Rudyard Kipling – nhà văn Anh với trí tưởng tượng rực rỡ

0
760

Rudyard Kipling, nhà văn đoạt giải Nobel Văn học 1907, nổi tiếng với khả năng quan sát, trí tưởng tượng rực rỡ, độ chín muồi tư tưởng và tài năng thuật truyện xuất sắc. Những tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông có “Sách rừng” – thấm sâu tư tưởng về sự sống khởi nguyên có tầng bậc giá trị rõ ràng và hết sức đơn giản mà nền văn minh không chạm đến được; và Kim – được coi là cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Anh hay nhất về Ấn Độ và là một trong những tiểu thuyết Anh hay nhất nói chung.

Xem thêm: Henryk Sienkiewicz – Nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử lỗi lạc

Đôi nét về cuộc đời Rudyard Kipling
Kipling, Rudyard (30/12/1865 – 18/1/1936) Ảnh: wikipedia

Đôi nét về cuộc đời Rudyard Kipling

Joseph Rudyard Kipling sinh trong một gia đình gốc Anh tại Bombay (Ấn Độ); bố ông là một chuyên gia lớn về Lịch sử Nghệ thuật Ấn Độ, Hiệu trưởng trường Nghệ thuật Bombay; mẹ xuất thân từ gia đình danh giá nổi tiếng ở London. Tuổi ấu thơ của ông ở Ấn Độ đầy những ấn tượng, hạnh phúc, gắn liền với thiên nhiên Phương Đông tươi đẹp và huyền bí. Năm sáu tuổi, ông được gửi sang Anh sống với một gia đình theo đạo Tin Lành. Năm 1877, ông được cha mẹ cho vào học trường Cao đẳng Quân sự tư nhân Devon với hi vọng lớn lên có thể vào một học viện quân sự danh giá. Năm 1882, Năm 1882, do bị cận thị nên không vào được Học viện Quân sự, Rudyard Kipling trở về Ấn Độ, viết một số truyện ngắn và làm trợ lí Tổng biên tập cho tờ Công báo dân sự và quân đội (Civil and Military Gazette) ở Lahor. Chàng thanh niên đã khiến xã hội sở tại kinh ngạc bởi những ý kiến sắc sảo trước các vấn đề xã hội và kiến thức về đất nước Ấn Độ. Những chuyến đi hàng năm tới thành phố Shimla trong vùng Hymalaya là nguồn gốc dẫn đến sự ra đời nhiều tác phẩm của nhà văn. Năm 1886 R. Kipling in tập thơ đầu tiên Những bài ca ở bộ với số lượng hạn chế, nhưng sách bán hết ngay nên phải lập tức in lại. Năm 1887, ông chuyển sang làm việc cho báo Người tiên phong (Pioneer) ở Allahabad. Truyện ngắn của ông in ở Ấn Độ được tập hợp thành sáu tập sách trong Tủ sách Đường sắt Ấn Độ khá nổi tiếng.

Năm 1889, Rudyard Kipling du lịch khắp thế giới, viết du kí cho báo. Tháng Mười năm đó ông đến London và gần như lập tức trở nên nổi tiếng. Ông bắt đầu chuyển sang phong cách thơ mới của Anh. Năm 1892, ông sang Mĩ và kết hôn với em gái chủ xuất bản người Mĩ U. Balestier, người viết chung cùng R. Kipling cuốn tiểu thuyết Naulahka không thành công lắm. Trong bốn năm sống ở Mĩ, R. Kipling đã viết những tác phẩm hay nhất của mình, như Sách rừng Sách rừng thứ hai (1894, 1895). Năm 1896, họ trở về Anh. Theo lời khuyên của bác sĩ, mùa đông nhà văn sang Nam Phi. Trong chiến tranh Anh – Nam Phi (thường gọi là Chiến tranh Boer(1), 1899-1902) ông là phóng viên mặt trận.

Trên đỉnh cao vinh quang và tiền bạc, R. Kipling tránh công chúng, bỏ qua những phê bình thù nghịch, từ chối nhiều danh hiệu. Năm 1901, ông xuất bản tiểu thuyết Kim – như một lời chào giã từ gửi đến đất nước Ấn Độ. Năm 1902, ông lui về sống tại một làng quê hẻo lánh ở tỉnh Sussex (Anh) cho đến cuối đời.

Năm 1907, R. Kipling được trao Giải Nobel khi đã có trong tay 20 tập sách (trong đó có bốn tiểu thuyết, hàng trăm bài thơ, nhiều tập kí, bài báo…). Ông đến Stockholm nhưng không đọc diễn văn nhận giải. R. Kipling còn được nhận bằng danh dự và phần thưởng của nhiều trường đại học danh tiếng như Oxford, Cambridge, Edinburg, Paris, Athens, Toronto… Đến nửa đời, phong cách của nhà văn có sự thay đổi. Ông bắt đầu viết từ tốn, chín chắn và cẩn thận kiểm tra lại những gì đã viết. Trong Thế chiến I, con trai ông hi sinh, ông cùng vợ làm việc ở tổ chức Hồng Thập tự. Sau chiến tranh ông đi du lịch nhiều, làm quen và kết bạn với nhà vua Anh George V.

Năm 1926, R. Kipling nhận giải Huy chương Vàng Văn học Hoàng gia Anh. Cho đến cuối đời R. Kipling vẫn tiếp tục sáng tác thơ và truyện ngắn, tuy cường độ sáng tạo đã giảm sút. Nhà văn mất vì chảy máu đại tràng vào năm 1936. Hai ngày sau, bạn của ông – vua George V – cũng băng hà. Tác phẩm tự truyện Vài điều về bản thân được xuất bản sau khi ông qua đời.

Đánh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển(2)

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển – Wikipedia tiếng Việt

Năm nay có rất nhiều đề cử cho giải thưởng Nobel Văn học, số lượng các ứng cử viên sáng giá cho giải thưởng cao quý, niềm khát khao của bao người cũng không phải là ít.

Từ những ứng cử viên nói trên, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã chọn một nhà văn Anh. Hàng thế kỉ qua, nền văn học nước Anh đã phát triển dồi dào và đơm hoa kết trái với những thành quả rực rỡ. Khi tiếng đàn lia bất tử của Tennyson mãi mãi im tiếng, tiếng kêu quen thuộc mỗi khi một cây đại thụ văn học ra đi lại vang lên. Cùng với ông, thời kì huy hoàng của thơ ca đã qua, không còn ai nhặt tấm áo choàng của thơ ca lên nữa. Với những dòng thơ không kém tuyệt vọng cũng đã làm cả đất nước phải thẫn thờ trước sự ra đi bất ngờ của Tegnér. Nhưng đó lại không phải là trường hợp đối với Nàng Thơ kiều diễm. Nàng không chết, cũng không bị phế truất khỏi ngai vàng, nàng tự tô điểm cho mình trong bộ cánh mới để phù hợp với thị hiếu thẩm mĩ đã đổi thay trong một thời đại thay đổi.

Trong các tác phẩm của Tennyson, chủ nghĩa lí tưởng nổi bật đến mức nó hiển thị trước mắt người đọc một cách rõ ràng, trực diện. Tuy nhiên, bóng dáng của chủ nghĩa lí tưởng cũng có thể tìm thấy trong nhận thức và tài năng của các nhà văn có quan điểm khác biệt so với ông, những người chủ yếu quan tâm tới những nhân tố bên ngoài và đã giành được tiếng tăm nhờ vào những ngôn từ bóng bảy dùng để mô tả về một cuộc sống nhộn nhịp, sôi nổi của thời đại chúng ta, một cuộc sống thường bị quấy rối và gặm nhấm bởi những cuộc đấu tranh sinh tồn đau đớn và bởi những nỗi lo lắng bối rối đi kèm theo đó. Lời miêu tả này thật đúng đối với Rudyard Kipling, người mà Viện Hàn lâm Thụy Điển trao tặng Giải Nobel vào năm nay. Một nhà văn Pháp, người đã dành phần lớn thời gian nghiên cứu văn học Anh, cách đây sáu năm đã viết về ông như sau: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Kipling là người thống lĩnh văn học Anh xứng đáng nhất trong những năm gần đây.”

Kipling sinh ngày 30/12/1865 tại Bombay. Lúc sáu tuổi, ông sống nhờ sự chăm nom của bà con họ hàng người Anh. Quay trở lại Ấn Độ năm 17 tuổi, ông kiếm được một chân trong tờ thời báo Công báo dân sự và quân đội (The Civil and Military Gazette), xuất bản tại Lahore, và ở tuổi hai mươi ông làm biên tập viên cho tờ Tiền phong (The Pioneer) tại Allahabad. Với tài làm báo và vì những mục đích riêng, ông đã chu du khắp đất nước Ấn Độ. Nhờ đó, ông hiểu sâu sắc tư tưởng, nhận thức đạo Hinđu và trở nên thân thiết với nhiều nhóm Hindu với những phong tục tập quán và định chế khác nhau, mang đậm nét đời sống quân đội Đế quốc Anh tại Ấn Độ. Sự hiểu biết uyên thâm những giá trị bên trong tất cả những gì thuộc về Ấn Độ được phản ánh rõ nét trong các tác phẩm của Kipling, tới mức người ta cho rằng chúng đã kéo Ấn Độ xích lại gần với Anh hơn cả công trình kênh đào Suez. Trong số những tác phẩm đầu tay, tác phẩm châm biếm Những bài ca ở bộ (Departmental Ditties, 1886) lôi cuốn bạn đọc bởi sự táo bạo của những lời ám chỉ chứa đựng trong đó, và bởi giọng điệu độc đáo. Cũng trong số các tác phẩm đầu tay, các truyện ngắn Truyện kể núi đồi (Plain Tales from the Hills, 1888), Ba người lính (Soldiers Three, 1888) cũng khá nổi tiếng bởi, bên cạnh những lí do khác, ông đã phác họa được ba hình mẫu người chiến sĩ dễ thương: Mulvaney, Ortheris và Learoyd. Các tác phẩm khác cùng thể loại là Câu chuyện về gia đình Gadsby (The Story of the Gadsbys, 1888), Trắng và Đen (Black and White, 1888), và Dưới những rặng bách hương (Under the Deodar, 1888) đều đề cập tới đời sống xã hội Simla. Tuyển tập truyện với nhan đề Trở ngại của cuộc sống (Life’s Handicap), bao gồm một số truyện có nội dung nghiêm túc, ra đời vào năm 1891. Cùng xuất hiện năm đó là cuốn tiểu thuyết phần nào khô cứng về thể loại nhưng lại có những đoạn miêu tả đầy màu sắc mạnh mẽ đạt hiệu quả tuyệt vời đó là Ánh sáng lụi tàn (The Light that Failed, 1890).

Ngòi bút thơ ca của Kipling thực sự trưởng thành khi ông viết Những khúc ballad về trại lính (Barrack Room Ballads, 1892). Những bài ca hùng tráng về người lính tràn đầy chất hóm hỉnh đã miêu tả chân thực Tommy Atkins trong mọi bước tiến của ông, anh dũng hành quân về phía trước để đối mặt với hiểm nguy và bất hạnh, bất cứ nơi đâu, chỉ để làm vừa lòng Bà quả phụ của lâu đài Windsor (The Widow of Windsor) hay khi đối mặt với người kế nhiệm bà trên ngai vàng và kết liễu ông ta. Ở Kipling, quân đội Hoàng gia Anh tìm thấy một người hát rong để diễn giải, theo một cách thức mới mẻ, độc đáo và bi hài, những công việc cực nhọc, những trận cướp bóc mà họ phải trải qua, và để khắc họa cuộc sống và công việc của đoàn quân bằng lời ghi nhận chân thành phẩm chất cao quý của họ, mà không hề tô vẽ hào nhoáng. Trong những vần thơ miêu tả những người lính và những người thủy thủ, ông say mê diễn tả những ý nghĩ của họ, bằng chính ngôn ngữ của họ, làm cho họ phải trầm trồ thán phục và, như chúng ta biết, họ luôn luôn hát các bài ca của ông vào bất cứ thời giờ rảnh rỗi nào trong một ngày bận rộn. Khó có niềm vinh dự nào lớn lao hơn đối với một nhà thơ lớn là được những độc giả ở tầng lớp bình dân yêu mến.

Trong tập thơ với nhan đề Bảy biển (The Seven Seas, 1896), Kipling tự bộc lộ mình là một người theo chủ nghĩa đế quốc, một công dân của một đế chế hùng mạnh khắp thế giới. Rõ ràng, ông đã góp phần quan trọng vào việc thắt chặt mối quan hệ liên minh giữa nước Anh và các thuộc địa, hơn bất cứ một nhà văn thuần túy nào khác.

Tại Thụy Điển cũng như mọi nơi khác, cuốn Sách rừng (The Jungle Book, Việt Nam thường dịch là “Chuyện rừng xanh”, hoặc “Cậu bé rừng xanh”) của Kipling – tập 1 ra mắt năm 1894 đã được bạn đọc ngưỡng mộ và yêu mến. Sức mạnh tưởng tượng ở thời kì nguyên sơ đã tạo cảm hứng cho tác giả sáng tác nên những câu chuyện huyền thoại về loài vật: Bagheera Báo đen, Gấu Baloo, Kaa con trăn đá khổng lồ gian ác, Nag rắn hổ mang trắng và lũ khỉ huyên thuyên ngu ngốc. Trong đám đó, Mowgli không ngừng gia tăng quyền lực. Một số cảnh tượng mang vóc dáng siêu phàm, chẳng hạn cảnh Mowgli đang nghỉ ngơi trong lòng Kaa, còn Kaa, kẻ đã từng chứng kiến biết bao thế hệ cây cối, loài vật, mơ xa xăm về những năm tháng đã qua, hay lại một lần nữa khi Mowgli buộc Voi Hathi tiến vào rừng rậm chiếm những cánh đồng của con người. Những miêu tả bắt nguồn từ cảm giác bản năng đối với chất thơ của tự nhiên, một chất thơ siêu phàm. Và Kipling, trong những câu chuyện về cuộc sống rừng sâu này, đã lột tả được vẻ uy nghi nguyên thủy thực thụ xuất sắc nhiều so với việc dựng lên hình ảnh “Con tàu tự tìm chính mình” (trong Công việc thường ngày (The Day’s Work, 1898), một nhân cách hóa thú vị cho dù rất kì dị theo kiểu những phát minh cơ khí. Các câu chuyện trong Sách rừng đã khiến Kipling trở thành một tác giả được trẻ em khắp thế giới mến mộ. Người lớn chia sẻ niềm hân hoan với trẻ con và sống lại những ngày thơ ấu khi ngồi nghiền ngẫm những câu chuyện ngụ ngôn tuyệt vời này.

Trong số lượng tác phẩm khổng lồ của Kipling, Kim (1901) được biết đến với bức tranh phác họa một nhà sư đạo Phật, người đi hành hương dọc theo bờ của một dòng sông tinh khiết không một vết nhơ. Câu chuyện vừa mang vẻ thanh cao vừa dịu êm và lôi cuốn với những đường nét khác thường nhưng lại được xử lí nhuần nhuyễn dưới bút pháp táo bạo của tác giả. Trong bóng dáng Kim, chú tiểu của nhà sư nhỏ bé nhưng xảo trá, ta còn thấy nét tinh nghịch thông sâu.

Người ta buộc tội Kipling rằng ngôn ngữ của ông đôi khi hơi thô tục và rằng, việc ông sử dụng tiếng lóng của các quân sĩ trong một vài đoạn khiến các bài ca và các bản tình ca của ông gần như tục tĩu. Cho dù những nhận xét trên có phần nào đúng thì cũng bị phai nhạt nhờ bút pháp bộc trực đến ngỡ ngàng, ngòi bút thúc đẩy sự phát triển đạo đức của Kipling. Ông đã giành được cảm tình của đông đảo công chúng, không chỉ ở thế giới Anh – Ấn, nơi đã sản sinh ra người nghệ sĩ văn chương bậc thầy, mà còn vượt ra khỏi đường biên giới của Đế chế Anh rộng lớn. Trong khi ông mắc bệnh hiểm nghèo tại Hoa Kì vào năm 1899, báo chí Hoa Kì đưa tin hàng ngày về tình trạng sức khỏe của ông, và Quốc vương Đức đã gửi một bức điện cho vợ ông bày tỏ niềm cảm thông chân thành.

Vậy điều gì đã khiến công chúng trên toàn thế giới yêu mến Kipling đến vậy? Hay nói khác đi: Bằng cách nào mà Kipling đã chứng tỏ ông xứng đáng với lòng ngưỡng mộ đó? Và làm cách nào mà ông xứng đáng nhận được Giải Nobel Văn học, một giải thưởng mà một nhà văn phải hoàn mĩ trong nhận thức và trong nghệ thuật mới có cơ may đạt được? Câu trả lời là:

Độ uyên thâm và sự thông thái của Kipling có thể không thật nổi trội, song ngay cả một người quan sát thoáng qua cũng lập tức nhận ra tài quan sát độc nhất vô nhị của ông, khả năng tái tạo chính xác đến bất ngờ từng chi tiết nhỏ nhặt nhất của đời sống. Tuy nhiên, chỉ riêng tài quan sát, cho dù có xác thực đến mấy, cũng không thể đủ để được xét trao giải thưởng. Còn có một cái gì đó nữa mà qua đó năng khiếu thơ ca của ông hiển hiện rõ nét. Trí tưởng tượng tuyệt vời của ông cho phép ông mang lại cho chúng ta không chỉ những bản sao của thiên nhiên mà cả những hình ảnh từ chính những nhận thức của ông. Những bức tranh phong cảnh hiện ra trước thế giới nội tâm bất ngờ như thể ma quỉ hiện hình trước mắt chúng ta vậy. Trong việc phác họa tính cách nhân vật, ngay từ những dòng miêu tả đầu tiên, ông đã thể hiện đậm nét những đặc điểm kì dị trong tính cách và tính khí của nhân vật. Tài năng sáng tạo của ông không bằng lòng với việc sao chụp đơn thuần những giai đoạn nhất thời của sự vật mà còn tham vọng muốn thâm nhập vào bản chất và tâm hồn sâu thẳm nhất của chúng. Đây chính là nét chủ đạo trong lao động văn chương của ông, đúng như bản thân ông đã từng nói: “Anh ta vẽ nên cái mà anh ta nhìn thấy vì lòng tôn sùng những vẻ đẹp vốn có của chúng”. Đằng sau những lời lẽ trau chuốt này ẩn sâu tinh thần trách nhiệm cao cả của nhà thơ trong việc hành nghề viết lách.

Sinh lực kiên cường, đôi khi sống sượng của Rudyard Kipling, không làm mất đi dấu ấn nhẹ nhàng, mẫn cảm, mặc dù những phẩm chất này không xuất sắc đến mức làm cho người ta phải thừa nhận sáng tác của ông. Câu chuyện giản đơn Chuyện về Muhammad Din (Story of Muhammad Din) thấm đẫm chất thơ làm rung động con tim, và sao có thể quên được những cậu bé đánh trống tí hon trong Chiếm Lungtumpen (The Taking of Lungtumpen).

Trong tận cùng sâu thẳm của nhà quan sát cuộc sống và thiên nhiên không biết mệt mỏi này ngân lên những sợi dây đàn xây thành một nốt nhạc cao quý. Bài thơ Đến với sự lãng mạn thực thụ (To the True Romance) toát lên niềm thương cảm cho một lí tưởng được theo đuổi kiên gan nhưng chưa bao giờ đạt được, để rồi lui về sống nương nhờ vào lồng ngực của mọi nhà thơ chân chính, và từ đây những quang cảnh, những dấu ấn của thế giới giác quan sẽ không bao giờ có thể đánh bật được nó:

Tôi đã thấy đủ trong giấc mơ

Và chạm vào đường viền tấm ga giường của anh:

Đôi chân anh đã gần kề với Chúa

Tôi bất lực không thể bước theo

Triết lí sống của nhà văn chịu ảnh hưởng sâu sắc của kinh Cựu Uớc, hay đúng hơn là của thời đại Thanh giáo. Không kiêu căng, dài dòng, nó dựa trên niềm tin “Sự sợ hãi của Chúa là khởi đầu cho sự thông thái” và tin rằng tồn tại một

Chúa của cha chúng ta, già cả

Dưới bàn tay oai nghiêm của Người ta nắm

Sự thống trị…

Xét về mặt thẩm mĩ, Kipling có khả năng cảm thụ thơ ca xuất chúng. Xét về góc độ đạo đức – tôn giáo, ông là một người có tinh thần trách nhiệm hiếm thấy. Chính điều này đã truyền cho ông một niềm tin vững chắc. Ông cảm nhận được một cách nhạy bén chân lí rằng ngay cả những quốc gia hùng mạnh nhất cũng sẽ suy vong trừ khi họ gây dựng được sự tuân thủ luật pháp nghiêm ngặt và sự kiềm chế bản thân hợp lí của các công dân. Đối với Kipling, Chúa là Thượng đế đầu tiên và toàn năng nhất, và ông đã đặt tên Chúa trong Trở ngại của cuộc sống là “Người cai quản tiếp đón”. Dân tộc Anh chắc chắn cảm kích quan niệm này, và Kipling đã trở thành một nhà thơ của dân tộc, không chỉ nhờ vô vàn những bài ca về người lính đã đạt giải cao, mà có lẽ đúng hơn là nhờ những đường nét phác qua trong Bài ca tiễn (Recessional), bài hát ông sáng tác nhân dịp kỉ niệm 60 năm trị vì của Nữ hoàng Victoria. Ấn tượng nhất là những từ ngữ trong bài ca diễn tả tình cảm tôn giáo đích thực và khiêm nhường:

Sự ồn ào và tiếng la hét chết lặng,

Thuyền trưởng và vị vua li biệt,

Nhưng vẫn đọng lại lòng hi sinh cổ kính của Anh,

Một trái tim dung dị và hối lỗi.

Bài ca tiễn đưa ngân lên tinh thần tự hào dân tộc, đồng thời nó truyền tải lời cảnh báo về sự nguy hiểm của tính kiêu căng thái quá.

Hoàn toàn tự nhiên, trong suốt cuộc chiến với người Phi gốc Hà Lan, Kipling đứng về phía dân tộc mình, người Anh. Tuy nhiên, ông đã đánh giá rất công bằng lòng dũng cảm kiên cường của kẻ thù, bởi lẽ sự tôn sùng chủ nghĩa đế quốc của ông không thuộc loại không thể nhượng bộ đến mức không thèm quan tâm đến khí thế của kẻ khác.

Nhiều phong trào thuộc nhiều dạng khác nhau đang được tán dương trong văn học Anh, một nền văn học có một sức sáng tạo vô song và đã được tô điểm để vượt qua tất cả những nền văn học khác bằng con người bất tử Shakespeare. Ở Kipling có lẽ ta thấy vóc dáng của Swift và Defoe nhiều hơn của Spenser, Keats, Shelley, hay Tennyson. Tuy nhiên, rõ ràng ông có một sức tưởng tượng cũng mãnh liệt như khả năng quan sát kinh nghiệm. Mặc dù ông không có lối viết trau chuốt và cuốn hút như Swinburne, ông không sa đà vào khuynh hướng tôn thờ những khoái cảm ngoại giáo chỉ nhằm hưởng lạc. Ông tránh được những cảm xúc vật chất bệnh hoạn và lối thơ Alexandrian rườm rà.

Kipling ưa cụ thể và cô đọng, những từ trừu tượng sáo rỗng cùng những mô tả vòng vo hoàn toàn không có chỗ trong các tác phẩm của ông. Ông có sở trường tìm ra cụm từ đầy ấn tượng, tính ngữ đặc trưng với độ chính xác gần như tuyệt đối. Khi thì người ta so sánh ông với Bret Harte, khi thì với Pierre Loti, khi khác lại với Dickens. Tuy nhiên, ông luôn luôn độc đáo, và dường như sức sáng tác của ông không bao giờ khô cạn. Mặc dù vậy, người đi đầu trong năng lực tưởng tượng này, như trên đã nói, là một người tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp và kỉ luật. Qui luật của rừng xanh là qui luật của vũ trụ. Nếu chúng ta hỏi mục đích chính của chúng là gì, chúng ta sẽ nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Đấu tranh, Nghĩa vụ, Phục tùng”. Vì thế, Kipling tán dương lòng dũng cảm, đức hi sinh và lòng trung thành. Sự hèn nhát, vô kỉ luật là những điều ông ghê tởm, và trong trật tự của thế giới, ông đã nhìn thấy nữ thần báo ứng, vị thần đã buộc điều giả định phải quì gối.

Nói Kipling là một nhà văn hoàn toàn độc lập không có nghĩa ông chẳng học hỏi được điều gì từ những người khác; ngay cả những bậc thầy vĩ đại nhất cũng cần học hỏi. Với Bret Harte, Kipling có chung cách đề cao bức tranh sống động của cuộc sống lang thang cầu bất cầu bơ, với Defoe là độ xác thực trong việc khắc họa mọi chi tiết và cảm nhận của ông về giá trị của việc sử dụng chính xác các thuật ngữ và các cụm từ. Giống như Ickens, ông cảm thông sâu sắc với những người có địa vị thấp kém trong xã hội, và chất dí dỏm trong những đặc điểm và hành động nhỏ nhặt. Tuy nhiên, bút pháp của ông cực kì độc đáo và riêng biệt. Ông hoàn thành đoạn kết bằng những gợi ý hơn là bằng mô tả. Không phải lúc nào nó cũng sáng chói nhưng nó luôn nổi bật và giàu hình ảnh. Tuyển tập Từ biển cả tới biển cả (From Sea to Sea, 1899) là một hình mẫu thực thụ về phong cách mô tả sinh động, cho dù là quang cảnh của thành phố Voi trị vì bởi vị thánh lười biếng quyền uy của Đảo Cọ, hay của Singapore, hay khi câu chuyện nói về lối sống và tập quán của người Nhật, Kipling luôn có sẵn một kho dự trữ lớn tính châm biếm, đôi khi cay độc, nhưng ông cũng có nguồn cảm thông phong phú, sự cảm thông dành nhiều nhất cho những chiến sĩ và những thủy thủ, những người đã gìn giữ thanh danh của nước Anh ở những miền đất xa xôi. Ông có mọi quyền và lí do để nói với họ: “Tôi đã ăn miếng bánh và những hạt muối của các anh, tôi đã uống nước và rượu của các anh, tôi đã sống cuộc sống của các anh, và tôi đã canh giữ nấm mồ cho các anh”.

Ông đã có được danh vọng và thành công từ khi còn rất trẻ, nhưng ông vẫn không ngừng tiếp tục phát triển tài năng của mình. Một trong những tác giả viết tiểu sử về ông đã nói rằng có ba “nét” tìm thấy trong sự nghiệp sáng tác của ông. Ngòi bút châm biếm được thấy trong Những bài ca ở bộ, Truyện kể núi đồi, Câu chuyện về gia đình Gadsby, với những ngợi ca thú vị về sự sung sướng khi sống độc thân, cũng như trong cuốn tiểu thuyết gây nhiều tranh cãi, Ánh sáng lụi tàn. Kế đến là ngòi bút cảm thông nhân từ, được phác họa rõ nét trong Chuyện về Muhammad Din, và trong Chẳng có lợi lộc gì cho thày tu (Without Benefit of Clergy (trong tập Trở ngại của cuộc sống ), hòn ngọc của cảm xúc chân thành. Thứ ba là nét bút về luân thường đạo lí, hiển hiện trong Trở ngại của cuộc sống. Cho dù có giá trị lớn hay không, sự phân loại này, như thường gặp trong các vấn đề tương tự, không thể được áp dụng nhất quán cho toàn bộ các sáng tác của ông. Có một điều chắc chắn là Kipling đã viết và hát ngợi ca về lao động chân chính, thực thi nghĩa vụ, và tình yêu quê hương đất nước. Tình yêu quê hương với Kipling không chỉ đơn thuần là cống hiến cho Vương quốc Anh, mà là một tình cảm nồng nhiệt dành cho Đế chế Anh vĩ đại. Việc hợp nhất các thành viên của Đế chế là niềm mong mỏi ấp ủ bao lâu của nhà thơ. Niềm ấp ủ này hiện rõ khi ông kêu lên: “Họ nên biết gì về nước Anh, đất nước mà mới chỉ có nước Anh biết đến?”

Kipling mang đến cho ta những bức tranh đầy màu sắc về các nước khác nhau. Nhưng bộ mặt sắc màu của sự vật chưa bao giờ là điểm sáng chói trong sáng tác của ông. Ở mọi nơi, ông luôn luôn có lí tưởng mãnh liệt ở phía trước, lúc nào cũng “sẵn sàng, sẵn sàng bất cứ khi nào cần đến” và sau đó, khi được bổ nhiệm, “tiến đến Đức Chúa Trời giống như một chiến binh”.

Viện Hàn lâm Thụy Điển, khi trao giải thưởng Nobel Văn học năm nay cho Rudyard Kipling, muốn bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với nền văn học Anh, một nền văn học tràn ngập những chiến công lừng lẫy trên mọi phương diện, và đối với nhà thiên tài vĩ đại nhất trong lĩnh vực kể chuyện mà đất nước đó đã sản sinh ra vào đúng thời đại của chúng ta.(3)

Những tác phẩm nổi bật của Rudyard Kipling

Chuyện rừng xanh

(Tên gốc là “Sách rừng” – The Jungle Book. Các tên khác ở phiên bản tiếng việt: Câu chuyện rừng xanh, cậu bé rừng xanh)

Hẳn là bạn còn nhớ hình ảnh cậu bé rừng cùng con sư tử xuất hiện dày đặc trên cặp của học sinh trong rất nhiều thế hệ trẻ em. Nguồn gốc của nó chính là từ tác phẩm “Chuyện rừng xanh” của Rudyard Kipling. Chỉ nói vậy thôi bạn cũng hiểu độ nổi tiếng của tác phẩm này.

Đã gần hai thế kỷ, kể từ khi được xuất bản lần đầu năm 1894-1895, cho đến nay “Chuyện rừng xanh” vẫn là một trong những truyện thiếu nhi được ưa thích nhất trên toàn thế giới.

Bằng giọng văn đẹp, linh hoạt, giản dị, đầy trí tuệ, đầy cảm xúc, Kipling đưa người đọc đến với Mowgli, đứa bé con của loài người được bầy sói nuôi dạy, lớn lên thành Chúa Rừng, bạn của mọi loài thú, nói ngôn ngữ của chúng, hiểu và cảm thông với chúng. Qua những cuộc phiêu lưu khó quên, Mowgli dần dần học được những bài học quý báu về luật của rừng, về tình bạn, ý thức đúng-sai và tinh thần trách nhiệm.

Mowgli, cùng những người bạn-thú tuyệt vời của cậu – báo Bagheera, gấu Baloo, trăn Kaa, cũng như nhân vật trong nhiều truyện đặc sắc khác nữa như chồn hương Rikki-Tikki-Tavi, hải cẩu Kotick… – mãi mãi còn đó như biểu tượng đẹp về mối quan hệ khắng khít giữa các loài trong tự nhiên, sự khẳng định mạnh mẽ rằng con người không chỉ thuộc giống loài mình mà đồng thời thuộc một cộng đồng khác lớn hơn, cộng đồng của mọi loài trên trái đất.

Một trong những khung trời tưởng tượng đẹp nhất, trong trẻo nhất cho thiếu nhi và cho bất kỳ người lớn nào. Đây có thể nói là một trong những tác phẩm viết cho thiếu nhi hay nhất mọi thời đại.

Sự tích các loài vật

Bằng trí tưởng tượng rực rỡ của mình cùng với cái duyên viết truyện đậm chất cổ tích, Rudyard Kipling tiếp tục đem đến cho chúng ta một tác phẩm kinh điển khác: Sự tích các loài vật

Thời xưa, các con vật khác hẳn ngày nay, nhưng do con người hoặc phép thuật của các vị thần nên chúng đã bị biến đổi. Lạc Đà mang bướu vì không chịu lao động. Chuột Túi chân dài ra sau cuộc đua  thú vị với chó hoang Dingo, còn Báo có đốm là nhờ người vẽ lên giúp nó ngụy trang… Rất nhiều đặc điểm của các loài vật đã được giải thích qua các câu chuyện kì thú như thế trong cuốn truyện này.

Bằng trí tưởng tượng tinh tế, kết hợp với những truyền thuyết xa xưa trải dài từ đông sang tây, Rudyard Kipling đã viết nên Sự tích các loài vật, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Ngôn ngữ tài hoa của một nhà văn được trao giải Nobel đã khiến những câu chuyện giản dị biến thành những bức tranh muôn màu về sự kì diệu của thế giới. Cuốn truyện càng hấp dẫn hơn với những minh họa ngộ nghĩnh do chính Kipling thực hiện.

“Sự tích các loài vật” đã được dựng thành phim hoạt hình, và vở nhạc kịch dựa trên cuốn sách này, cho đến nay vẫn liên tục được biểu diễn ở các nhà hát danh tiếng trên thế giới.

Tham khảo bài dịch của Tân Đôn / Nguồn: http://nobelprize.org / © Culture Globe

Ghi chú:

(1) Boer: Tên gọi người Phi gốc Hà Lan.

(2) Do C. D. af Wirsén, Thư kí thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển đọc.

(3) Không có tiệc chúc mừng, vì Vua Oscar Đệ nhị của Vương quốc Thụy Điển qua đời ngày 8 tháng 12 năm 1907.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây