Những nhà văn đoạt giải Nobel bị lưu đày

0
615

Có nhận xét rằng các nhà văn được Giải Nobel trong khoảng giao thời hai thế kỉ (XX và XXI) đều là những kẻ bị lưu đày, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, phản ánh những tâm thế bất an, di dịch của thời đại.

Trong thế giới ngày nay, con người dường như không chịu, mà cũng không được, yên ổn trong cái cộng đồng giới hạn từ lúc chào đời, dù đó là làng xã, quốc gia hay cả một châu lục. Xu thế hội nhập và “toàn cầu hoá” một mặt thu nhỏ thế giới, kéo con người đến gần nhau hơn, nhưng mặt khác cũng xua đuổi con người, hoặc là thân xác, hoặc là tâm trí, ra khỏi những nơi quen thuộc vào cõi “lưu đày”.

G. Grass

Người nhận Giải Nobel 1999, G. Grass, nhà văn gốc Đức sinh ở Ba Lan rồi di dân về Đức, đã trải qua chiến tranh, tù đày, làm dăm ba nghề kiếm sống rồi đến với nghệ thuật, thơ văn, chính trị… Nhân vật chính trong tiểu thuyết Cái trống thiếc của ông là một cậu bé sống lưu đày giữa thế giới của người lớn xa lạ, tẻ nhạt và tởm lợm, quyết định mãi mãi không lớn thêm nữa để phủ nhận cái thế giới đó.

Cao Hành Kiện

Cao Hành Kiện nhà văn Nobel bị lưu đày
Cao Hành Kiện

Cao Hành Kiện, nhà văn kiêm họa sĩ quốc tịch Pháp gốc Trung Quốc, Giải Nobel 2000 “với một sự nghiệp văn chương tầm cỡ toàn cầu ghi dấu ấn của một sự thức tỉnh chua chát và của một tài năng ngôn ngữ bậc thầy đã mở những con đường mới cho nghệ thuật tiểu thuyết và nghệ thuật kịch Trung Hoa” (Lời nhận xét của đại diện Viện Hàn lâm Thụy Điển), thật sự phải sống thân phận kẻ lưu đày trên quê hương, rồi lưu vong nơi xứ lạ.

V. S. Naipaul

Người được trao Giải Nobel 2001, đúng vào dịp kỉ niệm 100 năm thành lập giải, là V. S. Naipaul, nhà văn quốc tịch Anh gốc Ấn Độ, vì những tác phẩm nhắc chúng ta nhớ lại lịch sử bị lãng quên, những số phận chịu đọa đầy của các dân tộc bị áp bức. Sách của ông viết về hòn đảo Trinidad nơi ông sinh ra và lớn lên, nhưng từ khi 18 tuổi ông đã vĩnh viễn rời bỏ quê hương để sang sinh sống ở nước Anh.

Imre Kertész

Tiếp sau đó là Imre Kertész, nhà văn Hungari gốc Do Thái, người nói nhiều về sự mong manh của nhân cách được đưa ra đối lập với chủ nghĩa độc tài dã man của lịch sử, về sự thích nghi của những thân phận lưu đày trong thế giới tàn bạo.

T. M. Coetzee

Giải Nobel 2003 về tay nhà văn T. M. Coetzee (quốc tịch Nam Phi gốc Đức), cũng là người cư trú và làm việc tại những nơi không phải là Tổ quốc mình. Tác phẩm của ông phản ánh sự nghiệt ngã cùng nỗi cô đơn của những thân phận con người trong nền văn minh thuộc địa.

E. Jelinek

Nhà văn Nobel bị lưu đày
E. Jelinek

Và người đoạt Giải Nobel Văn học năm 2005, nữ nhà văn quốc tịch Áo gốc Do Thái E. Jelinek, có những cuốn tiểu thuyết cày xới lên một cách độc đáo một trong những vấn đề nóng bỏng của đời sống con người hiện đại: bà vốn được biết đến như một cây bút táo tợn, thích khiêu khích, “lật đổ”, tập trung vào đề tài tình dục, thường gây sốc trong dư luận.

Tuy nhiên, phải thấy được cảm hứng chính trong tác phẩm của E. Jelinek là sự phản kháng, hoặc như đánh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển, “trình bày một thế giới không khoan nhượng, trong đó độc giả được đối chất với một trật tự bị phong tỏa bởi bạo lực áp đảo, bởi kẻ đi săn và con mồi“. Trong hoạt động xã hội, bà quyết liệt phản đối trào lưu cực tả phát xít đang nổi lên, thậm chí cấm các nhà hát Áo diễn kịch của bà khi phe cực tả thắng thế ở đây.

Orhan Pamuk

Rồi nhà văn Thổ Nhĩ Kì Orhan Pamuk, người nhân Giải Nobel Văn học năm 2006, trong một nghĩa nào đó, cùng với E. Jelinek, cũng là một kẻ lưu vong! Vì đã dám nói ra sự thật về tội diệt chủng của những người là đồng bào của mình, O. Pamuk đã bị những người cùng Tổ quốc khởi kiện về tội “phản bội”, “sỉ nhục quốc thể”, và cả sau khi đã mang vinh quang về cho dân tộc bằng Giải Nobel đầu tiên cho người Thổ Nhĩ Kì, ông vẫn phải sống bất an trong sự đe dọa và nguy hiểm rình rập.

Những nhà văn có số phận lưu vong (kể cả khi lưu vong ngay trên quê hương mình) là những người nhạy cảm với số phận của mỗi cá nhân và của cả nhân loại. Hẳn vì thế mà văn chương của họ dễ đạt đến tầm tư tưởng cao sâu và nghệ thuật trác tuyệt…

Nguồn: TTVHNN Đông Tây

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây