc gia Ba Lan và đến năm 1901 ông đã viết xong tiểu thuyết Hiệp sĩ Thập Tự (Krzyzacy). Trong thời gian đó,  nhiệm vụ của nhà văn không dễ dàng như khi viết bộ ba tiểu thuyết trước đó vì không có nhiều nguồn tư liệu. Mặc dù vậy, ông đã vượt qua được khó khăn và đem đến cho tác phẩm của mình một màu sắc đậm thời Trung cổ. Trung tâm của câu chuyện nói về cuộc đấu tranh của Ba Lan và Litva chống lại đội quân Hiệp sĩ Teuton, những người từ lâu đã hoàn thành sứ mạng ban đầu của mình và dần dần trở thành một tổ chức đàn áp ham hố gia tăng quyền lực và đất đai hơn là chiến đấu vì biểu tượng của những cây thánh giá mà các họ mang trên áo khoác của mình. Chính Archduke Jagiello, sau này trở thành vua Ba Lan dưới tên hiệu Władysław II, đã đập tan ách đô hộ của đội quân đó. Ông đóng một vai trò quan trọng trong cuốn tiểu thuyết, mặc dù ông chỉ được phác họa qua theo thói quen không bao giờ tô đậm những nhân vật lịch sử của Sienkiewicz. Nhiều nhân vật chỉ hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng của tác giả đã lôi cuốn chúng ta một cách mạnh mẽ và cung cấp những dẫn chứng tuyệt vời về nền văn minh Trung cổ. Đó là một thời kì của sự mê tín, mặc dù khắp cả nước, đạo Cơ đốc đã được truyền bá từ lâu, dân chúng vẫn đặt thức ăn ở ngoài cửa cho ma quỉ. Mỗi vị thánh đều có chức năng riêng của mình. Thánh Apollonia được cầu khấn khi bị đau răng còn thánh Liberius thì khi bị sỏi thận. Sự thật là Đức Chúa Cha ngự trị toàn cầu, nhưng chính sự thật đó chứng tỏ rằng Ngài không có đủ thời giờ để trông nom những việc nhỏ nhặt của con người. Kết quả là Đức Chúa đã trao quyền này cho các vị thánh. Thời kì đó thật mê tín, nhưng cũng có nhiều hoạt động tích cực. To lớn và vững chắc, lâu đài của đội quân nằm tại vùng Marienburg. Kẻ thù của Ba Lan và Litva là những hiệp sĩ của nhà thờ cũng có lực lượng mạnh không kém. Đó là Maćko Bogdanca thô lỗ, tham lam, gắn chặt vào lợi ích của gia đình, nhưng dũng cảm. Đó là vị quý tộc Zbyszko đầu óc lúc nào cũng chứa đầy những câu chuyện phiêu lưu hiệp sĩ. Vượt trên tất cả những người khác, vạm vỡ như được tạc bằng đá granite là Jurand đáng gờm, hung bạo, trong lòng căm hận đội quân Teuton và cuối cùng là nạn nhân của lòng thù hận khủng khiếp đó. Vào đúng thời điểm bị sỉ nhục, ông trở nên cao thượng hơn bao giờ hết chính nhờ sự tự chiến thắng bản thân và khả năng tha thứ. Ông chính là một trong những hình tượng vĩ đại nhất của những nhân vật chiến binh do Sienkiewicz tạo ra. Những cảnh nhẹ nhàng đan xen với những sự kiện dữ dội. Nữ hoàng Jadwiga hiền dịu nhưng vẻ bề ngoài của nàng thì lại rất khó hiểu. Đoạn miêu tả lễ tang của Danusia nghèo khó, người đã trải qua những thử thách đau đớn, đẹp một cách tinh tế tựa như một buổi lễ cầu nguyện nhẹ nhàng. Mặt khác, hình ảnh Jagienka hiện lên tươi tắn như mùa xuân tràn đầy sức trẻ và nét điệu nhí nhảnh. Tất cả các nhân vật đều có cuộc sống riêng. Trong số những nhân vật phụ xuất sắc này có Abbé nóng tính và hiếu chiến, không bao giờ dung thứ cho bất cứ điều chướng tai gai mắt nào; và Sanders, kẻ bán niềm đam mê, bán một chiếc móng lừa làm phương tiện cho chuyến bay đến Ai Cập…  Một mẩu thang của Jacob, những giọt nước mắt của nàng Mary xứ Ai cập, và một cái gỉ sắt từ chùm chìa khóa của thánh Peter… Đoạn kết viết về cuộc chiến của Tannenberg năm 1410, khi đội quân Teuton bị nghiền nát sau một trận đánh ác liệt, giống như chương cuối của một vở ca kịch diệu kì.

Có thể khẳng định rằng, Henryk Sienkiewicz là người đầu tiên nhận ra mình có duyên nợ với văn học cổ Ba Lan. Nền văn học đó hết sức giàu có. Adam Mickiewicz là một Adam thực thụ, tổ tiên của nền văn học cổ nhờ bản chất tự nhiên đầy đủ trong thơ ca, yếu tố làm cho sử thi của ông tỏa sáng. Rực sáng trên bầu trời văn học Ba Lan còn có những cái tên như Slowacki, một tác giả có trí tưởng tượng dồi dào, và nhà triết học Krasinski. Nghệ thuật sử thi đã được những tác giả như Korzeniowski, Kraszewski và Rzewuski thử nghiệm. Nhưng với Henryk Sienkiewicz, nghệ thuật này đã đạt đến đỉnh điểm và được diễn đạt ở mức độ khách quan cao nhất.

Nếu ai đó khảo sát về những thành tựu của Sienkiewicz sẽ thấy nó thật lớn lao, đồng thời thật thanh cao và được kiểm soát. Các tác phẩm sử thi của ông hoàn hảo về nghệ thuật. Phong cách sử thi đó với sức mạnh bao trùm và tính độc lập tương đối của từng chương được làm nổi bật bằng tính ngây thơ và phép ẩn dụ độc đáo. Về mặt này, như Geijer đã nhận xét, Homer là bậc thầy bởi vì ông nhận ra được sự vĩ đại trong vẻ đơn giản, ví như khi ông so sánh những chiến binh với những con ruồi vo ve quanh một thùng đựng sữa, hay khi Patroklos van khóc xin Achilles cho anh ta ra trận chiến đấu với kẻ thù được so sánh với một bé gái đang bám chặt lấy váy mẹ khóc lóc đòi được bế. Một nhà phê bình người Thụy Điển đã nhận thấy trong tác phẩm của Sienkiewicz một số ví von rõ mang bóng dáng các hình ảnh kiểu Homer. Theo cách đó, sự rút lui của một đạo quân được ví như là cơn sóng rút đi để lại những con ngao, sò trên bãi biển, hay giây phút bắt đầu của cuộc tấn công bằng hỏa lực được ví giống như tiếng sủa của một con chó trong làng và ngay sau đó nhập vào tiếng đồng ca của tất cả những con chó khác. Và còn vô số những ví dụ khác nữa. Cuộc chiến đấu trên mặt trận và tiếng hò hét của một đạo quân bị bao vây trong lửa đạn là mục tiêu không mệt mỏi của những làn đạn từ cả hai bên được so sánh với một cánh đồng bị hai nhóm thợ gặt bắt đầu từ hai phía của cánh đồng với mục đích là gặp nhau ở giữa. Trong tác phẩm Hiệp sĩ Thập Tự,  quân Samogites nhô lên từ sau chiến hào tấn công những kị sĩ người Đức như bầy ong bò vẽ có tổ bị người đi ngang qua tình cờ phá hỏng. Trong Pan Wolodyjowski, chúng ta cũng thấy những hình ảnh đáng khâm phục; để đánh giá được chúng, chúng ta nên nhớ rằng cũng như thường thấy trong những tác phẩm của Homer, hai thuật ngữ so sánh đều hội tụ tại một điểm duy nhất, phần còn lại thì mơ hồ. Bằng thanh kiếm duy nhất của mình, Wolodyjowski đã giết những kẻ vây quanh nhanh như một cậu bé trong đội hợp xướng của nhà thờ đứng sau đám đông dập tắt nến trên bệ thờ lần lượt hết cây này đến cây khác bằng cái chụp nến dài của mình. Hussein Pasha, chỉ huy của quân Thổ Nhĩ Kì, người cố gắng một cách vô vọng trốn qua đường cổng dẫn tới Jassy, trở về trại để thử một ngả thoát khác, y như một kẻ săn trộm bị xích vào một khu đất trống cố gắng thoát hết phía này đến phía kia. Đội quân cảm tử Cơ đốc giáo của Quo Vadis, những người chấp nhận cái chết, sẵn sàng vĩnh biệt trái đất như những người thủy thủ đẩy thuyền khỏi cầu cảng và rời xa đất liền. Nhiều trường hợp tương tự như trong những tác phẩm của Homer và cũng tự nhiên, thanh thoát không kém đáng được trích dẫn ra đây như trường hợp hiệp sĩ Thập Tự Jagiencka khi bắt gặp cái nhìn bất ngờ của Zbyszko, người giống một vị hoàng tử trẻ, đã đứng chết lặng tại cổng và xuýt nữa làm rơi bình rượu vang.

Sức sáng tạo văn chương của Henryk Sienkiewicz dường như không bao giờ cạn. Ông đang chuẩn bị xuất bản một tác phẩm bộ ba mới Trên trường vinh quang (Na polu chwaly, 1906), viết về thời đại Sobieski.

Sự nghiệp thơ ca của ông thực sự nở rộ trên cánh đồng vinh quang. Ông đã nhận được lòng ngưỡng mộ từ dân tộc mình, điều đó còn quý hơn vì mặc dù là người yêu nước nồng nàn, Sienkiewicz chưa bao giờ quá ngợi ca đất nước mình. Nhân dịp kỉ niệm 25 năm nghề văn của ông, một lễ quyên góp lớn đã được tổ chức với mục đích mua lại lâu đài trước kia đã từng là nhà của gia đình ông và trao nó cho ông như một món quà. Ông được mọi người chào đón và được đón nhận những lời chúc mừng. Đồng thời, nhà hát kịch Warsaw cho tiến hành những buổi trình diễn đồ sộ để bày tỏ lòng tôn kính đối với ông.

Kho tàng bằng chứng của lòng ngưỡng mộ dành cho ông giờ có thêm một sự kính trọng đến từ phương Bắc, bởi vì Viện Hàn lâm Thụy Điển đã quyết định trao giải thưởng Nobel Văn chương năm 1905 cho Henryk Sienkiewicz.

Một vài suy nghĩ của H. Sienkiewicz (4)

Các nhà văn, nhà thơ chính là những người đại diện cho đất nước họ trong cuộc đua rộng mở để giành Giải Nobel. Vì thế giải thưởng của Viện Hàn lâm Thụy Điển không chỉ tôn vinh chính tác giả mà cả dân tộc đã sinh ra họ. Đó là bằng chứng rõ ràng rằng dân tộc đó đã đóng góp vào thành tựu chung của thế giới, rằng những nỗ lực đã đơm hoa kết trái và rằng dân tộc đó có quyền sống vì lợi ích chung của nhân loại. Nếu vinh dự này lớn lao đối với tất cả mọi người, thì đối với Ba Lan nó là niềm vinh dự vô cùng lớn lao hơn. Người ta nói rằng Ba Lan đã chết, đã kiệt quệ, đã chìm trong nô lệ, nhưng đây là minh chứng cho sức sống và thắng lợi của nó. Giống như Galileo, người đã buộc phải nghĩ “Dù sao trái đất vẫn quay”, thành tựu và tài năng của người Ba Lan đã buộc cả thế giới nhìn họ với con mắt kính trọng.

Lòng kính trọng này không phải dành cho tôi, bởi vì trên mảnh đất Ba Lan màu mỡ không thiếu những nhà văn còn giỏi hơn tôi, mà cho thành tựu và tài năng của Ba Lan. Vì vậy, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất của một người Ba Lan tới các ngài, các Viện sĩ Hàn lâm Thụy Điển, và tôi xin mượn lời của Horatius để kết thúc bài phát biểu của mình: “Principibus placuisse viris non ultima laus est”(5).

Tân Đôn dịch từ bản tiếng Anh
Ngô Tự Lập hiệu đính
(Nguồn: http://nobelprize.org)
© Culture Globe/TTVHNN Đông Tây

Ghi chú:

(1) Quo vadis (tiếng Latin): nghĩa là “Đi về đâu”.

(2) Có người dịch là Hiệp sĩ Thánh Chiến.

(3) Do C. D. af Wirsén, Thư kí thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển đọc trong buổi lễ trao giải.

(4) H. Sienkiewicz đọc trong tiệc chiêu đãi giải thưởng Nobel ngày 10/12/1905 tại Grand Hotel (Stockholm).

(5) “Principibus placuisse viris non ultima laus est” (tiếng Latin): Đại ý là “Được những người có danh tiếng ưa thích không phải là vinh dự cuối cùng”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây