Trong hơn một thế kỉ qua, có một số nhà văn từ chối nhận Giải Nobel, chủ yếu vì lí do chiến tranh, và có một số người từ chối (hoặc buộc phải từ chối) nhận giải.
Carl von Ossietzki
Năm 1937 trùm quốc xã A. Hitler, tức giận trước việc Giải Nobel Hòa bình năm 1935 trao cho nhà bác học chống phát xít Carl von Ossietzki là tù chính trị tại Đức, đã cấm người Đức từ đó về sau nhận các Giải Nobel.
J. P. Sartre
Trong quá khứ, vì những lí do khách quan, nhà văn Pháp J. P. Sartre, người được đề nghị trao Giải Nobel Văn học năm 1964 cũng từ chối giải Nobel.
Với J. P. Sartre, có nhiều lí do được người đời đưa ra. Chẳng hạn, có người cho rằng đối với ông, Giải Nobel vẫn là dưới tầm. Nhưng có lẽ đúng hơn nên coi ông là con người bao giờ cũng nhất quán với chính mình, nhất quán với những tuyên ngôn và chủ trương triết lí của mình.
Là người theo chủ nghĩa Hiện sinh, J. P. Sartre không thích bị ràng buộc, kể cả bị ràng buộc vào một niềm vinh dự là Giải Nobel Văn học. Sự độc lập của ý thức và nhận thức là rất quan trọng, con người tự do đánh giá ý nghĩa cuộc đời mình, tự chịu trách nhiệm về những hành động của mình. Cùng với những hoạt động sáng tạo đa dạng và toàn diện, hành động từ chối Giải Nobel đã khiến J. P. Satre trở thành một huyền thoại hàng đầu của thế kỉ XX.
Bernard Shaw
Một trong những nhà viết kịch vĩ đại nhất thế kỉ, Bernard Shaw, quốc tịch Anh gốc Ireland, cũng không mấy mặn mà với Giải Nobel. Năm 1925, khi nhận được thông báo rằng Giải Nobel Văn học được trao cho ông, mọi người dân Anh đều coi đó là vinh quang chung của đất nước mình, nhưng vốn không ưa nghi lễ và các loại giải thưởng, Bernard Shaw đã không đến Stockholm nhận giải.
Samuel Beckett
Nhà văn được đề nghị trao Giải Nobel 1969, Samuel Beckett (cũng người Ireland) còn ngộ nghĩnh hơn. Viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp, tác phẩm của ông cực kì sinh động và nổi tiếng. Ông gần như im lặng tuyệt đối về sáng tác của ông, nhưng lại được nói tới rất nhiều. Khi nhận thông báo Giải Nobel được trao cho mình, ông tuyên bố rằng ông chỉ đồng ý nhận giải với điều kiện không phải đích thân tới dự lễ và tránh đi “ẩn náu” ở một nơi xa. Là tác giả những vở kịch phi lí lừng danh, quả thật ứng xử của ông cũng không kém phần “phi lí”.
E. A. Karlfeldt
Giải Nobel 1931 nhà thơ Thụy Điển E. A. Karlfeldt là ngoại lệ duy nhất của hơn một thế kỉ Giải Nobel: ông từ chối nhận giải khi còn sống và được trao giải sau khi đã chết. Xuất thân trong một gia đình làm nông nghiệp, ông là tác giả của những vần thơ thấm đẫm tình cảm thiêng liêng ngàn đời: tình yêu chân chất thi vị, nỗi nhớ thương đầy tự hào đối với cha ông tổ tiên, niềm vui lao động…
E. A. Karlfeldt được bầu vào Viện Hàn lâm Thụy Điển năm 1904, là thành viên của Ủy ban Nobel Văn học, thư kí thường trực của Viện Hàn lâm, và đấy là lí do khiến ông không nhận Giải Nobel mà ông được đề cử xét từ năm 1912. Tuy vậy, có lẽ do không muốn bỏ sót một thành tựu văn chương độc đáo và điển hình như thơ ca của ông, Viện Hàn lâm Thụy Điển vẫn trao tặng Giải Nobel Văn học cho ông sau khi ông qua đời ngày 8-4-1931.
B. Pasternak
Một trường hợp từ chối nhận Giải Nobel khác nhưng không phải do tự nguyện hay chính kiến, mà vì áp lực chính trị, là nhà thơ Nga B. Pasternak. Ông là một trong những bậc thầy ghi dấu ấn sâu đậm vào đời sống văn chương thế kỉ XX.
Bản lĩnh của ông bắt nguồn một phần quan trọng từ gia đình. Mặc dù trong cuộc đời chịu nhiều bất công, thiệt thòi, ông vẫn kiên tâm sáng tác, vẫn từng bước một thực hiện lí tưởng của mình. Lí tưởng ấy biểu lộ trong thơ và truyện của ông, chủ yếu là trong tiểu thuyết Bác sĩ Jivago.
Hoàn thành năm 1955 sau nhiều năm làm việc, nhưng không được in ở Liên Xô, năm 1957 được xuất bản ở Italia bằng tiếng Nga và tiếng Italia, ngay trong năm đó tác phẩm này đã được dịch ra gần hai chục thứ tiếng và trở thành một trong những tiểu thuyết Nga thế kỉ XX nổi tiếng nhất ở nước ngoài.
Sau khi được thông báo trúng Giải Nobel 1958, ông bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn Liên Xô. Dù được dư luận quốc tế ủng hộ, ông vẫn buộc phải tuyên bố từ chối nhận giải để tránh những phiền phức tiếp theo. Năm 1987, ông được phục hồi tư cách hội viên Hội Nhà văn Liên Xô. Từ đó, Bác sĩ Jivago mới đến được với bạn đọc Nga – những độc giả chủ yếu mà B. Pasternak muốn gửi gắm tư tưởng và tình cảm của mình.