Martin du Gard, nhà văn của nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa

0
731

Martin du Gard (23/03/1881 – 23/08/1958) là tác giả của bộ tiểu thuyết đồ sộ “Gia đình Thibault” đoạt giải Nobel Văn học năm 1937 bởi sức mạnh nghệ thuật và tính chân thực trong mô tả con người và những khía cạnh quan trọng nhất của cuộc sống xã hội Pháp đầu thế kỉ XX, ca ngợi vẻ đẹp tinh thần và sự độc lập của nhân cách.

Xem thêm: Henri Bergson, người ảnh hưởng lớn đến văn học và triết học Pháp

Roger Martin du Gard
Roger Martin du Gard. Ảnh: The Literature Realm

Tiểu sử Martin du Gard

Roger Martin du Gard xuất thân trong một gia đình viên chức khá giả ở ngoại ô Paris đã có mấy đời làm luật sư. Năm 1906, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Lưu trữ (E’cole des Charter), chuyên ngành lưu trữ và thư tịch cổ, ông tiếp tục nghiên cứu tâm thần học tại Paris. Năm 1909, trong vài tuần lễ ông viết xong và cho xuất bản cuốn sách đầu tiên có tựa đề Trở thành nhưng không mấy thành công. Ông chỉ thật sự nổi tiếng vào năm 1913, khi cho in cuốn Jean Barois, thể hiện sự giằng co giữa tín ngưỡng và khoa học trong tư tưởng con người, khẳng định lí tưởng dân chủ và nhân đạo.

Trong Thế chiến I, ông phục vụ trong quân đội Pháp ở mặt trận phía Tây. Từ năm 1920, sau khi giải ngũ, ông bắt đầu một cuộc sống ẩn dật ở trang trại, không tham gia vào các trào lưu văn học đương thời mà chỉ chú tâm vào công việc sáng tác tiểu thuyết, lao động nghệ thuật kiên trì, công phu. Hàng loạt tác phẩm có giá trị đã ra đời trong giai đoạn này, mà lớn nhất là bộ tiểu thuyết Gia đình Thibault (1922-1940), gồm 12 tập, 8 quyển, dựng lại lịch sử một gia tộc và bối cảnh xã hội Pháp trước Thế chiến I.

Năm 1936, ông được trao giải thưởng Văn học Paris cho tác phẩm Mùa hè năm 1914, tập 7 trong bộ sách gồm 8 quyển Gia đình Thibault; và năm sau, 1937, ông nhận được Giải Nobel. Trong bài phát biểu của mình, Martin du Gard lên tiếng chống lại chủ nghĩa giáo điều mà theo ông là đặc tính của tư duy và cuộc sống của con người thế kỉ XX, kêu gọi phát huy tính độc lập nhân cách, tập trung tự nhận thức, tránh mọi tư tưởng cuồng tín.

Trong những năm Thế chiến II, Martin du Gard tham gia các hoạt động yêu nước, chống phát xít. Trong các tác phẩm cuối đời (Ghi chép về André Gide, Hồi ức văn học và tự truyện), ông tiếp tục lên tiếng ủng hộ nền nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa.

Martin du Gard qua đời vì một cơn đau tim năm 77 tuổi.

Đánh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển(1):

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển – Wikipedia tiếng Việt

Người nhận giải thưởng Nobel Văn học năm 1937, Roger Martin du Gard, đã dành hầu như cả cuộc đời mình để viết một tác phẩm duy nhất, bộ tiểu thuyết dài tập có tựa đề là Gia đình Thibault (1922-1940). Đây là một tác phẩm lớn cả về dung lượng và qui mô. Tác phẩm giới thiệu cuộc sống hiện đại Pháp thông qua một loạt nhân vật và qua phân tích những xu hướng của giới trí thức và những vấn đề của nước Pháp trong mười năm trước chiến tranh thế giới I, một bức tranh toàn cảnh và đầy đủ trong chừng mực chủ đề của cuốn tiểu thuyết cho phép. Vì vậy, tác phẩm sử dụng một hình thức đặc trưng cho thời đại chúng ta, được gọi là “tiểu thuyết trường thiên” ở đất nước sản sinh ra nó.

Thuật ngữ này chỉ một phương pháp tự sự tương đối ít chặt chẽ về bố cục và phát triển tựa như một dòng sông chảy xuyên qua những miền đất bao la, phản ánh mọi thứ mà nó gặp trên đường. Điều cốt tử của một tiểu thuyết trường thiên, về cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng, là tính chính xác của sự việc được phản ánh nhiều hơn là tính cân đối hài hòa giữa các phần của nó. Nó không có hình dạng. Dòng sông kéo dài tùy thích và chỉ hiếm khi sóng ngầm mới nổi trên bề mặt yên ả.

Khó có thể nhận định rằng thời đại của chúng ta là bình yên, ngược lại, tốc độ phát triển của máy móc đã thúc đẩy nhịp độ của cuộc sống tới mức náo nhiệt. Vì vậy, thật kì lạ khi trong một thời đại như vậy, thể loại văn chương được ưa thích nhất là tiểu thuyết lại phát triển theo một hướng đối lập hoàn toàn, và bằng cách ấy nó lại càng được ưa thích. Hơn thế, giả sử tiểu thuyết đem lại cho chúng ta hình ảnh một thế giới đẹp đẽ huyễn tưởng, thì người ta còn có thể giải thích hiện tượng này bằng thuật ngữ tâm lí rằng đó giống như một kiểu đền bù thi vị đối với những phiền muộn của cuộc sống thường nhật. Thế nhưng, chính vào thời đại này tiểu thuyết lại khuyếch đại những nỗi đau khổ xé ruột của thực tế.

Tuy vậy, tiểu thuyết là thế, với khả năng rộng lớn của nó, người đọc tìm thấy một niềm an ủi nhất định khi ý thức được yếu tố bi thảm là một phần tất yếu của cuộc sống. Với một kiểu anh hùng chủ nghĩa, nó thâu tóm những mảng thực tế lớn và thậm chí còn động viên chúng ta chịu đựng những nỗi đau lớn một cách vui vẻ. Nhu cầu thẩm mĩ của người đọc được thỏa mãn trong những đoạn riêng biệt của tác phẩm, cô đọng hơn và vì vậy phù hợp hơn khi gợi lên những cảm xúc trong anh ta. Gia đình Thibault không thiếu những đoạn như vậy.

Nhân vật chính của tiểu thuyết là ba thành viên trong một gia đình: người cha và hai con trai. Người cha đứng làm nền cho câu chuyện. Vai trò thụ động của ông, nặng nề và đồ sộ, được giới thiệu bởi một kĩ thuật đặc biệt. Hai người con trai và vô số nhân vật phụ của tác phẩm được giới thiệu theo một cách thức khá kịch tính. Không được chuẩn bị bởi bất cứ cái gì trong câu chuyện, chúng ta nhìn thấy họ trước chúng ta, hành động và nói năng ở thì hiện tại; và chúng ta nhận được một sự miêu tả đầy đủ và chi tiết về bối cảnh. Người đọc phải nhanh trí để nắm bắt được những gì anh ta thấy và nghe, vì nhịp điệu không đều đặn và thất thường của cuộc sống vang lên ở khắp nơi. Anh ta được giúp đỡ trong nhiệm vụ của mình bởi công cụ tuyệt hảo của nhà văn: sự phân tích tâm lí nhân vật, biểu hiện ở bên ngoài ngôn từ, một tia sáng chiếu rọi bóng đêm nơi sinh ra những hành động có ý thức. Martin du Gard thậm chí còn đi xa hơn thế. Ông cho ta thấy làm thế nào mà những tư duy, cảm xúc và ý chí có thể chuyển hóa trước khi trở thành ngôn từ và hành động. Đôi khi, những biểu hiện bên ngoài như thói quen, tính kiêu căng, hoặc thậm chí là những cử chỉ vụng về đơn giản có thể làm thay đổi lối nói và tính cách. Sự khám phá tinh tế và táo bạo tiến trình năng động của tâm linh rõ ràng tạo nên đóng góp độc đáo nhất, đáng chú ý nhất của Martin du Gard đối với nghệ thuật mô tả con người. Xét từ quan điểm thẩm mĩ, điều này không phải lúc nào cũng là một lợi thế, vì sự phân tích có thể trở nên rườm rà khi nó không đem lại hiệu quả cần thiết cho câu chuyện.

Phương pháp xem xét nội tâm này được áp dụng thậm chí đối với cả nhân vật người cha, nhưng trong trường hợp này ít phức tạp hơn. Tính cách của người cha đã rõ ràng và đầy đủ ngay từ đầu của cuốn tiểu thuyết vì ông ta thuộc về quá khứ. Những sự kiện của hiện tại không ảnh hưởng tới ông nữa.

Ông thuộc tầng lớp trên của giai cấp trung lưu, ý thức rõ về địa vị và bổn phận của mình, một con chiên ngoan đạo của Chúa và một nhà hảo tâm rộng lượng, đầy những lời khuyên thận trọng. Ông thực sự thuộc về thế hệ trước ông, thế hệ người Pháp dưới chế độ Quân chủ tháng Bảy. Đó chính là lý do tại sao ông có nhiều mâu thuẫn với thế hệ sau ông, đặc biệt là với hai con trai. Nhưng những mâu thuẫn này hiếm khi dẫn đến khẩu chiến bởi người cha già này quá tự tin về những giá trị của mình để tham gia vào các cuộc cãi cọ. Vì vậy, chủ đề muôn thuở về sự đối lập giữa người trẻ và người già không được xử lí đặc biệt ở đây.

Đại diện của thế hệ già xuất hiện trên tất cả trong một thái độ tự xem xét nội tâm và tính bất biến, ông dựa trên mọi điều ông cho là đúng đắn và khôn ngoan một cách tự mãn và nặng nề. Không một lời nào có thể tác động tới ông. Trong cuộc sống biệt lập của ông, người ta hẳn sẽ thấy toàn bộ bi kịch của người già nếu ông không tự mình nhận thức về khả năng của một bi kịch như vậy.

Ông được khắc họa với những nét hài hước. Những cảm xúc sâu sắc hơn chỉ thể hiện vào thời điểm ông chết, trong sự đối mặt với số phận. Sự thể hiện này không trực tiếp nhưng là kết quả của những miêu tả khách quan, cụ thể và chặt chẽ về sự dằn vặt đau đớn lâu dài của ông. Đó là một miêu tả sống động bất chấp tiểu tiết của nó. Cho tới nay, ông được coi là nhân vật duy nhất, có một không hai khi ông thể hiện cái ẩn giấu bên trong con người ông, đằng sau bộ mặt mà ông thể hiện ra với thế giới.

Sự khác nhau giữa ông và người con trai cả của ông không được nhấn mạnh nhiều lắm. Antoine Thibault là một bác sĩ. Anh ta hoàn toàn bị cuốn vào công việc của mình, những quan điểm về đạo đức của cha anh hoàn toàn xa lạ với anh. Đạo đức trong con người anh ta được thay thế bằng sự toàn tâm toàn ý dành cho việc nghiên cứu và hành nghề. Luôn tự chủ, thận trọng và lịch thiệp, anh chẳng có chút mong muốn phản kháng nào, thậm chí anh ta cũng chẳng nghĩ về điều đó. Trong cuốn tiểu thuyết, người ta chứng kiến sự biến đổi nhanh chóng của anh ta trong những giới hạn được cho phép. Anh ta là một người có tham vọng với tương lai. Thoạt tiên có đôi lúc anh ta tỏ ra khờ khạo tầm thường, nhưng anh ta nhanh chóng được tôn trọng bởi công việc của anh ta.

Antoine trở thành đại diện đáng mến cho những trí thức của thời đại anh ta, có nhiều ý tưởng, không thành kiến nhưng là một kẻ theo thuyết quyết định luận, hoàn toàn tin tưởng rằng cá nhân không thể thay đổi được sự phát triển của tiến trình sự kiện chung. Anh không phải là một người cách mạng.

Đối lập hẳn là người em trai Jacques, kém anh nhiều tuổi. Nhân vật này quá gần gũi với tâm hồn của nhà văn để chịu đựng bất kì sự phê bình nào. Anh ta là người hùng của tác phẩm, và thế giới bên ngoài được xem xét đánh giá theo lí tưởng của anh. Trách nhiệm của người cha trong sự biến đổi của anh là đáng kể, nhưng toàn bộ bản chất của anh cũng thể hiện là một người cách mạng. Khi câu chuyện bắt đầu, anh chỉ là một cậu bé 14 tuổi đang học tại một trường dòng. Mặc dù cậu không thích và lơ là học tập, cậu vẫn được quý mến bởi bản tính thông minh. Thảm họa xảy ra khi cậu tìm được một người bạn trong số những người cùng trường và quan hệ của họ ở thời kì nguy hiểm của tuổi mới lớn, một dạng quan hệ có tính sắc dục. Những cảm xúc của họ thể hiện qua những lá thư bị các thầy tu suy diễn (đúng như bản chất của họ) và can thiệp bằng những biện pháp kỉ luật. Sự giám sát chặt chẽ và việc xâm phạm tình cảm cá nhân của cậu là một sự sỉ nhục không thể chịu đựng được đối với Jacques. Hơn nữa, cậu sẽ phải chịu đựng cơn thịnh nộ của người cha bởi vụ bê bối này. Tính cách nổi loạn trong con người cậu được thể hiện qua hành động. Cậu đã mang người bạn đi trốn, chạy xa khỏi những luật lệ hà khắc ràng buộc, những luật lệ mà cậu phải cam chịu và sợ hãi trong một thế giới thù nghịch và ác nghiệt. Cậu cảm thấy mình hoàn toàn chịu ảnh hưởng của thơ ca lãng mạn và những xu hướng còn nguy hiểm hơn thế, và tính cách ấy không thể dung hòa với thế giới trần tục này. Tìm kiếm hạnh phúc và tự do, hai chàng trai đã định tới châu Phi, nhưng dự định xa xôi của họ đã bị cảnh sát – nhờ được báo trước – phá hỏng khi họ tới Marseilles.

Khi cậu trở về nhà, trong cơn sốt sắng giáo dục quá mức, người cha đã phạm một sai lầm về mặt tâm lí. Ông đã buộc con trai phải sống cô độc trong một nhà cải huấn do chính ông lập nên. Sự đối xử tàn nhẫn này đã làm tính bất khuất trong con người Jacques càng trở nên mạnh mẽ quyết liệt hơn. Sự miêu tả quá trình phát triển này là đoạn văn cảm động nhất của tác phẩm.

Sau khi được giải thoát nhờ tác động  của người anh trai, Jacques được phép tiếp tục đi học, niềm an ủi duy nhất của anh. Anh học hành rất thông minh và dễ dàng được nhận vào trường Sư phạm, cái đích tối cao của mọi sinh viên có tham vọng và tài năng, cánh cửa mở ra những sự nghiệp đỉnh cao về văn chương hay khoa học. Nhưng Jacques không bị hấp dẫn bởi nghề công chức vì đối với anh điều đó chỉ là vô nghĩa và ảo tưởng. Anh sớm lập kế hoạch cho một chuyến phiêu lưu tìm hiểu thực tế. Một lần nữa, chàng trai trốn tới châu Phi, nhưng lần này anh đã thành công và không xuất hiện trong truyện một thời gian khá lâu.

Anh chỉ xuất hiện trở lại khi Antoine tìm ra nơi anh đang sống giữa những người cách mạng ở Thụy Sĩ và đưa anh trở về bên người cha đang hấp hối. Anh đã về đến nhà quá muộn để có thể hòa giải với cha, nếu người ta cho rằng một sự hòa giải giữa hai quan niệm hoàn toàn đối lập về cuộc sống là có thể. Người cha đã không công nhận anh, nhưng Jacques cảm thấy rất buồn vì anh không phải thuộc loại người bị ám ảnh về hạnh phúc tương lai của nhân loại, bắt đầu bằng việc bóp nghẹt mọi dấu vết của tính người trong chính họ.

Đó là những nét chính trong cuộc sống nội tâm của Jacques. Phần còn lại của con người anh, như trước đó, khá khó nắm bắt, nhưng chúng ta nhận thấy sự đánh giá cao của tác giả đối với năng lực và tính cách của anh.

Chúng ta biết đầy đủ về anh ở phần gần cuối của tiểu thuyết và vào thời điểm đỉnh cao của tính hùng vĩ sử thi của tiểu thuyết – mùa hè năm 1914, ngay trước thảm họa thế giới. Jacques đang ở Geneva, vừa mới rời Paris ngay sau cái chết của người cha để trốn khỏi việc thừa kế tài sản trong một xã hội mà anh coi khinh. Anh thuộc nhóm những người cách mạng cộng sản và xã hội chủ nghĩa, những người cho rằng nhiệm vụ trước mắt của họ là ngăn chặn sự đe dọa một cuộc chiến tranh bằng một cuộc nổi dậy đồng loạt. Đoạn miêu tả những người khích động này là một trong những đoạn kém thành công nhất của tác phẩm. Ân tượng bao trùm tất cả, dù có chủ ý hay không, là những người này không xứng đáng với nhiệm vụ của họ.

Nhưng hình tượng của Jacques được nâng lên trong con mắt mọi người khi anh rời Geneva trở về Paris để làm tròn nhiệm vụ của mình. Trong con người anh, sự phát triển về mặt đạo đức nhiều hơn mặt trí tuệ, hành động của anh tuy không thu được kết quả lớn nhưng cũng cứu vớt được linh hồn anh. Đoạn văn miêu tả những ngày cuối cùng của tháng Bảy ở Paris, với hình ảnh Jacques chao đảo giữa hi vọng và tuyệt vọng trong bối cảnh nóng bỏng này, là một thành công thực sự của Martin du Gard trong lĩnh vực tiểu thuyết. Lịch sử của giai đoạn này được sống lại, đánh thức dậy trong chừng mực liên quan đến vai trò của quần chúng. Nhưng không phải là một vai trò có tính quyết định. Quần chúng ở đây bất lực và mù quáng, và trong trường hợp này thậm chí do ít quen thuộc với trò chơi chính trị nên đã gây ra những bi kịch. Bản thân tác giả dường như không đặc biệt hiểu thấu, nhưng ông là người khoan dung nhân đạo và miêu tả của ông có thể là hoàn toàn đúng sự thật.

Đối lập với tâm trạng bối rối hoang mang bao trùm, ở đây còn xuất hiện một chương đoạn ngắn nhưng miêu tả sáng rõ về một tính cách khác biệt hoàn toàn. Jacques gặp lại người bạn gái mà anh đã suýt yêu vài năm trước, người mà anh đã từ bỏ như anh đã từ bỏ nhiều thứ khác. Lần này thì tình cảm thực sự được khơi dậy trong lòng họ. Câu chuyện tình đẹp đẽ này là một trong những đoạn có ý nghĩa nhất của tiểu thuyết, nó được cảm nhận sâu sắc và miêu tả trong vẻ đẹp thuần khiết vì được thôi thúc bởi nhịp điệu hồi hộp của tháng ngày đang trôi. Nó chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng cũng đủ để trở  thành một vẻ đẹp bình dị và bi thảm.

Khi tất cả những ảo tưởng chính trị đã tiêu tan trong Jacques vào thời điểm chiến tranh bắt đầu, anh lại tạo cho mình một ảo tưởng mới sinh ra từ nỗi thất vọng và ý muốn hi sinh thân mình. Anh cố gắng đẩy lùi thảm họa chiến tranh bằng việc lái một chiếc máy bay bay trên mặt trận để kêu gọi hai bên ngừng đối đầu, tìm cách khơi dậy trong họ một cuộc cách mạng chung và một khát vọng lật đổ những cường quyền đã cầm tù họ. Không do dự, anh rời bỏ Paris, rời bỏ người đàn bà anh yêu.

Cuộc phiêu lưu mang dấu ấn lãng mạn kiểu học trò và thiếu thực tế hệt như chuyến bay đầu tiên của cậu ra ngoài thế giới, nhưng Jacques thực hiện chuyến bay với nghị lực vốn có của anh. Lời hiệu triệu cách mạng của anh được in ở Thụy Sĩ, chiếc máy bay và người phi công đã sẵn sàng, chuyến bay đặc biệt bắt đầu. Chuyến bay kéo dài không lâu vì vừa bay ngang qua chiến trường thì chiếc máy bay và toàn bộ những người ngồi trên cùng với mớ truyền đơn đã bốc cháy. Jacques rơi xuống, rách nát và bỏng khắp người, giữa đám lính Pháp đang tháo chạy.

Tất cả cảm nhận của anh chỉ còn giới hạn trong những cảm xúc thất bại cay đắng mơ hồ và nỗi đau đớn  vô hạn về thể xác và không thể chịu đựng, nhưng cuối cùng tất cả được xoa dịu bằng viên đạn của một người đồng bào đã quá mệt mỏi vì phải kéo lê con người xui xẻo này, người mà anh ta cho rằng dù sao cũng là một gián điệp.

Thật khó lòng tưởng tượng ra một bi kịch có kết cục cay đắng hơn hoặc một thất bại trớ trêu tàn nhẫn hơn. Nhưng Martin du Gard đã không hướng sự mỉa mai của ông tới nhân vật trong truyện. Có lẽ ông muốn chỉ ra sự tàn bạo và khốc liệt của những sự kiện thế giới, đối lập với những xu hướng lí tưởng. Sự cay đắng của ông chắc chắn là có nguyên do, nhưng những miêu tả chi tiết và dài dòng trong toàn bộ đoạn này gây ra cảm giác khó chịu do sự chính xác tới từng chi tiết.

Jacques Thibault, cuối cùng chúng ta cũng hiểu rõ về anh. Anh sống trong trí nhớ của chúng ta như một hình tượng anh hùng. Không một chút thái độ hay lời nói khoa trương, sự vĩ đại của người đàn ông ngay thẳng, trầm tính và kín đáo này cuối cùng được ghi nhận: sự vĩ đại của ý chí và lòng dũng cảm. Bất cứ khi nào tiểu thuyết tập trung vào anh, những nỗ lực không mệt mỏi của nhà văn đều đạt được sự hùng biện có tính thuyết phục cao. Sau những phân tích sắc sảo hoài nghi về tâm hồn con người, những phân tích hầu như khai thác kiệt cùng nhân vật với một phong cách chính xác tới từng chi tiết, thông qua một thứ chủ nghĩa hiện thực chi tiết nhất, cuối cùng Martin du Gard đã tỏ lòng kính trọng đối với tinh thần lí tưởng chủ nghĩa của con người.

Diễn từ(2):

Tôi thật sự cảm động khi được có mặt tại đây và đón nhận những lời lẽ ca tụng dành cho mình, nhưng tôi còn cảm động hơn khi được đứng trước biết bao nhân vật nổi tiếng cùng tụ hội dưới sự chủ trì của Thái tử Điện hạ tôn kính. Tôi thấy mình như một con chim cú, bỗng nhiên bị kéo ra khỏi tổ và bị ngập chìm trong ánh nắng, và với đôi mắt chỉ quen trong bóng tối, nó gần như bị ánh sáng rực rỡ làm mù lòa.

Tôi lấy làm tự hào về sự tôn vinh mà Viện Hàn lâm Thụy Điển đã dành cho tôi, nhưng tôi không thể giấu nổi sự ngạc nhiên. Kể từ khi các vị ưu ái tôi, tôi hoàn toàn bị choáng ngợp và luôn tự hỏi phải lí giải sự kiện này ra sao.

Ý nghĩ đầu tiên của tôi hướng về đất nước quê hương. Tôi hạnh phúc vì khi lựa chọn một tác giả Pháp, Viện Hàn lâm Thụy Điển xuất chúng cho rằng đã đến lúc cần tuyên dương nền văn học Pháp. Mặt khác, tôi biết một số nhà thơ lớn trong những đồng hương của tôi, những trí tuệ cao quý và mạnh mẽ, những người mà lẽ ra quý vị có nhiều lí do hơn để chọn. Vậy tại sao người đứng trên bục vinh dự này lại là tôi?

Con quỷ của tính kiêu căng, không bao giờ im lặng hoàn toàn, thoạt đầu thì thầm vào tai tôi những lời lẽ tâng bốc. Thậm chí tôi còn tự hỏi bằng việc trao giải cho một “kẻ không giáo điều” như tôi tự nhận, liệu Viện Hàn lâm có muốn nhấn mạnh rằng trong thế kỷ này, khi tất cả mọi người đều “tin” và “quả quyết”, có lẽ nên có ai đó “do dự”, “nghi ngờ” và “thắc mắc” – là những đầu óc độc lập thoát khỏi những mê hoặc của các ý thức hệ đảng phái và mối quan tâm canh cánh của họ là phát triển lương tâm của mỗi cá nhân để duy trì một tinh thần “chất vấn” khách quan, tự do và công bằng trong phạm vi có thể của một con người.

Tôi cũng muốn cho rằng niềm vinh dự bất ngờ này đã thừa nhận những nguyên tắc mà tôi vẫn tâm huyết. “Nguyên tắc” là một từ quá lớn để được dùng bởi một kẻ tuyên bố rằng y luôn sẵn sàng xem xét lại quan điểm của mình. Tuy nhiên, tôi phải thừa nhận rằng trong thực tế sáng tác, tôi đã tự áp đặt cho mình một số nguyên tắc nhất định mà tôi luôn cố trung thành.

Tôi còn rất trẻ khi bắt gặp suy nghĩ này ở một trong các nhân vật trong một tiểu thuyết của nhà văn Anh Thomas Hardy: “Đối với ông, giá trị đích thực của cuộc sống không hẳn là cái đẹp mà là tính bi đát”. Lời đó thốt lên với một trực giác sâu thẳm trong tôi, có liên quan mật thiết với nghiệp cầm bút của tôi. Từ đó, tôi nghĩ rằng mục đích hàng đầu của tiểu thuyết là làm cho cái bi trong cuộc sống phải lên tiếng. Hôm nay tôi muốn nói thêm: yếu tố bi đát trong cuộc sống của mỗi cá nhân, cái bi của một “số mệnh diễn ra như đã được an bài”.

Lúc này, tôi không thể không nhắc đến ví dụ bất tử về Tolstoi, người mà các tác phẩm đã có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của tôi. Nhà tiểu thuyết bẩm sinh này nhận thức chính mình bằng niềm đam mê xâm nhập sâu hơn nữa vào tri thức của con người và vạch trần trong các nhân vật của mình cái yếu tố cá nhân của cuộc đời ông, cái làm cho mỗi cá nhân trở thành độc nhất vô nhị. Tôi thấy dường như cơ hội sống còn của tác phẩm một nhà tiểu thuyết có thể chỉ dựa trên số lượng và chất lượng của những cuộc đời đơn lẻ mà ông đã tạo ra được trong sáng tác của mình. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Nhà tiểu thuyết còn phải có một cảm quan về cuộc sống trong toàn thể; tác phẩm của ông phải biểu lộ một nhãn kiến cá nhân về vũ trụ. Ở khía cạnh này, một lần nữa Tolstoi chứng tỏ mình là một bậc thầy. Mỗi nhân vật của ông đều ít nhiều bị dằn vặt bởi một ám ảnh siêu hình, và mỗi trải nghiệm nhân thế mà ông ghi lại đều vượt ngoài một sự cật vấn con người mà hàm ẩn một câu hỏi khắc khoải về ý nghĩa cuộc sống. Phải thừa nhận tôi rất vui khi thấy rằng, bằng việc trao vương miện cho một nhà tiểu thuyết, các viện sĩ Viện Hàn lâm Thụy Điển đã gián tiếp tỏ lòng kính trọng trước những cống hiến của tôi dành cho một thể loại không dễ dàng khai thác cũng như trước những nỗ lực của tôi nhằm gặt hái từ những chỉ dẫn có được nhờ thiên tài của ông.

Tôi muốn kết luận bằng một giả thuyết có phần hơi ảm đạm, dù rằng tôi cảm thấy ái ngại khi quấy rối không khí ngày hội bằng những suy nghĩ đau buồn gây ám ảnh đối với tất cả chúng ta. Tuy nhiên, có lẽ Viện Hàn lâm Thụy Điển đã không hề do dự khi tỏ rõ chủ ý muốn hướng sự quan tâm của những người có tri thức vào tác giả của cuốn Mùa hè năm 1914 (L’été 1914)(3).

Đó là tựa đề cuốn sách cuối cùng của tôi. Tôi không phải là người phán xét giá trị của nó. Nhưng ít ra tôi biết cái mà tôi muốn làm: trong ba tập của cuốn tiểu thuyết này, tôi cố gắng tái hiện không khí đau thương của châu Âu vào đêm trước cuộc tổng động viên năm 1914. Tôi muốn chỉ ra điểm yếu của các nhà cầm quyền ngày đó, sự do dự, thiếu thận trọng và những khát vọng không dám nói thành lời của họ; nhưng hơn hết, tôi muốn tạo một ấn tượng về tình trạng mê muội của quần chúng đang sống trong bình yên trước ngày xảy ra cơn đại biến mà họ sẽ trở thành nạn nhân, cơn đại biến đã làm chín triệu người thiệt mạng và hơn mười triệu người tàn phế.

Khi thấy một trong những ban giám khảo văn chương cao quý nhất, với uy tín được thừa nhận rộng khắp, ủng hộ những cuốn sách đó, tôi tự hỏi lý do nằm ở đâu. Phải chăng lý do có thể không nằm ở chỗ những cuốn sách đó, với sự phát hành rộng rãi, hình như đã bảo vệ những giá trị đang một lần nữa bị đe dọa và chống sự lây lan tàn hại của các thế lực chiến tranh.

Bởi tôi là đứa con của phương Tây, nơi tiếng súng không lúc nào cho tâm trí ta yên ổn. Hôm nay, chúng ta cùng nhau có mặt tại đây vào ngày mồng 10 tháng 12, ngày mất của Alfred Nobel (con người của hành động, con người mà những năm cuối đời đã đặt niềm hi vọng cao cả của mình vào tình bằng hữu giữa các quốc gia), cho phép tôi thú nhận điều này: thật vui biết bao khi nghĩ rằng tác phẩm của tôi – tác phẩm có vinh dự được trao giải thưởng mang tên ông – có thể không chỉ phục vụ cho sự nghiệp văn chương mà cả cho sự nghiệp hòa bình. Trong những tháng ngày đầy âu lo mà chúng ta đang sống, khi máu đã đổ ở hai đầu bán cầu xa xôi, khi trên thực tế hầu như đâu đâu cũng ngập chìm trong bầu không khí ô nhiễm bởi những khổ đau và những đam mê cuồng tín sục sôi quanh những mũi súng đang nhắm bắn, khi có quá nhiều dấu hiệu tiên báo sự trở lại của thuyết chủ bại đang ngắc ngoải, cái sự đồng thuận mà chỉ riêng nó là đủ cho chiến tranh bùng nổ: đúng vào giây phút cực kì nghiêm trọng mà nhân loại đang trải qua này, tôi hi vọng, không phải bằng lời nói sáo rỗng mà bằng những khắc khoải đang gặm nhấm con tim, rằng cuốn sách Mùa hè năm 1914 sẽ được độc giả đón nhận và cùng bàn luận, và chúng sẽ nhắc nhở mọi người – những người già hay quên cũng như người trẻ hoặc không biết hoặc chẳng quan tâm – về bài học đau buồn của quá khứ.

Tác phẩm của Martin du Gard:

– Trở thành (Devenir, 1909), tiểu thuyết.

– Jean Barois (1913), tiểu thuyết.

– Gia đình Thibault (Les Thibault, 1922-1940), tiểu thuyết, 12 tập, 8 quyển.

– Chúc thư của cha Leleu (Le testament du père Leleu, 1920), tiểu thuyết, [Old Leleu’s Will].

– Bệnh phù (La gonfle, 1928), truyện [The Swelling].

Mùa hè (1914).

– Bí mật Châu Phi (Confidence Africaine, 1931), tiểu thuyết [African Secret].

– Người trầm lặng (Un tacitume, 1932), kịch [The Silent One].

– Nước Pháp già cỗi (Vieille France, 1933), truyện vừa.

– Ghi chép về André Gide 1913-1951 (Notes sur André Gide 1913-1951, 1951), kí [Recollections of Andre Gide].

– Hồi ức văn học và tự truyện (Souvenirs autobiographiques et litteraires, 1955).

– Nhật kí của đại tá Maumont (Les souvenirs du colonel Maumont, 1940-1958), tiểu thuyết, chưa hoàn thành.

* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

– Gia đình Tibô (nguyên tác: Les Thibault, tiểu thuyết, 2 tập), Lê Xuân Ninh – Phan Hồng Sơn – Nguyễn Khắc Đạm – Thanh Tùng dịch, Nxb Văn học, 1982 (tập 1); 1983 (tập 2).

– Ghi chép về André Gide, Lộc Phương Thủy dịch, in trong cuốn André Gide: Đời văn và tác phẩm, Nxb Khoa học Xã hội, 2002.


Trần Việt Hưng và Tân Đôn dịch từ bản tiếng Anh

Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính

(Nguồn: http://nobelprize.org)

© Culture Globe


Ghi chú

(1) Do Per Hallstrửm, Thư kí thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển đọc.

(2) Martin du Gard đọc trong tiệc chiêu đãi giải thưởng Nobel ngày 10/12/1937 tại Tòa Thị chính Stockholm.

(3) Mùa hè năm 1914 là tập 7 trong bộ sách (8 tập) Gia đình Thibault của Martin du Gard.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây